Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

‘Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…’

Tạp ghi Huy Phương



Trước hết xin Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức chớ vội kết tội người viết bài này đi lạc vào lãnh vực y khoa, vốn là trang chuyên môn của ông trên trang báo này lâu nay, vì chúng tôi chưa hề được ngồi trên ghế trường y ngày nào. Chuyện tiểu đường hôm nay được nhìn qua lăng kính của một chuyện đời thường, chuyện của một trong 29.1 triệu người Mỹ, “cả làng toét mắt chẳng mình em đâu!”

Cũng chỉ vì nghe lời bác sĩ cố gắng ăn mỗi ngày ba lần trái cây, nên tôi đã nghe theo lời dặn, buổi sáng ăn một trái xoài, trưa ăn một trái thơm, chiều ăn một trái cam. Cũng theo lời các triết gia trên Internet, nói đến tuổi ngoài 70, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, muốn ăn gì thì ăn, muốn yêu ai thì yêu, muốn nói gì thì nói, nên hôm nay tôi mới ra nông nỗi này! Đã một thấp (khớp) hai cao (máu, mỡ) nay thêm một đường nữa cho đủ thế chân vạc (tam phân thiên hạ, đỉnh túc nhi cư).

Bệnh tiểu đường còn gọi là tháo đường, nói đại ra một cách nôm na mách qué là bệnh đái đường. Sao người ta không dùng chữ nghĩa cho nhẹ nhàng hơn như là cao đường trong máu hay là máu có lượng đường quá giới hạn. Bệnh đái đường này ở các nước nhược tiểu, hay nhược tiểu mà vô văn hóa như Việt Nam, là một bệnh nặng ngoài tầm kiểm soát, nhất là cho phái nam. Nhiều thứ thuốc đã được phát minh để chống bệnh đái đường, một trong những phát minh là người ta chế ra một thứ sơn, sơn vào vách, khi có một lực nước mạnh bắn vào, sẽ gặp một tác dụng là thứ nước này sẽ bắn ngược trở lại. Những ai bắn dù một lực nhỏ nước vào tường, sẽ nhận thứ nước ấy bắn trở lại. Không ai muốn như vậy, nên không ai dại gì đái vào tường mà vẫn thủy chung đái xuống đường là chuyện đâu vẫn hoàn đấy! Lăng ở đây thì nhiều vô kể, mà nơi chốn để “thăm lăng” thì quá ít ỏi, có khi là không có.

Bây giờ, buổi sáng xuống giường, đo lượng đường trong máu thường không dưới 125/dl, ba tháng thử đường thì con số HgA1C lớn hơn 6.5%.

Tôi thường nghe nói, nếu phát bệnh tiểu đường bây giờ, 10 năm sau mới chết, mà bây giờ tôi đã bước vào tuổi 80, được sống thọ cho đến 90 thì ai mà chẳng ham. Nhưng lại nghe bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính đưa đến bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư phải cưa chân, cắt tay… thì mới thấy hoảng. Trong các chuyện này, chỉ một chuyện “liệt” là không thiết, còn các chứng kia, cũng phải lo. Tôi đã có bà con, bạn bè hàng ngày phải chích isulin vào bụng, mỗi tuần ba lần phải đi lọc máu, cuối đời, kẻ thì mù mắt, người thì phải cưa chân, “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”

Nghĩ cái cảnh trong bệnh viện, nhà phục hồi (rehab center) những nơi mình đã trải qua mà hãi hùng, lại nghĩ làm khổ cho gia đình, vợ con trăm bề, nên có bệnh thì phải “tìm thầy chạy thuốc!” “Vái tứ phương.”

Có ba thứ có thể chặn được bệnh tiểu đường là: dùng thuốc, tập luyện đều đặn, và nhất là ăn kiêng. Dùng thuốc xem như chuyện dễ dàng, tập luyện tuy không chuyên cần nhưng cũng ráng được, duy nói chuyện ăn kiêng, đã thấy cuộc đời mất vui. Ăn chẳng phải là cái thú trong bốn cái thú ở đời, “cũng chẳng sướng sao?”

Chắc các bạn cũng đã từng nghe mùi thơm của một nồi cơm trắng, gạo mới vừa chín tới đang còn bốc hơi nóng, chúng ta nghĩ đến một khúc cá kho hay một chén nước mắm ớt, cũng đã thấy cồn cào gan ruột. Vậy mà chiều nay, trở về nhà, nghĩ đến chén cơm gạo đỏ rời rạc, khô queo đã thấy nản, dù là ăn với sơn hào, hải vị đi nữa!

Cái ăn đi theo cái uống. Cuộc đời tha hương, mỗi sáng trời chớm lạnh như hôm nay, không gì thú bằng uống một ly cà phê sữa nóng. Quý vị cũng hiểu rằng sữa đây là sữa đặc trong hộp, hiệu con chim hay con bò, chứ nếu là sữa tươi, thì còn gì là ly cà phê buổi sáng của tôi nữa? Vậy mà bây giờ, phải uống cà phê với một chút đường cát hay là đường hóa học, thì đời đã hết vui.

Nào cam vắt, nào chanh giây, chanh muối, nào ly sinh tố, nào nước boba, nào trái cây xay đều được nhận một cái lắc đầu. Ở tiệm phở, ăn xong, nhà hàng bưng đến một chén chè “khuyến mãi,” cũng phải khoát tay!

Bánh kẹo, sở thích của tôi từ thuở nhỏ, là hai thứ: bánh bông lan và kẹo đậu phụng. Thôi đành giã từ tuổi ấu thơ!

Cho đến giờ này, California cũng còn cả chục thứ trái cây, nào cam, nào nhãn, nào táo, nào hồng… nhìn đâu cũng thấy đường. Bây giờ thêm một thói quen, cầm chai sữa, hộp bánh, thỏi kẹo lên, cũng săm soi, vào “Nutrition Facts” để xem có bao nhiêu đậu, bao nhiêu đường.

Câu hỏi dành cho quý vị bị tiểu đường phái nam, là phải chăng trên đời này ai cũng “hảo ngọt?” Nay cấm tuyệt đồ ngọt, thì khổ biết chừng nào! “Ăn chè” cũng là một cái thú trên đời, vậy mà bây giờ thấy người ta “ăn chè” mình phải quay mặt đi mà nhịn thèm!

Ôi câu hát ngày xưa: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt!” (PD) đâu còn nữa. Mỗi ly chanh đường ước chừng có 10 gram đường, môi em cũng ngọt, thì theo “Nutrition Facts” có cỡ bao nhiêu gram đường.

Kẻ thù của tiểu đường là chất ngọt. Không lẽ từ đây ta tránh đi những chuyện ngọt ngào, mà chỉ nhận những điều cay đắng?

Ôi! Quả thật là đời mất vui, khi đã vướng chuyện…đái đường!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét