TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN
Ngày 25 tháng Hai năm 2014, tôi gởi “Lời Chia Tay Đảng Cộng
Sản Việt Nam”. Sau đó, nhận được nhiều ý kiến rất khác nhau. Giáo sư Tương Lai, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo mừng
cho tôi đã xong trách nhiệm của một đảng viên 56 tuổi Đảng. Nhà báo Kha Lương
Ngãi, nhà văn An Bình Minh chia sẻ: “Như phải ly dị sau cuộc hôn nhân dài 56
năm, dù trút được gánh nặng, nhưng sao khỏi chút bùi ngùi”! Nguyên chủ bút báo
Tin Sáng Hồ Ngọc Nhuận: “Đọc Lời Chia Tay, tôi rất vui, bởi nó đóng góp cho dân
chủ hóa đất nước.”
Nhà văn Thái Bá Tân đưa lên “phây” bài thơ tặng tôi có những
câu: “… Trót đưa lên bàn thờ. Muốn hạ xuống cũng khó. Làm thế nào bây giờ? Một
người vì lý tưởng. Hy sinh cả cuộc đời. Đến già mới chợt tỉnh. Đau, không nói
nên lời. Con cháu những người ấy. Dẫu giỏi và thông minh. Cũng khó lòng hiểu hết.
Cái đau cha ông mình”. Tiến sĩ, luật sư Lưu Nguyên Đạt sau khi kể tội kẻ từng
là “cơ sở truyền thông của Đảng cộng sản” đã nhận xét “Quyết định bỏ Đảng của Tống
Văn Công không quyết liệt, không sáng sủa như qua lời phát biểu của luật gia Lê
Hiếu Đằng. Nó không đanh thép bằng lập trường thô bạo của một Dương Thu Hương.”
Về phần mình, từ khi được “mở mắt”, bắt đầu viết những bài
góp ý với Đảng Cộng sản, lúc nào tôi cũng dặn mình chớ có nói năng như một kẻ
vô can và phải tự biết mình “ngu lâu”, là “tội đồ”. Lúc nghe ông Nguyễn Văn Thiệu
nói “Đừng nghe cộng sản nói, hãy nhìn cộng sản làm”, tôi cho rằng, nói như ông
Thiệu chẳng thuyết phục được ai! Cho đến khi trải nghiệm chính sách của Đảng cộng
sản qua các thời kỳ, đối chiếu thông tin nhiều chiều, mới xác nhận câu nói của
ông Thiệu là có cơ sở! Vì vậy tôi nghĩ, phải viết như thế nào cho dễ lọt tai
hàng triệu đảng viên chưa được “mở mắt” và không ít người bị nhồi vào não “ơn Đảng,
ơn Bác”.
Với giọng nhẹ nhàng, nhưng tôi không lẩn tránh những đòi hỏi
cấp bách dân chủ hóa đất nước, thực hiện các quyền dân sự và chính trị, tự do
ngôn luận, tự do lập hội, nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, không cho
phép Đảng đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Chính vì vậy mà tôi bị Đảng cộng sản
đưa ra kiểm điểm 15 lần trong không khí đấu tố. Cuối cùng, không chấp nhận một
đảng viên dám “tự ý nói lời chia tay”, ngày 6 tháng Ba năm 2014, Đảng công bố
quyết định: “Khai trừ đảng viên Tống Văn Công vì đã có rất nhiều bài viết phát
tán trên mạng internet xuyên tạc chủ trương chính sách, truyền bá những quan điểm
trái với Cương lĩnh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam; mặc dù đã được phân
tích, giáo dục nhiều lần, nhưng không sửa chữa, khắc phục mà vẫn tiếp tục sai
phạm ngày càng nghiêm trọng hơn, không còn đủ tư cách đảng viên cộng sản”.
Ông Nguyễn Gia Kiểng – Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, trong bài
“Thời điểm để nhìn rõ Đảng cộng sản”, đã cho rằng: “Thực ra chúng ta không nên
thù ghét Đảng cộng sản. Nó chỉ là một sản phẩm của lịch sử và văn hóa của chính
chúng ta. Một dân tộc không có tư tưởng chính trị không khác một con tàu không
phương hướng, mọi tai họa có thể xảy đến và cộng sản chỉ là một”.
Tôi đồng ý với nhận định này. Tôi “ngu lâu” là do những
nguyên nhân lịch sử và văn hóa đó. Cha tôi đi theo cộng sản từ năm 1929. Làng
tôi, quận tôi, tỉnh Bến Tre tôi có không dưới 80% số dân đi theo cộng sản,
riêng nông dân có thể lên đến 90%. Nhìn lại vài hiện tượng trong lịch sử: Hầu hết
những người trong nội các Trần Trọng Kim và các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời tiền
chiến đều đi theo Việt Minh. Nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa bị
tình báo cộng sản thâm nhập, nhưng không có ở chiều ngược lại. Ông Nguyễn Thành
Nhân quận ủy viên quận Ba Tri bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa bao vây tứ phía, chạy
thẳng vào nhà ông Tám Thương có hai con trai là lính Việt Nam Cộng Hòa, một người
vừa bị Việt Cộng bắn chết. Vậy mà ông Tám Thương ôm chầm lấy Thành Nhân, đưa xuống
hầm bí mật.
Rất nhiều trí thức xuất thân quan lại, có lập trường chống cộng,
sau đó lại chấp nhận cộng sản: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn,
Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo… Nhiều đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng chuyển
sang lập trường cộng sản như Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình… Dân biểu đối lập trong
Nghị viện Việt Nam Cộng Hòa, chủ nhiệm báo Tin Sáng, ông Ngô Công Đức, cha bị cộng
sản xử tử, vậy mà trong hồi ký của ông in đậm những dòng này: “Có nhiều lúc trằn
trọc khi nghĩ lý tưởng đã nằm trong tay của những người đã giết thân phụ mình
và cuối cùng nhận họ là anh em, khi phải đặt Tổ quốc trên hết”.
Học giả Hoàng Xuân Hãn trong lá thư đề ngày 2 tháng Giêng
năm Bính Tý (1996) gửi cho Võ Nguyên Giáp đã viết: Nước ta chỉ có hai cuộc giải
phóng mà thôi, thời 1416– 1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi và thời 1945– 1975 với
Bác Hồ cùng các anh… Cái cần thiết trong cuộc giải phóng là cái Đức của người
lãnh đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua chuộc mình và làm gương cho
nhân dân giữ lòng yêu nước…”
Nhắc lại những điều trên đây, tôi không nhằm biện minh cho sự
“ngu lâu” của mình mà chỉ để cho thấy việc nhận ra chân lý trong giai đoạn lịch
sử của nước ta vừa qua thật không dễ!
Trải qua 56 năm hoạt động trong Đảng, nay nghiệm lại, thức tỉnh,
ngấm được nỗi đau lầm lạc vào con đường lịch sử, buộc dân tộc vào tròng độc tài
đảng trị che giấu sau chiếc mặt nạ tự do, dân chủ.
Nguồn: Viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét