Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

6 phụ nữ dấn thân bảo vệ nhân quyền bạn nên biết

Hồng Tâm



1. Salwa Bugaighis – luật sư và nhà hoạt động chính trị

Salwa Bugaighis là một phụ nữ đáng kính và sự cống hiến của bà ấy về nhân quyền vô cùng đáng nể. Với tư cách một luật sư, ngay từ khi còn trẻ, bà đã can đảm đấu tranh cho dân chủ tại Libya. Bà đóng vai trò tích cực trong cuộc cách mạng Libya và được miêu tả như là “nhà hoạt động nhân quyền Libya dám chống lại Gaddafi”.

Salwa cũng tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sau cách mạng, kêu gọi sự tham gia của phụ nữ vào trong quá trình tái kiến thiết quốc gia. Trong mọi cơ hội có thể, bà luôn thúc đẩy đoàn kết dân tộc ở quốc gia bất ổn này.


Tất cả chúng ta đều có thể lấy cảm hứng từ sự tích cực hoạt động của Salwa. Sự tận tụy của bà ấy đối với hòa bình và tự do là di sản để lại mà tất cả chúng ta khao khát đạt tới. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 6 năm 2014, sau khi tham gia bầu cử Quốc Hội Lybia, bà bị ám sát ngay tại nhà riêng. Công cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ tại Lybia, đã bị một nhóm các phần tử cực đoan tôn giáo và chính trị hạ bệ thành một cuộc thanh trừng lẫn nhau để độc tôn quyền lực; mà bà Salwa là một trong các nạn nhân của chúng.

2. Mu Sochua – chính trị gia và người ủng hộ quyền của phụ nữ

Mu Sochua lớn lên dưới thời cai trị của Khmer Đỏ tàn bạo. Bà ấy buộc phải sống lưu vong xa khỏi quê hương và trở về xây dựng lại đất nước của mình sau khi chế độ Khmer Đỏ chấm dứt.

Khi còn nắm giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Mu đấu tranh để chấm dứt nạn buôn người và bóc lột lao động nữ. Bà cũng là người chấp bút soạn thảo nhiều văn bản luật pháp quan trọng nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ tại Cambodia.


Sau khi nhận thấy vấn nạn tham nhũng và chuyên quyền có hệ thống của chính phủ Cambodia, bà giữ vững lập trường của mình, quyết định thôi giữ chức Bộ trưởng và trở thành một nhân vật chính trị đối lập.

Bà từng nói: “Nhân dân đã sẵn sàng thay đổi. Và chính phủ thì sợ hãi sức mạnh của sự đối lập”.

Nhưng cũng kể từ đó, Mu phải đối mặt và vẫn tiếp tục bị đe dọa bỏ tù vì những chỉ trích của mình đối với chính phủ và Thủ tướng.

Vậy điều gì truyền cảm hứng cho Mu tiếp tục bước đi? Theo cách nói riêng của bà, “Tôi cảm thấy hài lòng nhất khi các hệ thống mạng kết nối phụ nữ đồng hành cùng nhau, tạo ra được nguồn lực quan trọng và một không gian chính trị có ảnh hưởng”.

3. Gillian Triggs – Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Úc và chuyên gia pháp lý

Khi nghĩ về tính liêm chính và sự quyết tâm, chúng ta có thể nghĩ về Gillian Triggs.

Người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Úc đã phải đối mặt với sự tấn công dữ dội của các cuộc tấn công định hướng chính trị và sự lăng mạ từ các chính trị gia hàng đầu, trong đó có Thủ tướng Úc đương thời – Tony Abbott, đối với việc ủng hộ nhân quyền của bà ấy.


Triggs, một luật sư đạt được nhiều thành tựu đáng ca ngợi trong nghề và cả học thuật, bị nhắm đến một cách không công bằng do bà thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt liên quan đến vấn đề trẻ em xin tị nạn bị giữ trong các nhà giam di trú.

Tuy nhiên, khi đối mặt với những áp lực chính trị và các cuộc tấn công không ngừng của chính phủ, bà vẫn tận tâm thực hiện sứ mệnh bảo vệ nhân quyền ở Úc, một sứ mệnh mà Chính phủ Úc nên noi theo.

4. Rebiya Kadeer – nhà hoạt động và lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ

(Uyghur – một dân tộc Trung Á sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc – ND)

Rebiya có nhiều vai trò: là doanh nhân, là mẹ mười một đứa trẻ, nhà lãnh đạo chính trị và, bà cũng là một trong những chiến binh tự do quyết liệt – cái gai trong mắt của chính quyền Trung Quốc.

Sinh ra và lớn lên với tư cách một thành viên trong cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tại khu vực Tân Cương của Trung Quốc, bà Rebiya đã dành cả cuộc đời mình vận động cho quyền của người Duy Ngô Nhĩ.



Trong những năm 90, bà là doanh nhân giàu có xếp thứ 7 toàn Trung Quốc, và được Đảng Cộng Sản nước này để mắt đến. Không lâu sau, bà được mời trở thành cố vấn cho Nhà Nước Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương. Đến năm 1995, bà được chỉ định đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Phụ Nữ.

Nhưng những thông dịch viên không muốn dịch bài diễn văn năm ấy của Hillary Clinton cho bà nghe, hay sự can thiệp của các nhân viên Trung Quốc bất cứ khi nào bà trò chuyện với một đại biểu khác về vấn đề quyền phụ nữ, quyền dân tộc; đã khiến Rebiya suy xét lại vị trí thật sự của mình đối với chính quyền Trung Quốc.

Bà chuyển hướng, bắt đầu hoạt động cho quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Sự tích cực hoạt động của bà đã bị trả giá; Chính quyền Trung Quốc kết án bà đến tám năm tù do việc làm của bà và sau đó bà ấy đã buộc phải sống lưu đày. Mặc dù vậy, Rebiya – người được biết đến như là “Mẹ của dân tộc Duy Ngô Nhĩ” – không bị bịt miệng bởi chính quyền và vẫn tiếp tục các hoạt động của bà ấy ở tuổi 60.

5. Yara Sallam – nhà hoạt động bình quyền phụ nữ và luật sư nhân quyền

Ở tuổi 28, Yara đã trở thành một nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu ở Ai Cập.

Sự tận tụy của cô ấy trong việc bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ ở Ai Cập, đã và đang trở thành cảm hứng cho những người phụ nữ Ả Rập trẻ tuổi.

Là một người bênh vực bình quyền cho phụ nữ, cô ấy đã đấu tranh giành không gian tự do rộng lớn hơn để phụ nữ thực hiện các quyền công dân và quyền chính trị của họ, đặc biệt là thoát khỏi bạo lực tình dục.

Yara gần đây bị kết án hai năm tù vì tham gia một cuộc biểu tình ở Ai Cập, nơi mà hiện nay vẫn cho là bất hợp pháp khi công dân thực hiện một cách hiệu quả quyền biểu tình của họ.

Thậm chí từ nhà tù, Yara vẫn tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa của những phụ nữ dễ bị tổn thương, những người đã bị giam giữ và bỏ tù.

6. Nimko Ali – nhà vận động chống FGM

Nimko là một người phải chịu sự hành hạ của hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục phía ngoài của người phụ nữ (FGM – female genital mutilation) và là một nhà vận động quyết liệt dẫn đầu chiến dịch chống FGM ở Anh.

Cô đã đưa vấn đề này lên trang nhất của các tờ báo, đến văn phòng của nghị viện, và đấu tranh quyết liệt cho những thay đổi trong hệ thống pháp luật với chính sách mạnh mẽ hơn. Cô cũng là đồng sáng lập và giám đốc của Daughters of Eve – một tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Anh hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ, những người có nguy cơ phải chịu hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục phía ngoài.


Các hoạt động của Ali nâng cao nhận thức không vì mục đích lợi nhuận về FGM và cung cấp hỗ trợ cho những nạn nhân của FGM. Nimko đã phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng lời nói và cả về thể xác khi dám lên tiếng chống lại những “tập quán” xưa cũ của cộng đồng mình, nhưng tinh thần của cô vẫn chưa từng bị dao động. Nimko coi mình là một người sống sót của hủ tục, chứ không phải là một nạn nhân. Tinh thần chiến đấu của cô ấy là điều mà tất cả chúng ta có thể học hỏi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét