Khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc tỉnh Lào Cai.
Ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP
Với khả năng chính quyền Mỹ trong bốn năm sắp tới có thể thực
hiện một chính sách bảo vệ mậu dịch, cụ thể là Tổng thống đắc cử Donald Trump
đã tuyên bố sẽ hủy bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhiều người dự
đoán rằng điều đó tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm ưu thế về kinh tế trong
khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Như vậy Việt Nam sẽ lệ thuộc về kinh tế hơn nữa vào Trung Quốc
hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời câu hỏi này cho Kính Hòa đài
RFA trong cuộc trao đổi sau đây.
Ông Nguyễn Quang A được biết như là một nhà hoạt động dân sự
đồng thời là một doanh nhân thành đạt tại Việt Nam.
Tùy chính sách của Hoa Kỳ
Kính Hòa: Giả sử như sắp tới đây Hoa Kỳ sẽ thực hiện một
chính sách bảo hộ mậu dịch của họ dưới quyền của ông Tổng thống Trump, điều đó
sẽ để lại một khoảng trống quyền lực về kinh tế tại vùng châu Á Thái Bình
Dương. Liệu điều đó có là nguy cơ đẩy nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc hơn nữa vào
Trung Quốc hay không?
TS Nguyễn Quang A: Chắc chắn. Nhưng tùy vào chuyện là chính
sách của ông Trump, nếu ông ấy không hủy hiệp định thương mại Mỹ Việt thì tình
hình cũng sẽ đại loại như bây giờ. Nhưng nếu ông ấy thực hiện chính sách bảo hộ
một cách quyết liệt, hủy bỏ hiệp định song phương với các nước trong khu vực,
thì quan hệ thương mại Hoa Kỳ Việt Nam sẽ giảm đi, thì điều đó là không tốt, và
sự giảm đi đó chắc chắn sẽ được Trung Quốc trám vào.
Kính Hòa: Thưa ông hiện giờ Trung Quốc họ có ba kế hoạch
kinh tế lớn, thứ nhất là Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP), Con đường tơ lụa
trên biển, rồi ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu. Sự dính líu của Việt Nam
vào các dự án này như thế nào?
TS Nguyễn Quang A: Theo tôi thì Việt Nam đã tham gia vào các
sáng kiến này ngay từ đầu. Nhưng sự dính líu của Việt Nam vào các sáng kiến này
không phải là quá mặn mà. Cũng là tham dự vào cho nó phải lẽ, nhưng mà Việt Nam
hy vọng nhiều vào sự đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có kinh tế
đối ngoại với các khu vực khác, trong đó có EU, Nhật Bản, và nhất là TPP (Hiệp
ước đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách nhất quán của mình?
Kính Hòa: Nếu chúng ta giả định rằng ông Tổng thống mới của
Hoa Kỳ sẽ thực hiện một chính sách bảo hộ mậu dịch rất cứng rắn, và quyền lực
kinh tế của Trung Quốc sẽ lên rất mạnh tại vùng châu Á Thái Bình Dương. Trong
trường hợp đó Việt Nam phải làm gì?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ tiếp tục chính
sách nhất quán của mình. Chính sách này được đại hội đảng 12 và nghị quyết
trung ương lần thứ tư vừa rồi, nhắc lại rằng Việt Nam tiếp tục hội nhập, tiếp tục
đa dạng hóa.
Quan niệm về mặt hội nhập kinh tế, với quốc tế, tất cả các
ông cộng sản Việt Nam này đều là cải cách cả.
Tôi nghĩ rằng chắc chắn Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nhưng với
quyết tâm như thế thì vượt qua cũng không phải là khó khăn lắm. Với các chuyến
đi của ông Trần Đại Quang đến các nơi, cũng như điều mà tôi đã nói là quyết tâm
của đảng cộng sản Việt Nam về đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế với các khu vực,
cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tôi nghĩ rằng những nổ lực đó của họ
là những nổ lực mà chúng ta cần ghi nhận.
Chúng ta hãy nhìn xem những mối quan hệ thương mại giữa
Canada với Mỹ là như thế nào. 70% quan hệ thương mại của Canada là với Mỹ. Việt
Nam ở sát cạnh Trung Quốc, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với một đường
biên giới 600km, gần nhau về văn hóa, tập quán, về cung cách làm ăn, thì lẽ ra
Việt Nam còn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc hơn nhiều. Nếu chúng ta nhìn vào
các con số một cách khách quan, nhìn sâu vào ý nghĩa bề sâu của các con số đấy,
chúng ta thấy tình hình cũng không phải là quá bi đát.
Kính Hòa: Có phải là Việt Nam có một sức ly tâm tự nhiên với
Trung quốc không?
TS Nguyễn Quang A: Đúng như vậy. Chính phủ mà muốn lệ thuộc
vào Trung Quốc thì dân sẽ đuổi chính phủ đi. Đó là sức mạnh ngàn năm của Việt
Nam rồi, trước nay vẫn như thế, và bây giờ nó vẫn như thế.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét