Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Từ cái clip nhốt kẻ trộm chó trong cũi

Đoàn Khắc Xuyên

Dù thế nào, những cái clip đau lòng nói trên cho ta thấy một mặt lòng nhân trong xã hội đã bị hủy hoại đến mức nào dù chiến tranh và những hành động dã man gắn liền với chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, và mặt khác xã hội chúng ta đang ở đâu trên con đường tiến tới một xã hội trọng pháp.
Nếu coi các phim hình sự hoặc đọc tin tức, hình ảnh về tội ác giết người, khủng bố ở các nước, chúng ta sẽ thấy khi tội ác xảy ra cảnh sát lập tức can thiệp nhằm vô hiệu hóa tội phạm rồi dẫn giải tội phạm đi, bảo vệ tội phạm khỏi phản ứng phẫn nộ của quần chúng chứ không để quần chúng trút sự phẫn nộ của mình lên kẻ phạm tội.

Tất nhiên, kẻ thủ ác sẽ bị trừng phạt, nhưng chỉ bị trừng phạt bởi pháp luật, với một bản án của tòa, chứ không phải là giao kẻ thủ ác làm mồi cho sự giận dữ của quần chúng. Công lý chỉ dựa trên pháp luật chứ không phải là công lý của đám đông tức giận. Đó là chuyện xảy ra trong một xã hội trọng pháp, nơi các mối quan hệ được xử lý theo pháp luật và chỉ theo pháp luật chứ không phải theo tình cảm hay sự giận dữ của đám đông.

Ai có coi cái clip một kẻ trộm chó ở Văn Giang, Hưng Yên bị đánh đập be bét máu, bị trói tay sau lưng và nhốt vào cái cũi cùng với con chó đã chết, bị đám đông vây quanh (có cả một bà mẹ bế con) chửi bới, xỉ vả và chẳng thấy bóng dáng đại diện công lực ở đâu, thì sẽ thấy xã hội chúng ta sống đang ở đẳng cấp nào. Trước cái clip này chưa lâu là một cái clip khác trong đó người ta thấy một phụ nữ trộm chó bị đánh đập, bị cột con chó đã chết vào người như một sự sỉ nhục đến tận cùng, bị lôi xuống khỏi xe gắn máy để đánh đập tiếp khi chị ta đã được đưa lên xe để chở về trụ sở công an.

Trong các comment dưới cái clip mới nhất gây chấn động tâm can và được nhiều chia sẻ, người ta đọc thấy những bình luận như: “công lý thuở hồng hoang”, “công lý bộ lạc”, “công lý lũy tre làng”... bên cạnh những lời bình thương xót như: dù gì họ (kẻ trộm chó) cũng là con người, không nên đối xử như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng kẻ trộm chó đáng bị như vậy, vì những lý do như: trộm chó là trộm con vật nuôi yêu thương của chủ nhà nên phải đền tội, rằng nhà mất chó nhiều lần nên rất uất ức, rằng kẻ trộm chó thường có mang vũ khí và rất manh động, từng tấn công gây tử vong cho những người phát hiện, rằng kẻ trộm chó biết là sẽ bị trừng phạt nặng nề mà vẫn trộm, chứng tỏ họ cũng chẳng coi mạng sống của họ ra gì, rằng có bắt giao cho công an rồi thì kẻ trộm chó cũng được thả ra và tiếp tục đi ăn trộm, rằng thương xót kẻ trộm chó là đạo đức giả v.v.. Nói chung, tất cả lý do biện hộ cho việc đối xử dã man với những kẻ trộm chó bị bắt đều ít nhiều “có lý”.
Ta có rất nhiều luật nhưng cũng nhiều luật ở trên trời, không sát với đời sống thật, không xử lý được các mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày.                                                                
Nhưng cái lý lớn nhất để không ra tay tàn độc với kẻ trộm chó là kẻ trộm (kể cả trộm nhiều lần) cũng vẫn là con người, và khi con người ra tay tàn độc với con người thì kẻ ra tay cũng tự hạ thấp tính người, phẩm chất người của mình xuống. Nói như vậy không phải là đạo đức giả mà quả thật, khi ta dùng bạo lực thiếu kiểm soát với người khác, cho dù đó là tội phạm, ít nhiều ta đánh mất mình. Nói gì đến lòng nhân?

Tất nhiên, ai cũng biết những chuyện như vậy chỉ có thể xảy ra khi lực lượng trị an, lực lượng thi hành luật pháp, dù đông, đã không làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc bảo đảm cuộc sống an toàn cũng như bảo vệ tài sản của người dân. Họ cũng không có mặt kịp thời, hoặc có mặt nhưng làm lơ, không “bảo vệ” tội phạm cho luật pháp xử mà để cho đám đông tự thi hành công lý, trút sự phẫn nộ xuống kẻ phạm tội. Cũng cần nói thêm rằng, ta có rất nhiều luật nhưng cũng nhiều luật ở trên trời, không sát với đời sống thật, không xử lý được các mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày. Các nhà làm luật sẵn sàng đề ra những hình phạt với tội ngoại tình, nhưng để bảo vệ tài sản của người dân thì luật lúng túng.

Dù thế nào, những cái clip đau lòng nói trên cho ta thấy một mặt lòng nhân trong xã hội đã bị hủy hoại đến mức nào dù chiến tranh và những hành động dã man gắn liền với chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, và mặt khác xã hội chúng ta đang ở đâu trên con đường tiến tới một xã hội trọng pháp.


Đoàn Khắc Xuyên (Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét