Cuối cùng thì Fidel Castro, lãnh tụ cách mạng Cuba, cựu Chủ
tịch nước Cộng hòa Cuba, cựu Tổng Bí thư đảng cộng sản Cuba, một trong những
nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất (47 năm) và mang tính biểu tượng nhất thế giới,
đã qua đời ngày 25.11 ở tuổi 90.
Nếu như đối với người dân của nhiều quốc gia trên thế giới,
cái chết của Fidel Castro chả có ý nghĩa gì, chỉ là một nhân vật độc tài đã sống
quá lâu mới chịu ra đi, thì ở VN cái chết của Fidel Castro được đề cập đến khá
nhiều, cả trên báo chí chính thống của nhà nước lẫn các trang blog, trang mạng
xã hội.
Đứng về phía nhà nước cộng sản VN thì chả có gì khó hiểu. Chỉ
có vài quốc gia còn sót lại trên thế giới là do đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng
sản Cuba và đảng cộng sản VN từng một thời gắn bó, Cuba cũng như các nước XHCN
khác đã ra sức ủng hộ, giúp đỡ Bắc VN trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mối giao
tình ấy sau này tuy có nhạt đi phần nào khi VN đi theo mô hình “đổi mới” của
Trung Quốc, chuyển sang làm ăn kinh tế thị trường trong lúc Cuba vẫn trung
thành với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều được quốc hữu hóa,
nhưng đảng cộng sản VN vẫn giữ mối quan hệ với nước cộng sản anh em này.
Vì vậy khi Fidel Castro chết, trong số ít ỏi những nhân vật
lãnh đạo của các nước gửi điện chia buồn có Tổng thống Vladimir Putin của Nga,
Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, một số nước Nam Mỹ như
Tổng thống Sanchez Ceren của Salvador, Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela,
Tổng thống Enrique Peña Nietoc của Mexico…và tất nhiên, có VN.
Báo chí nhà nước chạy hết công suất để ca ngợi nhà cách mạng
Fidel Castro, nhắc lại cuộc đời, sự nghiệp, những lần Fidel đến VN, nhắc lại những
câu nói của Fidel Castro với VN trong đó có câu “Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng
cả máu của mình” v.v…
Còn đối với người dân VN, những ai vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi
hệ thống giáo dục, tuyên truyền của nhà nước cộng sản thì vẫn nghĩ Fidel Castro
là một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại, “người bạn lớn” của nhân dân VN. Nhưng tất
cả những ai có thông tin thì đều biết rằng Fidel Castro thật ra là một kẻ độc
tài, dù có thể lúc đầu đã đứng lên đấu tranh vì một lý tưởng, vì muốn lật đổ một
chế độ và xây dựng một chế độ khác tốt đẹp hơn cho dân tộc mình nhưng cuối cùng
lại trở thành kẻ tội đồ khi đi theo một lý thuyết sai lầm, chọn một con đường
sai lầm, kìm hãm đất nước, nhân dân Cuba trong đói nghèo, lạc hậu và không được
hưởng bất cứ quyền tự do, dân chủ nào.
Cũng giống như những nhân vật độc tài khác, nhất là những
nhân vật độc tài của chế độ cộng sản, như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông,
Polpot, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, cha con nhà Kim Jong-Il, Kim Jong-un, Fidel
Castro sau khi giành được quyền lực đã biến đất nước, nhân dân thành sở hữu
riêng của đảng cộng sản và của mình.
Và cũng giống như rất nhiều lãnh tụ cộng sản, “cha già dân tộc”
chỉ đóng vai giản dị, nông dân trước quần chúng còn thật sự thì sống một cuộc sống
xa hoa, sung sướng hơn rất nhiều lần so với đời sống bần cùng của đại đa số người
dân dưới sự lãnh đạo của họ, đời sống tình dục thì vô cùng phóng đãng, vô độ,
Fidel Castro cũng vậy.
Nhiều tài liệu cho biết ông có nhiều du thuyền, dinh thự
riêng, hàng ngàn người bảo vệ, đời tư thì hết sức phóng túng, ngoài các người vợ
là danh sách dài các người tình lâu dài, người tình một đêm. (Ngay lãnh tụ
Lenin của Liên bang Xô Viết thì sau này sự thật mới lộ ra là chết vì giang mai
do bị lây nhiễm từ gái điếm Paris chứ không phải bị đột quỵ như truyền thông,
sách vở Liên Xô một thời đã viết như thế…)
Về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng, Fidel Castro bảo thủ
hơn các đồng chí cộng sản ở Trung Quốc hay VN, ông không chấp nhận đổi mới,
kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và tuyên bố “Tôi là người theo chủ nghĩa
Mác Lênin và tôi sẽ như thế cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình” (“Những
câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Pháp luật TP.HCM).
Dưới thời Fidel Castro, hàng trăm ngàn người Cuba đã bỏ nước
ra đi, cũng như người VN dưới thời cộng sản, và nếu như người Việt tỵ nạn có thủ
phủ của mình là “Little Saigon” trên đất Mỹ thì người Cuba cũng có “Little
Havana”. Khi được tin Fidel Castro chết, hàng ngàn người Cuba ở Little Havana,
Miami, đã đổ ra đường ăn mừng.
Ai rồi cũng chết. Chính trị gia, lãnh tụ cách mạng hay “cha
già dân tộc” gì cũng thế. Điều quan trọng là di sản mà họ để lại cho đất nước,
dân tộc. Và vì cái di sản ấy, họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ công lao trong lịch sử
hay sẽ đời đời bị phán xét, nguyền rủa như tội đồ của dân tộc. Cho dù tạm thời
lịch sử có bị bưng bít, che dấu, bản thân họ có được vẽ rồng rắn thành huyền
thoại thì rồi cũng sẽ có ngày sự thật được trả lại và không một nhân vật nào có
thể thoát khỏi sự đánh giá khách quan của hậu thế. Họ có chết đi thì con cháu họ
cũng vẫn phải đọc lại những trang sử ấy.
Di sản của Fidel Castro để lại cho đất nước, nhân dân Cuba
hay của Hồ Chí Minh để lại cho VN, đáng tiếc là quá tệ hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét