Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Tại sao trận chiến giành Mosul là một bước ngoặt?

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Nguồn: “Why the battle for Mosul is a turning point“, The Economist, 17/10/2016


 78-why-the-battle-for-mosul-is-a-turning-point

Từ khi quân đội Iraq và các đồng minh bắt đầu phản công chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) vào cuối năm 2014, họ đã nỗ lực để giải phóng nhiều thành phố ở miền bắc và miền tây Iraq. Vì vậy, có thể xem cuộc chiến giành Mosul, được bắt đầu vào sáng sớm ngày 17/10, chỉ như một cuộc giao tranh khác trong sự thoái lui dần dần của các chiến binh thánh chiến. Nhưng cuộc chiến giành Mosul lại tập trung nhiều nỗ lực hơn hơn bất kỳ cuộc đụng độ nào khác với IS. Tại sao rất nhiều thế lực bên trong và bên ngoài Iraq xem Mosul như một bước ngoặt?
Mosul đã trở thành trung tâm trong những tham vọng của IS kể từ khi thành phố này bị chiếm bởi nhóm thánh chiến vào tháng 6/2014. Từ bục giảng nhà thờ Hồi giáo lớn của thành phố, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS, đã tự xưng là Vua Hồi giáo (Caliph) và biến thành phố lớn thứ hai của Iraq trở thành căn cứ của mình.

Về mặt lịch sử, quy mô và vị trí chiến lược, thành phố này khiến những căn cứ khác của IS trở nên bé nhỏ, trong đó bao gồm Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria. Hàng chục ngàn người Sunni Iraq đã rời các khu lều trại cho những di dân trong nước để tìm nơi ẩn náu dưới sự cai trị của y. Nếu không có Mosul, IS sẽ bị tước đi cơ sở thu thuế và các mỏ dầu của mình; và nhóm này sẽ chỉ là cái bóng của chính mình mà thôi.

Nhưng Mosul có tầm quan trọng vượt ra ngoài sự sụp đổ của IS. Kể từ khi Sennacherib biến thành phố này trở thành thủ phủ của mình vào năm 700 trước Công nguyên, bất cứ ai cai trị thành phố này đều trở thành người thống trị toàn khu vực – dù họ là người Assyria, Babylon, Ả Rập, các hoàng đế Ottoman hoặc đế quốc Anh. Nó vẫn duy trì được vị thế quan trọng về mặt chiến lược trong thế kỷ 21: các cường quốc trong khu vực coi một Mosul hậu IS, nếu không phải là một viên ngọc quý để chinh phục, thì ít nhất cũng là một nơi họ không muốn các đối thủ giành được.

Thổ Nhĩ Kỳ xem nó như là một rào cản chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Iran về phía tây. Còn người Ả Rập lo sợ điều mà họ nghi ngờ là những khát vọng tân-Ottoman của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn lấy lại thành phố. Hai nhóm đối kháng người Ả Rập và người Kurd ở Iraq thì xem Mosul là một địa điểm rất quan trọng nhằm kiểm soát miền bắc Iraq.

Trong khi đó, Mosul cũng đại diện cho một cuộc chiến lớn hơn giữa Mỹ, quốc gia đang lãnh đạo nỗ lực giành lại thành phố này, và Nga. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, Mỹ sẽ làm nổi bật sự khác biệt giữa các chiến dịch của mình ở Iraq và thất bại thảm hại của Nga ở thành phố Aleppo, một thành phố mà về mặt lịch sử, thành phần tôn giáo và dân tộc cùng đặc điểm thương mại thì là một Mosul tương ứng của Syria. Nếu  thay vào đó, cuộc tấn công do Mỹ dẫn dầu dẫn tới một cuộc bao vây kéo dài và sự tàn phá đối với thành phố cổ Mosul cũng như đối với các cư dân, điều đó sẽ tạo ra một sự so sánh không mấy tốt đẹp với cuộc tấn công (của Nga) vào thành phố Alleppo.

Viễn cảnh đó phần nhiều sẽ phụ thuộc vào 1 triệu người Sunni của thành phố. Được đảm bảo có tương lai trong một nước Iraq hậu IS, người dân Mosul có thể kiềm chế không hưởng ứng lời kêu gọi của IS nhằm nổi dậy bảo vệ thành phố (chống lại quân chính phủ). Nếu giành được kiểm soát thành phố, họ có thể lấp đầy khoảng trống mà các lực lượng bên ngoài khác có thể gặp khó khăn mới giành được.

Nếu họ được chấp nhận bởi chính phủ Baghdad (do người Shia lãnh đạo), các chính phủ Sunni hoài nghi, đặc biệt là ở vùng Vịnh, có thể đồng ý tham gia vào việc tái thiết các tỉnh Sunni hoang tàn của Iraq. Mặc dù Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã bổ nhiệm Najim al-Jabouri, một vị tướng người Sunni địa phương, để dẫn đầu chiến dịch, nhiều người Sunni lo sợ rằng ở Mosul cũng như ở Aleppo, các cường quốc toàn cầu đang bí mật giúp đỡ các chính quyền do Iran hậu thuẫn nhằm tàn phá nốt những vết tích cuối cùng trong quyền lực của người Sunni tại vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu.

Các cáo buộc về các vụ thảm sát sau khi Iraq tái chiếm Fallujah hồi tháng Sáu không hề giúp trấn an họ. Nhưng nếu các lực lượng dân quân người Shia (của chính phủ Iraq) bị ngăn không tiến được vào Mosul, và quyền lực được trao cho các cư dân thành phố, Iraq sẽ chưa thể bắt đầu lật một trang mới trong các cuộc chiến tranh phe phái của mình và của khu vực.


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét