BBC
Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói về đối sách của Việt
Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông trong tình hình có thay đổi
vị thế, chiến lược từ Mỹ và Trung Quốc.
Trước khả năng Trung Quốc có thể gia tăng vị thế ở khu vực
châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và Đông Nam Á, trong bối cảnh hậu bầu
cử Mỹ 2016, Việt Nam cần có chính sách 'độc lập hoàn toàn', và phải có tính
toán sách lược 'rất dài hạn', theo một học giả và nhà quan sát bang giao quốc tế,
khu vực từ Hoa Kỳ.
Trả lời câu hỏi của BBC Việt ngữ về việc Việt Nam cần đối
phó thế nào nếu Mỹ thay đổi, thuyên giảm vai trò, ảnh hưởng ở khu vực, trong
lúc Trung Quốc nhân đó nâng cao hơn nữa vị thế vốn đã rất cạnh tranh hiện nay về
an ninh, quân sự, hôm 26/11, từ New York, nhà nghiên cứu Việt Nam học, cựu
chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên Hợp Quốc, Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói:
"Việt Nam bây giờ ở thế là muốn giữ cân bằng, trong suốt
thời gian dài muốn có cân bằng, muốn có vị thế đối với Mỹ và để cân bằng như thế,
TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) là một hình thức Việt Nam 'giả vờ'
là mình dân chủ hơn, 'giả vờ' này nọ kia khác, để được đưa vào TPP.
"Nhưng TPP giờ không có nữa, thì Việt Nam chỉ có một
con đường thôi, đó là hoàn toàn phải độc lập, cũng phải xây dựng quân sự để có
cơ sở bảo vệ chính mình.
"Ít nhất là Trung Quốc mà động đến Việt Nam, thì không
giống như là Philippines, là họ sẽ phải trả giá khá đắt chứ không phải là nhỏ,
vì con đường hàng hải là con đường lớn.
"Nếu Việt Nam đi vào vấn đề cuộc chiến tranh gây ra, tấn
công thường xuyên tàu bè của Trung Quốc đi lại, tàu buôn, thì Trung Quốc phải
trả giá không phải là nhỏ, dĩ nhiên là Việt Nam sẽ trả giá cực lớn, và điều đó
Việt Nam không bao giờ muốn, tôi nghĩ không ai muốn chuyện đó. Do đó, Việt Nam
bắt buộc phải ở thế độc lập, phải tự bảo vệ mình.
"Còn nếu đi theo Trung Quốc, trong tương lai, ông
(Donald) Trump, tôi nghĩ, một Tổng thống như vậy mà không thay đổi chính sách
(như lúc tuyên bố khi tranh cử), thì cũng chỉ được một thời gian và lúc khác nước
Mỹ sẽ khác.
"Do đó Việt Nam không thể tính đường ngắn hạn trước mặt
được mà phải là đường rất là dài, mà đường rất dài thì bắt buộc phải độc lập."
'Mua chuộc và sập bẫy'?
Mỹ có thể có những thay đổi mạnh và khác biệt
lớn so với chính quyền trước về chính sách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương
dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump, theo giới quan sát và bình luận.
Liên quan điều chỉnh chiến lược, chiến thuật có thể có tới
đây của Trung Quốc, cường quốc đang lên ở khu vực và quốc tế, trong bối cảnh hậu
bầu cử Mỹ 2016, học giả từ New York tiếp tục đưa ra ý kiến riêng mang tính dự đoán:
"Dĩ nhiên trong thời gian sắp tới, nếu Trung Quốc khôn
khéo ra, thì họ sẽ áp (lực), giống như họ xây một vài cái (công trình) ở ngoài
biển, họ chiếm một vài hòn đảo, xây lên, Mỹ bản thân cũng không dám làm gì.
"Phải tính cách khác vì đem tàu đánh nhau thì dĩ nhiên
Mỹ không muốn. TPP là một trong các đối pháp của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc 'khôn
ra', thì họ bắt đầu 'mua chuộc' (?). Họ 'mua chuộc' bằng nhiều hình thức, tức
là bắt đầu ông (Rodrigo) Duterte ở Philippines, họ đã có tính chất họ 'mua chuộc'
rồi, tức là họ hứa sẽ đầu tư.
"Họ để cho Philippines đánh cá ở khu vực tranh chấp, mặc
dù họ vẫn nói rằng khu đó của họ (Trung Quốc), nhưng họ cho Philippines được tới
đánh cá, sắp tới, nếu khôn ra, họ sẽ làm đủ mọi cách 'mua chuộc' Việt Nam như vậy.
"Vấn đề của Việt Nam là có rơi vào 'cái bẫy' đó hay
không, đề rồi cuối cùng bị lệ thuộc, cơ bản là Việt Nam hiện tại lệ thuộc rất
nhiều vào Trung Quốc về mặt nhập khẩu hàng ở Trung Quốc. Nhưng nhập khẩu, thì nếu
có chính sách tốt, có thể chuyển đổi nhập khẩu từ nơi khác.
"Và chính sách tốt hơn nữa là nâng cao chất lượng, lúc
bấy giờ không cần phải nhập những hàng (hóa) hay những máy móc rất tệ hại của
Trung Quốc - chỉ có hại cho mình.
"Trong trường hợp như hiện tại của Việt Nam, nếu nhìn kỹ
ra, nhập khẩu máy móc và làm ăn với Trung Quốc bây giờ là thiệt, chứ không phải
là lợi, Việt Nam phải suy nghĩ cái đó, dĩ nhiên phải có chính sách, nếu không
chỉ nhìn trước mắt, thì họ (Việt Nam) sẽ làm ăn với Trung Quốc, miễn sao có tiền
để trả cho Trung Quốc.
"Đây là một điều mà tôi nghĩ Việt Nam cho đến bây giờ
không bao giờ nhìn dài lâu cả," Tiến sỹ Vũ Quang Việt đưa ra nhận xét từ
quan điểm riêng.
Ai khác ngoài Trung Quốc?
Nhà báo Ngô Ngọc Văn, BBC World Service
(trái), nói với Bàn tròn thứ Năm về khả năng thay đổi trong vị thế và sức mạnh
của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương hậu bầu cử Mỹ 2016.
Mới đây, trong một trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của
BBC Việt ngữ, nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu), từ Thế giới vụ BBC, nguyên Biên
tập viên thời sự thuộc BBC Tiếng Trung, bình luận với Tọa đàm hôm 24/11 về khả
năng Trung Quốc tăng vị thế ở khu vực và Biển Đông sau khi ông Donald Trump
đánh bại bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống đắc cử thứ
45 của Hoa Kỳ.
Trả lời câu hỏi liệu với việc Tổng thống Trump chuẩn bị lên
nhậm chức thay ông Barack Obama, Hoa Kỳ đang 'chuyển giao' vị thế cường quốc 'dẫn
đầu' khu vực sang tay Trung Quốc hay không, bà Ngô Ngọc Văn nói:
"Tất nhiên chúng ta phải xem Chính phủ mới của Mỹ của
Donald Trump sẽ làm gì, các chính sách chính xác liên quan tới châu Á ra sao.
"Nhưng có một điều thú vị khi chúng ta xem một phát biểu
gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh của
APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) ở Peru hồi tuần trước.
"Ông đã tỏ ra hài hước khi nói có một số loại cây bắt rễ
ở một chỗ rồi sau đó lan ra, Trung Quốc luôn luôn có gốc rễ ở châu Á - Thái
Bình Dương. Nhận xét đó đưa ra với các đại biểu dường như để nhắc nhở rằng
Trung Quốc luôn luôn là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
"Những người khác có thể đến và đi, nhưng Trung Quốc
luôn cắm rễ ở đó.
"Do đó, thông điệp đó có nghĩa là ở đâu mà sức mạnh của
châu Á là một sức mạnh lớn, chúng tôi (Trung Quốc) sẽ thực thi sự kiểm soát
chính đáng của chúng tôi và theo cách thức của chúng tôi, đưa khu vực hợp lại với
nhau trong sáng kiến của chúng tôi.
"Tôi đã nói về chiến lược "Một vành đai - Một con
đường", sáng kiến đó đang hình thành, nó sẽ liên kết không chỉ các quốc
gia ở vùng chấu Á - Thái Bình Dương, mà còn với cả các nước ở Trung Á và cả các
quốc gia châu Âu nữa.
"Như thế Trung Quốc có tham vọng và với sức mạnh kinh tế
và quân sự, tôi nghĩ Trung Quốc đang cảm thấy tự tin hơn rất nhiều để có một
vai trò mạnh mẽ, chủ động hơn.
"Và vào thời điểm này, nếu Hoa Kỳ rút lui về mặt nào đó
khỏi châu Á, hay là rút đi sự can dự của họ khỏi nơi này, thì ai khác sẽ lấp
vào chỗ trống đó ngoài Trung Quốc đây?", nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với Bàn
tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 24/11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét