Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Độc tài và lãnh tụ

FB Luan Le

 
Lãnh tụ độc tài Fidel Castro Nguồn: internet


Thử hỏi, một đất nước mà phụ thuộc vào một lãnh tụ nào đó, thì sau khi họ chết đi thì ai sẽ là người được coi là lãnh tụ kế tiếp? Một đất nước có thể sản sinh ra nhiều anh hùng, nuôi dưỡng được nhiều hiền tài, nhưng nếu để tôn một ai đó lên bằng hai chữ lãnh tụ thì sẽ tự khiến dân tộc đó khó lòng thoát khỏi sự khủng hoảng và suy thoái sau khi con người ấy qua đời, nếu không tự biết thay đổi theo một đường lối khác.

Một đất nước không cần “lãnh tụ” như Mỹ, Pháp, Đức hay nói chung các quốc gia Âu-Mỹ, thậm chí ngay châu Á như Nhật, Hàn, đều không có khái niệm lãnh tụ và cũng chẳng coi ai là lãnh tụ, thì ở nơi đó quốc gia sẽ vĩ đại và phát triển vượt bậc, vì tài năng của nhiều cá thể sẽ đem lại thành quả hơn gấp bội lần trí não một con người. Những nước này họ coi trọng thiên tài, tài năng cá thể trong khoa học quan trọng hơn tất thảy những thứ gì khác, còn với họ, thể chế chính trị chỉ cần phát huy được tài năng của con người, còn lại tự nó phải kiềm chế, vì liên quan đến quyền lực là người ta hiểu nó có tính tha hoá hoặc dễ đem đến những hiểm hoạ khôn lường cho xã hội và dân tộc nên cần ngăn chặn để thế chỗ cho việc phát huy khả năng của từng con người trong quốc gia đó.

Lý Quang Diệu chết để lại khoảng trống quyền lực cho Singapore, Park Chung Hee chết khi đất nước Hàn Quốc đã phát triển kinh tế vượt bậc và chuyển sang thể chế dân chủ. Đó là những trường hợp độc tài cá nhân thành công, nhưng tuyệt nhiên người dân ở đất nước này không coi những con người đó là lãnh tụ. Điều đó là vô nghĩa và nhảm nhí.

Độc tài cá nhân có thể còn có khả năng đưa đất nước phát triển nếu cá nhân đó đủ tài và phẩm cách, còn sẽ là thảm hoạ khốn cùng như Mao Trạch Đông, Gadahfi, Stalin và Lenin, Kim Jong Il (sau là Kim Jong Ul). Còn ngược lại, độc tài tập thể kiểu một đảng duy nhất độc tôn lãnh đạo đất nước thì không bao giờ thoát khỏi những bất hạnh và lầm than cho dân tộc đó.

Vĩnh biệt ông Fidel, và xin được giải thoát ông khỏi chủ nghĩa cộng sản mà đã đẩy Cuba vào những cảnh khốn cùng trong hàng chục năm ròng rã. Tuy rằng, một số chính sách mà đất nước này thực thi đã có bóng dáng của sự “công bằng” kiểu lý tưởng chia đều và miễn phí nhiều dịch vụ, hàng hoá cho nhiều người trong xã hội. Nhưng nó không thể thoát khỏi cảnh sụp đổ vì sự trống rỗng và phủ nhận tự nó trong lòng chính thứ chủ thuyết sai lầm đầy mê hoặc ấy.

Và để bảo vệ cũng như duy trì được mạng sống, thi hài và tư tưởng của những lãnh tụ của chế độ độc tài, dân chúng nên hiểu rằng để đảm bảo được điều đó thì buộc lòng phải hy sinh và đánh đổi quá nhiều thứ, từ vật lực, tài nguyên, sự khủng hoảng xã hội và ngay cả phải xoá bỏ nhiều mạng sống của những người dân cho hình tượng đó được hiện diện.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét