Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Một số thủ thuật tuyên truyền căn bản cần đề phòng

Nguyễn Phương Mạnh




Tuyên truyền là một biện pháp chuyển tải thông tin có tác động mạnh tới tâm lý người đọc, từ đó làm thay đổi hành vi của họ. Tuyên truyền có thể được sử dụng cho mục đích tốt (giáo dục thói quen tốt, cổ vũ tinh thần đoàn kết, sống có ý thức…) và mục đích xấu (khiến người nghe tin vào tổ chức lừa đảo, gây tội ác, tự hủy hoại bản thân và gây hại tới người xung quanh…). Dù được sử dụng với mục đích gì, tuyên truyền luôn mang tính chất kiểm soát, điều khiển người đọc, thuyết phục người đọc mà không sử dụng lý lẽ chính xác. Vì thế chúng ta cần phải biết một số thủ thuật tuyên truyền cơ bản nhằm đề phòng chúng.

Dưới đây là ba trong số nhiều dạng thông điệp tuyên truyền mà bạn có thể đã gặp:

Thủ thuật thứ nhất: Lời quả quyết:

Thông điệp tuyên truyền nêu ý tưởng đáng tranh cãi như một thực tế, không cần chứng minh. Thủ thuật tuyên truyền này phụ thuộc vào việc người đọc có tâm lý lười suy nghĩ và thường chấp nhận những thứ mình đọc, nhất là khi nó không trái với suy nghĩ của mình. Sự rõ ràng, đơn giản của câu khẳng định và sự tự tin khi diễn đạt khiến cho câu nói đáng tin.

Ví dụ về hệ quả của thủ thuật tuyên truyền này là khá phổ biến. Không ít người trong chúng ta có kí ức rằng “Bột giặt A giặt sạch mọi vết bẩn” sau khi đọc thông điệp này mặc dù chưa hề sử dụng bột giặt A. Mặc dù không tin hoàn toàn vào thông điệp, nhưng kí ức này có thể chi phối chúng ta một cách vô thức khi mua sắm. Nguy hiểm hơn, chúng ta dễ dàng tin vào những điều gần giống với niềm tin chung của mình. Ví dụ, nhiều người trong chúng ta có niềm tin chung là thị trường thực phẩm ở Việt Nam đang bất ổn, nên chúng ta tin rằng “nước mắm chứa hàm lượng Arsen vượt ngưỡng cho phép” ngay khi nhìn thấy thông điệp đó. Hậu quả của việc này là ngành sản xuất nước mắm bị giảm doanh thu, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người lao động.

Hitler đã từng viết về tác dụng của lời nói dối lớn trong tác phẩm Mein Kampf. Nguyên tắc của ông được tóm tắt thành câu văn: “Làm cho lời nói dối lớn, khiến nó đơn giản, nói nó nhiều lần, và họ dần dần sẽ tin nó”. Ảnh: http://izquotes.com/

Thủ thuật thứ hai: Từ ngữ hào nhoáng:

Tuyên truyền viên gắn cho đối tượng, luận điểm của mình những từ ngữ mĩ miều, đao to búa lớn không có ý nghĩa rõ ràng. Thủ thuật tuyên truyền này kết nối cảm tình mà người đọc dành cho từ ngữ đẹp đẽ với đối tượng mà mình đang nói. Những từ ngữ thường được sử dụng có thể kể đến: tốt nhất, khác biệt, yêu, tự do, chiến thắng…

Sử dụng thủ thuật tuyền truyền này, tuyên truyền viên nhanh chóng giành được sự ủng hộ của công chúng. Ví dụ, chính phủ Mỹ đã sử dụng thông điệp “bảo vệ tự do Mỹ là nhiệm vụ của mỗi người” để kêu gọi người Mỹ ủng hộ cuộc thế chiến thứ 2.

Thủ thuật thứ ba: Chỉ điểm kẻ thù:

Thông điệp tuyên truyền chỉ ra kẻ địch rõ ràng, đơn giản, bỏ qua cơ chế phức tạp, khiến người đọc phân biệt thiện ác quá vội vàng và rạch ròi. Thủ thuật tuyên truyền này lợi dụng lối tư duy của chúng ta khi gặp vấn đề: chúng ta muốn nhanh chóng tìm một đối tượng để quy kết trách nhiệm. Khi tìm ra đối tượng rồi, chúng ta có xu hướng cho rằng hành vi xấu là do bản thân đối tượng, chứ không chú ý đến cơ chế tâm lý – xã hội phức tạp đã dẫn đến hành vi đó.

Tuyên truyền viên nắm bắt được điều này và thường chỉ ra cho chúng ta một kẻ địch duy nhất, bỏ qua các chi tiết đằng sau. Điều này có thể đem lại nhiều ích lợi cho người viết thông điệp: đầu tiên, người viết thu hút được sự chú ý của người đọc. Thứ hai, người viết đảm bảo người đọc sẽ dừng tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa hơn. Thứ ba, người đọc sẽ có định hướng hành động rõ ràng khi cảm nhận rõ được kẻ địch.

Trào lưu đổ lỗi nhiều vấn đề cho biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu (mặc dù các vấn đề này chưa chắc đã liên quan) thuộc dạng thông điệp tuyền truyền này. Khi chúng ta thấy nguyên nhân của vấn đề mình đang gặp phải là biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ yên tâm hơn, vì chúng ta và những người xung quanh đều không có lỗi.

Một ví dụ khác của Thủ thuật tuyên truyền chỉ ra kẻ địch rõ ràng là các thông điệp của trường phái vô thần cực đoan, quy kết rằng tôn giáo đã gây ra mâu thuẫn và chiến tranh. Sự phức tạp của lịch sử cũng như tư tưởng và Thủ thuật tu tập tôn giáo khiến cho một số người thực sự tin vào thông điệp này, còn một số khác lại kịch liệt phản đối, khiến cho xã hội hình thành các phe tư tưởng đối lập.

Bill Murray đã chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng: “Tôn giáo là kẻ thù tồi tệ nhất của loài người…. Không có cuộc chiến tranh náo trong lịch sử lại giết nhiều người được như tôn giáo”. Fanpage “We Fucking Love Atheism” (tuyên truyền về vô thần) sử dụng câu này để tuyên truyền tư tưởng của mình. Ảnh: https://www.askideas.com

Trên đây là một số Thủ thuật tuyên truyền mà chúng ta cần đề phòng. Điểm chung của các Thủ thuật này và những Thủ thuật tuyên truyền khác là chúng chỉ hiệu quả khi người đọc dễ dãi, để cho tình cảm lấn át tư duy, không suy nghĩ và phản biện thấu đáo đối với những ý tưởng mà mình đọc được. Ngày nay, các Thủ thuật tuyên truyền mới đã tinh vi hơn, ẩn giấu trong nhiều hình thức truyền thông, từ phim hoạt hình cho trẻ em đến những bài báo, phóng sự tưởng như chỉ đưa tin thuần túy. Điều này đòi hỏi chúng ta cải thiện khả năng phân tích, đánh giá nhằm tránh bị dắt mũi, điều khiển.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét