Dịch từ Don’t Expect the Supreme Court to Change Much; Cass
R. Sunstein; Bloomberg; 9 tháng 11 năm 2016
Nếu điều chúng ta dự đoán trở thành hiện thực, Trump sẽ tìm
một người thay thế Thẩm phán Antonin Scalia, nhưng Tối cao Pháp viện sẽ vẫn
trông giống như thời điểm trước khi Thẩm phán Scalia qua đời vào tháng 2: 4 thẩm
phán xu hướng cấp tiến (Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Elena Kagan, và
Sonia Sotomayor); 2 thẩm phán bảo thủ ôn hòa (John Roberts và Anthony Kennedy);
và 3 thẩm phán xu hướng bảo thủ (Clarence Thomas, Samuel Alito, và thẩm phán mới).
Cái chết của Thẩm phán thành viên Tối Cao Pháp Viện Justice
Antonin từng khiến nhiều người lo ngại / kỳ vọng vào một hình ảnh Pháp viện mới.
(Ảnh: Mark Avery/Orange County Register/ZUMA Press)
Điều này có nghĩa là phân bổ về ý thức hệ sẽ không khác với
Pháp viện đã từng bảo vệ Obamacare và yêu cầu các tiểu bang phải thừa nhận hôn
nhân đồng tính. Tối cao Pháp Viện sẽ vẫn có sự góp mặt của 5 thẩm phán gạo cội
– tức chiếm đa số của Tối cao Pháp Viện – những người đã từng bỏ phiếu duy trì
chương trình tạo điều kiện cho các nhóm thiểu số dễ bị phân biệt đối xử trong
giáo dục và tuyển dụng (affirmative action) và vô hiệu hóa hạn chế về quyền phá
thai.
Một Tối cao Pháp viện như thế sẽ không cho phép cơ quan hành
pháp do Đảng Cộng hòa chi phối muốn làm gì thì làm. Pháp viện sẽ khẳng định một
cách cương quyết nền pháp quyền. Và sẽ khó có khả năng Pháp viện xoay chuyển
sang xu thế chính trị mới.
Tất nhiên, tình thế sẽ rất khác nếu Tổng thống tân cử Trump
có thể thay thế một trong các thẩm phán cấp tiến. Cả Ginsburg (83 tuổi) và
Breyer (78) đều không phải trẻ trung gì. Nhưng cả hai người có vẻ khỏe mạnh; và
không có gì đáng ngạc nhiên nếu họ tiếp tục phục vụ thêm 4 năm nữa.
Vẫn không thể loại trừ khả năng một trong số họ từ chức. Khi
đó, các thay đổi đáng kể là hoàn toàn khả dĩ. Nhưng có thể là không quá nhiều.
Một lý do nằm ở tư tưởng tôn trọng án lệ. Thẩm phán Hoa Kỳ
thường dè dặt trong việc can thiệp thay đổi các phán quyết trước đó của tòa án,
kể cả khi họ bất đồng với những phán quyết đó. Với nguyên tắc pháp lý này, liệu
một đa số mới trong tòa án có thực sự muốn tuyên bố, ví dụ, vào năm 2018, rằng
các tiểu bang có thể cấm hôn nhân đồng tính, sau nhiều năm phủ nhận? Điều này rất
khó xảy ra: Một sự đảo ngược đột ngột về đường hướng như vậy sẽ làm phật lòng kỳ
vọng chung của xã hội, và sẽ khiến luật pháp Hoa Kỳ vừa có vẻ thiếu ổn định, vừa
mang tính chính trị rất vụng về.
Liệu một Pháp viện dưới thời Trump sẽ muốn bãi bỏ bản án Roe
v. Wade, vốn đã trở thành quy chuẩn pháp
lý của toàn liên bang Hoa Kỳ từ tận năm 1973, và như vậy cho phép các tiểu bang
cấm đoán việc phá thai? Xét về sự chống đối nạo phá thai mạnh mẽ trong giới bảo
thủ, điều này có thể xảy ra. Nhưng thẩm phán không phải chính trị gia, và một lần
nữa, họ không muốn tỏ ra rằng họ là những người gây nên sự mất ổn định cho luật
hiến pháp Hoa Kỳ. Bất kỳ nhóm đa số nào tại Tối cao Pháp viện sẽ phải ngần ngại
trước khi quyết định một vấn đề hệ trọng.
Liệu một tòa án bao gồm Alito, Roberts, Kennedy, Thomas, và
một hoặc hai thẩm phán do Trump bổ nhiệm, sẽ sẵn sàng nới rộng quyền lực của chế
định Tổng thống? Không đời nào chuyện đó xảy ra. Các thẩm phán bảo thủ đương nhiệm
đã từng bày tỏ sự hoài nghi đáng kể về thẩm quyền quá rộng lớn của nhánh hành
pháp hiện tại. Họ sẽ không chuyển hướng đột ngột chỉ vì tổng thống tân cử là
người thuộc Đảng Cộng hòa.
Cơ cấu và xu hướng của Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ không
thay đổi đáng kể dù Tổng thống Tân cử Trump đề cử ai vào vị trí trống còn lại
đi chăng nữa. Ảnh: Salon.
Còn một điểm nữa phổ quát hơn. Nhiều thẩm phán (và đặc biệt
là Roberts) tin vào “Chủ nghĩa tòa án can thiệp tối thiểu” (“judicial
minimalism”). Họ thích tập trung vào tình huống và sự thật của từng vụ án cụ thể.
Bên cạnh việc tôn trọng các phán quyết trước đó, họ thích đi từng bước nhỏ và
ghét cay ghét đắng các xu hướng pháp lý bạo dạn hoặc theo đuổi những lý thuyết
tầm vóc.
Một ví dụ điển hình: Vào những năm 70, nhiều người cấp tiến
đã khiếp sợ khi Tổng thống Richard Nixon ở vào vị thế có thể chuyển hóa tòa án
vốn nghiêng về cánh tả chút đỉnh, do Earl Warren lãnh đạo, và bổ nhiệm không dưới
4 thẩm phán bảo thủ theo “chủ nghĩa giải thích pháp luật khắt khe” (“strict
constructionists”). Và tất nhiên, “Tòa Nixon”, một cái tên thi thoảng được gọi
để chỉ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã liên tiếp khiến cánh tả thất vọng. Nó đã chặn
đứng xu thế thừa nhận các quyền về trợ cấp xã hội, không mở rộng các quyền của
bị cáo hình sự cũng như từ chối thừa nhận quyền hiến định về giáo dục.
Nhưng cả thời kỳ đó đã được miêu tả một cách thích đáng là
“cuộc phản cách mạng không có thật”. Sự thật là “Tòa Nixon” tôn trọng những quyết
định của các thẩm phán tiền nhiệm. Tối cao Pháp viện thời kỳ này vẫn tin rằng
cam kết về nhà nước pháp quyền đòi hỏi sự khiêm tốn và tôn trọng quá khứ. Hầu hết
án lệ vẫn được gìn giữ, ngay cả khi Pháp viện từ chối phát triển thêm từ nền tảng
các án lệ đó.
Đúng là với các thay đổi về thành viên của tòa án, chúng ta
sẽ có thể chứng kiến một số chuyển hướng tịnh tiến trong hệ thống pháp luật Hoa
Kỳ, bao gồm mở rộng quyền sở hữu súng, tăng cường bảo vệ quảng cáo thương mại
và nhiều hạn chế mới về quyền lực của các cơ quan lập quy. Nhưng trong bốn năm
tới, khả năng rất cao rằng luật hiến pháp Hoa Kỳ sẽ không có thay đổi gì đáng kể
cả./.
Nguồn: http://luatkhoa.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét