Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Artyom Lukin, “Will a Russian naval base appear in
the South China Sea?”, East Asia Forum, 02/11/2016.
Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo rằng Moskva đang cân nhắc mở
lại các căn cứ quân sự thời Xô-viết ở Việt Nam và Cuba. Các cuộc thảo luận cũng
đã bắt đầu tại Moskva về việc đàm phám với Ai Cập để thuê các cơ sở quân sự cho
lực lượng Không quân và Hải quân Nga. Nga hiện tại đang duy trì một số căn cứ
quân sự bên ngoài biên giới của mình tại 4 quốc gia – Armenia, Kyrgyzstan,
Tajikistan và Syria. Nếu các kế hoạch cho các căn cứ tại Biển Đông, Vùng
Caribbe và Nam Địa Trung Hải trở thành hiện thực, Nga có thể mở rộng đáng kể khả
năng triển khai sức mạnh tại những khu vực quan trọng này.
Khả năng trở lại của Nga tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam là đặc
biệt quan trọng. Được coi như nơi trú ẩn nước sâu tốt nhất tại Đông Nam Á, Cam
Ranh kiểm soát một tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông.
Năm 1979, Liên Xô đã ký một thỏa thuận với Hà Nội để thuê
căn cứ miễn phí trong 25 năm tại Cam Ranh. Căn cứ này đã trở thành căn cứ quân
sự lớn nhất của Liên Xô bên ngoài biên giới của mình. Nhưng Nga đã rút khỏi Cam
Ranh – và rút cả các trang thiết bị do thám điện tử tại Lourdes của Cuba – vào
đầu những năm 2000 khi thởi hạn thuê hết hiệu lực. Sự đua tranh giữa hai siêu
cường vốn đặc trưng cho thời kỳ Xô-viết đã kết thúc và Moskva quyết định không
cần các cơ sở quân sự quá xa biên giới của mình nữa – đặc biệt trong bối cảnh
Việt Nam đòi hỏi hàng trăm triệu đô la tiền thuê hàng năm.
Với sự trỗi dậy về địa chính trị của Nga và các căng thẳng
trở lại với Phương Tây, Moskva bắt đầu nghĩ lại quan điểm của mình về các căn cứ
ở nước ngoài, bao gồm Cam Ranh. Trong hai năm 2013 và 2014, Moskva và Hà Nội đã
ký các thỏa thuận cho phép các tàu chiến Nga viếng thăm được ưu tiên tiếp cận Vịnh
Cam Ranh. Nga cũng thiết lập một cơ sở chung cho việc bảo dưỡng các tàu ngầm Việt
Nam mua từ Nga.
Trong năm 2014, với sự cho phép rõ ràng từ phía Việt Nam,
máy bay tiếp dầu Nga bắt đầu hoạt động từ Cam Ranh. Nhiệm vụ của chúng là tiếp
dầu cho các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân đang thực
hiện các chuyến tuần tra mở rộng trên Thái Bình Dương – một vài chuyến được
phát hiện bay vòng quanh khu vực lãnh thổ Hoa Kỳ tại Guam. Quân đội Nga đã hiện
diện tại Vịnh Cam Ranh, câu hỏi đặt ra là liệu Cam Ranh có được mở rộng thành một
căn cứ đầy đủ tương tự như các cở sở đang được sử dụng bởi Hoa Kỳ tại Nhật Bản
và Hàn Quốc hay không.
Câu trả lời thực tế nhất sẽ là không. Việt Nam đã nhanh
chóng bác bỏ ý tưởng về một căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Những năm gần đây, Việt Nam đang quảng bá Cam Ranh như một cảng mở cho tàu chiến
của các quốc gia khác nhau. Đây là một phần chiến lược phòng bị nước đôi
(hedging) của Hà Nội – Việt Nam muốn cân bằng ảnh hưởng đang gia tăng của Trung
Quốc bằng cách nuôi dưỡng các quan hệ chiến lược với các cường quốc lớn bên
ngoài khu vực. Hoa Kỳ là nước có lợi ích quan trọng nhất và cũng là điểm đến
hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Hà Nội không muốn gây ra những phản
kháng từ Washington bằng cách đồng ý tiếp nhận cả một căn cứ quân sự đầy đủ của
Nga.
Tuy nhiên vẫn có những mối nghi ngờ thật sự liệu Moskva có đủ
khả năng thiết lập lại và duy trì một mạng lưới các căn cứ trên toàn cầu vốn
đòi hỏi phí thuê, nhu cầu bảo dưỡng và chi phí nhân lực đắt đỏ, nặng nề. Với nền
kinh tế Nga vẫn đang tụt dốc, tài trợ cho các căn cứ ở nước ngoài sẽ là một nhiệm
vụ cực kỳ thách thức.
Nếu ý tưởng về việc khôi phục các căn cứ thời Xô-viết rõ
ràng là không thực hiện được, tại sao Điện Kremlin lại nêu lên kế hoạch đó như
thê? Có một vài sự giải thích khác nhau. Một là Moskva muốn khiêu khích
Washington bằng cách gia tăng sự ám ảnh về hiện diện quân sự của Nga tại các địa
điểm chiến lược trên toàn cầu. Cũng có thể đó chỉ là một bước đi mang tính nghi
binh để che đậy động cơ thực sự của Điện Kremlin. Rõ ràng, Moskva không che đậy
bất cứ bí mật nào về chiến lược hàng đầu của mình, với mục tiêu là dịch chuyển
sự cân bằng quyền lực ở khu lục địa Á-Âu. Chiến lược này nằm trong sự gần gũi
ngày càng tăng với Trung Quốc.
Quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung hiện nay có vẻ như chắc
chắn và hiệu quả hơn một vài quan hệ ‘đồng minh hiệp ước’(‘treaty alliances’) của
Washington. Cuộc gặp song phương gần nhất giữa Putin và Tập Cận Bình vào tháng
6 năm 2016 tại Bắc Kinh là rất đáng chú ý vì những phát ngôn chống Mỹ gần như
không cần che đậy được đưa ra ở mức cao bất thường.
Trung Quốc và Nga cũng thực hiện một loạt các hoạt động
chính trị và quân sự chung. Tháng 6 năm 2016, các tàu chiến Nga và Trung Quốc
đã tiến vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi mà Tokyo và Bắc
Kinh tranh cãi quyết liệt về quyền sở hữu. Tháng 9 năm 2016, Trung Quốc và Nga
thực hiện cuộc diễn tập hải quân chung tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.
Putin cũng công khai bày tỏ sự đoàn kết với Trung Quốc trong việc không chấp nhận
phán quyết của tòa trọng tài The Hague. Tháng 5 năm 2016, Quân đội Nga và Trung
Quốc lần đầu tiên thực hiện cuộc diễn tập chung giữa các đơn vị phòng thủ tên lửa
và sau đó đồng ý tiến hành các cuộc tập trận chống tên lửa trong năm 2017.
Nga cũng đang thể hiện ngày càng sẵn sàng bán cho Trung Quốc
các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của mình, như Hệ thống tên lửa đất đối không
S-400 và các máy bay chiến đấu Su-35. Trong một dấu hiệu của sự tăng cường hợp
tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự không gian, Moskva và Bắc Kinh đã đạt được
một thỏa thuận về việc cùng sản xuất các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn – lĩnh
vực mà Nga có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn – để đổi lại việc Trung Quốc
cung cấp các thiết bị vô tuyến hàng không cho ngành công nghiệp hàng không của
Nga.
Nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chiến lược
này, bước chuyển biến lớn tiếp theo sẽ là sự hiện diện quân sự của Nga tại
Trung Quốc, đáp lại là sự triển khai của Quân đội Trung Quốc trên đất Nga.
Trong vài năm tới chúng ta có thể sẽ không nói về một căn cứ tại Vịnh Cam Ranh,
mà về triển vọng của một cơ sở Hải quân của Nga trên đảo Hải Nam hoặc một căn cứ
của Trung Quốc trên Quần đảo Kuril.
*
Artyom Lukin là Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu về Khu vực
và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông, Valdivostok.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét