Người dân tụ tập tưởng nhớ ông Fidel Castro một ngày sau khi
ông qua đời ở Havana, Cuba, ngày 26 tháng 11, 2016.
Tổng thống đắc cử Donald Trump lâu nay vẫn hay chỉ trích
chính phủ Cuba và những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama bình thường hóa
quan hệ với nước này, và đã tuyên bố sẽ đảo ngược tất cả những sắc lệnh hành
pháp của Tổng thống Obama liên quan đến Cuba.
Phát biểu tại một buổi vận động tranh cử hồi tháng 9, ông
Trump nói nếu ông đắc cử tổng thống ông sẽ "đứng về phía nhân dân Cuba
trong cuộc đấu tranh của họ chống lại sự đàn áp của cộng sản."
Ông đả kích những hành động của ông Obama dỡ bỏ những hạn chế
thương mại với Cuba là một chiều, chỉ làm lợi cho chế độ của Chủ tịch Cuba Raul
Castro.
"Người ta đang rất không hài lòng về chuyện đó,"
ông Trump nói với đám đông tại thành phố Miami, nơi tập trung đông đảo người
Cuba lưu vong. "Nhưng tất cả những nhượng bộ mà Barack Obama đã trao cho
chế độ Castro được thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp, điều này có nghĩa là
tổng thống kế tiếp có thể đảo ngược chúng. Và đó là điều mà tôi sẽ làm, trừ phi
chế độ Castro đáp ứng những đòi hỏi của chúng ta."
Trước đó ông Obama đã làm việc với ông Castro và những người
khác trong chính phủ Cuba trong gần hai năm để nối lại mối quan hệ giữa Cuba và
Mỹ, đưa tới kết quả là những chuyến bay trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong
50 năm qua và việc mở lại đại sứ quán của hai nước.
Những quy định được nới lỏng do ông Obama ban hành đã tạo điều
kiện dễ dàng hơn cho người Mỹ mang những sản phẩm trở về từ Cuba, cho phép bác
sĩ nhiều sự tiếp cận hơn để làm việc với những nhà nghiên cứu của Cuba trong những
cuộc khảo cứu y tế, và kết thúc lệnh cấm 180 ngày đối với những tàu thuyền cập
cảng ở Mỹ sau khi rời Cuba.
Ông Obama cũng đến thăm Cuba hồi đầu năm nay, đánh dấu lần đầu
tiên một tổng thống Mỹ đặt chân xuống Cuba kể từ khi Tổng thống Calvin Coolidge
đến đảo quốc này vào năm 1928.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt
tay trong cuộc hội kiến đầu tiên của họ ở Havana, Cuba, ngày 21 tháng 3, 2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt
tay trong cuộc hội kiến đầu tiên của họ ở Havana, Cuba, ngày 21 tháng 3, 2016.
Lúc Tổng thống Obama loan báo quyết định cải thiện quan hệ với
Cuba, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice được hỏi liệu chính quyền mới sẽ có thể
thay đổi những quy định mới hay không, bà nói: "Quay ngược đồng hồ sẽ là
điều hết sức thiếu khôn ngoan và phản tác dụng."
Nhưng tại một điểm dừng chân trên hành trình vận động tranh
cử, ông Trump cho biết ông sẽ đảo ngược những sắc lệnh hành pháp của ông Obama
trừ phi Cuba đáp ứng những đòi hỏi của ông, trong đó có "quyền tự do tôn
giáo và chính trị cho người dân Cuba và phóng thích những tù nhân chính trị."
John Kavulich, một cố vấn cho quá trình chuyển tiếp của ông
Trump và là Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Kinh tế Mỹ-Cuba, nói rằng chính quyền
Trump sẽ dễ dàng loại bỏ những chuyến bay đến Cuba, gọi chúng là "thêm một
biện pháp nữa của sự bình thường trong một mối quan hệ không có gì là bình thường.
"Những người có liên hệ tới tổng thống đắc cử, cả chính
thức lẫn không chính thức, sẽ không mặn mà với chuyện nối lại những chuyến bay
này. Họ sẽ xem mỗi một chuyến bay này là một giỏ tiền của Mỹ đi một chuyến đi một
chiều đến Cuba mà không có sự đền đáp nào có ý nghĩa, có thể đo lường được ngoại
trừ việc duy trì những hệ thống thương mại, kinh tế và chính trị đáng khinh bỉ,"
ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 với một đài truyền
hình địa phương liên kết với đài CBS tại Miami, ông Trump gọi thỏa thuận của
chính quyền Obama với Cuba là một "thỏa thuận rất yếu," nhưng nói rằng
ông muốn có một hình thức thỏa thuận nào đó và ông sẽ làm "bất cứ điều gì
phải làm để có được một thỏa thuận vững mạnh."
Phóng viên hỏi ông Trump liệu ông có cắt đứt quan hệ ngoại
giao với Cuba trong ngày đầu tiên ông tại nhiệm hay không và ông Trump lặp lại
ông sẽ "làm bất cứ điều có để có được một thỏa thuận vững mạnh."
"Và người ta muốn một thỏa thuận, tôi thích ý tưởng có
được một thỏa thuận, nhưng nó phải là một thỏa thuận thực sự. Nếu anh gọi là
như vậy cho mục đích đàm phán thì phải làm bất cứ điều gì để có được một thỏa
thuận tốt đẹp cho người dân Cuba," ông Trump nói.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Các thành viên cộng đồng Cuba tại Mỹ phản ứng trước cái chết
của ông Fidel Castro ở khu Little Havana, Miami, ngày 26 tháng 11 năm 2016.
Sau khi ông Fidel Castro qua đời hôm 25/11 ở tuổi 90, nhiều
cư dân của đảo quốc cộng sản và những người Mỹ gốc Cuba đã nhìn thấy cơ hội
thay đổi ở đất nước có vi phạm nhân quyền kéo dài hàng chục năm nay. Nhưng có lẽ
những thay đổi đó không diễn ra một cách dễ dàng.
Khi ông Castro nắm quyền, ba thế hệ người dân Cuba hầu như
không có các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản, hàng ngàn người bất đồng
chính kiến bị trừng phạt hoặc bỏ tù.
Ngay cả việc khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ kể từ năm 2014
cũng không nới lỏng các hạn chế về tự do. Internet vẫn bị kiểm duyệt nghiêm ngặt
và việc giam giữ các nhà báo và những nhà bảo vệ nhân quyền đã tăng lên.
Giờ đây, ông Raul Castro đã dần dần nắm quyền kiểm soát đảo
quốc cộng sản. Liệu ông có quyết định là việc anh trai mình qua đời cũng đánh dấu
sự kết thúc của một thời đại hay không hoàn toàn tùy thuộc vào ông.
Giáo sư Guadalupe Correa nói với đài VOA qua Skype:
"Ông ấy cần phải thay đổi cách tiếp cận và cho phép đất nước cởi mở
hơn".
Guadalupe Correa là giáo sư về hoạt động của chính phủ và
nghiên cứu an ninh tại Đại học Texas.
Vài giờ sau khi ông Castro qua đời, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ
cũng bày tỏ hy vọng trên Twitter.
Hạ nghị sỹ Carlos Curbelo bày tỏ: "Đây là một cơ hội đặc
biệt cho những người đấu tranh vì tự do ở Cuba, các nhà lãnh đạo đối lập đã mạo
hiểm mạng sống, an ninh và hạnh phúc của họ trong nhiều năm qua để đấu tranh để
có một đất nước tốt hơn. Giờ đây họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn".
Nhưng sự thay đổi sau khi ông Castro qua đời có thể đi kèm với
một cái giá đắt. Nhà phân tích chính sách đối ngoại Brian Fonesca nói với VOA
qua Skype: "Xét đến thực tế là việc giữ quyền lực là điều quan trọng nhất
đối với giới chóp bu chính trị Cuba, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ thấy hoạt
động đàn áp chính trị sẽ tăng lên ít nhất là trong ngắn hạn".
+++
Brian Fonseca là Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học
Quốc tế Florida.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét