Phiếu bầu bằng thư chuẩn bị gởi cho cử tri Utah. (Hình minh
họa: AP Photo/Rick Bowmer)
Trong nhiều năm trời, bà Hillary Clinton được người Mỹ và thế
giới dự đoán sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngay chính bà cũng muốn
điều đó, bằng chứng mới một năm trước đây, lúc còn bận rộn vận động sơ bộ, bà từng
nhiều lần nêu câu hỏi “các bạn có mong muốn một người phụ nữ làm tổng thống hay
không?” Giữa tiếng reo hò của những người ủng hộ, bà tươi cười nói tiếp “nếu thật
sự mong muốn điều đó, tôi cần các bạn ủng hộ tôi, để chúng ta cùng thực hiện ước
mơ lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc được phụ nữ điều hành.”
Từ khi chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng
Dân Chủ đến giờ, đặc biệt kể từ sau ngày đại hội đảng kết thúc hồi Tháng Bảy tại
Philadelphia, bà cựu ngoại trưởng không sử dụng chiêu bài “nữ tổng thống” để kiếm
phiếu, thay vào đó là những lời chỉ trích đối thủ Cộng Hòa Donald Trump “khinh
miệt phụ nữ,” nhắc nhở cử tri về “tư cách của người lãnh đạo.” Song song với điều
vừa nêu, những cuộc thăm dò cho thấy đại đa số cử tri Hoa Kỳ không còn nghĩ đến
chuyện nên bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton để nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên,
thay vào đó, “họ cân nhắc thật kỹ xem giữa bà Dân Chủ và ông Cộng Hòa, ai là
người xứng đáng hơn,” theo nhận xét của bà Noemie Emery, một nhà bỉnh bút nổi
tiếng trong giới sinh hoạt chính trị ở thủ đô Washington, DC.
Trong một bài viết phổ biến hồi cuối Tháng Chín, bà Emery
cho rằng chẳng mấy ai còn nghĩ đến chuyện ủng hộ bà Clinton để có nữ tổng thống
đầu tiên, thay vào đó “hầu hết những người bỏ phiếu ủng hộ bà chỉ vì họ không
muốn nhìn thấy ông Trump lãnh đạo đất nước.” Dẫn chứng được đưa ra: Hồi năm
2008 người dân Mỹ phân vân không biết nên chọn phụ nữ đầu tiên hay ứng cử viên
da màu đầu tiên làm tổng thống, năm nay dù bà Clinton tái ứng cử, nhưng càng gần
đến ngày bầu cử, cử tri càng bàn bạc với nhau chuyện “chọn mặt gửi vàng.” Bỉnh
bút gia Noemie Emery ghi rõ “điều đó không có nghĩa là cử tri không muốn bà
Clinton chiến thắng,” nhưng đòn chính trị “phụ nữ đầu tiên nắm Tòa Bạch Ốc”
không còn ăn khách nữa.
Ðiều bà Noemie Emery viết hồi Tháng Chín là điều đang xảy ra
từ những ngày cuối Tháng Mười. Ði đâu cũng thấy người dân Hoa Kỳ bàn cãi chuyện
nên bỏ phiếu ủng hộ ông Trump hay bỏ phiếu chọn bà Clinton, người bênh kẻ chống,
gần như chẳng ai nói tới chuyện nếu thành công, bà Clinton sẽ là nữ tổng thống
đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Sau chuyện email gây “lùm sùm” từ Thứ Sáu tuần trước
đến giờ, nhiều cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho bà Clinton giảm khá
nhanh, tới mức The Washington Post/ABC News cho hay ông Trump của đảng Cộng Hòa
đang dẫn trước 1%, phân tích gia chính trị Glenn Beck của cánh bảo thủ Cộng Hòa
nói với giọng đầy tự tin “cuộc tranh cử đã kết thúc, giờ này tuần tới ông Trump
sẽ đắc cử với tỷ lệ phiếu cao hơn số phiếu của bà Clinton tới 5%.”
Nếu điều đó xảy ra, đảng Dân Chủ sẽ như thế nào? Câu trả lời
nghe được từ nhiều người: Tình hình chẳng sáng sủa gì cho lắm!
“Ðiều tôi có thể nhìn thấy là bà Clinton sẽ là người bị đảng
ghét bỏ tới mức khủng khiếp,” bà Vicky Myers, một cử tri Dân Chủ tại Virginia,
nói. “Phải nhớ là bà Clinton được hậu thuẫn tối đa, muốn gì cũng có, do đó bắt
buộc bà phải thắng. Nếu (bà Clinton) thua một người như ông Trump thì đúng là
quá tệ, lúc đó, chắc bà Clinton phải cúi gầm mặt, không thể nhìn những người đã
ủng hộ bà.” Mặc dù vẫn bỏ phiếu ủng hộ bà cựu ngoại trưởng, nhưng bà Myers
không ngần ngại xác nhận “chưa biết có thắng nổi hay không,” nhắc lại “nếu thua
thì lỗi hoàn toàn tại bà Clinton chứ không phải lỗi của ai cả.”
Với phân tích gia Frank McLaughlin, nếu bà Clinton thất cử đảng
Dân Chủ sẽ bị mọi người đem ra chế diễu, “những người ủng hộ đảng Cộng Hòa sẽ
cười, nói thẳng vào mặt cử tri Dân Chủ rằng người sáng giá nhất của các anh
thua người bị chê trách là tệ nhất của chúng tôi.” Ông cũng cho rằng “nếu thất
bại, sự nghiệp chính trị của bà Clinton coi như xong, bốn năm nữa bà có muốn
tranh cử trở lại cũng chẳng ai ủng hộ, vả lại lúc đó bà đã 73 tuổi rồi, chắc
không còn sức để đi vận động.”
Mời độc giả xem video: Donald Trump từng chọn ông Chris
Christie đứng phó
Tuổi tác cũng là đề tài được một số người nói tới. Theo cô
sinh viên Terry Phan ở tiểu bang Virginia, ngoài bà Clinton, “hai nhân vật Dân
Chủ nổi bật được nhiều người biết tới là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders và Thượng
Nghị Sĩ Elizabeth Warren, ông Sanders năm nay đã 74 tuổi, bà Warren trẻ hơn
nhưng cũng đã 67 tuổi, nếu năm 2020 một trong hai người ra tranh cử, lúc đó bà
Warren đã hơn 70, ông Sanders cũng gần 80, tuổi quá cao, rất khó kiếm phiếu ủng
hộ.” Cô sinh viên Mỹ gốc Việt bảo thêm “ngoài hai người đó ra, ngay lúc này
chưa thấy nhân vật Dân Chủ nào vừa trẻ trung vừa sáng giá cả.”
Riêng với quan sát viên độc lập Thomas Hughes, “nếu bà
Clinton thất cử, bốn năm sau sẽ có người khác đại diện cho đảng” nhưng điều đảng
Dân Chủ lo âu nhất “là không chỉ mất cơ hội giữ ghế tổng thống, mà còn có thể mất
đi một số tiểu bang từng được xem là thành trì của đảng, cộng với một số tiểu
bang Tổng Thống Barack Obama đã giúp chuyển dần từ Cộng Hòa sang Dân Chủ,” chẳng
hạn như Pennsylvania, Virginia, Colorado, Florida, và Wisconsin. Ông tin “mất
mát đó mới đáng sợ” vì phải mất nhiều thập niên nữa mới lấy lại được.
Trước những nguy cơ có thể xảy ra, ban vận động của bà
Clinton không tỏ vẻ nao núng. Phát biểu trong chương trình “Good Morning
America” của đài ABC, ông chủ tịch điều hành Robby Mook nói rằng mọi người
“đang dồn hết nỗ lực để đạt được chiến thắng,” bà Hillary cũng bận rộn vận động
ở những tiểu bang cần phải thắng, liên tục gửi email cho những người ủng hộ, nhắc
nhở đừng quên đi bầu cũng như “nhớ kêu gọi người khác đi bầu,” không thể để Hoa
Kỳ nằm dưới quyền lãnh đạo của người không có kinh nghiệm là ông Donald Trump.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét