Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn: Enrico Fermi, architect of the nuclear age, dies;
History.com
Vào ngày này năm 1954, nhà vật lý đoạt giải Nobel, Enrico
Fermi, người đầu tiên tạo ra và kiểm soát một phản ứng hạt nhân dây chuyền,
đồng thời là một trong những nhà khoa học thuộc Dự án Manhattan, đã qua đời
tại Chicago ở tuổi 53. Fermi sinh tại Rome vào ngày 01/09/1901. Ông quyết định trở
thành một nhà vật lý học khi chỉ mới 17 tuổi, và đã hoàn thành chương trình tiến
sĩ tại Đại học Pisa vào năm 21 tuổi.
Fermi từng theo học tại Đức cùng thầy giáo
là Max Born, nhà vật lý nổi tiếng với công trình về cơ học lượng tử vốn sau này
giữ vai trò rất quan trọng trong công trình của chính Fermi. Sau quãng thời
gian ở Đức, Fermi trở về Italia để dạy toán tại Đại học Florence. Đến năm 1926,
ông trở thành giáo sư vật lý lý thuyết, giảng dạy cho một nhóm các nhà vật lý
trẻ khác. Năm 1929, Fermi trở thành người trẻ nhất được bầu vào Viện Hàn lâm
Hoàng gia của Italia.
Sau khi được biết về khám phá hạt neutron của Sir James
Chadwick và quá trình sản xuất phóng xạ nhân tạo của vợ chồng nhà Curie,
Fermi đã chuyển từ vật lý lý thuyết sang vật lý ứng dụng. Từ đó, ông bắt đầu
tìm cách tạo ra chất phóng xạ bằng cách điều khiển tốc độ của các neutron tách
từ phát xạ berili. Ông cũng tiến hành thử nghiệm tương tự với các nguyên tố
khác, gồm cả uranium 92, và đã tạo ra chất phóng xạ mới.
Đồng nghiệp của Fermi tin rằng ông đã tạo ra được một nguyên
tố mới – siêu uranium (transuranic) với số hiệu nguyên tử 93, kết quả khi hạt
nhân nguyên tử uranium 92 nhận thêm một neutron trong quá trình bắn phá, từ đó làm
tăng khối lượng hạt nhân.
Bất chấp sự nhiệt tình của các đồng nghiệp, Fermi vẫn hoài
nghi, và mãi đến năm 1938, khi nhận giải Nobel Vật lý nhờ “Tìm ra các nguyên tố
phóng xạ mới”, ông mới thực sự tin tưởng. Mặc dù những người làm công việc quan
trọng đối với an ninh quốc gia đều bị hạn chế đi lại, Fermi đã được phép đến Thụy
Điển để nhận giải. Ông và vợ, Laura, một người Do Thái, đã ra đi và không bao
giờ quay trở lại; vì vừa sợ vừa khinh bỉ chế độ phát xít của Mussolini.
Fermi rời Thụy Điển đến New York, cụ thể là ông đến làm việc
tại Đại học Columbia, nơi ông tái tạo lại nhiều thí nghiệm cùng với Niels Bohr,
nhà vật lí người Đan Mạch, người đã gợi ý về khả năng xảy ra một phản ứng hạt
nhân dây chuyền. Fermi và những người khác mau chóng nhận ra ứng dụng quân sự của
loại “chất nổ” mới và nhanh chóng soạn một lá thư cảnh báo Tổng thống Roosevelt
về những mối nguy hiểm từ một quả bom nguyên tử của Đức. Lá thư sau đó được
Albert Einstein ký và gửi tới Tổng thống ngày 11/10/1939. Kết quả là Dự án
Manhattan, chương trình chế tạo ra bom nguyên tử của riêng người Mỹ, đã ra
đời.
Fermi là người chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng hạt nhân
dây chuyền đầu tiên, mà nếu không có nó, sẽ chẳng có một quả bom nguyên tử. Ông
đã tạo ra một phòng thí nghiệm “tạm thời” với “đống nguyên tử” của chính mình,
trong một sân bóng quần (squash) ở tầng hầm tòa nhà Stagg Field tại Đại học
Chicago. Ở đó, Fermi, dưới sự quan sát của các nhà vật lý khác, đã tạo ra phản ứng
dây chuyền kiểm soát đầu tiên vào ngày 02/12/1942. Vậy là Thời đại Nguyên tử
đã bắt đầu. “Hoa tiêu người Ý vừa đặt chân đến thế giới mới” là thông điệp được
mã hóa được gửi đến cho Tổng thống Roosevelt.
Thiết bị hạt nhân đầu tiên, do các nhà khoa học Dự án
Manhattan sáng tạo, đã được thử nghiệm vào ngày 16/07/1945. Chưa đầy một tháng
sau đó, hai quả bom nguyên tử được thả ở Hiroshima và Nagasaki. Sau thế
chiến, Fermi, lúc bấy giờ đã là một công dân Mỹ, trở thành Giáo sư Chuyên
ngành Nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Chicago và làm cố vấn cho quá trình xây
dựng máy gia tốc hạt nhân quy mô lớn đầu tiên. Fermi cũng nhận được Huân chương
Quốc Hội và được bầu làm một thành viên nước ngoài của Hội Hoàng gia London.
Ngoài ra, nhà khoa học còn được tưởng nhớ bằng nhiều
cách. Nguyên tố số 100, fermium, đã được đặt theo tên Fermi. Enrico Fermi
Award – một trong những giải thưởng khoa học và công nghệ lâu đời nhất và uy
tín nhất của chính phủ Hoa Kỳ đã được lập ra để vinh danh ông.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét