Bài này được viết ra trong mục đích tiến dần tới chỗ xác định
mục tiêu chung cho một nước Việt Nam duy nhất và là của chung của chín mươi triệu
người Việt Nam. Và thực ra những bài blog ngắn chỉ có thể mang tính gợi mở vấn
đề mà thôi.
Bầu cử tổng thống ở Mỹ vừa kết thúc, bầu cử tổng thống ở
Pháp đang được tiến hành. Chúng ta có cơ hội so sánh đối chiếu để thấy sự khác
biệt giữa việc bầu cử các chức vụ của hệ thống quyền lực ở các nước dân chủ
khác với ở các nước độc tài như thế nào. Chúng ta có cơ hội để thấy lá phiếu của
người dân có trọng lượng như thế nào trong một cuộc bầu cử thực sự dân chủ. Đã
có và sẽ còn rất nhiều phân tích về các cuộc bầu cử này, ở đây tôi chỉ nêu một
điểm phục vụ cho mục đích bài viết của tôi.
Việc người dân bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo chính trị thể hiện
một nguyên tắc tối cao của hệ thống dân chủ : cạnh tranh quyền lực bằng con đường
ôn hoà, thông qua chiến dịch tranh cử để giành lá phiếu của người dân, tức là
tìm kiếm sự ủng hộ của người dân.
Chiếu theo nguyên tắc này thì các giải pháp đoạt quyền bằng
bạo lực đều vi phạm nguyên tắc dân chủ. Vì thế, nếu đem nguyên tắc này để đối
chiếu với chính thể Việt Nam Cộng hoà trước 75 ở miền Nam Việt Nam thì ta sẽ thấy
rằng Việt Nam Cộng hoà trên thực tế chưa phải là một chính thể hoàn toàn dân chủ,
các cuộc đảo chính liên tục của chính quyền Sài Gòn cho phép có nhận xét này.
Và cũng vì thế hành động lật đổ một chính quyền cũng sẽ không được xem là phù hợp
với nguyên tắc dân chủ. Donald Trump không lật đổ Obama, Trump cũng không lật đổ
Hilary Clinton. Trump thắng Clinton dựa trên số phiếu của đại cử tri.
Đến đây có thể nói rằng, nếu áp dụng nguyên tắc này vào trường
hợp Việt Nam, thì hiện tại Việt Nam không có dân chủ. Trước hết là vì Việt Nam
không có cạnh tranh quyền lực, chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền. Thứ hai là
các chức vụ trong hệ thống quyền lực là do đảng cộng sản chọn, việc người dân
đi bầu chỉ hoàn toàn là hình thức. Vì thế chưa bầu mà đã biết ai đứng ở vị trí
nào. Và cũng vì thế, trước vô vàn các vấn nạn hiện nay, Việt Nam đang đứng trước
nhu cầu cấp bách cần dân chủ hoá hệ thống chính trị.
Nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói trong bài này là những
người thực sự muốn xây dựng một Việt Nam dân chủ sẽ không thể chọn giải pháp bạo
lực. Và trên thực tế thì giải pháp này là bất khả, vì hiện nay, trong bối cảnh
chia rẽ cùng cực của người Việt, không một nhóm người Việt nào có đủ tiềm lực để
tiến hành việc đoạt quyền bằng bạo lực.
Nếu đã loại bỏ giải pháp bạo lực, lựa chọn con đường ôn hoà,
thì việc dân chủ hoá Việt Nam, nếu có thể diễn ra, sẽ buộc phải chấp nhận một kịch
bản (kịch bản này đã xảy ra ở Miến Điện trong quá trình dân chủ hoá ở nước
này): sự tồn tại bình đẳng của nhiều tổ chức và đảng phái chính trị khác nhau,
trong đó có cả đảng cộng sản. Thậm chí phải hình dung đến tình thế đảng cộng sản
tiếp tục cầm quyền nhưng cho phép các đảng khác tham gia chính phủ. Đây là điều
đã xảy ra ở Miến Điện: Tướng Thein Sein, vốn thuộc chính phủ độc tài quân đội,
trở thành Tổng thống Miến Điện, nhưng cho phép đại diện của các đảng khác tham
gia chính phủ, trong đó có lãnh đạo của Liên minh quốc gia vì dân chủ. Có thể
nói đây là kịch bản lý tưởng nhất, nó sẽ tránh cho dân tộc, tránh cho đất nước
tình trạng hỗn loạn và những hậu quả chưa lường trước được.
Nhưng kịch bản trên đây không thể xảy ra một khi đảng cộng sản
vẫn mạnh như hiện nay, và các đảng chính trị khác không thể hình thành được, hoặc
có tồn tại nhưng quá nhỏ và quá yếu. Trong điều kiện Việt Nam, đảng cộng sản chỉ
có động lực thay đổi khi phải chịu áp lực bởi các tổ chức chính trị khác đủ mạnh.
Đây chính là lý do của sự cần thiết phải hình thành được các đảng phái hay các
liên minh chính trị mạnh. Và một trong những điều kiện để xác định một tổ chức
chính trị có mạnh hay không là khả năng thu hút và tập hợp quần chúng của tổ chức
đó.
Một khi đã không thể đoạt quyền bằng bạo lực thì một tổ chức
chính trị thu hút sự ủng hộ của người dân bằng cách nào? Bằng cách nào, để
trong điều kiện một cuộc bầu cử thực sự dân chủ, một đảng chính trị có thể giành
được sự ủng hộ của người dân bằng lá phiếu? Chính là bằng các chương trình
chính trị nhằm xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc
gia.
Tất cả những phân tích trên đây là để nói rằng, dân chủ hoá
Việt Nam không gắn với sự lật đổ, mà gắn với sự kiến tạo.
Paris, 29/11/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét