Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Việt Nam có cần Luật Ngôn Ngữ?

VOA Tiếng Việt


Nhiều người cho rằng những sự sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ và về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ.


Một hội thảo gần đây được tổ chức tại Hà Nội đã bàn thảo về việc liệu có nên cho ra đời một bộ luật mới – Luật Ngôn Ngữ - trong bối cảnh tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bị “lệch chuẩn.”

Báo chí trong nước đưa tin, các nhà khoa học và nhà báo tham gia hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” hôm 5/11 đề nghị cần phải ban hành “luật ngôn ngữ” để chỉnh sửa ngôn ngữ phổ biến trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam hiện nay.

Trong những năm gần đây có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan tới ngôn ngữ báo chí khiến dư luận quan tâm. Dân Trí trích lời tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhận định rằng “cách dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả” và cách đặt tiêu đề, rút tít “thiếu thực tế, thậm chí giật gân câu khách” cũng như “tâm lý chuộng ngoại, sính ngữ” đã làm cho chuẩn mực tiếng Việt bị hạ thấp.

Những người tham gia hội thảo cho rằng những sự sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ và về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cũng cho rằng giật tít để câu view đang là một xu hướng trên các báo và truyền thông Việt Nam:

"Đang có một motif mới là đưa tít ra thế này ví dụ 'Donald Trump đắc cử tổng thống vì nguyên nhân này.' Đó là một cách câu khách để làm sao độc giả phải mở cái tít đó và xem cái nguyên nhân này nó là cái gì."

Theo ông Dũng, các nhà báo Việt Nam đang dùng từ ngữ “hết sức tùy tiện và không có một nền căn bản về vấn đề ngôn ngữ học.” Ông nói:

"Điều đó cho thấy sau hơn 20 năm và với cái đà đào tạo bất kể như thế này và với lượng phóng viên nhà báo Việt Nam hiện nay ít nhất là 17.000 người có thẻ mà tổng số kể cả những số phóng viên chưa có thẻ là gần 30.000 trên khoảng 800 đầu báo và 80 tờ báo mạng. Thì điều đó cho thấy lạm phát tất cả và trong đó suy thoái trầm trọng về vấn đề ngữ nghĩa."

Giáo sư Nguyễn Văn Khang của Viện Ngôn Ngữ Học được Dân Trí trích lời nói về “sự hào phóng trong sử dụng ngôn ngữ dẫn đến làm sai lệch thông tin trên nhiều tờ báo (nhất là báo mạng): “Chưa bao giờ từ tuyệt vời được sử dụng với tần số cao như hiện nay. Trong tiếng Việt, có 3 từ chỉ mức độ cao hay được sử dụng là rất, quá, lắm nhưng giờ đây lại được cấp thêm những từ cực kì, cực, thậm chí còn có cả trên cả tuyệt vời, bá đạo, vãi. Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng hậu mỗi thời chỉ có một nhưng nay lại còn sử dụng như vua bóng đá, nữ hoàng nhạc nhẹ, ông hoàng nhạc Pop…’.”

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, áp lực về việc cần phải có bài viết và cạnh tranh về lượng độc giả đã làm các nhà báo, nhất là những phóng viên trẻ, không chú tâm về ngôn từ trong bài viết:

"Đúng là họ chẳng còn thời gian để chú ý nữa vì cả ngày họ phải đi săn tin mà trong hoàn cảnh ở Việt Nam cả ngày không có tin nào cả thì đúng là họ phải lo cái nồi cơm của họ trước khi lo đến vấn đề ngôn ngữ. Thành thử đó là một lý do nữa để tính thực dụng trong báo chí làm cho người ta không còn quan tâm tới nền tảng văn hóa về ngôn ngữ áp dụng trong báo chí nữa."

Tuy nhiên chủ tịch Hiệp Hội Báo Chí Độc Lập cho rằng một luật về ngôn ngữ sẽ không giải quyết được vấn nạn này bởi Việt Nam có quá nhiều luật mới ra mà không được thực thi đầy đủ và hiệu quả.

Ông Dũng cho biết: "Thay vì chuyện ban hành quá nhiều luật pháp thì phải kêu gào đặc biệt là môi trường đào tạo bắt đầu từ những môi trường đại học là phải chú ý tới vấn đề trách nhiệm ngôn ngữ."

Ông Dũng nói nếu không bắt đầu từ việc đào tạo này thì luật ngôn ngữ cũng sẽ có số phận như luật môi trường được ban hành cách đây 10 năm khi bộ luật này ra đời nhưng không thể ngăn những vụ vi phạm môi trường lớn như Vedan, Sonadezi và gần đây nhất là Formosa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét