Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Thỏa ước với Iran thành sự thật



Ngô Nhân Dụng

Bản Hiệp ước Hạch tâm Iran chính thức có hiệu lực trong tuần qua. Sự kiện này sẽ ảnh hưởng tới nền ngoại giao Mỹ và bang giao quốc tế mươi chục năm sắp tới, nhưng hầu hết dân Mỹ chẳng ai để ý tới.

Dân Mỹ đã được nghe nói rất nhiều về “Iran Deal,” phần lớn là những lời chống đối từ các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa ngay từ đầu năm khi chính phủ Obama bắt đầu họp với Iran và năm cường quốc khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, một vị thủ tướng Israel được mời nói chuyện với hai viện Quốc Hội Mỹ, chỉ để đả kích ý định ký thỏa hiệp của ông tổng thống, một hiện tượng xưa nay chưa từng có. Lúc thỏa hiệp ký rồi, các tổ chức “lobby” của người Mỹ gốc Do Thái dùng toàn lực vận động Quốc Hội bỏ phiếu bác bỏ. Gần đây lại thêm các nhà chính trị muốn sang năm được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống. Ngày Thứ Tư vừa qua, trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp, các ông Donald Trump, Marco Rubio, bà Carly Fiorina đã báo trước nếu vào ngồi Tòa Bạch Ốc họ sẽ xé ngay bản hiệp ước với Iran mà chính quyền Obama đã ký.


Một bản hiệp ước bị chống đối ồn ào suốt một năm, nay sẽ được chính thức thi hành, không kèn, không trống! Tổng Thống Barack Obama, sẽ mãn nhiệm vào năm 2017, có thể coi đây là một di sản quan trọng trong cuộc đời chính trị của mình hay không, điều này còn tùy thuộc Iran có thi hành đúng theo thỏa ước trong mười năm tới hay không. Nhưng ngay bây giờ bàn cờ chính trị vùng Trung Ðông bắt đầu chuyển động với việc thi hành bản hiệp định hạn chế năng lượng hạch tâm của Iran. Bang giao giữa Mỹ và các nước Israel, Iran, các vương quốc Á Rập trong vùng sẽ diễn biến theo một kịch bản mới. Thủ tướng Israel và các lãnh tụ Cộng Hòa ở Quốc Hội đã thua một bước; ông Obama đã thắng một bước nhờ những nước đi khôn khéo trong cuộc cờ nội bộ và ngoại giao.

Trong nội bộ nước Mỹ, vào Tháng Tư năm 2015, các đại biểu Cộng Hòa chiếm đa số trong Quốc Hội đã tính trói tay không cho ông Obama họp với Iran bàn chuyện Iran không chế tạo bom nguyên tử để đổi lại được ngưng cấm vận kinh tế. Tháng Năm, ông Obama “nhượng bộ” để cơn sóng chống đối lắng đi. Ông ký một đạo luật do Quốc Hội thông qua theo đó Tòa Bạch Ốc phải đưa bất cứ hiệp ước nào với Iran cho Quốc Hội cứu xét, trong vòng 60 ngày sau khi ký kết, và Quốc Hội có quyền bác bỏ toàn bộ. “Nhượng bộ” này chỉ là một bước lùi chiến thuật.

Bản hiệp ước ký vào giữa Tháng Bảy, sau đó Tòa Bạch Ốc đã chuyển sang cho Quốc Hội. Trong tháng qua Hạ Viện đã thông qua một nghị quyết bác bỏ Iran Deal, nhưng Thượng Viện thì không thể làm gì được, vì có 42 nghị sĩ Dân Chủ không muốn đưa vấn đề vào nghị trình. Tại Thượng Viện, một vấn đề chỉ được biểu quyết nếu có ít nhất 60 trong số 100 nghị sĩ đồng ý. Sáng Thứ Năm, 17 Tháng Chín, Thượng Viện Mỹ cố gắng lần chót, đề nghị một “tu chính án” đặt điều kiện Iran phải công nhận quốc gia Israel trước khi Mỹ ngưng các cuộc phong tỏa kinh tế, để cho bản hiệp ước không thể thi hành được. Tu chính án này chỉ được 56 phiếu ủng hộ, 42 nghị sĩ Dân Chủ vẫn chống.

Ðây là một bài học về chính trị nước Mỹ: Trong các vấn đề ngoại giao, hành pháp có thế mạnh hơn lập pháp, nếu Quốc Hội không thể ngăn cản bằng quyền chuẩn chi ngân sách. Hiệp ước Hạch tâm Iran không cần một ngân sách mới nào để thi hành.

Trong thực tế, bản hiệp ước được năm cường quốc khác cùng Mỹ ký kết với Iran. Lại thêm Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc (IAEA). Nếu nước Mỹ rút ra thì các nước Anh, Pháp, Ðức, Trung Quốc và Nga vẫn có thể tiếp tục tôn trọng, và họ đã bắt đầu các bước để thi hành rồi. Năm nước trên sẽ ngưng cấm vận kinh tế Iran, và IAEA sẽ làm công việc thanh tra, giám sát. Tức là nếu Quốc Hội Mỹ thành công trong việc xóa bỏ hiệp ước này thì nước Mỹ sẽ chỉ đứng bên lề coi các nước khác và Iran thi hành nó ra sao. Iran sẽ được hưởng các ích lợi sau khi được năm nước bỏ cấm vận. Tất nhiên Mỹ tiếp tục cấm vận sẽ khiến mối lợi mà Iran được hưởng nhỏ hơn, nhưng ảnh hưởng của nước Mỹ trong cả quá trình “giải giới hạch tâm” của Iran qua hiệp định này sẽ không còn nữa. Cơ quan IAEA sẽ tiếp tục thanh tra tất cả các cơ sở năng lượng hạch tâm của Iran, kể cả các khu quân sự ở Parchin. Hầu hết các thanh tra của IAEA đều được huấn luyện tại phòng thí nghiệm Los Alamos của Mỹ.

Cũng trong thực tế, dù bản hiệp định được thi hành, chính phủ Mỹ chưa bãi bỏ hết các biện pháp cấm vận Iran. Vì bản hiệp định này chỉ bãi bỏ những biện pháp cấm vận được đặt ra gần đây, liên hệ tới các hoạt động năng lượng hạch tâm của Iran. Trước đó, Quốc Hội và chính phủ Mỹ đã ban hành các biện pháp cấm vận về vấn đề khác, vì chính phủ Iran vi phạm nhân quyền hoặc trợ giúp các “tổ chức khủng bố.” Các biện pháp đó vẫn tiếp tục còn hiệu lực.

Bản hiệp định có ngăn cản không cho Iran chế tạo vũ khí hạch tâm hay không, kết quả chỉ có thể biết sau mươi năm thi hành. Nhưng nếu không ký thỏa ước này thì chính phủ Obama chỉ có hai con đường để chọn: Giữ nguyên trạng không làm gì hết; hoặc bật đèn xanh cho Israel đánh bom các lò nguyên tử của Iran như họ đã làm ở Iraq xưa kia và ở Syria sau này.

Con đường tiếp tục cấm vận sẽ khiến dân Iran sẽ nghèo hơn, nhưng chắc chắn không nghèo bằng dân Bắc Hàn; chính phủ Iran nếu muốn vẫn có thể làm bom. Về con đường thứ hai, giới tướng lãnh Israel cũng thấy việc đánh bom Iran chỉ có thể gây khó khăn nhưng không ngăn cản hoàn toàn được Iran chế bom nguyên tử. Cả Mỹ và Israel không nước nào muốn đưa quân tới đánh chiếm Iran, sau kinh nghiệm ở Iraq. Cho nên, một bản hiệp định với Iran là con đường tốt hơn cả, nếu nước Mỹ muốn duy trì ảnh hưởng trong vùng Trung Ðông.

Trong vấn đề Iran, quyền lợi của Mỹ và Israel không giống nhau. Ðối với Israel, Iran là một mối đe dọa sinh tử. Israel chấp nhận sống trong tình trạng xung đột thường xuyên, miễn sao tất cả các nước khác trong vùng Trung Ðông đều suy yếu, hai phái Shia A và Sun Ni, tiếp tục đánh giết lẫn nhau, các nước Á Rập và Iran không hòa thuận. Israel đã tồn tại hơn nửa thế kỷ vừa qua trong tình trạng như vậy, và có thể tiếp tục trong hàng thế kỷ nữa.

Nước Mỹ phải quan tâm đến những vấn đề lớn trong phạm vi rộng hơn nhu cầu của quốc gia Israel. Trong một vùng Trung Ðông đang biến chuyển và sẽ có nhiều đảo lộn trong vòng 20, 30 năm sắp tới không thể nào tránh được, nếu nước Mỹ muốn giữ được ảnh hưởng quyết định thì tốt nhất phải thêm bạn, bớt thù, tìm cách nói chuyện được với tất cả các thế lực đang lên.

Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2009, ông Obama đã nói sẵn sàng tuyên bố chuyện với cả thế giới Hồi Giáo. Năm 2011, Obama cử Nghị Sĩ John F. Kerry tới vương quốc Oman, nhờ họ làm môi giới nói chuyện với Iran. Hai viên chức ngoại giao Mỹ cao cấp, William Burns và Jacob Sullivan, bí mật gặp các sứ giả của Iran tại Oman trong năm 2012, nhiều cuộc gặp gỡ khác tiếp theo. Năm 2013, dân Iran bầu một vị tổng thống mới, Hassan Rouhani có thái độ ôn hòa hơn. Obama gửi thư cho Rouhani đề nghị nói chuyện về bom nguyên tử, Rouhani nhận lời; bắt đầu các cuộc thương lượng bí mật bàn vào chi tiết. Cùng lúc đó, Mỹ vận động các nước Châu Âu cùng thi hành các biện pháp cấm vận, bằng cách tiết lộ các chi tiết tình báo về những lò nguyên tử trong hầm sâu của Iran, khiến các nước lo ngại. Khi Châu Âu cũng cấm vận, kinh tế Iran bị đẩy vào cảnh suy thoái vì không bán được dầu lửa và ngoại thương đình đốn vì bị phong tỏa tài chánh. Năm 2013, sau khi ông Kerry lên làm ngoại trưởng, một thỏa ước tạm thời đã ký kết làm khung. Sau cùng, chính phủ Mỹ lôi kéo được cả bốn nước khác trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào một cuộc hội đàm với kết quả là bản thỏa hiệp đang bắt đầu thi hành.

Mặc dù chống đối tới cùng nhưng Thủ Tướng Netanyahu của Israel có đóng góp trong quá trình này. Với những lời tuyên bố nẩy lửa đe dọa đánh bom Iran, ông đã khiến cho các nước Nga, Trung Cộng và Châu Âu đều thấy cần phải đạt được một thỏa hiệp trước khi quá trễ, can không nổi. Kết quả sẽ thế nào trong mười năm tới, tất nhiên sẽ phải xem hồi sau mới rõ!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét