Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013


Tập Cận Bình-Obama, thịt heo Song Vị
Friday, June 07, 2013 5:59:44 PM






Ngô Nhân Dụng
Người Việt tị nạn đã biểu dương sức mạnh, đã lên tiếng đòi Trung Cộng phải trả lại Hoàng Sa, đã đòi ông Tập Cận Bình phải chấm dứt các vụ xâm phạm hải phận, bắn giết và bắt cóc ngư dân Việt Nam. Bên trong khu nông trại rộng 80 mẫu (ha) đất Rancho Mirage, ở Sunnylands, tiểu bang California, hai người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc chắc phải biết có cuộc biểu tình này, nhưng họ sẽ còn nhiều vấn đề khác để nói chuyện với nhau. Hai vị cố tổng thống Ronald Reagan và Richard Nixon đều đã từng tiếp khách ở khu trại này.
Năm trước, ông Tập Cận Bình đã gặp ông Barack Obama, cuộc họp đã kéo dài tới 90 phút, một thời gian quá dài dành cho chức vụ một phó chủ tịch nhà nước. Ðiều này dễ hiểu, vì ai cũng biết lúc đó ông Bình sắp lên cần đầu đảng, nhà nước, và quân đội Trung Quốc. Lần này, hai ông sẽ gặp nhau khoảng 6 tiếng đồng hồ trong hai ngày, cũng là một thời gian rất dài, thường một tổng thống Mỹ chỉ dành cho nguyên thủ một nước đồng minh. Nhưng ông Tập Cận Bình đã xin được gặp, trong một không khí thoải mái. Người cầm đầu quốc gia đông dân nhất thế giới không xin tới thủ đô nước Mỹ, không cần tới đọc diễn văn trước hai viện Quốc Hội Mỹ, không có dạ tiệc, quốc yến nào.

Ông Tập Cận Bình vừa mới đi thăm mấy nước ở Châu Mỹ La Tinh, còn ông Obama thì tới Palo Alto gây quỹ, cho nên họ hẹn gặp nhau tại California. Rõ ràng, đây là một cuộc gặp gỡ chỉ để cho hai bên tìm hiểu nhau rõ hơn, trình bày quyền lợi và nỗi khó khăn của mỗi người, tạo không khí tin tưởng cho ba năm làm việc chung sắp tới, nhiều hơn là quyết định các vấn đề trước mắt.

Trước mắt, hai vấn đề lớn mà ông Obama đang được nghe dân Mỹ lớn tiếng yêu cầu phải nói cho ông Tập Cận Bình nghe, là nạn “tin tặc” xâm nhập phá hoại các mạng Internet ở Mỹ, và việc xâm phạm nhân quyền trong nước Trung Hoa. Ngay trước khi ông Tập Cận Bình tới Mỹ, Bắc Kinh đã chịu nhượng bộ, chịu cấp giấy thông hành, hộ chiếu, cho gia đình ông Trần Quang Thành, nhà vận động dân quyền Trung Hoa năm ngoái đã chạy vào tòa Ðại Sứ Mỹ, rồi được phép sang Mỹ du khảo. Ông Thành đã yêu cầu gia đình ông được qua Mỹ nhưng bị từ chối. Nay cả gia đình ông cũng được cấp giấy qua Mỹ chơi, cho thấy Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ muốn chiều ý dư luận dân Mỹ.

Về phía Trung Quốc, họ sẽ tỏ ý lo lắng về việc Mỹ tăng cường quân đội trong vùng Ðông Nam Á, chuyển thêm hải quân từ Châu Âu qua Thái Bình Dương, đưa thêm 2,500 thủy quân lục chiến tới căn cứ Darwin, Australia. Và ngày 2 Tháng Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên chiến hạm USS Freedom đậu tại Singapore, trong chuyến đi đầu tiên tới vùng Ðông Nam Á. Người Trung Hoa sẽ hỏi: Các ông có ý đồ gì vậy? Các vấn đề kinh tế chắc sẽ không cần bàn tới, vì đồng Nguyên đang lên giá, tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc đang lên chậm hơn, ở mức thấp nhất trong 13 năm qua. Và hàng xuất cảng của Trung Quốc cũng đang xuống, mức chênh lệch với Mỹ vào Tháng Ba 2013 xuống thấp nhất trong cả ba năm qua.

Tuy nhiên, hai nước vẫn đang có một vấn đề kinh tế để nhắc đến. Trên bàn ăn của hai người quyền lực lớn nhất thế giới không chắc có món thịt heo; nhưng trong lúc đi dạo và trò chuyện chắc ông Tập Cận Bình sẽ nhắc với ông Obama về chuyện thịt lợn! Ông Bình sẽ “lóp bi” ông Obama về vụ thịt heo! Vì dư luận báo chí Mỹ đang bàn tán, nhiều người đang phản đối vụ một công ty thịt lợn lớn nhất nước Mỹ đã đồng ý bán cho công ty thịt heo lớn nhất Trung Quốc! Công ty Shuanghui (Song Vị) sẽ mua công ty Smithfield, với giá 4.7 tỷ đô la, nếu kể thêm số nợ sẽ gánh thì họ sẽ chi hơn 7 tỷ Mỹ kim! Nếu vụ mua bán này được chính phủ Mỹ chấp thuận, thì đây sẽ là vụ một xí nghiệp Trung Hoa mua một xí nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều người Mỹ phản đối việc bán này. Vì công ty Song Vị đã bị tai tiếng từ năm 2011 do dùng chất Clenbuterol giúp cho thịt heo bớt mỡ, một chất độc mà ngay ở bên Trung Quốc cũng bị cấm từ năm 2002! Năm sau, công ty lại bị tố giác đã bán bán thịt heo có vi khuẩn, và trong nhiều miếng sườn đông lạnh đã có dòi! Cả mấy lần, công ty Song Vị đều xin lỗi và hứa sửa sai, nhưng có gì bảo đảm hệ thống kiểm phẩm của họ sẽ khá hơn không? Nhiều người Mỹ đặt câu hỏi: Nếu mua bán xong, mai mốt Smithfield có đem thịt lợn từ bên Tàu bán sang Mỹ hay không? Người ta còn nhớ cảnh hàng ngàn xác lợn nổi lềnh phềnh trên con sông Hoàng Phố chảy về phía Thượng Hải. Bà Elisabeth Holmes, luật sư của tổ chức vô vị lợi Trung Tâm An Toàn Thực Phẩm ở Mỹ (Center for Food Safety), nói sẽ kêu gọi công chúng phản đối việc bán công ty Smithfield cho Song Vị (Shuanghui) vì mối lo vệ sinh.

Người ta cũng biết năm 2008 ở Trung Quốc đã xảy ra vụ sữa bột chứa chất melamine, đến khi bị tố giác thì đã làm cho sáu trẻ em bị thiệt mạng và 300,000 trẻ mắc bệnh. Chính người Trung Hoa có học và lợi tức trung lưu cũng tỏ ra lo lắng không muốn dùng thực phẩm trong nước họ. Khi mua Smithfield, Song Vị hy vọng sẽ bán thịt dưới một nhãn hiệu Mỹ để chiếm thêm thị trường.

Theo luật lệ ở Mỹ, chính phủ và Quốc Hội có thể ngăn cản việc mua bán này. Năm 2005, khi công ty dầu khí CNOOC của Trung Quốc điều đình mua công ty Unocal ở California, giá cả đã thỏa thuận nhưng sau cùng chính phủ Mỹ không thông qua. Lý do vì dầu khí được coi là một sản phẩm có tính cách chiến lược. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, Mỹ đã đồng ý cho công ty Lenovo của Trung Quốc mua phân bộ làm máy vi tính nhỏ PC của IBM; kể từ đó tới nay Lenovo đã thành một nhãn hiệu có uy tín trên thương trường quốc tế.

Liệu thịt heo có thể được coi là một sản phẩm có tính cách chiến lược hay không? Có quốc gia nào có thể dùng thịt heo tấn công nước khác, hay tổ chức khủng bố hay không? Ðây là điều mà ban giám đốc Smithfield đang tìm cách trả lời là 'không” để dân Mỹ an lòng!

Về phần họ, công ty Song Vị đã hứa sẽ không thay đổi ban giám đốc, không thay đổi phương pháp làm việc của Smithfield, không đóng cửa một nông trường nuôi heo hay một xưởng thịt heo nào, không để một công nhân nào mất việc cả. Nhưng có tin được hay không?

Nhưng đối với các chủ nhân của công ty Mỹ Smithfield thì đây là một vụ “thắng lớn.” Từ nhiều năm nay thị trường bán thịt heo ở Mỹ đã xuống, vì dân tiêu thụ bớt đi. Từ ăm 2009, 2010, công ty chỉ khai lỗ. Hai công ty đã làm ăn với nhau từ nhiều năm, và Song Vị đã ngỏ ý muốn mua Smithfield từ bốn năm qua, nhưng chưa điều đình xong về giá cả. Ông Larry Pope, chủ tịch tổng giám đốc công ty Smithfield cam kết rằng việc mua bán này sẽ không tiến tới việc nhập cảng thịt heo từ Trung Quốc sang Mỹ; mà ngược lại, sẽ xuất cảng thịt heo Mỹ sang Trung Quốc và ra khắp thế giới. Kể từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc là nước nhập cảng nhiều thịt heo hơn xuất cảng. Từ năm 2011, Trung Quốc trở thành nước đứng hàng thứ ba mua thịt heo của Mỹ sau Nhật Bản và Mexico. Smithfield là công ty Mỹ lớn nhất, nuôi 15 triệu con heo và mỗi năm ngả thịt 27 triệu con heo, phần lớn được xuất cảng sang Tàu.

Nếu được kết thúc, vụ mua bán này có số tiền lớn nhất từ trước tới nay, trước đây chỉ có vụ công ty Wanda Group mua các rạp hát AMC là đáng kể, với số tiền trao đổi là 2.6 tỷ Mỹ kim. Song Vị đã trả một giá rất cao cho các cổ đông của Smithfield, 34 đô la một cổ phần, cao 31% hơn giá đang mua bán trên thị trường khi việc mua bán được công bố.

Trong thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã đem tiền ra ngoài mua các tài sản ở nước khác; nhưng họ chú trọng tới các quặng mỏ và công nghiệp tân tiến. Gần đây, họ đã đi mua các xí nghiệp chuyên về canh nông và chăn nuôi. Gần đây, hai vụ mua bán nhắm vào các công ty nông sản ở New Zealand và Brazil đã bị chính phủ các nước này ngăn chặn, vì áp lực của dư luận báo chí và công chúng. Việc đi mua công ty nuôi heo và mổ heo ở Mỹ có thể nhằm hai mục đích. Thứ nhất là sử dụng nhãn hiệu uy tín của một công ty Mỹ, khi đem bán các sản phẩm của Song Vị ra nước khác sau này. Hiện nay họ đã bán thịt heo ra nước ngoài với nhãn hiệu tiếng Anh là Shineway; đồng bào Việt Nam ở trong nước mua nhãn hiệu này có khi không biết đó là thịt heo Tàu.

Người đứng đầu công ty Song Vị là Vạn Long (Wan Long) xuất thân là một nhân viên của công ty, do chính quyền huyện Tháp Hà, tỉnh Hà Nam làm chủ. Cũng như các nhà tư bản đỏ khác, ông là một đảng viên cộng sản, năm nay 72 tuổi và đóng vai đại biểu Quốc Hội kể từ 15 năm qua. Tham vọng của ông không những là mở rộng thị trường mà còn là mua một công ty Mỹ để học kỹ thuật nuôi heo, mổ heo và bán thịt heo! Ở bên Tàu, Vạn Long được đặt danh hiệu Ðồ Tể Số Một (Trung Quốc Ðệ Nhất Ðồ Phu Trưởng). Nhưng các phương pháp nuôi heo và chế biến thịt heo ở Trung Quốc còn rất thô sơ. Mua Smithfield sẽ mua được cả một hệ thống với kỹ thuật nuôi heo như nuôi trong phòng thí nghiệm, các phương pháp ngăn ngừa bệnh, một hệ thống kiểm soát một miếng thịt heo để có thể biết miếng nào thuộc vào con heo nào, nuôi ở nông trại nào, chuồng số mấy, con heo sinh ra từ bao giờ, và hôm nào làm thịt. Tất cả các kỹ thuật tân tiến đó, có nên xuất cảng cho người Trung Hoa biết hay không? Nếu có các đại biểu Quốc Hội Mỹ phản đối thì sẽ có những đại biểu khác ủng hộ vụ mua bán này, nếu cử tri của họ ở các tiểu bang nuôi heo hoặc trồng trọt các loại thực phẩm nuôi heo!

Ông Larry Pope, chủ tịch Smithfield, đã biện hộ cho việc bán công ty của mình cho người Trung Hoa, hoàn toàn vì mục đích kinh doanh: “Chúng tôi sẽ xuất cảng thịt heo qua Tàu, chứ không xuất cảng xe thiết giáp hay vũ khí tin học!” Ông Vạn Long biết là nước ông cần nhập cảng kỹ thuật nuôi heo, thịt heo, bởi vì dân Trung Hoa ngày càng ăn sang hơn, kỹ lưỡng hơn trong việc ăn uống!

Với giá tiền hơn bảy tỷ đô la, lớn hơn số thu nhập hàng năm của công ty Song Vị, chắc chắn ông Vạn Long sẽ phải đi vay. Những ở Trung Quốc thì việc vay mượn các ngân hàng của nhà nước sẽ dễ dàng, nếu việc mua bán có “mục tiêu chiến lược.”

Hai ông Tập Cận Bình và Obama chắc sẽ không đem chuyện mua bán thịt heo ra bàn, nhưng họ cũng biết rằng nếu vụ này được chính phủ Mỹ thông qua thì mối quan hệ kinh tế giữa hai nước càng thêm chặt chẽ. Số tiền hơn bảy tỷ đô la sẽ làm nhẹ cán cân chi phó khiếm hụt của nước Mỹ được hơn bảy tỷ! Và sau này, nước Mỹ còn có thêm một “đòn kinh tế” để làm khó dễ Bắc Kinh, khi nào dân Trung Hoa quen ăn thịt heo Mỹ quá, sẽ oán giận chính phủ của họ nếu thịt heo bị cấm vận!

Nhưng nếu người Việt tị nạn vẫn theo chủ trương hàng Trung Quốc thì, ngoài việc từ chối mua các món hàng Made in China, sau này chúng ta còn có thể tẩy chay cả thịt heo của Smithfield!

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=167521&zoneid=7#.Ube8z8rJIQo

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013



Vua Nguyễn X lên ngôi - Việt Nam xuống hạng X tại Đông Nam Á

Hội nghị Trung ương 7 khóa XI khai mạc ngày 2 tháng 5 nhưng chỉ trong vòng ba ngày đầu tiên đã làm
bùng lên những tranh chấp ngấm ngầm trong nội bộ đảng. Trong 6 nội dung đem ra thảo luận, nội dung mấu chốt nhất là “tiến trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của nhiệm kỳ 2016-2021 và những nhiệm kỳ tiếp theo”. Thay đổi và đề bạt nhân sự cấp cao của đảng, tuykhông làm thay đổi được bộ mặt trì trệ của chế độ nhưng thường được dư luận rất quan tâm. Do đó trên các diễn đàn ngoài đảng, các vòng bỏ phiếu bầu bổ sung Bộ chính trị và Ban bí thư được theo dõi nhiều nhất và cũng gây ngạc nhiên lớn nhất. Kết quả chưa được công bố nhưng sự rò rỉ từ bên trong đã cho thấy hai chiếc ghế quyền lực trong Bộ chính trị đã lọt vào tay Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Phó thủ tướng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội. Hai người này xét ra không có điểm nổi bật nào trong chức vụ, nhưng được mô tả là tay chân của Nguyễn Tấn Dũng.

Nhân vật được cho là sẽ nắm chắc một ghế trong Bộ chính trị là Nguyễn Bá Thanh, người đang giữ chức vụ Trưởng ban nội chính lại thất bại mặc dù có sự đề cử của Bộ chính trị, tạo ra tiền lệ trong một đảng xưa nay trên nói dưới ca tụng. Ông Nguyễn Bá Thanh rời Đà Nẳng ra Hà Nội giữ chức vụ mới chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành một nhân vật đình đám nhất và có vẻ quyền lực nhất. Ông ta vội vã giơ cao nắm đấm quyền lực khi tuyên bố “bắt hết, nhốt hết” bọn tham nhũng làm mọi người sửng sốt hơn khen ngợi. Lẽ ra để củng cố cho “quyết tâm chống tham nhũng” của tân trưởng ban nội chính trung ương, ông Thanh không phải chịu một thất bại thảm hại đến thế. Một lãnh tụ địa phương thiếu kinh nghiệm ở trung ương cũng là lý do thất bại của ông Thanh mà nhiều người đã nghĩ đến, ngoài yếu tố bản chất một cán bộ ham nổ sảng.
Sau hội nghị này, chắc chắn Ban Tuyên giáo (có thể không còn trong tay ông Đinh Thế Huynh nữa) sẽ phải giải thích gấp với thế giới về một vị vua mới ra đời ở Việt Nam nhưng không phải là vua đời thứ 13 của Nguyễn Triều. Nếu sau hội nghị trung ương 6 có “đồng chí X” ra đời làm bia cho dư luận trên các diễn đàn bêu rếu thì sau hội nghị 7, vua “Nguyễn X” lên ngôi mở ra một triều đại sâu bọ lên làm người. Chính triều đại nầy sẽ sớm thúc đẩy sự tan rã của đảng cầm quyền.
Thật vậy, chỉ cần nhìn vào diễn biến của đại hội 7, rõ ràng là ông Dũng đang tóm thu chẳng những đảng quyền mà còn quyền lực chính trị về một mối. Nếu năm 2012, trong hội nghị trung ương 6 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lao đao trong cơn bão đấu đá tranh giành quyền lực lúc đầu, nhưng cuối cùng đối thủ cũng không hạ bệ hay kỷ luật được ông. Lúc ấy, người ta cứ đồn đoán là sinh mạng chính trị của ông như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng ông vẫn tồn tại trong chiếc ghế thủ tướng của mình nhờ dựa hẳn vào Ban chấp hành Trung ương đảng với 175 ủy viên trung ương mà đa số ủng hộ ông. Ngay cả chủ tịch nước  sau đó cũng chỉ dám gọi là “đồng chí X” để ám chỉ ông.
Trong bối cảnh nội bộ đảng phân hóa trầm trọng, lần này chẳng những ông âm thầm phản công mà còn đẩy đối thủ vào thế gần như thúc thủ. Hai chiếc ghế mà Bộ chính tri vừa lập ra đã bị Nguyễn Tấn Dũng lấy về phe mình cả hai mà hai ông Sang-Trọng đành chịu không làm gì được. Hai ủy viên Bộ chính trị mới trong quá khứ không có thành tích gì xuất sắc, chỉ là những nhân vật bình thường, trung thành dễ bảo dưới trướng mà được lên thang . Do đó ông Dũng an tâm tin tưởng giao cho họ giữ ghế làm vây cánh, không để bị Bộ chính trị đánh hội đồng như năm ngoái. Vì xét ra một mình Nguyễn Sinh Hùng cũng không thể đủ chống lưng cho ông. Người ta cũng chẳng hy vọng gì ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Kim Ngân sẽ có những đóng góp gì đáng kể trong vai trò một uỷ viên Bộ chính trị nhưng vị trí của ông Dũng rõ ràng là đã mạnh hơn rất nhiều so với những gì ông đạt được từ năm ngoái.
Năm nay, chiến thắng quan trọng hơn hết của thủ tướng Dũng là sự kiện Nguyễn Bá Thanh không vào nổi Bộ chính trị.  Một phân tích của diễn đàn “tusangnhamhiem.blogsot.com” gần đây đề cập đến nhóm “Chấn hưng Đảng” mà Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang lập ra sau Nghị quyết Trung ương 4 nhằm mục đích kỷ luật và hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng để tập trung quyền lực nhưng thất bại. Sau đó, Ban Nội chính và Ban Kinh tế trung ương được tái lập đầu năm 2013 đưa đến việc bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào ghế trưởng ban. Cả hai đều được Bộ chính trị giới thiệu và cả hai đều bị loại. Có một dư luận còn cho rằng chính ông Nguyễn Phú Trong và Bộ chính trị đã áp đặt việc bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh khiến phe cánh đối nghịch bất bình. Và thủ tướng Dũng đã khai thác điểm này để lôi kéo người bỏ phiếu loại ông Thanh.
Cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng vốn là một đảng viên đi lên từ một hợp tác xã nông nghiệp và cũng như bao nhiêu đảng viên cộng sản khác, rất giỏi nghề mỵ dân bằng những hành động và lời nói khác người. Thanh được xưng tụng là một loại vua địa phương làm được nhiều việc màu mè như đuổi ăn mày ra khỏi thành phố Đà Nẵng, biến nơi này thành một thành phố sạch đẹp trong cả nước!. Nhưng người ta cũng không quên danh xưng không mấy thơm tho “ông 10%” để ám chỉ viên bí thư thành ủy khi nói về những vụ buôn bán, sang nhượng đất đai ở đây.
Khi được kéo về làm Trưởng ban Nội chính, mọi người đều đinh ninh ông Thanh nay mai sẽ trở thành một ủy viên Bộ chính trị đủ sức mạnh để “bắt hết, nhốt hết” bầy sâu đang lổm ngổm đục khoét đất nước như chính lời ông ta tuyên bố ầm ỉ. Sự đắc cử của ông trở nên một điều đương nhiên khi ông được Bộ chính trị giới thiệu. Nhưng chính sự to mồm đe nẹt của ông cộng với sự yếu đuối của hai ông Sang-Trọng đã đẩy ông vào bóng tối hậu trường. Và nay mai chưa chắc gì ông giữ nổi chiếc ghế trưởng ban hay sẽ bị thay thế bởi một trong hai ủy viên mới đắc cử? Một “ngôi sao” chưa tỏa sáng đã vội vàng tắt ngúm!
Rõ ràng là từ nay ông Dũng và tay chân bộ hạ sẽ không còn sợ sự dòm ngó của Ban nội chính nữa mà còn dùng nó thành một thứ vũ khí sắc bén quay ngược lại tấn công vào những người đang ủng hộ hai ông Sang-Trọng. Khi đó đương nhiên  số quan chức lem luốc chạy vào núp dưới bóng dù của ông Nguyễn Tấn Dũng  sẽ càng đông hơn và quyền lực của triều đại “vua Nguyễn X” được củng cố mạnh hơn.
Nhưng xã hội Việt Nam sẽ ra sao dưới triều đại vua Nguyễn X? Có thể thấy ngay rằng:
- Tập đoàn tham nhũng như bầy ngựa sẽ được xả cương, không còn bị câu thúc bởi bất cứ một đe dọa nào từ Ban nội chính đã bị trói tay. Câu khẩu hiệu "tham nhũng để sống" nay sẽ được triều đại “Nguyễn X” nâng cấp lên thành "sống để tham nhũng" hoặc trơ trẽn hơn “tham nhũng là yêu nước”. Và “đồng chí X” sẽ là tấm gương sáng chói về tiền lực sẽ biến thành quyền lực. Điều dễ hiểu  trong nền chính trị Việt Nam hiện nay, càng mở rộng cơ hội tiền lực thì quyền lực càng thăng tiến và cứ thế mà tiến lên không ngừng.
- Sau Hội nghị Trung ương 7, Bộ chính trị đã trở nên yếu đi rất nhiều với hai ủy viên mới. Vị trí tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng không còn được các ủy viên trung ương nhìn một cách kiêng dè như trước. Lần đầu tiên, Ban chấp hành trung ương đã đi ngược lại và vượt qua Bộ chính trị trong trò chơi dân chủ, nhưng đồng thời đẩy xung khắc nội bộ lên cao. Sự phân hóa trong đảng trầm trọng hơn và nguy cơ đảng tan rã không biết lúc nào. Đó cũng chính là điểm có lợi duy nhất mà người dân Việt đạt được sau hội nghị 7 lần này.
- Các đảng viên quan chức cùng phe cánh, có cùng lợi ích chung cứ an tâm tin tưởng mà phát triển tham nhũng thành một chính sách lớn của đảng vì không còn các thế lực khác để phanh phui nhau. Cứ nộp đủ "lệ phí" và "quà cáp" đúng ngày đúng giờ cho cấp cao hơn dưới trướng của ông Dũng là ghế ngồi sẽ vững chắc, những công cuộc làm ăn bất chính sẽ êm xuôi.
- Các loại kiêu binh như thời vua Lê chúa Trịnh sẽ ngang nhiên xuất hiện đầy đường, tác oai tác quái mà không có một thứ luật pháp nào dám rớ tới. Nếu trước đây xã hội “lúc nhúc một bầy sâu” như lời ông Sang mô tả thì giờ đây là lúc sâu bọ lên làm người. Những ủy viên Trung ương đảng đã có công cứu ông Dũng khỏi máy chém trong hội nghị trung ương 6 lần trước và bỏ phiếu loại Nguyễn Bá Thanh để củng cố phe ông Dũng trong Bộ Chính trị lần này sẽ đòi trả công. Và họ sẽ phải có phần thưởng trọng hậu, xứng đáng với công lao bỏ ra.  Nếu trước đây dân ca thán về nạn bạo hành, vô pháp luật của kiêu binh công an thì trong những ngày tới sẽ có khoảng 200 mạng lưới kiêu binh bao trùm lên xã hội. Đó là mạng lưới của 175 ủy viên Trung ương và 25 ủy viên dự khuyết trong đảng CSVN. Sẽ có nhiều vùng, nhiều lãnh vực kinh tế hái ra tiền bị ức hiếp và đòi đóng "lệ phí bảo kê" không phải bởi một mà nhiều mạng lưới kiêu binh khác nhau. Đó là một tai họa mà người dân Việt phải gánh chịu bên cạnh tai hoạ mất nước về tay Trung Cộng!
- Nền kinh tế quốc gia lâu nay đã chịu cảnh lao đao vất vả với một hệ thống quản lý vô trách nhiệm đẩy đất nước vào nợ nần chồng chất, hàng trăm ngàn xí nghiệp phải giải thể, thất nghiệp tràn lan. Nay không chỉ với một bầy sâu mà cả một kim tự tháp của hàng hàng lớp lớp sâu phủ trên cả nước đó, kinh tế Việt Nam không hy vọng gì thoát khỏi “vị trí X”(thứ 10) tức vị trí cầm đèn đỏ trong số 10 nước ASEAN. Các đại ngân hàng, các siêu tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do thủ tướng Dũng lập ra đang ngoắc ngoải, lại tiếp tục gia tăng để toả ra đi mượn nợ khắp thế giới theo phương án "lời chia, lỗ quốc gia chịu". Sẽ có thêm nhiều Vinashin và Vinalines mà sự thất thoát do đục khoét công quỹ sẽ to hơn. Người ta sẽ lại nghe thủ tướng ra nhận lỗi trước quốc hội và chỉ chịu trách nhiệm chính trị.
Với một triều đại lấy tham nhũng làm gốc như triều đại Nguyễn X, tình trạng xã hội càng ngày càng băng hoại và suy sụp, kinh tế càng bị tham nhũng đục ruỗng.  Chủ quyền đất nước vốn đã bị Trung Cộng xâu xé nay sẽ có thêm nhiều mảng chủ quyền đất nước bị cắt nhỏ đem bán rẻ cho Trung Cộng. Loại bắt tay $150 triệu USD để bán quyền khai thác Bôxít Tây Nguyên trở thành chuyện nhỏ. Sẽ có nhiều tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất Việt Nam bị ngoại bang đào xới. Sẽ có nhiều rừng Việt Nam dành riêng cho Trung Cộng khai thác gỗ. Không chỉ ở Bình Dương, Đồ Sơn, Tây Nguyên, các đô thị biệt lập của người Trung Quốc khắp nơi với trường học riêng, nhà thương riêng, giấy chứng minh nhân dân riêng, nghĩa địa riêng v.v... sẽ mọc lên như nấm. Quốc Hội Nhân Dân Trung Quốc sẽ bắt đầu có đại biểu từ Việt Nam và nói tiếng Tàu.
Với thời kỳ sau Hội nghị Trung ương 7, có lẽ một mốc điểm lịch sử vừa bắt đầu cho một thời kỳ Bắc Thuộc mới. Sử Tàu năm 2050 sẽ ghi nhận vua Nguyễn X và hậu duệ đã có công mở rộng bờ cõi Trung Quốc xuống tận mũi Cà Mau. 

Phạm Nhật Bình