Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Vụ bà Cấn Thị Thêu: 'Gia đình không hy vọng vào kháng cáo'


BBC


           Bà Cấn Thị Thêu trong phiên sơ thẩm hôm 20/09 



Một đại diện của gia đình bà Cấn Thị Thêu, một trong những người đấu tranh phản đối thu hồi đất đai ở Dương Nội, cho biết gia đình không hy vọng vào phiên phúc thẩm sắp tới, nhưng người dân cần đấu tranh để "đòi quyền lợi chính đáng".



Anh Trịnh Bá Tư, con trai thứ hai của bà Thêu, nói với BBC hôm 28/11: "Cá nhân tôi và gia đình không hy vọng nhiều rằng Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xét xử công khai, đúng người đúng luật mà họ sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực của một chế độ độc tài để bỏ tù mẹ tôi, trấn áp gia đình tôi và bà con Dương Nội."



Bà Thêu bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, hôm 20/09 tuyên phạt 20 tháng tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng. Bà Cấn Thị Thêu sau đó đã kháng cáo, với phiên phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/11.



Hồi tháng Sáu năm nay, bà Thêu - người từng bị giam giữ năm 2014 vì đấu tranh giữ đất trong vụ 'dân oan Dương Nội', lại bị bắt tại nhà riêng ở Hòa Bình theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, theo thông tin từ gia đình ở thời điểm đó.


 Từ trái sang: anh Trịnh Bá Tư, cô giáo Lê Thu Hà, bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Phương (con trai lớn của bà Thêu) trong một cuộc gặp với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc


Trả lời câu hỏi của BBC về việc vì sao lại là bà Cấn Thị Thêu bị bắt trong đợt vừa rồi mà không có ai khác, anh Trịnh Bá Tư cho biết bà Thêu đã nhiều lần đại diện cho các nông dân Dương Nội "cất lên tiếng nói để đòi lại quyền lợi mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đáng được hưởng."



"...Khi thu hồi đất mà họ làm không đúng luật, không thỏa đáng thì người dân họ không chấp nhận, phản đối thì người ta có xu hướng đoàn kết với nhau thành một nhóm để đấu tranh đòi lại quyền lợi mà người ta cho là chính đáng.



"Khi chính quyền thấy cần đàn áp thì chính quyền thì họ nhắm vào người đại diện của nhóm người đấy," anh Tư nói.



Xem thêm: 20 tháng tù cho bà Cấn Thị Thêu - BBC Tiếng Việt


'Gây rối trật tự công cộng'


                    Bà Cấn Thị Thêu trong một lần biểu tình


Khi được hỏi về giải thích cụ thể từ phía tòa đưa ra về tội gây rối trật tự công cộng của bà Thêu, anh Tư cho biết trong gia đình chỉ duy nhất bố anh được tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, anh được các luật sư giải thích rằng phía chính quyền nói bà Cấn Thị Thêu đã cản trở các phương tiện giao thông.



"Theo lời các luật sư kể lại thì họ nói rằng mẹ tôi nằm ra đường cản trở giao thông và gây ách tắc, mà nếu tôi nhớ không nhầm là khoảng 30 phút. Theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, gây cản trở giao thông và gây ách tắc giao thông khoảng bao nhiêu phút đó thì quy vào tội gây rối trật tự công cộng cấu thành tội phạm hình sự", anh nói thêm, đó là "luận điệu họ đưa ra".



"...Nhưng thông qua các luật sư, chúng tôi được biết rằng những hành động của mẹ tôi trong ngày mà họ lấy l‎ý do là mẹ tôi gây rối trật tự công cộng thì các luật sư cho rằng mẹ tôi đã thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền biểu tình ôn hòa.



"Thực tế là hỗn loạn xảy ra sau khi an ninh mặc thường phục đánh đập những người đấu tranh, hôm đó có chú Trương Dũng và anh Trung Nghĩa là hai nhà hoạt động ở Hà Nội. Bà con đã lao ra phản đối hành vi đánh đập đấy. Chính lực lượng an ninh đã tấn công những người biểu tình ôn hòa trước."



Bà Thêu lần đầu tiên bị bắt trong lúc đang ghi hình lại vụ xô xát giữa người dân và lực lượng bảo vệ thu hồi đất năm 2014. Bà bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 257 - chống người thi hành công vụ.



Gia đình bà Cấn Thị Thêu có đất nằm trong diện thu hồi cho dự án ở Dương Nội. Dự án giải phóng mặt bằng khu vực này bắt đầu từ năm 2008, tuy nhiên người dân ở đây không chấp nhận giao đất do cho rằng giá đất của chính quyền đưa ra quá 'rẻ mạt'.



Anh Trịnh Bá Tư cho biết người dân Dương Nội có đầy đủ chứng cứ chứng minh rằng giá đền bù đất do chính quyền đưa ra "không đến 1% so với giá bán ra thị trường - tức 201.600 VND/mét vuông đất thu hồi so với giá khởi điểm khi bán ra là 31.500.000 VND/mét vuông".


'Không cùng tôn giáo'


 Lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở nhà thờ Thái Hà hôm 27/11


Tối hôm 27/11, nhiều giáo dân và thân nhân của một số nhân vật đang chịu án tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô giáo Lê Thu Hà và tử tù Hồ Duy Hải, đã cùng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình ở Nhà thờ Thái Hà. Buổi lễ cũng đặc biệt cầu nguyện cho phiên phúc thẩm bà Thêu.



Anh Trịnh Bá Tư kể lại, tuy gia đình anh theo đạo Phật nhưng nhà thờ đã "mở rộng vòng tay cầu nguyện cho những người không cùng tôn giáo, không cùng đức tin nhưng có cùng mong muốn thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn, thay đổi Việt Nam theo hướng quyền của mỗi người dân được tôn trọng".



"Chúng tôi rất cảm ơn phía nhà thờ, các giáo dân đã cầu nguyện cho chúng tôi và những tù nhân lương tâm khác không cùng tôn giáo."



Hôm 17/09, từ New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai vì bà đã thực hiện các quyền của mình một cách ôn hòa.



"Xung đột giữa người dân và chính phủ về việc trưng thu đất đai đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam trong vài năm qua", thông cáo dẫn lời ông Brad Adams, giám đốc châu Á của HRW.



"Chính phủ nên cải cách luật đất đai và cơ chế đền bù thay cho việc trừng phạt những người đi biểu tình vì bị mất đất."



Anh Tư cho biết thêm, trong tám năm người dân Dương Nội đi đấu tranh, "có hơn 70 người khác đã bị bắt giữ" ở các tỉnh lân cận do liên quan tới phản đối thu hồi đất.



Báo An ninh Thủ đô hôm 11/06 đưa tin về việc bắt giữ bà Thêu, trong đó viết: "nội dung khiếu kiện của Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội đã hết thẩm quyền được giải quyết, được Thanh tra Chính phủ và UBND thành phố trả lời kết luận về việc chấm dứt giửi quyết kiến nghị, khiếu nại của Cấn Thị Thêu và một số công dân phường Dương Nội, nhưng đối tượng vẫn kích động một số người dân thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng."



Tuy nhiên gia đình bà Thêu đã gửi cho BBC các bằng chứng được cho là một số cơ quan công quyền vẫn tiếp nhận hồ sơ của gia đình bà Thêu sau ngày bà bị bắt.



Năm 2006, Thủ tướng chấp thuận dự án quy hoạch chung thị xã Hà Đông đến năm 2020, trong đó đất nông nghiệp của phường Dương Nội chủ yếu chuyển sang thành đất đô thị.


  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét