Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Về một liên minh chính trị của người Việt hải ngoại



Nguyễn Thị Từ Huy


Thời điểm này, ở Việt Nam chưa có các hoạt động chính trị đối lập, mới chỉ tồn tại các phản ứng mang tính tức thời, cục bộ, của các cá nhân hoặc các nhóm xã hội dân sự. Bao giờ xuất hiện các hoạt động chính trị đối lập lúc đó mới có thể nói đến sự nhen nhóm của một cơ cấu dân chủ trong xã hội.

Hiến pháp Việt Nam quy định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng không cấm (và không thể cấm, như đã có lần chứng minh) sự tồn tại của các đảng chính trị và các liên minh chính trị không cộng sản. Hơn nữa, chính sự tồn tại của các tổ chức chính trị đối lập mới cho phép một thể chế chính trị tự nhận mình là dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế, vì lo sợ cho vị trí độc quyền lãnh đạo, nên đàn áp bằng bạo lực  đang là sự lựa chọn của chính quyền (một chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đương nhiên), và vì thế việc thành lập đảng chính trị đối lập và thành lập các liên minh chính trị, cho đến hiện nay, vẫn chưa thể xảy ra ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, một liên minh chính trị mạnh của người Việt hải ngoại, nếu hình thành được và có những hoạt động cụ thể, sẽ là một chỗ dựa to lớn và vững chắc cho các hoạt động chính trị đối lập trong nước.

Hơn nữa, một hoặc nhiều tổ chức chính trị đủ mạnh ở hải ngoại, có ảnh hưởng đến quốc nội, hoạt động chính trị theo hướng xây dựng (nghĩa là có các chương trình nhằm giải quyết các vấn đề của Việt Nam) nhưng ở phía đối lập, sẽ tạo thành một áp lực cần thiết buộc đảng cộng sản Việt Nam, đảng độc quyền chính trị, phải tiến hành các cải cách mà tình thế đòi hỏi.

Hiện nay đảng cộng sản, từ trong bản thân nó, không đủ nội lực để cải cách. Và hoạt động chính trị đối lập trong nước chưa có, phản ứng của người dân chưa đủ mạnh và chưa hệ thống (một phần do thiếu tổ chức), vì thế chưa trở thành áp lực buộc đảng cầm quyền phải thay đổi. Một liên minh chính trị mạnh và các đảng chính trị mạnh của người Việt hải ngoại có thể đóng vai trò này, vai trò tạo áp lực buộc đảng cộng sản phải thay đổi. Nói cách khác, sự tồn tại và phát triển của các liên minh chính trị mạnh ở hải ngoại sẽ có ý nghĩa tích cực ngay cả đối với chính quyền cộng sản trong quá trình dân chủ hoá bộ máy chính trị.

Vấn đề là ở chỗ : cộng đồng người Việt hải ngoại, tồn tại trong các nước dân chủ, không phải chịu rủi ro, không bị đàn áp, không bị bất kỳ đe doạ nào, tại sao không thể hình thành được các liên minh chính trị đủ mạnh ?

Tuy nhiên, theo tôi, không nên đặt trọng tâm vào câu hỏi này. Mà nên chăng, việc trả lời câu hỏi này được dùng làm cơ sở để tìm cách trả lời câu hỏi sau đây, cốt yếu hơn rất nhiều trong bối cảnh hiện nay :

Làm thế nào để thành lập được một hoặc một số liên minh chính trị mạnh của người Việt ở hải ngoại, hoạt động được như « Liên minh quốc gia vì dân chủ » của Miến Điện ?

Chúng ta chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam yếu kém, không có khả năng cải cách, không có khả năng thay đổi. Nhưng hãy nhìn vào chính chúng ta để nói xem bản thân chúng ta có khả năng thay đổi hay không, bản thân các tổ chức đang tồn tại có khả năng cải cách hay không, và chúng ta có khả năng hình thành các tổ chức mới hay không…

Việc thành lập được một liên minh chính trị mạnh ở hải ngoại sẽ là một bằng chứng cho khả năng thay đổi của người Việt, bằng chứng cho tính cộng đồng và tính trách nhiệm của người Việt. Đồng thời chắc chắn điều này sẽ là một động lực mạnh mẽ cho các hoạt động chính trị đối lập ở trong nước, và sẽ góp phần quan trọng cho việc giải quyết các vấn đề chính trị tại Việt Nam, nghĩa là sẽ có đóng góp cho sự duy trì và phát triển của quốc gia.

Vì thế xin nhắc lại câu hỏi này : Làm thế nào để thành lập được một hoặc một số liên minh chính trị mạnh của người Việt ở hải ngoại ?

Câu trả lời xin dành cho tất cả mọi người. Bởi vì công cuộc dân chủ hoá thuộc về trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người, chứ không phải là độc quyền của riêng ai hay của riêng một nhóm nào.

Paris, 31/10/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét