Elise Craig - BBC
Giải mã vai trò tối thượng của các hộp đen trên máy bay
Phải mất tới gần một tháng giới chức mới tìm được xác chiếc
phi cơ 804 của hãng hàng không Ai Cập, EgyptAir, bị tai nạn ở Địa Trung Hải hồi
tháng Năm 2015. Mất thêm vài hôm nữa họ mới vớt được thiết bị ghi dữ liệu
chuyến bay và thiết bị thu âm buồng lái từ đáy biển sâu, 3.000m dưới mặt nước. Những thiết bị này - thường được gọi là hộp đen - có chứa đựng
những bằng chứng vô cùng quan trọng giúp các điều tra viên tìm hiểu nguyên nhân
dẫn đến vụ tai nạn.
Trong thời đại Nasa có thể điều khiển và theo dõi một robot
tự hành trên Sao Hỏa, cách xa Trái Đất hàng chục triệu km, và điện thoại thông
minh có thể nhận được những cập nhật trực tiếp về tình hình giao thông, thì tại
sao chúng ta lại không thể xác định được trực tiếp về mặt thời gian vị trí của
những chiếc phi cơ dân dụng, hay truyền các dữ liệu mà những hộp đen ghi được
cho mặt đất?
Việc gia đình các hành khách phải chờ hàng tháng mới biết được
điều gì đã xảy ra đối với người thân của mình - thậm chí đến hơn hai năm, như
trong trường hợp chiếc MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, vốn vẫn
chưa được tìm thấy sau vụ tai nạn hồi tháng BA 2014 - là điều chúng ta cảm thấy
khó mà hiểu nổi.
Các cơ quan quản lý hàng không, các cơ quan chính phủ, và
các hãng hàng không đang cân nhắc việc liệu có cần áp dụng những thay đổi hay
không, và nếu có thì nên thay đổi thế nào.
Tuy nhiên, vào lúc này, tuy dùng công nghệ cổ nhưng hộp đen
vẫn là một công cụ hiệu quả và cần thiết.
Hộp đen là gì?
Các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay có kích cỡ bằng một chiếc
hộp đựng giày, nặng khoảng 10 cân Anh (khoảng 5,5kg), và có giá khoảng gần 15
ngàn bảng Anh một chiếc.
Chúng thường được đặt ở phần đuôi máy bay để giúp giảm bớt
tác động bên ngoài trong trường hợp tai nạn, và được gắn một máy phát tín hiệu
định vị hoạt động được dưới nước, là thiết bị sẽ phát ra tiếng 'ping' trong 90
ngày ở độ sâu tới 6.000m dưới mặt nước biển.
Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đòi một
chiếc phi cơ phải mang theo hai thiết bị, cả hai đều được gọi là hộp đen, nhằm
giúp cho các nhà điều tra có đủ thông tin để tìm hiểu lý do dẫn đến tai nạn máy
bay.
Hộp thứ nhất là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, theo dõi và
ghi lại 88 thông số khác nhau (như hướng bay, độ cao, tốc độ di chuyển của máy
bay) trong 25 giờ bay cuối cùng.
FAA cũng yêu cầu phải có một thiết bị ghi âm những gì xảy ra
trong buồng lái, ghi lại những âm thanh trao đổi giữa các thành viên phi hành
đoàn trong hai tiếng cuối cùng, cùng các âm thanh, tiếng động xung quanh, chẳng
hạn như tiếng còi báo động khi chiếc phi cơ bay quá thấp.
"Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay sẽ cho biết vụ tai nạn
đã xảy ra như thế nào," Greg Marshall, phó chủ tịch các chương trình toàn
cầu của Quỹ An toàn Bay (Flight Safety Foundation), một tổ chức phi lợi nhuận đặt
tại Mỹ chuyên cung cấp các hướng dẫn an toàn hàng cho ngành hàng không và không
gian. Thế còn "thiết bị ghi âm buồng lái cho biết tại sao."
Những thiết bị này cũng gây hiểu lầm về mặt màu sắc: Chúng
thực ra không phải là màu đen mà là màu cam sáng.
Thuật ngữ "hộp đen" có thể được dùng dựa trên thực
tế đôi khi các thiết bị này bị cháy đen. Mà cũng có thể nó bắt nguồn từ hồi thập
niên 1930, thời việc chụp hình phim sơ khai còn dựa vào hộp đen bên trong.
Cũng có thể thuật ngữ này không liên quan gì tới màu sắc của
những chiếc hộp, mà nhằm chỉ tới những dữ liệu, thông tin chúng lưu lại được.
Chất liệu gần như không thể bị phá hủy
Mỗi thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay được làm bằng những phần
cứng ghi chép thông tin rất bền, được đặt trong khung bọc thép chắc chắn.
Các thiết bị cảm ứng gắn trên dọc thân máy bay ghi nhận và
truyền dữ liệu tới một thiết bị trung gian được gọi là bộ phận tiếp nhận dữ liệu
chuyến bay.
Bộ phận này sau đó chuyển tiếp thông tin đến thiết bị ghi dữ
liệu chuyến bay. Một khi được tiếp nhận, thông tin sẽ được lưu trữ trong các bảng
chip memory có khả năng chứa hàng terabytes dữ liệu.
Thiết bị ghi âm thanh buồng lái hoạt động theo cơ chế tương
tự. Các microphone trong buồng lái - gồm micro ở bộ tai nghe của các phi công,
và một micro chuyên ghi lại các âm thanh tiếng động xung quanh - sẽ ghi lại mọi
tiếng đồng rồi chuyển dữ liệu tới thiết bị ghi âm thanh buồng lái.
Các dữ liệu cũng được lưu trữ trong các bảng chip memory
tương tự. Những gì được lưu trữ trong các chip điện tử đó chính là những thông
tin quý giá nhất cho ta biết về số phận của chiếc phi cơ gặp nạn.
Các hộp đen được thiết kế nhằm bảo đảm an toàn cho phần não
bộ của nó - tức các bo mạch lưu giữ dữ liệu - cho nên chúng được làm với vỏ
nhôm, tiếp đến là một lớp cách nhiệt dày 2,5cm chịu được nhiệt độ cao, và ngoài
cùng là lớp vỏ titanium hoặc inox.
Toàn bộ khối thiết bị này được đưa qua các thử nghiệm khắc
nghiệt nhằm đảm bảo khả năng nguyên vẹn không hư hỏng bộ nhớ khi gặp tai nạn.
Bởi cần phải chịu được những tác động cực lớn, dữ dội trong
các vụ tai nạn máy bay, cho nên các thiết bị này được thiết kế để vượt qua được
lực va đập 3.400Gs (tức mạnh hơn 3.400 lần so với lực hút Trái Đất), đồng thời
chịu được nhiệt độ cháy nóng lên tới 1.100 độ C trong một tiếng đồng hồ.
Chúng cũng được thiết kế để chịu được việc ngâm trong nước
biển 30 ngày, hay ngập trong dầu nhiên liệu máy bay, và chịu được áp lực 5.000
cân Anh trên một inch vuông trong thời gian năm phút.
Và cuối cùng, các nhà sản xuất treo lên một trụ thép khối trọng
lượng 500 cân Anh, lơ lửng phía trên hộp đen 10 bộ rồi thả rơi khối này xuống để
kiểm tra độ bền của vỏ hộp.
Phần còn lại của hộp đen - gồm nguồn điện và các bảng mạch -
không được bảo vệ kỹ càng đến thế và có thể bị hư hại, phá hủy khi có tai nạn.
Với mức độ bảo vệ này, các hộp đen khi được tìm thấy thường
sẽ có giữ nguyên vẹn nội dung nó đã lưu giữ, và điều đó khiến cho công nghệ này
vẫn được áp dụng trong suốt thời gian dài.
Nhu cầu khẩn cấp cần chế tạo hộp đen
Gần 60 năm trước, nhu cầu thu thập thông tin dữ liệu từ các
chuyến bay bắt đầu phát sinh, khi việc đi lại bằng đường hàng không trở nên phổ
biến hơn.
Các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay đã thay đổi chút ít kể từ
khi Hoa Kỳ lần đầu tiên yêu cầu phải đặt các thiết bị này trên các phi cơ chở
khách cỡ lớn, hồi 1958, sau một loạt các vụ tai nạn liên quan tới de Havilland
Comet, chiếc máy bay dân dụng đầu tiên.
Qua thời gian, thân máy bay không ứng phó được với những
thay đổi về áp suất không khí trong chu trình bay, và máy bay vỡ tung trên
không trung, giết chết toàn bộ những người có mặt trên khoang.
Giới chức Anh đã xác định được nguyên nhân các vụ tai nạn nhờ
việc tiến hành các xét nghiệm đối với vỏ máy bay. Tuy nhiên, những vụ tai nạn nổi
tiếng khiến người ta thấy cần phải có thêm thông tin nữa mới có thể điều tra đầy
đủ được.
Các thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay thời kỳ đầu chỉ ghi nhận
được năm thông số - gồm hướng bay, độ cao, tốc độ bay, thời gian, và mức tăng tốc
về độ cao - bằng cách đánh dấu trên giấy bạc.
Đến thập niên 1960, chính phủ Mỹ yêu cầu phải có thêm thiết
bị ghi âm buồng lái, và trong kỷ nguyên đó, cả hai thiết bị đều ghi thông tin
vào băng từ.
Đến thời thập niên 1980, các thiết bị điện tử hàng không bắt
đầu chiếm lĩnh thị trường, khiến việc ghi nhận được nhiều thông số hơn đã trở
thành khả thi hơn trước nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để cất trữ được nhiều
dữ liệu.
Việc xuất hiện các thiết bị ghi nhận thông tin đặc, bền chắc
hơn - là các thiết bị lưu trữ thông tin lên các chip memory xếp gọn gàng với
nhau - khiến ngành công nghiệp hàng không có thể lưu trữ được nhiều thông tin
hơn trước. Chúng cũng khó bị hư hại hơn, bởi khác với các thiết bị từng được
dùng trước đó, chúng là khối đặc thay vì có các bộ phận lẻ loi, có thể di chuyển
được.
Chừng hơn 30 năm sau đó, công nghệ đã tiến hóa với tốc độ
chóng mặt, nhưng chúng ta vẫn đang trong thời kỳ sử dụng thiết bị ghi dữ liệu
có cấu trúc khối đặc (solid state recorder), và chúng ta vẫn phải đi tìm kiếm,
thu lại chúng từ các địa điểm xảy ra tai nạn.
'Thực hiện tốt nhiệm vụ'
Rất hiếm khi các hộp đen bị mất hẳn hoặc bị phá hủy. Ngoài vụ
MH370 của Malaysia Airlines hiện vẫn đang mất tích, mới chỉ có vụ các hộp đen của
hai chiếc phi cơ lao vào Trung tâm Thương Mại Thế giới ở New York hôm 11/9/2001
đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
"Rõ ràng, đó là chuyện bất thường đối với các cuộc điều
tra của chúng tôi," Sarah McComb, người đứng đầu bộ phận ghi dữ liệu trên
các phương tiện của Ban An toàn Giao thông chịu trách nhiệm điều tra các vụ tai
nạn hàng không, nói.
"Và cũng hiếm trường hợp các hộp đen được tìm thấy
nhưng lại không lấy ra được các dữ liệu trong đó, trừ phi đó là thiết bị ghi dữ
liệu kiểu cổ."
Đôi khi, thông tin được lưu trong các hộp đen giúp ta nhanh
chóng biết được điều gì đã xảy ra.
Khi chuyến bay 9525 của hãng Germanwing lao xuống dãy núi
Alps ở Pháp hồi tháng Ba 2015, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cho thấy người
điều khiển đã cố tình hạ độ cao đồng thời tăng tốc trước khi xảy ra tai nạn. Thế
còn thiết bị ghi âm buồng lái ghi lại được nội dung viên phi công đập cửa buồng
lái và nói, "Vì Chúa, hãy mở cửa ra!" và tiếng hành khách la hoảng
phía sau.
Các nhà điều tra đã có đủ thông tin cần thiết để kết luận rằng
cơ phó Andreas Lubitz đã khóa cửa không cho cơ trưởng vào trong và cố ý cho máy
bay lao xuống.
Các hộp đen trong trường hợp này là loại vẫn sử dụng công
nghệ thời 1990.
Và dẫu cho giống như điện thoại thông minh, các thiết bị ghi
vào bộ nhớ solid state memory đã được tiến hóa để có thể lưu trữ được nhiều
thông tin hơn nữa, nhưng vẫn có những lựa chọn khác để người ta cân nhắc.
Một số phi cơ quân sự dùng các thiết bị ghi nhớ gắn với những
vỏ bọc kiểu phao, nhằm giúp hộp đen được đẩy thoát ra khỏi máy bay vào thời điểm
xảy ra chuyện. Ngay cả khi xác máy bay rớt xuống đáy biển thì hộp đen sẽ không
bị chìm xuống theo.
Một số hãng hàng không đã bắt đầu truyền một số dữ liệu về bảo
dưỡng và về địa điểm phi cơ về cho mặt đất, nhưng những người quan tâm tới vấn
đề an toàn hàng không đòi hỏi cần phải làm nhiều hơn thế.
Và có lẽ gây tranh cãi nhiều nhất là chuyện một số nhóm còn
đang đòi phải lắp đặt thêm video theo dõi trong buồng lái.
Tại sao ta không chuyển sang loại công nghệ nào đó hiện đại
hơn?
Những thay đổi to lớn trong vấn đề này thì rất phức tạp, tốn
kém, và mất thời gian. Và một khi có một thay đổi nào đó được đưa ra thì các
hãng hàng không sẽ phải nâng cấp lắp đặt lại, hoặc phải thay thế đội bay của
mình.
Và tuy việc truyền một số dữ liệu về mặt đất đã bắt đầu được
thực hiện với một số máy bay, khối lượng dữ liệu mà các hộp đen thu thập được
là vô cùng lớn, khiến cho việc gửi về và lưu trữ chúng trở nên rất tốn kém.
Bên cạnh đó còn là các quan ngại về an ninh. Các nghiệp đoàn
phi công lâu nay đã đấu tranh phản đối việc gắn thêm video camera theo dõi trên
các chuyến bay vì lý do xâm phạm quyền riêng tư.
Về phần mình, FAA nói họ không có kế hoạch yêu cầu bất kỳ
thay đổi nào đối với các hộp đen.
Về công nghệ theo dõi phát hiện hành trình, cơ quan này
"tiếp tục làm việc với ngành hàng không và các đối tác quốc tế của chúng
tôi trong việc đưa ra chính sách và hướng dẫn về các công nghệ tiên tiến có thể
hữu ích trong các cuộc điều tra tai nạn máy bay."
Nhưng ngay cả khi diễn ra một cách chậm chạp thì các thay đổi
vẫn đang diễn ra.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt trụ sở tại
Canada, một bộ phận của Liên hiệp quốc, đã ra các yêu cầu sửa đổi vào hồi tháng
Ba, theo đó yêu cầu thông tin từ thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cần phải được
lấy ra một cách nhanh chóng, dễ dàng ngay sau khi xảy ra tai nạn.
Cuối năm ngoái, ICAO đã thông qua các sửa đổi bổ sung theo
đó đòi các hãng hàng không chậm nhất là 2018 phải có khả năng phát hiện, lần
theo dấu vết các phi cơ của mình mỗi 15 phút trong điều kiện hoạt động bình thường,
và đến 2021 phải đạt mỗi phút một lần trong những trường hợp có vấn đề.
Tuy ICAO không phải là cơ quan có chức năng quản lý, nhưng
các chính phủ thành viên sẽ phát triển các quy định thích hợp nhằm tuân thủ các
tiêu chuẩn và các khuyến nghị mà ICAO đưa ra.
Một số hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay cũng đã bắt
đầu khởi động chương trình riêng của mình.
Hồi đầu năm 2016, Qatar Airlines nói hãng có kế hoạch triển
khai một hệ thống truyền dữ liệu xuống mặt đất, và có các công ty công nghệ
đang chào mời dịch vụ lắp đặt hậu kỳ lên các máy bay đã hoạt động của hãng.
Trong năm 2015, hãng sản xuất máy bay của Pháp, Airbus, nói
hãng đã có các cuộc đàm phán với Cơ quan An toàn Hàng không u châu (EASA) nhằm
thúc đẩy việc chuẩn thuận việc sử dụng các thiết bị ghi dữ liệu có thể được đẩy
bung ra khỏi máy bay khi cần thiết.
Thế nhưng, điều mấu chốt là hộp đen sẽ vẫn được sử dụng
trong một thời gian nữa.
Chừng nào chúng vẫn đủ bền để chịu được các tác động khủng
khiếp của vụ tai nạn, vẫn là thứ có thể tìm thấy ở những nơi biển sâu nhất hay ở
những vùng núi rừng hiểm trở nhất, chừng nào chúng vẫn có khả năng lưu giữ những
thông tin cần thiết nhất, quan trọng nhất đối với các điều tra viên, thì những
cái hộp nhỏ chứa đầy thông tin này sẽ vẫn còn hiện diện trên các máy bay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét