Khi đã sống ở nước ngoài quá lâu, bạn dễ cảm thấy bị mất
danh tính, tổ quốc và không biết mình thuộc về đâu. Nhiều độc giả của BBC từng sống nhiều năm ở nước ngoài đã
chia sẻ trải nghiệm của riêng mình cũng như những cách tốt nhất để tái hoà nhập
khi quay trở lại 'quê hương'.
Trong một bình luận trên Facebook, Wendy Skroch gọi đây là
'sốc văn hoá ngược'.
"Có một cảm giác vô gia cư ở mọi nơi đi cùng với tất cả
những điều này," bà viết. "Cái cảm giác chẳng thấy nơi đâu là nhà là
một cảm giác rất rõ ràng."
Nhiều người vẫn không thể thích nghi sau khi hồi hương. Pete
Jones, người rời khỏi Anh quốc vào năm 2000 để sống ở Đan Mạch, Hà Lan và Thuỵ
Sỹ, viết: "Tôi thích thăm nước Anh vài ngày rồi sau đó lại bay đi. Đây
không còn là nhà nữa!"
"Tôi không nghĩ có một lúc nào đó sẽ trở thành một người
Thuỵ Sỹ nhưng tôi thích cuộc sống ở đó," ông viết. "Nói thật là tôi
không biết đâu là nhà nữa."
Bạn đã thay đổi
Đối với nhiều người, phản ứng từ những người thân thiết nhất
với họ làm việc quay trở lại cảm giác cô đơn và khó khăn. "Việc trở về Mỹ
sau 26 năm sống tại Úc là một cú sốc," Bruce Felix viết.
"Là một người xa lạ ở nơi lẽ ra là 'nhà' thật không dễ
dàng gì."
Dù đã học một số từ ngữ mới nhưng lại không có cùng ngữ âm,
việc giao tiếp ở quê hương ông trở thành một thách thức. "Khi nói khác giọng,
người ta xem bạn như người lạ."
Một số người từ bỏ ý định cố gắng kết nối lại
với bản quán, thay vào đó, họ coi mình là công dân thế giới
Sau 20 năm ở Mỹ, Mary Sue Connolly cảm giác như bà bị xem là
người xa lạ sau khi trở về quê hương. "Tôi đã thay đổi và tôi cảm thấy bị
xem như là người lạ."
"Việc tái hội nhập sẽ dễ hơn nếu bạn không nói về quá
khứ của mình vì bạn sẽ bị cho là giả tạo," Denis Gravel bình luận.
Allison Lee đã về sống ở Úc 3 năm sau 6 năm sống ở Mỹ Latin
và London. "Việc kết bạn giờ đây tốn thời gian hơn, và không ai muốn nghe
những câu chuyện của bạn."
Eunice Tsz Wa Ma, xuất thân từ Hong Kong, vẫn đang phải trải
qua cú sốc văn hoá ngay cả khi bà về thăm quê hương mỗi năm vào mùa hè. "Mỗi
khi quay về, tôi cứ có cảm giác mình bị bỏ lại phía sau và là người duy nhất sống
với quá khứ."
Tái hội nhập
Vậy sau một thời gian dài vắng mặt, làm sao để bạn hội nhập
trở lại? Một số giải pháp đã qua thử nghiệm khá đơn giản và dễ thực hiện.
"Hãy tránh quay lại một công việc tương tự và cùng chỗ
với những gương mặt cũ nếu có thể," John Simpson, một công dân Anh, nói.
"Cả hai bên sẽ cảm thấy khó chịu và những vấn đề hàng ngày của họ nghe thật
tầm thường."
Vesna Thomas, người quay về Úc sau 16 năm sống tại Mỹ và
Singapore, cảm thấy khó để tìm bạn mới ở độ tuổi 40. Cuối cùng, bà thành lập một
câu lạc bộ những người yêu sách và làm tình nguyện viên tại một trường học.
"Điều buồn cười là tất cả những người bạn trong câu lạc
bộ của tôi đều là người nước ngoài. Họ dễ gắn kết với nhau vì đã từng trải qua
cùng cảnh ngộ."
Thật vậy, rất nhiều người hồi hương đã tìm cách kết nối với
cộng đồng người nước ngoài. "Điều này giúp ích rất nhiều vì tôi không giao
tiếp với nhiều người Mỹ khi ở nước ngoài và khi quay về, tôi có thể trải nghiệm
văn hoá Mỹ qua con mắt của những người nước ngoài; điều này giúp tôi dần thích
nghi dễ dàng hơn," Alexis Gordon viết.
Đối với những người khác, việc quay về nước cũng giống như
việc đi sang một nước khác.
"Tôi quyết định xem việc hồi hương như là đi công tác
sang một nước khác có ngôn ngữ quen thuộc với mình," Katrina Gonnerman viết.
"Điều này giúp tôi thích nghi tốt hơn."
"Tôi đã đi xa 30 năm và mỗi khi quay trở về Mỹ tôi đều
xem như là đi ra nước ngoài và cảm thấy hứng thú với việc thực hiện công việc mỗi
ngày," Mark Sebastian Orr viết.
'Không thể tái hội nhập!'
Mặc dù nhiều ý kiến độc giả BBC cho rằng việc thích nghi với
môi trường sống sau khi hồi hương là điều khó khăn, một số ý kiến khác cho rằng
chúng ta không hoàn toàn cần phải thích nghi.
Image copyright Getty Images
Nicole Jones có ba hộ chiếu và đã từng sống ở năm quốc gia
khác nhau. "Tôi đã nhìn thấy điểm tốt và xấu ở những nơi mình đi qua. Tôi
cảm giác như mình là một công dân của thế giới và điều đó làm tôi tự hào."
"Bạn không thực sự tái hội nhập," Paula Alvarez
Couceiro viết. "Bạn nhận ra rằng cá tính và cách suy nghĩ của mình thay đổi
sau khi đã trải nghiệm nhiều nền văn hoá. Việc cố gắng hội nhập trở lại không
khác gì chối bỏ những điều bạn đã học được."
Những phản hồi trên cho chúng ta thấy rằng với những người sống
ở nước ngoài, khái niệm về quê hương và danh tính không phải là điều đơn giản.
Đối với những người gặp khó khăn trong việc tái hội nhập khi
hồi hương, có lẽ bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi biết rằng một khi bạn đã là
công dân thế giới thì việc tái hội nhập là một sự lựa chọn, không phải là một
nghĩa vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét