Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chút mặt trời trong nước lạnh

Đoàn Khắc Xuyên


Họ, hai người trẻ, đã mang lại cho cả người trẻ và người già một bài học, một niềm tin. Rằng trên đời vẫn còn có cái để tin. Mặt sáng như gương, đẹp như tia nắng mặt trời, Đặng Thị Thu Hương - tình nguyện viên về vùng lũ xã Quảng Tiên (Ba Đồn, Quảng Bình) giúp dân dọn dẹp, trao quà - đã qua đời vì tai nạn giao thông hôm 20.10, ở tuổi 22.
Facebooker Cu Làng Cát ở Quảng Bình cho biết: cha em, ông Đặng Văn Dũng (53 tuổi) mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Mẹ của em, chị Đoàn Thị Tâm (45 tuổi) buôn bán ở chợ quê kiếm tiền chạy bữa mỗi ngày. Hương có một đứa em gái đang học lớp 3.Từ nhỏ, ý thức được việc gia đình khó khăn, cô bé đã tự lập mọi thứ và lên kế hoạch cho mọi chi tiêu tiết kiệm nhất để có thể giúp người khó hơn bản thân mình. Năm 14 tuổi, Hương được vào Huế học võ vì có năng khiếu và sức khỏe. Đạt huy chương vàng võ thuật toàn quốc, Hương đã chuyển sang học văn hóa để kiếm một nghề mưu sinh: du lịch. Cô bé đã từng đi làm ở một số khách sạn tại Huế và luôn ấp ủ giúp đỡ người khó khăn khi gặp.Và rồi lũ lụt ập xuống, Hương đã về quê với vùng lũ, chưa kịp gặp mẹ cha, em lên đường vào vùng Quảng Tiên còn đầy ắp bùn đất, dọn dẹp, mua thuốc, trao quà, và rồi gặp tai nạn trên đường trơn trượt.

                                              
Tia nắng Thu Hương. Ảnh FBNV

Vẫn theo Cu Làng Cát, đám tang của Hương có nhiều người xa lạ đến khói hương, họ là những đoàn từ thiện ghé qua khi hay tin, các nhóm giúp dân vùng lũ đến viếng khi biết chuyện đau buồn. Hương ra đi mà chưa mua được hoa về tặng mẹ ngày 20.10 như đã hứa. Đám tang của em, người già chống gậy đến chia ly, người trẻ đến vái lạy hương hồn người trẻ. Di ảnh của em chuyển đi, nhìn ánh mắt mọi người, ai cũng xót thương. Cô bé như một bông hoa của chốn quê mùa, em ra đi như một lời tỏa hương và truyền cảm hứng cho những người trẻ ở lại là bạn bè quê nhà hay bạn bè kết nối khắp nơi trong nước.

Trong khi đó, ngay khi lũ lụt ập xuống Hà Tĩnh, Quảng Bình, chẳng đợi lời kêu gọi của các tổ chức chính trị xã hội, diễn viên - MC trẻ tuổi Phan Anh đã tự nguyện góp 500 triệu đồng để giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Hành động của anh, một người trẻ vốn đã giành được cảm tình của công chúng qua những hoạt động và tình huống ứng xử không mấy dễ chịu trước đó, đã như một tia lửa, khơi dậy niềm tin tưởng như cạn kiệt trong xã hội. Chỉ trong vài ngày (từ 16.10 đến 19.10), 16 tỉ đồng đã đổ vào tài khoản của anh để mang tấm lòng của biết bao người đến người dân vùng lũ. Nói và làm ngay, Phan Anh đã đến vùng lũ, lặn lội giữa nước lụt, đến từng nhà, trao tận tay tiền bạc và vật dụng cần thiết cho người dân.
                                                                               

Họ mang lại cho mọi người và cho những ai đang nắm quyền lực trong tay một bài học khác, đó là niềm tin vào sức mạnh của người dân. Một khi chiếm được lòng tin của người dân, dân sẽ không nề hà góp công của, tài trí vào việc giải quyết những vấn đề của xã hội.

Nhìn hình ảnh Phan Anh chụp hình chung với cô bé vùng lũ mặt cười tươi rói, giơ hai ngón tay hình chữ V, mọi suy nghĩ u ám dường như tan biến, niềm tin được trả lại. Nhưng đừng nghĩ trẻ là nông nổi, hoặc chỉ hời hợt, xúc cảm chuyện trước mắt. Rất chín chắn, Phan Anh chia sẻ trên Facebook: “Mục tiêu của mình là ở đó: làm thiện nguyện sao cho hoạt động thiện nguyện không còn cần thiết nữa”. Và mấy ngày sau: “Lũ đã rút gần hết rồi. Việc thực hiện hỗ trợ cũng tương đối dễ dàng kể từ nay. Khi điều kiện đi lại thuận tiện, hàng tặng là hiện vật, lương thực, thực phẩm không còn quá cần thiết và dễ bị thừa, hoặc không đúng nhu cầu. Theo mình thì nên chuyển thành tiền. Dễ nhận. Nhanh gọn. Hãy yên tâm, và hãy tin, bà con biết cách tiêu tiền vào việc có ích, nhất là với những nhu cầu cơ bản, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, nếu có thời gian thì nên tìm cách làm sao giúp bà con chuyên sâu hơn như nước sạch, giống, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, cầu, đường, sách vở cho trẻ em... (Phan Anh sẽ chia sẻ kế hoạch của chúng ta trong một vài ngày tới). Hiện còn một vài thôn, xóm bị chia cắt thì nói thật là các bạn có muốn cũng rất khó lo phương tiện cho các bạn tới. Chúng ta nên gửi đồ hỗ trợ khẩn cấp cho các lực lượng chức năng tại địa phương chuyển giúp cho đồng bào. Và nếu muốn phát tận tay có thể quay trở lại sau, bà con cần giúp dài dài”.
 Nụ cười Phan Anh. Ảnh FBNV

Mặc cho dư luận thế nào, thậm chí truy “động cơ” (làm từ thiện hay làm màu?), Phan Anh vẫn sống như chính anh nhẹ nhàng tâm sự, “chỉ mong sao làm người tốt, có tâm, có tình và tử tế”.

Giữa cơn nước lụt lạnh lẽo và giữa sự lạnh lẽo của nhân tâm, việc làm của Thu Hương và Phan Anh - một người trẻ trước đây chưa ai biết và một người đã quá nổi tiếng - như “chút mặt trời trong nước lạnh” (mượn chữ của Francoise Sagan), hay đúng hơn, như tia nắng ấm áp giữa những băng giá, giữa sự hoài nghi và những hành vi tham lam, tàn nhẫn, độc ác nhan nhản bây giờ. Họ, hai người trẻ, đã mang lại cho cả người trẻ và người già một bài học, một niềm tin. Rằng trên đời vẫn còn có cái để tin. Rằng trong xã hội vẫn còn sự tử tế (viết đến đây lại nhớ đến người áo đen đã giải cứu cho cô nhân viên ở sân bay Nội Bài bị hành hung bằng một cú đấm và một cú đá trời giáng vào kẻ hành hung tàn bạo). Rằng đời vẫn còn đó những người có tâm và có tình.

Họ cũng mang lại cho mọi người và cho những ai đang nắm quyền lực trong tay một bài học khác, đó là niềm tin vào sức mạnh của người dân (số tiền đóng góp cho Phan Anh làm từ thiện giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt chỉ trong thời gian ngắn đã tăng kỷ lục). Một khi chiếm được lòng tin của người dân, dân sẽ không nề hà góp công của, tài trí vào việc giải quyết những vấn đề của xã hội.

Không ai khác, chính họ, những người trẻ ấy (nếu vẫn luôn giữ con đường mình đi hôm nay, không để cho mình bị tha hóa bởi bất cứ thứ gì) sẽ cứu rỗi cuộc đời, cứu rỗi xã hội chúng ta.


Đoàn Khắc Xuyên (Người Đô Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét