Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Câu chuyện ngoại giao

Lê Phan

Hồi tôi còn đi học, một trong những cuốn sách được coi như là nền tảng của ngành ngoại giao là cuốn sách của Sir Harold Nicolson, một nhà ngoại giao Anh sau ra ứng cử hạ viện. Mang cái tên Diplomacy: A Basic Guide to the Conduct of Contemporary Foreign Affairs, viết hồi năm 1939, cuốn sách mỏng này trong một thời gian đã được coi như bửu bối của ngành ngoại giao.

Trong cuốn sách này, Sir Harold đã lập ra một danh sách mười sáu tính tốt cho một nhà ngoại giao lý tưởng và một nền ngoại giao lý tưởng. Trong ngoại giao Anh Quốc, có thời người ta gọi nó là “Nicolson Test.” Danh sách đó là: Sự thật, chính xác, điềm đạm, kiên nhẫn, bình tĩnh, khiêm nhường, trung thành, thông minh, kiến thức, biết nhận thức, thận trọng, hiếu khách, lịch sự, chăm chỉ, can đảm và khéo léo.”

Mấy hôm nay Anh Quốc đang ồn lên vì chuyện ông Nigel Farage, lãnh tụ của một đảng chính trị đang giãy chết, đảng UK Independent Party, bỗng đột nhiên được tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ “đề nghị” với chính phủ Anh để đưa sang làm đại sứ Anh tại Washington, DC.

Những chuyện ồn ào này làm tôi nhớ đến Nicolson Test và thấy người mà ông Trump đòi Anh Quốc phải bổ nhiệm làm đại sứ đó hẳn là không sao đậu nổi. Ngoài chuyện có lẽ ông trung thành với ông Trump ra, ông không có được một đức tính nào trong số những đức tính mà Sir Harold coi là cần thiết của một nhà ngoại giao.

Dĩ nhiên khó thấy một nhà ngoại giao nào có thể có được đủ những đức tính đó. Nhưng những nhà ngoại giao thật giỏi có khá nhiều những đức tính được Sir Harold đề ra.

Nhưng có lẽ sẽ có người bảo ngoại giao như diễn tả bởi Sir Harold đã lỗi thời rồi. Thời nay, ngoại giao được định nghĩa bởi một cái tweet từ một nhân vật sắp lên làm tổng thống ‘dạy bảo’ một quốc gia hãy chọn một người bạn của ông để đưa lên làm đại sứ.

Hôm 22 tháng 10 vừa qua, tổng thống đắc cử Donald Trump tweet “Có nhiều người muốn thấy @Nigel_Farage đại diện Anh Quốc là Đại sứ tại Hoa Kỳ. Ông ta làm việc rất tốt!”

Phải nói là ngay cả trong ngoại giao ngày nay, sự can thiệp này quả thật là bất bình thường. Khi một quốc trưởng tương lai của một quốc gia bảo một quốc gia khác họ nên chỉ định ai làm đại sứ cho họ ở nước mình đã là chuyện bất bình thường rồi. Nhưng khi hai quốc gia này có một liên hệ mà phía Anh ít nhất coi là rất đặc biệt, thì đó quả là một sự vi phạm hầu như hết mọi nghi thức ngoại giao.

Cho đến nay, Anh Quốc vẫn còn đang phân vân không biết nên cười hay nên khóc. Họ cũng không hiểu cái “nhiều người” của vị lãnh tụ tương lai của Hoa Kỳ là ai, nhưng họ biết chắc số “nhiều người” đó không sống ở bên này Đại Tây Dương.

Chỉ một cái tweet đó thôi là đủ tạo nên một sự căng thẳng khó thở trong liên hệ giữa ông Trump và bà Theresa May, thủ tướng Anh, mặc dầu họ chưa gặp nhau một lần.

Hay là có lẽ đã đến lúc thế giới làm quen với cách cai trị của tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ. Ông thích cai trị bằng Twitter. Chúng ta cũng biết thêm là ông Trump có vẻ nghĩ hành vi bình thường chỉ cho bọn dân đen thôi; những lãnh tụ muốn làm gì thì làm. Sự việc ông Trump có vẻ tin là ông có quyền đề nghị ông Nigel Farage phải được chỉ định làm đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh ở Washington có thể chỉ là một thí dụ nữa của sự bất cẩn của ông Trump, nhưng nó cũng sẽ cho ít nhất là toàn Âu Châu thấy rõ mức độ khó tiên đoán của ông sẽ tạo nên vấn đề cho ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Đó, thưa mới chính là lý do tại sao các đồng minh của Hoa Kỳ muốn bà Hillary Clinton đắc cử: Dầu bà ta có không hoàn hảo chăng nữa, ít nhất có thể biết bà sẽ hành động ra sao.

Dầu sao chăng nữa, văn phòng thủ tướng Anh không còn cách gì khác mà chỉ có thể nói là thủ tướng hoàn toàn tin tưởng và vị đại sứ đương nhiệm. Nó cũng sẽ đặt vị đương kim đại sứ, Sir Kim Daroch, trong một vị thế khó xử khi ông muốn tìm cách làm thân với tân chính phủ. Vị thế của ông đã bị làm tổn thương bởi chính tổng thống tương lai. Chả trách mà Số 10 đường Downing và bộ ngoại giao Anh bối rối. Phát ngôn nhân Phủ thủ tướng đã trả lời ngắn gọn “Không có việc. Chúng tôi đang có một đại sứ rất tài giỏi ở Hoa Kỳ.”

Riêng ông Farage thì quá thích thú. Vốn thường thích chọc quê và gây gổ với đảng Bảo Thủ mà có lúc ông là đồng minh nhưng thường là đối thủ dầu chỉ là một thứ đối thủ con muỗi, ông đã tiếp tục đổ dầu vào lửa, lên tiếng với báo chí khoe khoang về liên hệ giữa ông và vị lãnh tụ của cường quốc duy nhất còn lại trên thế giới này.

Kể từ khi ông Trump thắng cử, thế giới đã chờ đợi là luật lệ sẽ bị vứt qua cửa sổ. Có điều ít ai có thể tiên đoán nó có thể theo hình thức này.

Một số nhà bình luận Mỹ thì bảo Anh Quốc quá tin tưởng vào cái gọi là “liên hệ đặc biệt.” Họ cũng đã tỏ ra quá dễ bị kích thích khi thấy hành động mà họ nghĩ làm nhẹ đi liên hệ đặc biệt đó. Chẳng hạn như khi Tổng Thống Barack Obama dời bức tượng bán thân của cố Thủ tướng Winston Churchill ra khỏi Văn Phòng Bầu Dục sang một phòng khác trong Tòa Bạch Ốc, đã có quá nhiều đồn đoán, nhất là trong báo chí lá cải của Anh, về cử chỉ “coi nhẹ” đồng minh của ông Obama.

Thực ra, ai cũng hiểu là liên hệ Anh Mỹ đặt nền tảng trên những quyền lợi chung hơn là tình cảm đặc biệt. Và sở dĩ nó trở thành đặc biệt chính là vì những liên hệ đó trong những năm gần đây ngày càng chòng chéo. Quan hệ đặc biệt này thỉnh thoảng lộ rõ như khi Bỉ bị khủng bố tấn công, giám đốc cảnh sát Bỉ than thở là ông không có đủ nhân viên và cầu cứu đồng minh giúp đỡ tin tức tình báo. Nhưng tình báo từ nguồn tin tốt nhất, tức là từ Cơ quan Trung ương Tình báo của Hoa Kỳ thường đến trễ vì nó phải được chuyển qua cho MI6 của Anh. Khi tìm hiểu thêm thì các viên chức Hoa Kỳ giải thích là họ không tin được vào sự bảo mật của các cơ quan tình báo Âu Châu nên họ chỉ có thể loan những tin tế nhị qua một đồng minh thân cận như Anh.

Nhưng ở cái thời buổi của ông Donald Trump thì ngay cả những liên hệ mật thiết đó có thể cũng bị đình chỉ hay đảo ngược. Biết đâu tân tổng thống lại chả tín nhiệm tình báo FSB của “người bạn” Putin hơn là MI-6 của bà May.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất về đề nghị của ông Trump, cho những người ở bên này Đại Tây Dương, là điều ông nói một chính trị gia thay vì một nhà ngoại giao nên được chọn.

Sir Christopher Meyer, đại sứ của chính phủ Anh và Triều Đình Điện St. James ở Washington, cho đúng danh xưng chính thức của ông, từ năm 1997 đến năm 2003, giải thích: “Hai hệ thống rất khác nhau. Ở Hoa Kỳ nhiều đại sứ là những người đã đóng tiền hay giúp đỡ tổng thống đắc cử trong chiến dịch tranh cử. Đó là tiêu chuẩn bình thường trong hệ thống Mỹ, không phải như ở Anh.”

Hiệp Hội Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết là trong số các chức đại sứ được chỉ định trong giai đoạn ông Barack Obama làm tổng thống, 69.7% là các nhà ngoại giao nhà nghề và phần còn lại 30.3% là các nhân vật chính trị. Hầu hết những chức vụ được coi như là “béo bở” vào tay các nhà chính trị.

Đương kim đại sứ Hoa Kỳ ở Triều Đình Điện St. James, như tên chính thức của ông, là ông Matthew Barzun, một nhà kinh doanh Internet vốn đóng vai là chủ tịch tài chánh của ban vận động tái cử của Tổng Thống Obama.

Dĩ nhiên không phải Anh Quốc không có những đại sứ chính trị. Ông David Ormsby-Gore, một cựu thứ trưởng Bảo Thủ, đã là đại sứ Anh ở Washington trong các năm 1961 và 1965. Còn có cả một vụ scandal khi Thủ tướng Lao Động James Callaghan đưa cậu con rể sang làm đại sứ Anh tại Washington.

Nhưng nói chung ở Anh Quốc chuyện đó rất hiếm, bởi một đại sứ Anh không những đại diện cho chính phủ Anh mà còn đại diện cho hoàng gia. Một vị đại sứ được Bộ Ngoại giao đề cử những phải được chấp thuận bởi Điện Buckingham. Và thường thì hoàng gia không có ý kiến nhưng nếu một nhân vật có quá nhiều tai tiếng thì hoàng gia có thể tỏ ý không hài lòng.

Tiến trình tuyển chọn bắt đầu từ khi một nhà ngoại giao vào nghề. Một số nổi bật sẽ được theo dõi, cho huấn luyện thêm, cho thêm kinh nghiệm, để xứng đáng với chức vụ. Giáo Sư Richard Whitman, của viện nghiên cứu ngoại giao Chatham House giải thích là riêng về đại sứ ở Hoa Kỳ thì còn cần thêm một số đặc tính “Điều họ muốn, đặc biệt cho chức vụ ở Washington, là người không những có kỹ thuật tốt của một nhà ngoại giao mà còn có bén nhạy chính trị nữa.” Điều đó có nghĩa, theo giáo sư Whitman, là ông đại sứ có thể gửi những mẩu tin mà “không thấy trên trang báo” tìm được qua các cuộc gặp gỡ không chính thức. Đại sứ cũng cần phải được qua các kiểm tra lý lịch gay gắt.

Nhưng Sir Christopher thì bảo mặc dầu liên hệ Anh Mỹ rất mật thiết một đại sứ “thường phải cứng rắn” và “một nhà chính trị có thể làm được việc đó nhưng việc không thể cho phép là để một quốc gia khác ra lệnh cho mình là ai nên làm đại sứ của mình. Việc đó không chấp nhận được.” Sir Harold hẳn đồng ý.

Và chắc chắn là ông Nigel Farage không thể là “một gentleman được gửi đi ngoại quốc để nói láo cho nước mình,” vốn là một định nghĩa mỉa mai của một nhà ngoại giao Anh. Ông ta có thể nói láo nhưng không phải cho Anh Quốc mà là cho ông bạn Trump của ông.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét