Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Câu chuyện lá cờ và hòa hợp hòa giải dân tộc

Trà Mi-VOA

 

Một sự kiện gây chú ý trong tuần này khi một du khách Việt Nam thông báo ý định mặc trang phục cờ đỏ sao vàng đến thăm khu Little Sài Gòn của người Việt tị nạn cộng sản ở Nam California để kêu gọi ‘hòa hợp hòa giải dân tộc.’ Khi chính thức xuất hiện tại Phố Bolsa trong bộ áo dài với màu sắc đỏ-vàng, ông Lê Đình Hùng (còn có biệt danh là Hùng Cửu Long) đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người Việt tại đây.

Khi được cảnh sát giải vây, ông Hùng giải thích rằng với tư cách người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông muốn tới đây để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào hải ngoại.

Hành động của ông Hùng khơi dậy những tranh cãi lâu nay mỗi khi lá cờ của chế độ cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam xuất hiện trong cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại và những tranh luận về lời kêu gọi hòa hợp-hòa giải dân tộc.

Tạp chí Thanh Niên hôm nay ghi nhận ý kiến của người trẻ trong và ngoài nước về vấn đề này với sự tham gia của Nancy Nguyễn từ Nam California, Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội, và Lê Văn Sơn từ Nghệ An.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi
Câu chuyện lá cờ và hòa hợp hòa giải dân tộc (0:13:02)
0:13:02
0:00:00 /0:13:02
Đường dẫn trực tiếp


Nancy Nguyễn: Anh Hùng Cửu Long đến đây với màu cờ như vậy dựa trên nền tảng quyền tự do biểu đạt của Mỹ nhưng anh quên một điều là quyền này không có nghĩa là tự nhiên xúc phạm người khác. Điều khiến mọi người khó chịu là trước khi anh tới, anh tuyên bố sẽ mặc áo cờ đỏ-sao vàng. Mọi người ở đây cho đó là hành động khiêu khích, phá rối an ninh. Khi tới, anh không mặc áo đó, đáng lẽ nên được đối xử bình thường, nhưng việc khiêu khích trước đó đã khiến cho người ta khó chịu.

Lê Văn Sơn: Cái ý tưởng ‘hòa hợp hòa giải dân tộc’ mà anh ấy nói, mọi người trong nước hay hải ngoại đều mong muốn, nhưng vấn đề nằm ở cách thể hiện. Thái độ, hành động của anh ấy từ tư tưởng đến hành động trái ngược hoàn toàn nên dẫn tới phản cảm trong dư luận. Việc anh này làm hoàn toàn dị hợm, lố bịch.

Nguyễn Hữu Vinh: Tôi thấy việc này buồn cười. Anh ta trả lời cảnh sát rằng vì ứng cử đại biểu quốc hội nên đến đấy để ‘tìm hiểu’, ‘hòa hợp hòa giải.’ Không hiểu anh ứng cử ở đâu chứ ứng cử đại biểu quốc hội xong từ lâu rồi. Thứ hai, chuyện hòa hợp hòa giải phải đến từ chính sách, từ thể chế, từ căn nguyên gây mất đoàn kết dân tộc, chứ không phải bắt đầu từ những hành động ngu xuẩn như vậy.

Trà Mi: Các bạn xem đây là hành động thiếu khôn ngoan, còn cái suy nghĩ muốn tới đây để nói chuyện thông hiểu lẫn nhau giữa hai phía, hai cực, hai tư tưởng, các bạn nhận xét thế nào?

Nancy Nguyễn: Little Sài Gòn này đón khách thập phương rất nhiều. Muốn gặp gỡ với cộng đồng, rất đơn giản thôi. Nếu anh thực tâm muốn có cuộc gặp như vậy để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng những người ở đây, chỉ cần liên lạc với một số cá nhân và mọi người có thể cho anh một buổi tiếp xúc, chứ không thể có một cuộc thăm dò, tìm hiểu theo cách ra trước khu thương xá Phước Lộc Thọ nói chuyện thế này. Hơn nữa, khi đến nhà người ta, phải tôn trọng chủ nhà, một khi đã biết là cộng đồng này không chấp nhận lá cờ đó. Có hẳn nghị quyết cấm lá cờ đó xuất hiện tại đây.

Trà Mi: Có người cho rằng hành động của anh này là khiêu khích, nhưng cũng có người cho rằng việc la ó, xua đuổi để phản đối việc làm ôn hòa của anh Hùng cũng là một sự quá khích. Các bạn nghĩ sao?

Nancy: Sự phản ứng là vì anh đã tuyên bố trước sẽ mặc áo cờ đỏ-sao vàng ra đó, người ta cho rằng đó là hành động khiêu khích.

Lê Văn Sơn: Chuyện phản đối là diễn biến tâm lý bình thường của cộng đồng Việt hải ngoại. Thử hỏi ở Việt Nam mặc áo cờ vàng 3 sọc đỏ ra lăng Hồ Chí Minh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Việc anh ấy làm khác gì mồm nói ‘hòa hợp hòa giải’ nhưng tay thì giấu một con dao.

Trà Mi: Có người nói nồi da xáo thịt đã xong, 40 năm rồi đã qua một thế hệ, tại sao vì một lá cờ mà người cùng dòng máu Việt lại có hành động không đẹp với nhau, nên chăng quên đi hận thù để nhìn tới tương lai tốt đẹp hơn?

Nguyễn Hữu Vinh: Cũng phải có nơi có chỗ, tôn trọng người khác. Với những người có quá khứ đau thương, rất ghê sợ và ám ảnh lá cờ đó mà làm vậy thì người ta phải phản ứng. Chuyện giữa người Việt với nhau mà cư xử với nhau không hòa bình, tôi thấy đó là điều xót xa. Cần hiểu tâm lý nhau, chứ thật ra đừng nên câu nệ màu cờ vì ngay cả những người mang màu cờ đó chắc gì họ đã ưa màu cờ đó.

Trà Mi: Vậy làm thế nào để sự xích mích, chống đối lẫn nhau vì màu cờ đó được xoa dịu?

Nancy Nguyễn: Nhu cầu về việc hòa hợp hòa giải đối với những người trẻ rất ít so với những người đi trước. Muốn khỏa lấp sự khác biệt, trước nhất phải xuất phát từ thực tâm hàn gắn lại quá khứ. Anh không thể hòa hợp hòa giải với tôi khi anh cướp nhà tôi rồi bảo thôi quên quá khứ đi để hướng tới tương lai. Trong bất cứ vụ hòa hợp hòa giải nào cũng phải bắt đầu từ việc giải quyết mâu thuẫn trong quá khứ. Phải tôn trọng quá khứ của nhau, phía tôi làm gì sai với anh thì cho tôi xin lỗi. Không nên dẫm đạp lên đau thương mất mát của phía bên kia.

Lê Văn Sơn: Ngay chính nhà cầm quyền cộng sản phải có những chính sách chứng tỏ thực tâm. Chẳng hạn hiện giờ ở Việt Nam có rất nhiều lính Việt Nam Cộng hòa, tôi đã gặp họ và chứng kiến cuộc sống của họ rất đau khổ. Thử hỏi nhà cầm quyền này đã làm gì để hòa hợp hòa giải, hay chỉ nói mồm. Bằng hành động cụ thể sẽ xóa nhòa nỗi đau quá khứ và người Việt Nam sẽ thương yêu nhau thật sự.

Nguyễn Hữu Vinh: Đảng gọi họ là ‘khúc ruột ngàn dặm’ khi cần tiền của họ, nhưng khi người ta lên tiếng trái ý thì vu ngay là ‘bọn lưu vong phản động’. Muốn làm bạn với nhau, tâm phải chân thành. Không thể hòa giải hòa hợp theo kiểu nói một đằng-làm một nẻo. Anh cứ đánh đập vợ con, hà hiếp người trong gia đình, đi ngược lại lợi ích của cả thế hệ đó và đi ngược lại giá trị loài người thì có thể nào nói chuyện hòa hợp hòa giải được chăng? Chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi từ chế độ, từ thể chế độc tài sang dân chủ thật sự. Khi đó, vấn đề hòa hợp hòa giải không có gì khó khăn.

Trà Mi: Thế hệ trẻ không liên quan nhiều đến quá khứ có thể góp phần thế nào trong tiến trình hòa hợp hòa giải? Những người trẻ trong và ngoài nước có thể làm gì?

Nancy Nguyễn: Giữa người dân với người dân, người trong nước với người ngoài nước, không có nhu cầu gì hòa giải với nhau. Nhu cầu đó chỉ có ở chính quyền và người dân mà thôi. Cho nên, mọi người nhắc đi nhắc lại vấn đề chính sách: phải giải quyết quá khứ và có chính sách thể hiện thiện chí của nhà nước.

Lê Văn Sơn: Có được hòa hợp hòa giải dân tộc đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản có biết lắng nghe người trẻ hay không? Chẳng hạn như tôi muốn hiến kế thì họ có nghe và có thực hiện hay không? Đó là vấn đề rất lớn. Đương nhiên người trẻ chúng tôi mong muốn điều đó tiến triển nhanh nhất để người dân Việt thu về một mối.

Trà Mi: Nếu họ muốn nghe thì điều anh muốn nói là gì?

Lê Văn Sơn: Thứ nhất, phải có những chính sách thật sự cụ thể cho thương phế binh Cộng hòa, hỗ trợ an sinh xã hội cho họ. Nếu xây dựng cho liệt sĩ Bắc Việt những nghĩa trang ‘Tổ quốc ghi công’ thì cũng hãy xây dựng những nghĩa trang tử tế cho những người phía bên kia ngã xuống. Điều quan trọng nhất là người Việt trong và ngoài nước đang mong muốn đất nước Việt Nam được dân chủ, tự do, con người Việt Nam được tôn trọng. Vậy thì nhà cầm quyền hãy thực hiện những mong muốn đó bằng cách đa nguyên-đa đảng, cho người trẻ chúng tôi lên tiếng nói để đóng góp cho đất nước.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét