Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Học giả Trần Trọng Kim - Phần 2


Tác giả: Trần Văn Chánh


 tran-trong-kim-1


“Một cơn gió bụi”

Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc-bảo hoàng. Chính Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các trước đây của ông đã từng nhận xét: “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị”.

Không ai phủ nhận Nội các Trần Trọng Kim là do Nhật lập ra để lèo lái theo ý đồ chính trị của Nhật (chuyện này chính Trần Trọng Kim và những người xung quanh ông cũng đã biết trước và sau khi chấp chính), nhưng nội các đó có “tay sai bù nhìn” hay không thì lại là vấn đề đã gây nên nhiều tranh cãi.

Bùi Diễm cháu gọi ông bằng chú (miền Nam gọi dượng) có lẽ là một trong những người có điều kiện tiếp xúc gần gũi và rành rẽ hơn hết về tính cách ngây thơ chính trị của ông cũng như của cả nhóm bộ trưởng dưới quyền ông, đã từng đánh giá: “Cụ Kim vẫn còn bị những khuynh hướng tổ chức theo lối cổ ngày xưa ảnh hưởng rất nhiều. Khi tìm người ra phục vụ, cụ đã mời những người vừa xuất sắc về học vấn, vừa chánh trực thanh liêm về cùng làm việc. Cụ coi đây là những đức tính tiên quyết, bắt buộc phải có ở những người phục vụ đất nước. Khi nhìn lại bằng con mắt hiện thời thì quả thật lúc loạn ly bấy giờ chưa chắc đã phải là lúc của những đức tính như vậy….Tuy thế, hầu hết các nhân viên trong cả chánh phủ đều thiếu kinh nghiệm chính trị thực tiễn. Khi giải quyết các vấn đề chính trị, họ thường giải quyết dựa vào các quan niệm lý thuyết. Họ sẵn sàng tán thành các giải pháp được đề ra, miễn là những giải pháp đó có vẻ hợp luận lý….Tuy không hề nghe lệnh [người Nhật], họ cũng chẳng hề biết rõ thấu đáo tình hình chính trị và quân sự đang gây sóng gió chung quanh…. Họ chẳng biết tí gì về người Mỹ…. Theo tôi nhớ thì hình như các bộ trưởng chưa bao giờ nói gì đến chuyện ông Hồ Chí Minh hoặc Việt Minh…. Ngay cả đến người Nhật, mà tôi nghĩ là họ phải hiểu hơn cả, họ cũng chẳng biết rõ ý định của người Nhật. Dường như họ cũng chẳng lo lắng mấy về vấn đề người Nhật sắp sửa thất bại…. Theo tôi thấy thì có lẽ ông [ông chú tôi] không màng gì đến chuyện tranh chấp quyền lực trong tương lai. Ngược lại, ông đã nghe về Việt Minh và đang tự hỏi xem thật sự họ có phải là nhóm người lãnh đạo hữu hiệu nhất cho quốc gia vào những ngày khó khăn sắp tới hay không? Ông bảo tôi rằng hình như đảng Việt Minh đã được Hoa Kỳ ủng hộ. “Nếu đúng như vậy thật”, ông nói tiếp “thì ta vui lòng nhượng quyền cho họ”… Một tuần sau thì có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, ở Huế tình hình chẳng những đã cực kỳ sôi sục, mà còn rối ren mù mịt. Vì chưa sửa soạn kỹ lưỡng để nắm quyền, khi định mệnh xô ngã Nhật, chánh quyền của ông chú tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, không biết phải hành động ra sao….Tuy thế sau khi cụ Kim đã quyết định [từ chức] thì tất cả những cảm giác vui buồn lẫn lộn đều hoàn toàn biến mất. Cụ đã nói với tôi rằng: ‘Giờ chú hoàn toàn vui mừng như xưa, sẽ có người khác phải gánh trách nhiệm. Thật là nhẹ nhàng vô cùng’”.

Do cái ngả rẽ sang con đường chính trị mà không thành công như niềm tin có thể ngây thơ và chí hướng tốt đẹp, sau khi Cách mạng tháng 8.1945 thành công, và nhất là sau năm 1954, cũng vì cái lý lịch chính trị đó, nên tương tự như trường hợp Phạm Quỳnh, ở miền Bắc người ta không nhắc gì đến ông nữa, cả về phương diện học thuật. Cá nhân Trần Trọng Kim cùng với quyển Việt Nam sử lược nổi tiếng một thời đã bị một số nhà sử học mác-xít đầu đàn như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu… phê phán nặng nề bằng một số cụm từ như bù nhìn, phản dân tộc… Các sách giáo khoa môn sử cũng theo đó mà đưa ra các nhận định, hoặc mạt sát nặng nề, hoặc chỉ nhắc lướt qua như một chi tiết phụ không đáng kể…, khiến cho học sinh và thậm chí một số trí thức tương đối trẻ ngày nay không còn biết Trần Trọng Kim là ai và nội các do ông lãnh đạo có vai trò lịch sử như thế nào nữa.

Riêng cuốn Việt Nam sử lược đã từng bị coi là sách cấm, khiến cả những giáo sư dạy sử trong trường đại học (như GS Trần Quốc Vượng…) cũng chỉ dám cất giấu đọc lén, bởi vì theo quan điểm chính thống, “những người làm công tác sử học Việt Nam đã bóc trần các quan điểm sử học thực dân phong kiến trong một số sách lịch sử do bọn bồi bút thực dân biên soạn, mà tiêu biểu là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim” (xem Văn Tạo, “Khoa học lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua”, Sử học Việt Nam trên đường phát triển, Viện Sử học, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1981, tr. 9).

Khoảng hơn chục năm gần đây, qua lớp bụi thời gian, “tội lỗi” của Trần Trọng Kim đã dịu bớt, người ta bắt đầu biết đến rồi nhận ra giá trị, cho in đi in lại nhiều lần những Việt Nam sử lược, rồi Nho giáo, Phật giáo, Phật lục… , nhất là bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và  Luân lý giáo khoa thư do ông chủ trì nhóm biên soạn. Từ năm 2000, tức 47 năm sau khi Trần Trọng Kim qua đời, mới thấy mục từ TRẦN TRỌNG KIM bắt đầu xuất hiện trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh chủ biên (NXB Giáo Dục). Năm 2004, khi bộ sách quy mô Từ điển Văn họcbộ mới ra đời (NXB Thế Giới), mục từ TRẦN TRỌNG KIM lại được đưa vào một cách trân trọng hơn, do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi trình bày, với gần đầy 3 trang giấy khổ lớn, bỏ hết mọi lời công kích.

Trong số những nhà sử học trụ cột thế hệ tiếp sau Trần Huy Liệu-Trần Văn Giàu, mặc dù vẫn ở trong phái “chính thống” hay “dòng chính”, mọi người nhận thấy dường như chỉ có GS Đinh Xuân Lâm đi trước một bước với những quan niệm, nhận định cởi mở và chính xác hơn về nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim, khi ông nói: “Chúng tôi cho rằng Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật là chính xác vì thực tế nó ra đời là do bàn tay Nhật tạo dựng và theo ý định của Nhật, nhưng bảo rằng nó là bù nhìn e rằng chưa thật sự đúng, vì trong thực tế nó vẫn có những chủ trương và việc làm ngoài ý muốn của Nhật và có lợi cho dân, cho nước” (Trường Thanh niên tiền tuyến Huế-1945: Một hiện tượng lịch sử, NXB Công An Nhân Dân, 2008).

Cho đến nay, biên khảo về Trần Trọng Kim nói chung và về Nội các Trần Trọng Kim nói riêng, theo sự hiểu biết của chúng tôi, có lẽ chưa có công trình nghiên cứu nào tập hợp đầy đủ tư liệu và viết có phương pháp, hệ thống bằng cuốn Nội các Trần Trọng Kim: Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Phạm Hồng Tung (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2009; tái bản năm 2010).

Cuốn sách nêu trên, dày 380 trang, đoạt Giải thưởng ĐHQG Hà Nội 2010, nghiên cứu một cách toàn diện và cụ thể hoàn cảnh, nguyên nhân ra đời, các chủ trương, chính sách và hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim, để đi tới cách đánh giá có phần tiến bộ hơn so với các thế hệ đi trước về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của nó. Tuy nhiên nếu đứng trên phương diện quan điểm đánh giá lịch sử mà xét thì dường như tác giả cũng chỉ dựa chủ yếu theo quan điểm “chính thống” để giải thích mọi hiện tượng lịch sử, theo hướng minh họa cho nổi bật thêm những nét thành công của Cách mạng tháng Tám và ít nhiều có thái độ ác cảm với nhân vật họ Trần (biểu hiện qua lời lẽ diễn đạt, thể cách xưng hô, gọi Trần Trọng Kim là “ông ta”…). Từ đó, Phạm Hồng Tung đã chỉ tổng hợp các cách đánh giá, chỉnh sửa đôi chút để đi đến những kết luận ít cực đoan hơn so với phái “chính thống” cũ, khi cho rằng: (1) Nội các Trần Trọng Kim vẫn là một chính quyền bù nhìn của người Nhật, nhưng đó chỉ là một chính quyền bù nhìn thụ động, không phải là chính quyền tay sai đắc lực của người Nhật; (2) Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của nó, đối với việc phụng sự chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc, Nội các Trần Trọng Kim đã có một số đóng góp quan trọng, đáng được ghi nhận; (3) Việc luận chứng đầy đủ về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim và hệ thống chính quyền bù nhìn thân Nhật đã góp phần quan trọng để khẳng định rằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam là cuộc cách mạng thực sự mang tính chất dân tộc và tính chất dân chủ sâu sắc (xem Phạm Hồng Tung, tr. 343-367).

Với cách đánh giá của Phạm Hồng Tung, tuy có bị ảnh hưởng nhiều bởi những nguồn thông tin “ác cảm” từ tập hồi ký Phạm Khắc Hòe, Nội các Trần Trọng Kim đã được “giảm án” đi đôi chút. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích đánh giá, một vài nhận xét của tác giả chỉ dựa trên những suy luận gán ghép đơn thuần chứ không căn cứ vào lẽ công bằng và kinh nghiệm thực tế, như nói “Trong suốt hơn ba tháng cầm quyền, nội các này không hề biếm phạt nghiêm khắc một viên quan nào…”  để phê bình sự biện bạch của Trần Trọng Kim trong việc chỉnh đốn quan trường (tr. 210-211); hoặc “một chính phủ bù nhìn, bất lực trước những nhiệm vụ do tự nó đặt ra” (tr. 196)…, là những vấn đề mà chỉ trong vòng 4 tháng thì không một nhà chính trị thần thánh nào có thể làm khác nổi.

Năm 1962 được thầy Trần Quốc Vượng lén chỉ và khuyên tìm đọc Việt Nam sử lược, ông Mai Khắc Ứng từ đó hết sức trân trọng Trần Trọng Kim cùng tác phẩm sử học của ông, và mãi đến gần đây mới viết ra được một số ý kiến, tâm tư của mình trong bài “Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược”, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay (số 346, tháng 12.2009).

Để biện hộ cho tính chính đáng trong lựa chọn-hành động chính trị của Trần Trọng Kim, tác giả bài báo đưa nhiều lý lẽ như: Trần Trọng Kim là một học giả không có thủ đoạn chính trị và tham vọng quyền lực, thực sự chưa hề chuẩn bị làm chính khách đứng ra thành lập Chính phủ. Nhân tình thế chủ quan, khách quan của đất nước nửa đầu năm 1945, ông nhận ra con đường thực thi phận sự công dân trước vận mệnh Tổ quốc…. Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập đơn giản bao nhiêu thì cáo chung cũng nhẹ nhàng, thanh thản bấy nhiêu, không có ai trong hàng các bộ trưởng tỏ ra cay cú bực dọc phản ứng thù hận…. Nếu họ là bù nhìn tay sai Nhật thực sự thì ngay thời điểm đó và cả sau này nữa, tại sao nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?… Tạm thời bắt tay với Nhật để yên thân thành lập một Chính phủ hợp hiến tìm sự ủng hộ của công luận trong và ngoài nước, trước khi Pháp gây hấn là toan tính khôn khéo của Trần Trọng Kim và Chính phủ. Pháp lo sợ điều này và săn đuổi Trần Trọng Kim là lẽ đương nhiên…. Một điều không nói ra nhưng ai cũng biết là Pháp quay lại Việt Nam lần này với hai sứ mạng. Một là giành Đông Dương từ tay Nhật bại trận. Hai là ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa Cộng sản. Chính phủ Trần Trọng Kim là trở lực của hai sứ mạng đó… Còn nếu cho rằng mọi sự bắt tay trong quan hệ bang giao là tay sai thì tội cho những người trước và sau Trần Trọng Kim lắm lắm….Có một chi tiết đáng được lưu ý là Trần Trọng Kim đã yêu cầu Nhật mở cửa các nhà tù của Pháp, ân xá toàn bộ chính trị phạm, kể cả người tù cộng sản….

Rồi đi đến kết luận dứt khoát:

“Với tôi, Trần Trọng Kim qua Việt Nam sử lược là một người yêu nước thành tâm, một nhà sử học chân chính, trung thực, một người cầm bút có nhân cách, một học giả xuất sắc đã cống hiến phần trí tuệ, chí ít cho các thế hệ nửa đầu thế kỷ XX và Chính phủ Trần Trọng Kim là sản phẩm của tình thế với hoài bão bước đầu thực thi thể chế Quân chủ lập hiến đặt nền móng cho mô hình “Dân chủ Đại nghị” cổ điển về sau, của lớp nhân sĩ tri thức cũ biết lường trước họa binh đao nên tha thiết nhân nhượng, dung hoà”.

Hơn nửa năm sau, Phạm Hồng Tung đã viết bài “Nội các Trần Trọng Kim và Cách mạng tháng Tám” (Xưa & Nay, số 361, tháng 8.2010) để bác bỏ những lý lẽ cho là chưa vững của Mai Khắc Ứng.

Trong bài viết đó, trước khi đưa ra kết luận đánh giá của riêng mình, tác giả Phạm Hồng Tung đã có công phu sưu tầm-ghi chép khá đầy đủ những tài liệu đánh giá của người khác, trước hết là tiếng nói của người trong cuộc (ý nói như của Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh…), tiếp đến ý kiến của một số sử gia phương Tây và Nhật Bản, rồi đến cách đánh giá của sử gia Việt Nam, mà dưới đây chỉ xin trích dẫn lại 3 đoạn tiêu biểu phân biệt cho 3 loại đánh giá (xem Phạm Hồng Tung, sđd., tr. 300-342):

– Khi một người ngoại quốc là Stein Tonnesson hỏi ông Phan Anh (nguyên Bộ trưởng Nội các Trần Trong Kim) Chính phủ Trần Trọng Kim có phải là một chính phủ bù nhìn không, thì Phan Anh khẳng định: “Lấy tư cách là thành viên của Chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập”.

– Ý kiến của chính Stein Tonnesson (tác giả cuốn The Vietnamese Revolution of 1945, xuất bản năm 1991): “Nói chung, Chính phủ Trần Trọng Kim không thể bị coi là thân Nhật”.

– Ý kiến của Trần huy Liệu và Trần Văn Giàu. (1) Của Trần Huy Liệu: “Chính phủ bù nhìn gắn liền vận mạng của nó với phát xít Nhật, đặc biệt là phát xít Nhật trong lúc giẫy chết. Vì vậy nó ra đời cũng chỉ có chiều hướng đi xuống, chết yểu và sống nhục”.- (2) Của Trần Văn Giàu: “Nói tóm lại, Chính phủ Trần Trọng Kim dù là gồm những nhà trí thức tư sản nổi tiếng, vẫn là một chính phủ bù nhìn của Nhật. Nó biểu lộ không phải tính chất dân tộc và dân chủ mà biểu lộ tính chất phản dân tộc, phản dân chủ. Vẫn biết có một ít nhân vật trong đó có ý muốn làm cho nước nhà được giải phóng thực sự, nhưng không thể phủ nhận rằng sự tổ chức, sự hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim nhằm cản trở phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm tranh thủ quần chúng với Mặt trận Việt Minh; sở dĩ họ không đạt mục đích của họ, không phải vì họ thiếu ý thức giai cấp và thiếu hoạt động, mà trước hết vì thời gian không ủng hộ họ, vì tình hình quốc tế bất lợi cho họ, vì hoạt động giỏi của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh không cho phép họ”.

Năm 1983, Phạm Khắc Hòe (1901-1995), từng giữ chức  Đổng lý Ngự tiền văn phòng thời Bảo Đại 1945 (sau đó theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp),  cho xuất bản tập hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, đã mô tả từng hành động, quyết định của Trần Trọng Kim như một kẻ vụng về, cơ hội, tham quyền cố vị, bất tài và bất lực với những lời lẽ biếm nhẽ, đôi khi còn rất nặng nề.

Có lẽ vì chịu ảnh hưởng cách giá đánh của các vị tiền bối sử học-chính trị học cách mạng nêu trên, nên sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12 (NXB Giáo Dục, ấn bản năm 2001) khi nhắc đến giai đoạn lịch sử trước Cách mạng Tháng 8 đã mạnh tay viết về Trần Trọng Kim với những lời lẽ không kém phần gay gắt, nếu không muốn nói còn có phần “lướt” hơn: “Bọn thân Nhật Trần Trọng Kim đứng ra lập Chính phủ mới, bù nhìn Bảo Đại được khoác danh hiệu “Quốc trưởng” (phải nói “Hoàng đế” mới đúng-TVC). Bọn thân Nhật muốn dựa vào quan thầy mới để hoạt động, làm ra vẻ “ái quốc, ái quần” (yêu nước, yêu dân); nhưng chúng nhanh chóng tỏ ra bất lực (…). Chúng trở thành những tên tay sai ngoan ngoãn để cho chủ mới là Nhật càng thêm dễ dàng lừa bịp và vơ vét, bóc lột nhân dân ta thậm tệ hơn (…). Vì vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của phát xít Nhật cũng như bộ mặt tay sai bỉ ổi của bọn bù nhìn thân Nhật đã bị bóc trần. Nhân dân ta ngày càng thêm căm thù Nhật và chán ghét bọn bù nhìn tay sai của chúng” (dẫn lại theo Phạm Hồng Tung, tr. 340-341).

Cũng Lịch sử lớp 12, nhưng ở ấn bản năm 2010 (NXB Giáo Dục, tái bản lần thứ 2), chỉ có một dòng ngắn ngủi về chính phủ Trần Trọng Kim: “Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến” (tr. 115)

Đến ấn bản mới nhất, Lịch sử Lớp 12 (NXB Giáo Dục, tái bản lần thứ 5, tháng 3.2013), đoạn viết về Trần Trọng Kim chỉ giảm lại còn: “Chúng [Nhật] dựng lên Chính phủ Trần Trọng Kim và đưa Bảo Đại lên làm ‘Quốc trưởng’” (tr. 112).

Tôi có thói quen khi thấy có vấn đề gì liên quan lịch sử thì lấy sách giáo khoa xem trước để nắm chắc một số sự kiện căn bản hoặc ý niệm tổng quát, vì nghĩ rằng đã sách giáo khoa do Bộ Giáo dục-Đào tạo xuất bản thì tất phải chính xác, đàng hoàng hơn hẳn những loại sách biên khảo lịch sử của tác giả khác, do nó phải khách quan khoa học, lời lẽ lịch sự, đáng tin cậy, với lượng kiến thức cần thiết cung cấp cho học sinh được chắt lọc lại từ rất nhiều nguồn sử liệu khác nhau, trên cơ sở có sự đối chiếu thẩm định, nghiên cứu nghiêm túc. Nào ngờ, như 3 đoạn vừa dẫn trên cho thấy, tùy theo lần và năm xuất bản, sách Lịch sử lớp 12 lại lúc vầy lúc khác: có lúc mạt sát Trần Trọng Kim và Nội các của ông thậm tệ, với lời lẽ hằn học, lúc khác không công kích nữa (chỉ gọi Nhật là “chúng”) nhưng lại chỉ nói phớt qua một hai dòng.

Vậy là có lúc tôi đã hiểu nhầm về độ tin cậy và tính nghiêm túc của sách giáo khoa, không dè nó đã được biên soạn một cách rất tùy tiện, thậm chí sai kiến thức (như chi tiết gọi Bảo Đại năm 1945 là “Quốc trưởng”).

Trở lại câu chuyện, mặc dù đã có kết luận đánh giá trông có vẻ dung hòa tiến bộ hơn của Phạm Hồng Tung, vấn đề xem chừng vẫn chưa hết hồi phức tạp, vì vậy mà trong bài “Bàn thêm về Trần Trọng Kim” (Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, 26.11. 2009), GS Vũ Ngọc Khánh đã đặt vấn đề nên có một cuộc hội thảo khoa học về Trần Trọng Kim vì đã có nhiều ý kiến trao đổi, nhưng nhận định chung hình như chưa thật thoả đáng.

“Tôi nghĩ rằng vấn đề có thể suy nghĩ và cân nhắc thêm (…). Nói sang chuyện hoạt động chính trị. Hình như đây là vấn đề được nhiều người quan tâm  hơn và sự nhận định nói chung là khe khắt hơn. Song những điều đắc thất của Trần Trọng Kim ở chặng cuối đời này nên được làm rõ”.

Đại khái theo GS Vũ Ngọc Khánh, về việc ra làm thủ tướng, trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, nếu  không phải Trần Trọng Kim thì phải có con người khác, nhưng lại phải do người của Nhật đưa ra (như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đình Diệm đều được Nhật và Bảo Đại nhắc đến), nhưng cuối cùng họ chỉ dùng Trần Trọng Kim. Còn về việc liên hệ với Nhật Bản, cho đến nay vẫn chưa phát hiện được tài liệu gì, do ông và cả Nhật cố tình giữ kín nên không ai biết, chỉ thấy ông được Nhật đưa đi trốn rồi đưa về để đẩy ra làm thủ tướng…. Điều hiển nhiên ông đã là một con bài do Nhật chuẩn bị.

Nhận định về vai trò của chính phủ Trần Trọng Kim, ông Khánh cho rằng mặc dù dư luận vẫn gọi đây là chính phủ bù nhìn, nhưng nên hiểu cái danh hiệu này cho có mức độ. Nói bù nhìn là nói theo cách vạch trần chân tướng để hạ uy thế, có phần không thoả đáng với nhiều thành viên chính phủ đều là người tốt, có uy tín. Không rõ có ai kín đáo thi hành lệnh của Nhật không, chứ là tay sai thực thụ thì không rõ mặt (kể cả Trần Văn Chương sau này phục vụ chính quyền Ngô Đình Diệm).

Về việc làm và luận điệu của Chính phủ, ông Khánh viết: “…tất nhiên, khi ra đời cũng như khi tuyên bố nọ kia, chính phủ Trần Trọng Kim phải có những câu như: cảm tạ công ơn Nhật, v..v.. Tôi nghĩ đó chỉ là cách nói khách sáo …, không nên căn cứ vào những điều đó để đánh giá. Còn việc tha các tù phạm, nghe nói là những tù cộng sản không được tha [ý chỉ thả những tù nhân không cộng sản, Phạm Hồng Tung dẫn lại của Trần Văn Giàu từ sách gốc của Devillers xuất bản năm 1952, nhưng đoạn tha tù phạm, sau này Devillers đã điều chỉnh trong cuốn Paris-Saigon-Hanoi, sđd, tr. 106-TVC]…, nhưng lúc đó (tháng 5, 6.1945) tôi ở Vinh thì đây là chuyện có thực. Khi ông bộ trưởng tư pháp Trịnh Đình Thảo ra lệnh này, nhiều đồng chí bị bắt giam đã được giải phóng. Các ông Nguyễn Duy Trinh, Lê Tính từ trong Nam về Vinh, có đến trọ ở nhà tôi. Nhiều đồng chí khác được “sổ lồng” vào dịp này. Tôi còn nhớ là vào lúc đó, chính phủ Trần Trọng Kim có ra lệnh hoãn nợ để đỡ phần cho nông dân nghèo tại các xã (không biết việc thực thi có chu đáo không). Ngoài ra có một chương trình giáo dục mới (chương trình Hoàng Xuân Hãn). Có phong trào ngay lúc đó được gọi là Thanh niên Phan Anh, thực tế nhiều nơi đã thành tổ chức do Việt Minh lãnh đạo. Nếu là một chính phủ thân Nhật khác, dễ gì đã có được những hành động tạo điều kiện thuận lợi như vậy”.

Về cá nhân Trần Trọng Kim, tác giả có mấy ý kiến, xin tóm tắt lại như sau: (a) Ông là người có lòng yêu nước, vẫn giữ được tư cách người trí thức của dân tộc; (b) Ông bị lôi cuốn vào hoạt động chính trị, vì sự hiểu biết chính trị của ông không sâu sắc, nên bị người ta dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ra đóng góp với dân tộc; (c) Tư tưởng của ông là tư tưởng luân lý phong kiến, cho đến khi gặp bế tắc, ông vẫn cứ phải loay hoay với lý thuyết của Khổng Tử (qua câu cuối cùng của ông nói với Phạm Khắc Hoè về việc hành tàng), do đó bế tắc lại càng bế tắc.

Rồi bài viết đi đến kết thúc bằng một nhận xét có phần xác đáng: “Còn có một điều khiến chúng ta phải phàn nàn, mà khó lòng thông cảm với ông. Đó là vào khoảng cuối đời, ông đã tiếp tục gieo mình vào những biến cố không cần thiết, hoàn toàn bất lợi. Ông không chịu “tàng” như cách nói với Phạm Khắc Hoè mà lại cố “hành” khi đã thành vô dụng. Không rõ ông hiểu Bảo Đại thế nào mà còn đi sang Trung Quốc gặp lại Bảo Đại rồi quay lại Sài Gòn, được mời đóng vai trò chủ đạo cho cuộc vận động của Chính phủ do Bảo Đại làm quốc trưởng, mặc dầu ông không hoạt động được gì cũng không chỉ đạo ai. Ông vẫn bị lợi dụng mà không hay. Tôi nghĩ rằng khi ông được đẩy ra làm thủ tướng, rồi lại làm chủ tịch gì  gì đó, thì ông hoàn toàn là một nạn nhân chứ không có vai trò chủ động gì nữa”.

Quả thật ở giai đoạn cuối đời, tuy luôn miệng than vắn thở dài, ngán ngẫm thời cuộc và chỉ muốn được an nhàn, nhưng thực tế Trần Trọng Kim vẫn có vẻ tất bật, chạy vạy vất vả, nhất là từ thời kỳ “tòng vong” theo Bảo Đại ở Hương Cảng cho đến lúc về Sài gòn dự Quốc dân đại hội năm 1953! Vì hoàn cảnh phải ra đi, vì bạn bè lôi kéo thúc đẩy (cái này cũng thường dễ mắc phải lắm), vì còn tham chút danh vọng, hay vì trong tâm khảm ông vẫn còn vương vấn bận rộn việc đời?

Thậm chí, ngay khi còn đương chức Nội các Tổng trưởng, đi đâu gặp bạn bè Trần Trọng Kim cũng tâm sự do mình chẳng đặng đừng phải đứng ra nhận thành lập Nội các, như có lần đã chia sẻ với nhà báo Lãng Nhân khi gặp nhau tại dinh Thống sứ cũ, trong chuyến ông đi công cán ở Hà Nội để thuyết phục Tổng tư lịnh Nhật cho lấy lại các thành phố đang nằm trong tay Nhật: “ ‘Ngô bất đắc dĩ’ mà! Chỉ khi vì gặp vua, thấy là người thông tuệ có thể hợp tác nên tôi nghĩ trong lúc rối ren, không đành từ chối, nhưng thật tình không biết có làm nên việc hay không” (sđd., tr. 86). Còn thật bụng ra sao, có lẽ chỉ mình ông hoặc vợ con ông mới biết.

Cũng có thể ban đầu ông “bất đắc dĩ” thật, hoặc muốn thử tài kinh bang tế thế theo lý tưởng nhà nho mà không cuồng vọng, nhưng phàm tâm lý con người, đã ở trong chức vụ cao được tiền hô hậu ủng quen rồi thì khi mất đi cũng tiếc. Chỉ có khác ít nhiều là với tư tưởng-phong cách sống nhà nho, lại mộ đạo Phật, ông chắc chắn có phần thanh thản hơn nhiều so với những người khác có hoàn cảnh tương tự.

Dù sao chăng nữa, về mặt nhân cách đạo đức, chưa phát hiện có chuyện gì bê bối trong đời tư của ông. Trước sau ông cũng chỉ là một hạng nho Tây thanh bạch, cuộc sống suốt đời chỉ từ đủ ăn cho đến thiếu thốn, và phần nhiều thời gian phải ở đậu ở nhờ nhà cửa của bạn bè, thân thuộc. Cả Trần Trọng Kim lẫn các thành viên trong nội các của ông không có người học kém, đặc biệt chưa bị mang tiếng gì về chuyện tham ô móc ngoặc, tự tư tự lợi (cũng có thể là vì chưa tới lúc bị tha hóa quyền lực?). Tất cả họ đều là một đám thư sinh trói gà không chặt, chỉ có tấm lòng mà thiếu mưu mẹo chính trị, nên không thể đảm đương việc nước trong khúc quanh lịch sử đoạn trường này của dân tộc.

Đến đây, tôi đã cố gắng trình bày tương đối đầy đủ về nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim cùng Nội các của ông, bằng việc chắp vá, tổng hợp lại từ một số tài liệu chủ yếu bao gồm những tập hồi ký có được trong tay mà các tác giả đều là chứng nhân của thời cuộc, với một phần dè dặt thận trọng về tính chủ quan cũng như về độ chính xác của thể loại hồi ký. Những tài liệu này kể ra cũng chẳng quý hiếm gì. Nó chỉ hơi khó kiếm đối với một số bạn trẻ, vì có thời gian, từ nhiều lý do ngoắt ngoéo của lịch sử, chúng đã ít được phổ biến hoặc được nhắc tới, nhất là đối với khu vực phía Bắc từ sau Cách mạng tháng Tám. Đó là một trong những lý do khiến tôi nảy ra ý định trình bày lại các sự kiện lịch sử liên quan một cách tản mạn, trong khi chưa đủ khả năng trình độ viết thành một chuyên luận có hệ thống, nhằm mục đích để các bạn trẻ ngày nay được biết thêm về một khúc quanh lịch sử đặc thù đầy đau thương buồn bã của dân tộc, điều mà họ không thể tìm đọc được trong các sách giáo khoa hiện tại.

Nhắc lại chuyện cũ, tôi hoàn toàn không có ý định đề cao ai hoặc phê phán ai, chỉ cốt tuần tự trình bày các sự kiện thu thập được qua tài liệu sách vở. Song vì điều tôi quan tâm hơn cả là muốn qua những câu chuyện quá khứ, chúng ta ngày nay có thể suy nghiệm được những bài học lịch sử hữu ích gì để áp dụng cho hiện tại và tương lai, nên trong khi “tản mạn”, tôi cũng có tùy hứng thỉnh thoảng đưa vào một vài nhận định riêng có tính chủ quan của người viết, chỉ nhằm gợi ý tham khảo, chứ không có ý muốn người khác phải đồng tình hết với mình.

Tôi cũng muốn nhân câu chuyện Trần Trọng Kim mà trình bày một số vấn đề liên quan khoa học lịch sử và việc giảng dạy môn học này trong các trường học hiện tại. Theo quan niệm đơn giản của tôi, về môn lịch sử, trước nhất phải tôn trọng sự thật chứ không nên vo tròn bóp méo vì bất cứ lý do gì, và phải được biên soạn theo đúng phương pháp chuyên ngành, rồi trình bày nó ra bằng một thứ ngôn ngữ khoa học vừa lịch sự, nhã nhặn vừa chuẩn xác và có tính trung hòa. Trong các công trình sử học cũng như trong sách giáo khoa về môn lịch sử, nhất định phải không chứa sự sân hận đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Trước đây, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cực đoan thiếu khách quan trong khi trình bày lịch sử cũng như phê phán các nhân vật lịch sử,  trong đó có nguyên tắc bất di bất dịch về tính Đảng, tính khoa học, vốn một thời được coi là “vấn đề trung tâm của phương pháp luận sử học mác-xít” (xem Phạm Xuân Nam, “Về những vấn đề phương pháp luận trong công tác sử học của chúng ta mấy chục năm qua”, Sử học Việt Nam trên đường phát triển, sđd., tr. 246), mà hai năm trước Viện Sử học cùng Hội Sử học đã kịp nghĩ lại khi họ đề xuất kế hoạch sẽ tổ chức biên soạn một bộ thông sử Việt Nam mới với nội dung vượt qua được những giới hạn ràng buộc của vấn đề ý thức hệ.  Cách triển khai hay là nghệ thuật chủ yếu của cái phương pháp luận sử học cũ kỹ vừa nói trên là “tự viên kỳ thuyết”, tức trong khi giải thích các sự kiện-hiện tượng lịch sử, tìm mọi cách vo tròn bóp méo sao cho phù hợp với hệ quy chiếu lý luận đã định sẵn một cách xơ cứng, kết quả là cho ra những bài viết hoặc công trình nghiên cứu của những tác giả khác nhau nhưng đều có luận điệu, cách diễn đạt và thậm chí cả câu chữ cũng gần gần giống nhau. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến cho môn học Lịch sử trở nên nhàm chán đối với học sinh các cấp suốt mấy chục năm nay, mà nếu không giải quyết từ căn bản, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy lối ra, cho dù có tổ chức thêm hàng trăm cuộc hội thảo cũng vậy!

Xem bài “Về những vấn đề phương pháp luận…” của Phạm Xuân Nam trong cuốn Sử học Việt Nam trên đường phát triển, thấy tác giả có nêu mấy vấn đề “cần tiếp tục soi sáng” thêm, như “Mối quan hệ giữa nghiên cứu và trình bày lịch sử”, “Ngôn ngữ sử học”… (sđd., tr. 268). Hiện tôi chưa tìm được tài liệu nào của nhà sử học Việt Nam viết về ngôn ngữ sử học nên mãi đến nay vẫn còn chưa hiểu sâu về phong cách của ngôn ngữ sử học. Nhưng dù nó có phải là thứ ngôn ngữ khoa học đòi hỏi tính chuẩn xác và tính trung lập hay không, tôi vẫn dám chắc đó tuyệt đối không phải là thứ ngôn ngữ văn chương mạt sát kiểu “đào mồ cuốc mả” kẻ thù, hoặc giống những bài hịch văn kêu gọi quần chúng nổi loạn, mỗi khi cần đề cập những nhân vật lịch sử quen gọi “phản diện”, hoặc sự kiện lịch sử đã đi hẳn vào quá khứ!

Đã có thời gian khá dài, khi khảo cứu văn-sử, người ta đã mạnh miệng gọi vua Gia Long là “y”, là “hắn”…, thì chưa cần biết vua là người thế nào, cái lối trình bày lịch sử đưa vào sách vở như vậy chẳng khác nào vô tình giáo dục cho con người lòng thù hận, và thói trịch thượng đối với tiền nhân, hoàn toàn không phù hợp với đức tính chung nho nhã, lễ phép, khiêm cung của dân tộc Việt Nam, và cũng chắc chắn không có lợi cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi rất thích lối nói công tâm nhũn nhặn của nhà sử học Pháp Philippe Devillers chuyên khảo cứu về lịch sử Việt Nam giai đoạn chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954 mà ông thuộc “bên thua cuộc”: “Băn khoăn giữa một bên là ý thức tôn trọng sự thật và một bên là những tình cảm yêu nước thúc đẩy mình phải đồng tâm với đồng bào [Pháp], một nhà sử học Pháp làm sao có thể phân tích được một cách khách quan và sâu sắc một cuộc chiến tranh đã đối lập, từ 1945 đến 1954, hai đất nước mà với mình đều rất thân yêu, là nước Pháp và nước Việt Nam, nhất là khi ông ta [tức tác giả Devillers] biết rằng nếu chia phần lầm lỗi ra hai bên thì phần lớn lầm lỗi lại thuộc về phía chính đồng bào [Pháp] mình” (“Lời tựa”, sđd., tr. 5).

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6-7 (104-105). 2013




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét