Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Putin thắng một thua ba



Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua, cả Tòa Bạch Ốc lẫn Ðiện Kremlin đều nhanh chóng loan tin Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã điện thoại cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama và hai bên đồng ý sẽ cho ngoại trưởng hai nước gặp nhau thảo luận chuyện Ukraine.
Ðây là một chuyện bất ngờ, vì gọi điện thoại cho ông Putin rất khó. Trước ngày dân Crimea đi bỏ phiếu ly khai Ukraine để nhập vào Nga trở lại, Ngoại Trưởng Mỹ Kerry gặp Ngoại Trưởng Nga Lavrov suốt mấy giờ ở Bruxelles để can ngăn lần chót. Có lúc bị thúc giục quá, ông Lavrov rút qua phòng khác gọi cho ông Putin xin ý kiến. Một lát, ông trở lại, cho biết ông không muốn nói chuyện điện thoại với mình!
Nay ông Putin đích thân gọi cho ông Obama vào buổi tối, trong lúc ông này đang ở khách sạn Ritz Carlton tại Riyadh, thủ đô Á Rập Saudi, sau hai giờ dự quốc yến với Quốc Vương Abdullah để xoa dịu cho ông hoàng dầu lửa bớt giận Mỹ vì đã họp với Iran (theo Hồi Giáo Shi Ai, đối thủ của Saudi) và bỏ rơi phe nổi dậy ở Syria (cùng phái Sun Ni với Saudi, nhưng quá nhiều cán bộ al-Qaeda). Riêng hành động tự ý gọi điện thoại của Putin đã cho thấy Putin muốn cầu hòa. Ðiện Kremlin cần giữ thể diện cho ông chủ, đã nêu lý do là ông Putin nêu lý do các nước cần tái lập trật tự ở thủ đô Kiev, trong lúc nhiều người thuộc một đảng chống Nga ở Ukraine đang biểu tình, đeo mặt nạ, bao vây trụ sở Quốc Hội ở Kiev, đòi bộ trưởng Nội Vụ từ chức. Ðiện Kremlin nói rằng phe cực hữu này đang đe dọa thường dân (ý nói dân gốc Nga), đe dọa các cơ quan chính quyền và cảnh sát ở thủ đô Kiev cũng như các nơi khác. Ông Putin cũng than phiền chính phủ Ukraine đang phong tỏa vùng Transnistria, đã ly khai khỏi xứ Moldova.
Ðây là một cách gỡ thể diện, cho dân Nga khỏi nghĩ là Tổng Thống Vladimir Putin đang lùi một bước. Khi hai ông Kerry và Lavrov gặp nhau, ít nhất Nga có hai điều trao đổi: Nga sẽ công nhận chính phủ Ukraine mới, ngược lại Kiev sẽ hứa bảo vệ an ninh cho người gốc Nga, và để cho Transnistria dễ dàng nhập cảng hàng hóa từ Nga, trong lúc 1,200 quân Nga trú đóng tại đó cũng đang cần thêm rượu vodka! Ngoài ra, những nhượng bộ khác để Mỹ và các nước Châu Âu không phong tỏa kinh tế Nga nhiều hơn, sẽ được điện Kremlin mô tả là chuyện phụ!
Ông Putin chắc có ý trao đổi, để tránh một cuộc phong tỏa kinh tế có thể leo thang từng bước một trong thời gian tới. Ông có thời giờ để kéo dài cuộc thảo luận giữa hai ngoại trưởng bao lâu cũng được, vì đằng nào ông cũng đã nắm vùng Crimea trong tay, và đang chuyển quân quanh biên giới Ukraine.
Riêng việc ngưng chuyển quân cũng có thể đưa ra như một lá bài trao đổi, mà Nga không mất gì cả. Chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ đòi hỏi các nước Châu Âu cũng phải tham dự cuộc đàm phán, để khỏi mắc kế ly gián. Nhưng kết cục, tình hình có thể êm dịu hơn, về Crimea Nga vẫn coi như ván đã đóng thuyền, còn các nước khác sẽ không bao giờ công nhận sự kiện đó. Tình trạng đó có thể kéo dài không biết đến bao giờ.
Vladimir Putin phải mở cuộc tấn công ngoại giao, chắc vì đã thấy rõ hơn những hậu quả bất ngờ của hành động chiếm Crimea. Thứ nhất, dân Ukraine và các nước thuộc khối Liên Xô cũ ghê sợ hành động chính phủ Nga, họ đang nghiêng về phía Tây phương nhiều hơn. Thứ hai, Liên Hiệp Âu Châu (EU) thu hút được nhiều nước mới ở phía Ðông hơn, sẽ tạo thành một khối lớn có quyền lợi đối lập ngay bên cạnh Nga. Thứ ba, ông Putin đã đẩy Âu Châu và Mỹ gần nhau hơn.
Từ năm 2008, khi xua quân vào Georgia, ông Putin muốn ngăn cản không cho các nước cộng sản cũ đến gần khối EU và NATO. Nhưng bây giờ kết quả ngược lại. Dân Ukraine thù ghét Nga hơn, và dân các nước khác thì lo ngại phòng thủ. Dân Ukraine đồng lòng với vị tổng thống lâm thời Arseny Yatseniuk khi ông nói: “Chúng tôi ít quân hơn, chúng tôi không có bom nguyên tử. Nhưng chúng tôi có tinh thần của cuộc Cách mạng Ukraine; chúng tôi có lý tưởng tự do! Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước đến cùng.” Các nước miền Baltic, nơi có rất nhiều người gốc Nga sống, cũng như Ba Lan đã yêu cầu Mỹ đưa không lực tới biểu diễn để cho dân chúng yên lòng. Các nước EU đã cam kết ký một phần thỏa ước về chính trị với Ukraine, trong khi còn thảo luận về thỏa ước kinh tế. Không những Châu Âu đang sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa của Ukraine, mà còn chuẩn bị ký các thỏa ước thương mại với hai nước thuộc Liên Xô cũ, Georgia và Moldova. Ðó là những điều mà ông Putin đã tìm cách ngăn cản từ mấy năm nay.
Qua việc chiếm Crimea, ông Putin đã giúp Mỹ và Âu Châu gần nhau hơn. Từ khi bất đồng ý kiến về việc Mỹ tấn công Iraq, khối Âu Châu lục địa đã tách xa Mỹ dần, có lúc chỉ nghĩ đến cạnh tranh hơn là hợp tác. Khi chính phủ Obama tuyên bố “chuyển trục” về phía Châu Á và Thái Bình Dương, dân Châu Âu càng thấy họ xa Mỹ. Dân Mỹ cũng chán Châu Âu, coi đó là một thế giới cổ lỗ, không thân thiện. Bây giờ dân Châu Âu không lo ngại về thế lấn lướt của nước Mỹ, mà lại lo chính phủ Mỹ bỏ mặc họ muốn làm gì thì làm. Còn dân Mỹ cũng sẽ hướng về Châu Âu hơn, như khi cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton so sánh hành động của Putin tại Crimea không khác gì Hitler đã lấy cớ bảo vệ người dân gốc Ðức ở các nước Tiệp Khắc, Ba Lan và Romani để khởi đầu các cuộc xâm lăng. Người Mỹ sẽ nhớ lại năm 1942 họ đã phải đem quân sang Châu Âu để bảo vệ các nguyên lý tự do dân chủ mà hai lục địa cùng chia sẻ. Ông Obama đã gợi lại kinh nghiệm đó trong ký ức dân Mỹ khi đến viếng nghĩa trang các tử sĩ Mỹ trong tuần qua khi đến Bruxelles: “Nếu chúng ta nhắm mắt để cho một nước dùng vũ lực vẽ lại bản đồ biên giới tức là chúng ta lãng quên những bài học đã được ghi lại trong các nghĩa trang ở lục địa này.”
Sau biến cố Crimea, các nước Châu Âu bây giờ đã chấp nhận vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, ngay trong một cuộc khủng hoảng ở Châu Âu. Mỹ đã đóng vai thúc đẩy các nước Châu Âu phải đoàn kết hơn, và khuyến cáo cả dân Anh quốc đừng nghĩ đến việc tách ra khỏi EU. Cuộc thảo luận Thỏa ước Ðầu tư và Mậu dịch Xuyên Ðại Tây Dương (TTIP, Transatlantic Trade and Investment Partnership) đã “giậm chân tại chỗ” từ nhiều năm, bây giờ sẽ được thúc đẩy tiến tới nhanh hơn. Các chính phủ Châu Âu muốn hạn chế các khoản trao đổi, như chính phủ Pháp muốn bảo vệ văn hóa, nay sẽ nhượng bộ dễ dàng hơn mà không lo dân chúng phản đối. Quốc Hội Mỹ cũng nêu lên nhiều trở ngại về hiệp định TTIP vì không tha thiết, nay thái độ cũng sẽ thay đổi. Một lý do là với TTIP, việc xuất cảng dầu, hơi đốt của Mỹ sang Châu Âu sẽ dễ dàng hơn. Chính ông Putin đã gây ra biến chuyển tâm lý này.
Ông Putin còn vô tình giúp cho khối EU bành trướng nhanh hơn tốc độ họ trông đợi; và giúp khối sử dụng đồng Euro củng cố với các biện pháp “kham khổ” dễ dàng hơn. Trong 28 nước của Liên Hiệp EU chỉ có 18 nước đồng ý dùng chung tiền tệ. Nhưng đây là một cuộc kết hợp kinh tế tài chánh bất bình thường. Mặc dù có chung một ngân hàng trung ương để quyết định chính sách tiền tệ, mỗi nước vẫn giữ quyền quyết định về chi tiêu và thuế khóa; mà hai thứ đó có khi đi ngược chiều nhau. Một biện pháp để giảm bớt mâu thuẫn là các nước cam kết một số tiêu chuẩn về ngân sách. Hậu quả là một số nước đã chi tiêu quá trớn, vay nợ cũng quá trớn để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu; trong khi kinh tế trì trệ vì khả năng sản xuất không tăng lên kịp. Phải đợi đến khi mấy nước “phía Nam” như Hy Lạp, Tây Ban Nha lâm vào cảnh vỡ nợ, các nước vẫn “tài trợ” họ như nước Ðức mới có dịp thúc đẩy họ cải tổ cơ cấu, tiết kiệm để cân bằng ngân sách. Trong ba năm qua, khối sử dụng đồng euro đã bị khủng hoảng, nhiều người lo ngại có thể sẽ giải tán. Nay ông Putin đã tạo cơ hội cho họ thấy phải nương tựa vào nhau nhiều hơn, cùng một lúc cơn khủng hoảng cũng đang dần dần chấm dứt.
Bài học mà các nước trong khối Euro, và những nước đang nghĩ đến việc gia nhập khối này nhận được, là trường hợp Ukraine. Ðể được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) giúp đỡ, Ukraine sẽ phải thi hành chính sách tiết giảm chi tiêu, cân bằng ngân sách, và cải tổ cơ cấu nền kinh tế, mà di lụy thời cộng sản đến nay vẫn chưa xóa hết. Có như vậy, Ukraine mới có thể tiến đến việc trao đổi thương mại tự do với các nước Tây Âu. Sau bài học của Ukraine, các nước sẽ thấy việc “thắt lưng buộc bụng” trong năm ba năm để cải tổ cơ cấu kinh tế là chuyện đáng làm!
Hơn nữa, các nước cựu cộng sản khác có thể thấy họ có ngày sẽ gia nhập sử dụng khối đồng Euro. Trong các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) có 15 nước với tỷ lệ thất nghiệp trên 9%, thì một nửa là những nước nằm bên cạnh Nga và Ukraine. Trong 13 nước còn lại, thất nghiệp dưới 9%, chỉ có một nước Romania nằm ở địa thế như vậy.Việc gia nhập khối đồng Euro khó khăn cho các nước còn nghèo, vì chính phủ họ sẽ phải tiết giảm chi tiêu, cải tổ cơ cấu; đừng để lâm vào cảnh như Hy Lạp.
Các nước Bulgaria, Lithuania, Poland, Latvia, Hungary, Romania, và Cộng Hòa Czech đang chuẩn bị vào khối đồng Euro. Trước đây họ không tha thiết lắm, nhất là khi thấy chính hối Euro đang gặp khủng hoảng. Nhưng sau khi chứng kiến ông Putin bắt nạt Ukraine, người dân các nước này sẽ sẵn sàng hy sinh chịu kham khổ như dân Hy Lạp mới trải qua, để được gia nhập một khối kinh tế lớn, ngang hàng với nước Nga. Chính phủ Ba Lan mới quyết định nối lại các cuộc thương thuyết gia nhập khối Euro, sau nhiều năm ngần ngại.
Tóm lại, ông Putin thắng một mặt, thua trên ba mặt. Ông thắng, vì đã chiếm lại được Crimea, sửa chữa một sai lầm lịch sử khi Krutchev đã gán vùng này cho Ukraine vào năm 1954. Nhưng ông thua, vì đã giúp cho các đối thủ của nước Nga đoàn kết với nhau hơn. Dân các nước cựu Xô Viết và cựu cộng sản thấy cần nương tựa vào Châu Âu hơn. Khối các nước Châu Âu sẽ bành trướng mạnh hơn về phía Ðông. Và mối giao thiệp giữa Mỹ với các nước Tây Âu sẽ cải thiện, vì họ thấy cần lẫn nhau. Nếu ông Putin muốn tỏ ra hòa hoãn trong những ngày sắp tới, có thể không phải vì ông ta lo Nga bị phong tỏa kinh tế, mà vì lo cứ đà này nước Nga sẽ càng ngày càng bị cô lập hơn. Mở lại những cuộc hòa đàm là một cách “ru ngủ” các đối thủ, để họ thấy tình trạng bớt căng thẳng. Nhưng chắc người dân các nước Châu Âu, các nước cựu cộng sản, và chính phủ của họ không dễ ru ngủ. Vì họ cũng biết, “Ðừng nghe những gì ông Putin nói, mà hãy nhìn kỹ những gì ông ta làm!”

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=185437&zoneid=7#.UzeDVMrTfeQ

Trật tự thế giới mới

Tháng 3 30, 2014
The Economist
Phan Trinh dịch
Trật tự thế giới hậu Xô-viết hẳn là không hoàn hảo, nhưng thứ trật tự Vladimir Putin đang muốn áp đặt rõ là tệ hơn nhiều.
Tuần rồi, Vladimir Putin bảo Quốc hội Nga rằng: “Trong tâm tư người dân, Krym mãi là một phần không thể tách rời Nga.” Và thế là Putin đã sáp nhập bán đảo Krym vào Nga với tốc độ và cách làm hiệu quả đến chóng mặt, với sự hậu thuẫn của đa số áp đảo qua trưng cầu dân ý. Putin gọi đó là thắng lợi của trật tự, của chính danh, và là một đòn đau đánh vào bàn tay thập thò can thiệp từ phương Tây.

Nhưng, coi vậy mà không phải vậy, Putin không đại diện cho trật tự mà đại diện cho bất ổn và đấu đá. Việc đầu tiên Putin làm để đặt nền móng cho trật tự mới là vẽ lại đường biên giới dựa trên những lý lẽ tuỳ tiện, những lý lẽ rất dễ bị lợi dụng để thổi bùng ngọn lửa tranh chấp lãnh thổ tại hàng chục nơi khác trên thế giới. Thêm nữa, dù hầu hết người Krym muốn theo Nga, cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi cũng chỉ là một trò hề. Hành xử của Nga gần đây thường được dư luận gán cho một cách phiến diện rằng đó là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Thực ra, hành xử đó đặt ra một đe doạ rộng lớn hơn, và là đe doạ cho bất cứ quốc gia nào ở bất cứ đâu, vì Putin vừa ngang nhiên lái xe tăng, cán bừa rồi ngồi chồm hổm trên trật tự thế giới hiện có.

Đất mẹ xiết vào lòng
Chính sách đối ngoại thường đi theo chu kỳ. Chế độ Xô-viết sụp đổ mở đường cho một thập niên thống trị vô đối của Mỹ và sự khẳng định rình rang những giá trị Mỹ. Nhưng thế giới “duy ngã độc tôn” này, được thổi phồng lên bằng sự ngạo mạn vô lối của George Bush, đã phải hụt hơi ngạt thở trong khói bụi từ cuộc chiến Iraq. Từ đó, Barack Obama đã tìm cách đưa ra một đường lối đa phương hơn, có người có ta hơn, xây dựng trên niềm tin rằng Mỹ có thể đứng chung chiến tuyến với các nước khác để đương đầu với những vấn nạn chung và để cùng nhau cô lập kẻ ác. Đường lối này thất bại thảm hại tại Syria, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy hiệu quả khi áp dụng tại Iran. Tuy ảnh hưởng đã giảm nhưng phải nói rằng chính uy thế của Mỹ đã giúp cho đường hàng hải thế giới vẫn còn thông thoáng, các biên giới còn được tôn trọng và luật pháp quốc tế hầu hết được tuân thủ. Xét ở mức độ đó thì trật tự hậu Xô-viết rõ là có ý nghĩa của nó.

Nhưng Putin đang phá huỷ trật tự này. Ông cố khoác cho việc sáp nhập Krym chiếc áo luật pháp quốc tế, chẳng hạn như lập luận rằng việc loại bỏ chính quyền ở Kiev vừa qua khiến ông không còn bị trói buộc bởi thoả ước đảm bảo sự vẹn toàn lãnh thổ Ukraine, một thoả ước Nga đã ký năm 1994 khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng luật pháp quốc tế chỉ có nghĩa khi chính quyền đến sau thực thi những quyền hạn và trách nhiệm được chính quyền trước trao lại. Chưa hết, Putin còn viện dẫn nguyên lý rằng phải bảo vệ “đồng bào” mình – tức tất cả những ai ông tự tiện gọi là người Nga – bất chấp họ đang ở đâu. Chưa hết, chứng cớ một đường miệng lưỡi một nẻo, Putin còn chối bay chối biến rằng binh lính mang quân phục không phù hiệu nắm quyền kiểm soát tại Krym không phải là lính Nga. Sự kết hợp quái gở của hai vế, một bảo vệ và một dối trá, quả là thứ công thức phù thủy dễ dùng để can thiệp vào bất cứ quốc gia nào có sắc dân thiểu số cư ngụ, không cứ là người Nga.

Khi rêu rao những chuyện ngụy tạo trắng trợn về bọn phát xít ở Ukraine đe doạ Krym, Putin đã xem thường nguyên tắc rằng: sự can thiệp ở nước ngoài chỉ nên dùng như biện pháp cuối cùng trong trường hợp có đại họa. Putin biện minh bằng cách viện dẫn vụ NATO đánh bom Kosovo năm 1999 như tiền lệ. Nhưng cần biết rằng vụ NATO can thiệp vào Kosovo chỉ diễn ra sau khi có bạo động dữ dội và Liên Hiệp Quốc đã phải bó tay sau bao nhiêu nỗ lực bất thành – và bất thành cũng vì Nga cản trở. Ngay cả trong trường hợp này, Kosovo cũng không như Krym bị sáp nhập lập tức, Kosovo chín năm sau đó mới ly khai.

Trật tự mới kiểu Putin, tóm lại, được xây dựng trên chính sách thôn tính phục thù, sự trắng trợn xem thường sự thật, và việc bẻ cong luật pháp cho vừa vặn với những gì kẻ nắm quyền lực mong muốn. Trật tự kiểu đó có cũng như không.

Buồn thay, quá ít người hiểu điều này. Rất nhiều quốc gia bực bội với vị thế kẻ cả của Mỹ và với Châu Âu thích lên lớp dạy đời. Nhưng rồi họ sẽ thấy trật tự mới kiểu Putin còn tệ hại hơn nhiều. Các quốc gia nhỏ chỉ có thể phát triển tốt trong hệ thống luật lệ công khai minh bạch dù chưa hoàn hảo. Nếu giờ đây nguyên lý mạnh được yếu thua lên ngôi thì họ sẽ có rất nhiều điều phải sợ, nhất là khi phải đối phó với một cường quốc khu vực hay gây hấn bắt nạt. Trong khi đó, các quốc gia lớn hơn, đặc biệt là các cường quốc đang lên trong thế giới mới, tuy có ít nguy cơ bị bắt nạt, nhưng không phải vì thế mà một thế giới vô chính phủ trong đó không ai tin ai sẽ không có tác động xấu với họ. Vì nếu ý nghĩa của các thỏa ước quốc tế bị chà đạp, thì Ấn Độ chẳng hạn sẽ rất dễ bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc vì vùng đất tranh chấp Arunachal Pradesh hoặc Ladakh. Cũng vậy, nếu việc đơn phương ly khai được chấp nhận dễ dàng, thì Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn sẽ rất khó thuyết phục sắc dân Kurds trong nước mình rằng tương lai của họ sẽ tốt hơn khi họ chung tay xây dựng hòa bình. Tương tự, Ai Cập và Ả Rập Saudi cũng muốn tham vọng khu vực của Iran bị kiềm chế, chứ không phải được thổi bùng lên nhờ nguyên lý cho rằng người ngoài có thể can thiệp để cứu giúp sắc dân thiểu số Hồi giáo Shia sống khắp vùng Trung Đông.

Ngay Trung Quốc cũng cần nghĩ lại. Về mặt chiến thuật, có thể nói Krym đã đưa Trung Quốc vào tình thế khó ăn khó nói. Vì một tiền lệ về ly khai sẽ là lời nguyền rủa đen đủi, trong khi Trung Quốc hiện có Tây Tạng đang muốn ly khai; ngược lại, nguyên lý thống nhất đất nước lại là bất khả xâm phạm, trong khi Trung Quốc hiện có Đài Loan chưa thể thống nhất. Tuy vậy, về mặt chiến lược, quyền lợi của Trung Quốc rất rõ ràng. Nhiều thập niên qua, Trung Quốc tìm cách trỗi dậy trong hòa bình và lặng lẽ, tránh né một cuộc xung đột như nước Đức hung hăng đã kích hoạt chống lại nước Anh vào thế kỷ 19 để cuối cùng kết thúc trong chiến tranh. Nhưng, hoà bình trong thế giới của Putin lại là điều khó thành, vì bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành cái cớ để động thủ, và bất cứ sự gây hấn tưởng tượng nào cũng có thể dẫn đến một màn phản công.

Hành động trước hay trả giá sau
Đối với Obama, đây là giờ phút quyết định: Obama phải thực sự lãnh đạo, thay vì chỉ hợp tác. Nhưng Krym không chỉ là việc của Mỹ, mà còn là của cả thế giới. Với những tai họa nhãn tiền, phản ứng của các nước đến nay nói chung đều yếu và manh mún. Trung Quốc và Ấn Độ hầu như chỉ đứng bên lề. Phương Tây thì áp đặt cấm vận visa và phong tỏa tài sản của một số phần tử Nga. Nhưng những phần tử bị nhắm tới thì lại coi đó là huy hiệu của danh dự.

Ít nhất, việc trừng phạt cũng cần bắt đầu cứng rắn hơn, vượt ngoài dự kiến hơn. Phong tỏa tài sản có thể tác động mạnh, vì như vụ cấm vận Iran trước đây cho thấy, giới tài chánh quốc tế rất sợ dính líu tới guồng máy luật lệ của Mỹ. Cũng vậy, các quan tham của Putin sẽ la lối ầm lên nếu nước Anh không cho London nhận đồng tiền có liên hệ với chế độ tại Nga. Pháp nên hoãn việc bán vũ khí cho Nga; và trong trường hợp phía đông Ukraine là nạn nhân kế tiếp của Nga, thì nước Đức nên sẵn sàng cấm vận xăng dầu và khí đốt Nga. Cần lên kế hoạch ngay bây giờ để giảm mức lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và để NATO mạnh hơn.

Trong ngắn hạn, Ukraine cần nhiều tiền để cứu vãn kinh tế khỏi sụp đổ, và cần nhiều cải cách dài hạn với giúp đỡ của IMF, cùng những tư vấn từ nước ngoài mà Ukraine có thể chấp nhận được. Để đi bước đầu tiên theo hướng này, Mỹ cần lập tức thanh toán các khoản nợ cho IMF, khoản thanh toán đã bị Quốc hội ngăn chặn nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, dù cho phương Tây có sẵn sàng dùng những biện pháp cứng rắn chống Putin chăng nữa thì những cường quốc đang trỗi dậy vẫn có thể không mấy hứng thú trong việc lên án Putin. Nhưng, thay vì im hơi lặng tiếng trước vụ sáp nhập phi pháp Krym, những cường quốc đang trỗi dậy kia rất nên suy nghĩ xem họ đang muốn sống trong một trật tự thế giới như thế nào. Họ muốn một trật tự trong đó hầu hết các quốc gia tôn trọng những thỏa ước quốc tế và biên giới đã vạch? Hay là họ thích một trật tự trong đó cam kết bị bẻ cong, biên giới bị xâm phạm và thỏa ước cứ thích là xé?

Nguồn: “The new world order”, The Economist, số ra ngày 22/3/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=4159

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Có nên phá dỡ cầu Long Biên?


Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là ký ức tập thể, ăn sâu vào tâm thức, theo tác giả.
 
Với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi thì cầu Long Biên là một bản đàn trong yên lặng nhưng luôn réo rắt trong tâm hồn.

Nó là ký ức tập thể của cộng đồng người Hà Nội. Không có gì khắc sâu trong tâm trí người Hà Nội suốt 100 năm qua bằng hình ảnh cây cầu dài nhấp nhô như con rồng thép khổng lồ bay qua sông Hồng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông.

Hỏi một người Hà Nội đi xa xem anh ta nhớ nhất cái gì ở Hà Nội, câu trả lời là hình 'ảnh cây cầu Long Biên'. Hỏi một nhà nghiên cứu lịch sử xem vật chứng của các biến cố của Hà Nội suốt trăm năm qua là gì, câu trả lời sẽ là 'cây cầu Long Biên'.
Hỏi một anh cán bộ Miền Nam, nói đúng hơn là cậu học sinh Miền Nam theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, bây giờ đã là một ông già ngoài 70 tuổi sống ở Sài Gòn: "Ông nhớ nhất cái gì ở Hà Nội?", câu trả lời sẽ là: "Cầu Long Biên".

Ông già này kể: tháng ngày đi học cuốc bộ từ Gia Lâm qua cầu Long Biên sang Hà Nội rồi lại về, ông đã đếm được mấy vạn cái đinh bù –loong trên cây cầu sắt này. Đếm để quên quãng cầu dài, quên bụng đói… Và con số mấy vạn cái đinh bù-loong ấy đã theo ông suốt cả đời

Chỉ sau hai tháng nhận chức (tháng 02/1897) toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đặt bút phê chuẩn dự án cầu Doumer tức cầu Long Biên ngày nay.

Ngày 13-09-1898 hãng thiết kế thi công Daydé – Pillé khởi công xây cầu. Theo thiết kế, cầu có chiều dài 3500m, trừ hai trụ cầu bờ Bắc và Nam, cầu có 17 trụ cầu chôn sâu dưới lòng sông 30 mét, móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44m, đảm bảo tàu bè qua lại khi nước sông lên đến 13,5m.

Chín khung dầm sắt khổng lồ nối 19 nhịp lớn với nhau, mỗi khung dài 61m. Cầu rộng 30,6m có một đường tàu hỏa ở giữa và hai đường bộ hai bên. Đến năm 1921 cầu được mở rộng thêm 2,6m cho các loại ô tô và 0,8m cho người đi bộ hai bên.
Cầu Long Biên
Cây cầu Long Biên là vật chứng lịch sử của Hà Nội thời Pháp thuộc, theo tác giả.

Sau 4 năm thi công, 8 giờ 35 phút ngày 28/2/1902, cầu được khánh thành.

Sáng hôm đó, chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Hàng Cỏ có 8 toa, có hai toa dành riêng cho vua Thành Thái và toàn quyền Doumer , 6 toa còn lại trở các quan khách trong đó có cả vua Malaixia, đại diện triều đình Mãn Thanh… từ từ vượt sông Hồng.

Thời điểm đó, Long Biên được cho là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới.

'Vật chứng lịch sử'


Từ thời khắc đó cầu Long Biên trở thành ‘’vật chứng’’ lịch sử của Hà Nội.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 ở chân cầu Long Biên tự vệ bãi Phúc Xá đã cho nổ bom chặn đường tiếp tế của địch từ phía Gia Lâm.

Dưới chân cầu, trong đêm tối những đoàn quân cuối cùng đã rút khỏi Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Người Hà Nội không bao giờ quên câu chuyện đau thương về một người mẹ trẻ, để bảo vệ Trung đoàn Thủ đô vượt sông trong đêm đã phải bịt mồm đứa con của mình. Em bé đã hy sinh để đoàn quân trong đêm vượt sông an toàn ngay dưới chân cầu trước mũi súng của giặc…
Ngày 9/10/1954 cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp bại trận cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Nó còn chứng kiến những phi công tù binh Mỹ qua cầu năm 1973 để sang sân bay Gia Lâm trao trả về Mỹ.

Cả một thời gian dài cầu Long Biên là mục tiêu quan trọng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội với 14 lần cầu bị ném bom.

Ngày 11/08/1967 cầu bị phá hỏng nặng ở 5 nhịp, riêng nhịp 15 rơi hẳn xuống sông. Sau hai tháng sửa chữa cầu được khôi phục. Ngày 25/10/1967 cầu lại bị "chém’’ ngang thân tại nhịp số 10, một nửa nhịp rơi xuống sông, nửa còn lại ghếch lên trời. Phải đánh mìn định hướng mới cắt bỏ được phần hỏng.

Sau hai lần chỉ trong bốn ngày vào tháng 12/1967 máy bay Mỹ lại đã dội bom trúng cầu và lần này cầu bị thiệt hại nặng nề, 6 trụ bị tiện đút, bẩy nhịp bị phá hủy. Nửa năm sau cầu mới được phục hồi.

Chưa có cây cầu nào trên trái đất này mang nhiều thương tích trên mình nó như thế. Và cũng chưa có cây cầu nào chuyên trở trên mình nó nhiều trọng trách, mang vác trên mình nó nhiều hàng hóa, vật tư hữu dụng cho con người như thế.
Cầu Long biên
Người dân lao động dưới bóng cây cầu ghi dấu ấn lịch sử ở Hà Nội.

 
Nó đã mang vác lịch sử đau thương và anh dũng của người Hà Nội trên lưng mình cả 100 năm từ lúc nó chào đời.

Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ với Hà Nội, những người lính trực chiến trên nóc cầu Long Biên đã biên thư, gọi điện đề nghị với Đài tiếng nói Việt Nam phải sửa lại nội dung, sửa lại trật tự các cụm từ trong thông báo: "Báo động có máy bay xâm phạm bầu trời Hà Nội’’.

Số là, khi nhận được lệnh báo động, đài phát: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp máy bay địch xuất hiện ở phía (Tây Nam hoặc Đông Nam) thành phố’’, các chiến sỹ cao xạ pháo trực chiến trên các ụ súng bố trí trên các nóc cầu Long Biên đã rất sốt ruột khi phải nghe các âm thanh "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Có một tốp…".

Mà họ nóng lòng chỉ muốn nghe từ hướng nào tốp máy bay xâm phạm vùng trời Hà Nội… để kịp quay mũi súng về hướng đó, đón chờ chúng đến.

Một giây với người lính canh gác trên nóc cầu lúc đó là sinh mệnh của chính mình và sinh mệnh của cây cầu. Vì thế các chiến sỹ trực chiến đã đề nghị đài sẽ phát "Từ hướng (Tây Nam hay Đông Nam ) có một tốp máy bay… đang xâm phạm bầu trời Hà Nội… Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…’’

'Sống những giờ sinh tử'


Cầu Long Biên đã sống những giây phút sinh tử với Hà Nội như thế. Người viết bài này có lần đã sang bãi. Giữa tức bãi Phúc xá ngay sau khi khói bom đánh cầu Long Biên vừa tan để thămmột người trong dòng tộc và chứng kiến tận mắt một thanh đường ray xe lửa dài đến hai mét đã bay hơn một cây số vì sức ép của đạn rốc – két lao cắm xuống sân một gia đình nông dân trên bãi Phúc xá.

Những hình ảnh như thế không bao giờ phai lạt trong lòng một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi. Một cô gái quê Hà Nội nay là một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi đang sống ở Sài Gòn đã nói với tôi:

"Cây cầu là kỉ niệm tuổi thơ của chúng em. Thời gian 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội cầu bị đánh phá tơi bời sập nhiều loại, chúng em từ nơi sơ tán đi về phải qua cầu phao trong mưa phùn giá rét cả nữa ngày mới qua được song Hồng,

"Lúc đó mới thấy khát khao được đi trên cầu Long Biên sau mỗi lần bom dãi thảm Hà Nội cả nhà em ở nơi sơ tán lại ngóng về trời Thủ Đô, mẹ em kêu lên thảng thốt: Khói bốc lên phía cầu Long Biên rồi cả nhà ơi!. Bao nhiêu bom đạn Mỹ mà không phá được,

"Vậy mà bây giờ người ta không cần vũ khí vẫn phải phá cây cầu như chơi. Dễ dàng vậy sao? Vũ khí gì mà ghê gớm thế?
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên ở Bắc Bộ Việt Nam, trên bưu thiếp của người Pháp đầu thế kỷ 20.

Cầu Long Biên được làm cùng thời với Tháp Eiffel ở Pari, Eiffel được khánh thành năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789–1889). Eiffel nặng 9.700 tấn, trong đó có 7.000 tấn kim khí, nhiều hơn 1.000 tấn so với cầu Long Biên 6.000 tấn. 225 công nhân làm việc cật lực trong 3 năm thì tháp được hoàn thành, cao 300m, đó là cái tháp cao nhất thế giới thời đó.

Nhưng không một công nhân nào chết trong khi dựng tháp.

'Tính hai mặt của khai hóa'


Còn cầu Long Biên thì hầu như ngày nào cũng có người Việt Nam chết vì tai nạn lao động, do chết ngạt khi phải làm việc dưới hố móng sâu, do tế ngã từ trên cao v.v…

Chỉ riêng sự việc này cũng cho thấy tính chất hai mặt của công cuộc "khai hóa’’ của thực dân Pháp ở nước ta.

Doumer làm cầu Long Biên nhằm khai thác, vận chuyển hàng hóa cướp bóc bóc của dân ta, nhưng khách quan nó lại tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và vào thời đó, chỉ có một cường quốc như Pháp mới làm nổi. Hơn nữa Long Biên còn là một cây cầu đẹp trong những cây cầu trên thế gian này.

Nó hùng tráng mà thanh tú, đến bây giờ nó vẫn đẹp, không hề tàn phai sắc đẹp với thời gian. Nhân nói về vẻ đẹp của cây cầu, tôi lại nhớ đến cầu Hàm Rồng, cũng do Pháp xây dựng ở Thanh Hóa.

Sau khi cầu bị bom Mĩ đánh sập ta xây lại. Ngày khánh thành cầu mới, các nhà văn, nhà báo được mời đi dự. Nghe có giai thoại nói trong đoàn còn có nhà văn Nguyễn Tuân cùng đi nên ai cũng phấn khởi. Nhưng khi đến đón cụ Nguyễn thì cụ lắc đầu không đi. Gặng hỏi mãi cụ nói: "Cái cầu Hàm Rồng xưa có nhịp trông nó đẹp lắm. Nay cầu mới thẳng đuỗn như cái con... chán lắm, không đi..!!!"

Những nhịp cầu lên xuông nhấp nhô của Long Biên như con rồng đang bay qua sông Hồng đã in bóng vào chân trời Hà Nội những chiều hè, những đêm sao, những bình minh… bất tận.

Vì lẽ đó mà người Pháp muốn "giữ gìn những ký ức của mình’’ ở Việt Nam trong đó có cây cầu Long Biên đã hơn 100 tuổi, như họ đã tuyên bố. Còn người Hà Nội thì xem Long Biên là một "mảng’’ tâm hồn mình, một "vật chứng’’của lịch sử, văn hóa.

Vậy có nên gỡ bỏ cầu Long Biên đi như mấy ông quan ở Hà Nội đã bàn?

Và nếu xây một cây cầu mới qua sông Hồng chỉ cách Long Biên có 30m thì khác nào xếp một hoa hậu đứng cạnh một anh lính dù Lê Dương để chụp hình lưu niệm!

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người sinh ra ở Hà Nội, hiện đang sinh sống ở Sài Gòn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/03/140316_lephukhai_longbien_bridge.shtml

Một năm cầm quyền của Tập Cận Bình


Tập Cận Bình hiện có quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc?

Chuyến thăm Viện dưỡng lão Tứ Quý Thanh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 lúc đầu chỉ được xem là một chuyến thị sát thường lệ để cánh phóng viên có cơ hội chụp những bức ảnh đẹp.
Trong vòng chưa tới một giờ đồng hồ ở đó, ông Tập đã tham quan phòng đọc sách và phòng ăn trước khi đảo qua phòng văn nghệ để hòa giọng vào điệp khúc của một ca khúc cách mạng.

‘Hiệu ứng Tập Cận Bình’

Nhưng kể từ khi tin tức về chuyến thăm của ông Tập được loan ra thì nhà dưỡng lão này lại trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch.
Trong nhiều tuần, điện thoại ở đây cứ reo liên tục, một nhân viên văn phòng ở đây cho biết, mọi người đều muốn đi lại ‘Tour Tập Cận Bình’.
“Chúng tôi đưa khách tham quan theo hành trình của Tập Chủ tịch,” cô cho biết, “Nhiều người yêu cầu đến đúng những căn phòng mà ông đã đến và gặp đúng những người mà ông đã gặp.”
Hãy xem đây là hiệu ứng Tập Cận Bình. Khi nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc đến một nơi nào đó thì danh tiếng nơi đó sẽ nổi như cồn.
Gần 7.000 người sẽ đến thăm viện dưỡng lão này trong năm nay, trong khi danh sách chờ đến lượt được giới hạn ở mức 5.000 người.
Sau khi đến thăm viện dưỡng lão này, ông Tập đã dừng chân ở một nhà hàng bánh bao bên đường để ăn một bữa trưa dường như là ngẫu hứng.

Kể từ đó, ‘Suất ăn của Tập Chủ tịch’, bao gồm bánh màn thầu và phá lấu, đã trở thành món bán chạy nhất ở nhà hàng này. Thậm chí một công ty du lịch Bắc Kinh còn đưa nhà hàng này vào danh sách các điểm đến ở Bắc Kinh. Trước khi ông Tập lên nắm quyền, nhiều người đã nghi ngờ liệu ông có thể lãnh đạo đất nước hiệu quả. Vào lúc đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như bị tê liệt với sự đấu đá nội bộ.
Nhưng điều này không ngăn cản được Tập Cận Bình. Ông lên nắm quyền lãnh đạo tối cao của Đảng một cách thoải mái.
Chỉ trong vòng một năm, ông Tập với sự tự tin của mình đã có những bước dài đáng kinh ngạc. Ông đang ở tuyến đầu của các kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội tham vọng nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên.
Trung Quốc cũng có một tầm nhìn mới mà ông Tập gọi là ‘Giấc mơ Trung Hoa’ – nghĩa là người dân Trung Quốc có thể đưa đất nước của mình đến vinh quang nếu họ hòa thành một khối thống nhất.
Một chiến dịch bài trừ lãng phí và quan liêu trở thành tiêu đề chính trên các báo hàng ngày.

Uy quyền tuyệt đối?

Ông Tập được cho là đang chi phối hoàn toàn Thường vụ Bộ Chính trị

Nhưng không phải tất cả những thay đổi mà ông Tập khởi xướng đều tích cực. Kiểm duyệt truyền thông và Internet bị thắt chặt dưới uy quyền của ông, và những cải cách được trông đợi, chẳng hạn như xem xét toàn diện chính sách một con hay việc sử dụng các trại lao cải, dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
Chính sách đối ngoại quả quyết của ông Tập đã làm gia tăng sự mất lòng tin với các nước láng giềng, nhất là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, nỗ lực cải cách là không ngừng nghỉ.
“Ở Trung Quốc, chúng tôi luôn nói rằng một tân lãnh đạo cần làm điều gì đấy khác biệt với người tiền nhiệm để có được sự ủng hộ và lòng tin của công chúng trong năm đầu tiên nắm quyền,” nhà nghiên cứu Lý Thành ở Viện Brooking ở Washington nói.
“Và trong đầu ông Tập cũng đã có kế hoạch,” ông Lý giải thích. Chỉ trong ba năm nữa, theo quy chế của Đảng thì ba trong số bảy cộng sự thân cận nhất của ông Tập trong Thường vụ Bộ Chính trị phải nghỉ hưu. Do đó, ông Tập cần phải khẩn trương cải cách.
Có thể thấy là ưu tiên số một của ông Tập là củng cố quyền lực.
Trong vòng hai thập kỷ qua, Trung Quốc được điều hành tập thể bởi Thường vụ Bộ Chính trị. Giờ đây, ít ai nghi ngờ rằng ông Tập đã nâng mình lên cao hơn tất cả những người khác như cái cách của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Khi chính quyền Trung Quốc loan báo các cuộc cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là người đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định cải cách vì theo thông lệ Thủ tướng Trung Quốc phụ trách các vấn đề trong nước – nhất là các chính sách kinh tế.
Thay vào đó, tên của ông Tập Cận Bình xuất hiện liên tục trong bản báo cáo cải cách.
Đáng lưu ý, ông Tập đã đưa mình vào những ủy ban quan trọng mới phụ trách an ninh quốc gia và công cuộc tái cơ cấu. Ba tuần trước, chính quyền cũng loan báo rằng ông Tập sẽ lãnh đạo một ủy ban giám sát Internet.

‘Cùng phe cánh’

Ông Tập đang tìm cách giảm vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường?

Những vị trí mới này là nỗ lực để củng cố cơ sở quyền lực của ông Tập, ông Bạc Trí Duyệt, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
“Điều mà ông ấy làm là mở rộng chiếc bánh quyền lực để ông ấy có nhiều quyền hơn,” Tiến sỹ Bạc cho biết, “Ông ấy cho mở những ủy ban mới và tạo ra vị trí mới cho bản thân và do đó ông ấy không ảnh hưởng đến vị trí của người khác.”
“Giờ đây ông ấy có nhiều chức danh quan trọng.”
Tập Cận Bình có cái lợi là xung quanh ông là những người thuộc cùng phe với ông trong Đảng Cộng sản.
“Tập Cận Bình nắm đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao,” ông Lý Thành nói, “Chỉ có Thủ tướng Lý Khắc Cường thuộc về phe phái khác vì ông này là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ.”
“Tỷ lệ sáu chọi một thật sự đã đảm bảo quyền lực của ông Tập và cho phép ông làm bất cứ điều gì ông muốn.”
Tuy nhiên, nguy cơ ở chỗ ông Tập muốn đứng một mình trên đỉnh quyền lực.
“Ông ấy đang mạo hiểm khi muốn làm suy yếu vai trò của Lý Khắc Cường,” ông David Zweig, giáo sư về khoa học xã hội ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong.
“Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai cả,” ông nói.
Nếu điều đó có thể làm cho ông Tập lo lắng thì nó cũng không ngăn được ông tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt nhằm vào các cán bộ cao cấp.
Cho đến nay, có 40.000 quan chức chính quyền đã bị kỷ luật, 10.000 quan chức khác đã bị cách chức và chính quyền thu hồi được 65 tỷ Mỹ kim.
Nhiều người trong số những quan chức này chỉ là ‘ruồi’ – tức là cán bộ cấp thấp có ít quyền lực, nhưng cũng có một số con ‘hổ’, tức quan chức cấp cao, cũng bị sờ đến. Hiện có tin đồn rằng đối thủ của ông tập, cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, cũng là đối tượng bị điều tra.

‘Bảo vệ tương lai Đảng’

Chu Vính Khang được cho là đang bị ông Tập cho điều tra

Nỗ sợ bất ổn chính trị đã thúc đẩy công cuộc làm trong sạch Đảng. Tập Cận Bình vừa củng cố quyền lực nhưng cũng vừa bảo vệ cho tương lai của Đảng.
Ông được các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc tin tưởng giao cho nhiệm vụ cứu Đảng, David Zweig giải thích. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong tình trạng tham nhũng tràn lan và ông Tập đang đánh cược rủi ro về kinh tế để bài trừ tham nhũng.
“Họ thật sự đang tiến hành chống tham nhũng triệt để với cái giá là ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng GDP sẽ giảm,” ông Zweig nói.
“Một trong yếu tố quan trọng góp phần vào chi tiêu ở Trung Quốc mà mọi người thường không tính đến là chi tiêu của chính quyền, bao gồm tiệc tùng, quà cáp và du lịch,” ông giải thích.
Nỗi lo sợ về bất ổn của ông Tập cũng giải thích tại sao ông không khoan nhượng trước đối lập chính trị. Trước khi ông lên nắm quyền, nhiều người tự do ở Trung Quốc hy vọng ông sẽ cho phép tranh luận cởi mở hơn vả cho tự do ngôn luận nhiều hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế dường như là ngược lại.
Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã bị bắt bớ và sách nhiễu. Bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình hiện đang bị Trung Quốc cầm tù, vẫn bị chính quyền quản chế tại gia bất chấp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của bà.
Nhà nghiên cứu luật Hứa Chí Vĩnh bị kết án tù bốn năm sau khi yêu cầu quan chức công khai tài sản. Đàn áp tôn giáo vẫn diễn ra khốc liệt ở Tân Cương và Tây Tạng.
Tốc độ mà ông thâu tóm quyền lực và sự thoải mái sử dụng quyền lực của ông có thể bắt nguồn từ gia thế của ông, ông Lý Thành nhận định. Tập Cận Bình thuộc hàng ‘Thái tử Đảng’, con trai của một những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Người thuộc Thái tử Đảng có suy nghĩ rằng họ sở hữu đất nước này,” ông Lý nói, “Trong khi cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, những người đã lãnh đạo đất nước trong vòng 10 năm trước, có xuất thân bình dân.”
Hai ông Hồ và Ôn được xem là ‘quản gia’, trong khi ‘chủ nhân’ của chế độ này sẽ dễ dàng sửa chữa những thiếu sót của nó, cũng theo lời ông Lý Thành. Chẳng hạn họ có quan hệ chặt chẽ với những người điều hành các tập đoàn nhà nước đầy quyền lực của Trung Quốc.
“Do đó họ có thể buộc người của họ từ bỏ một số quyền lực và do đó mở cửa hệ thống kinh tế của Trung Quốc và thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế,” ông nói.
Mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật số hai của Trung Quốc, đã khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên với bài diễn văn dài hai tiếng đề ra kế hoạch của chính phủ trong năm nay. Sau đó, ông đã chủ trì một buổi họp báo trước hàng trăm nhà báo sau phiên bế mạc Quốc hội.
Nhưng ít người nghi ngờ rằng người đứng trong hậu trường là Chủ tịch Tập Cận Bình. Chỉ trong vòng một năm, ông đã định hình lại cơ cấu chính trị của Trung Quốc, đưa nó trở về với cội rễ cộng sản lúc đầu.
Một lần nữa, chỉ một người ngồi trên đỉnh quyền lực.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/03/140316_xijinping_oneyearon.shtml

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Một cuộc chiến tranh lạ lùng nhưng nghiêm trọng

Binh sĩ vũ trang, được cho là lính Nga, bên ngoài căn cứ quân sự tại làng Perevalnoye gần thành phố Simferopol.Binh sĩ vũ trang, được cho là lính Nga, bên ngoài căn cứ quân sự tại làng Perevalnoye gần thành phố Simferopol.


Những cảnh tượng đang xảy ra tại Ukraine, đặc biệt tại bán đảo tự trị Crimea có cái gì thật lạ lùng. Giới truyền thông quốc tế đồng loạt gọi đó là một cuộc xâm lược thô bạo của Nga nhưng lại không, hoặc chưa, gọi đó là một cuộc chiến tranh. Cho đến nay, đó là cuộc xâm lược chưa có tiếng súng, hoặc nếu có, toàn là những phát súng chỉ thiên, không nhắm vào ai và cũng chưa làm ai đổ máu cả.

Lạ lùng: Bỗng dưng một ngày có những người lính vũ trang hiện đại tràn ngập trên đất Crimea, chiếm Quốc Hội, các cơ quan chính phủ và các phi trường, tuần hành trên các đường phố. Ai cũng biết đó là lính Nga, nhưng chính phủ Nga vẫn phủ nhận. Sau đó mấy ngày, xuất hiện các xe tăng cực kỳ tối tân mang bảng số của Nga, nhưng chính phủ Nga vẫn phủ nhận. Trên các công thự, cờ Nga được treo lên và tung bay phấp phới, Nga vẫn phủ nhận. Lính Nga ra tối hậu thư cho lính Ukraine đang đóng trên đất và trên cảng Crimea hoặc đầu hàng hoặc buông súng về nhà, nhưng chính phủ Nga vẫn tiếp tục phủ nhận.
Lạ lùng hơn nữa: Những người lính Ukraine đóng ở Crimea hoàn toàn không kháng cự. Họ không đầu hàng và cũng không buông súng nhưng không kháng cự. Không những không kháng cự, có lúc họ còn có vẻ nhởn nhơ đá bóng hoặc hát hò trước mặt đám lính Nga đang hầm hầm cầm súng.

Không có tiếng súng nổ, nhưng ai cũng biết các xung đột tại Crimea cực kỳ căng thẳng và có ảnh hưởng nghiêm trọng, trước hết, đến vận mệnh của cả nước Ukraine: Nga mới tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng 3 để sáp nhập Crimea vào Nga, trở thành một tỉnh của Nga thay vì một phần của Ukraine như hiện nay. Nếu cuộc trưng cầu dân ý này xảy ra, chắc chắn Nga sẽ thành công: Gần 60% dân số tại Crimea là người gốc Nga, nói tiếng Nga và lúc nào cũng tự xem mình là người Nga. Nhưng chưa hết. Chiêu bài để xâm lược Crimea của Nga là nhằm bảo vệ những người Nga đang sống trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng người Nga không phải chỉ sống ở Crimea. Theo cuộc điều tra dân số năm 2001, ở Ukraine, người gốc Nga gồm trên 8 triệu, chiếm đến trên 17%.  Ngoài Crimea, người Nga còn tập trung rất đông ở các thành phố phía đông (tỉ lệ xê xích từ 20 đến 40% dân số).

Ở đây nảy sinh ra ba vấn đề: Một, liệu Nga có tiếp tục xua quân đến các địa phương ấy để “giải phóng” người Nga hay không? Hai, liệu chính phủ Ukraine có, một lúc nào đó, mất kiềm chế, để đối đầu với Nga và biến cuộc xâm lược không tiếng súng hiện nay thành một cuộc chiến tranh vệ quốc thực sự? Và ba, liệu những người gốc Ukraine (chiếm 25%) và đặc biệt những người gốc Tatars (chiếm trên 12%) tại Crimea có chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý để biến thành công dân Nga?

Xin lưu ý:  Phần lớn người Tatars theo Hồi giáo từng bị Nga đàn áp nên mang tinh thần phản Nga và bài Nga rất mạnh mẽ. Chắc chắn họ sẽ không dễ dàng chấp nhận ách đô hộ của Nga. Một cuộc chiến tranh du kích hoặc ít nhất, khủng bố, chống lại Nga do họ khởi xướng có lẽ không phải là tưởng tượng.

Bất kể tình hình chính trị tại Ukraine biến thái như thế nào trong những ngày sắp tới, phần lớn giới bình luận chính trị Tây phương đều nhìn nhận một trong những đặc điểm nổi bật nhất của các tranh chấp tại Ukraine hiện nay: Đây là một cuộc đối đầu mang tầm vóc thế giới đầu tiên kể từ ngày Chiến tranh lạnh chấm dứt với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.

Sau năm 1990, trên thế giới đã có nhiều cuộc chiến tranh, trong đó, có những cuộc chiến tranh lớn như ở Iraq và Afghanistan. Nhưng dù vậy, đó cũng chỉ là những xung đột có tính địa phương. Đối thủ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ quá nhỏ và quá yếu để có thể gây nên những tác động có tầm vóc thế giới.

Với những xung đột tại Ukraine hiện nay, người ta nhận thấy sự căng thẳng lan rộng ở hầu hết các nước lớn, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Người ta bàn bạc với nhau, tranh cãi với nhau để ngăn chận tham vọng bành trướng của Nga. Chưa có ai, về phía Tây phương, nghĩ đến khả năng can thiệp bằng quân sự. Tất cả những gì họ nói và định làm chỉ giới hạn trong phạm vi ngoại giao và kinh tế. Nhưng cũng giống mọi cuộc xung đột khác trong lịch sử, khi đã đối đầu nhau, không ai có thể bảo đảm mọi tình huống sẽ theo đúng ý định ban đầu của mình cả.

Nhiều người cũng nhận ra điều đó. Người ta cho việc chiếm đóng Crimea và sau đó, có thể toàn bộ lãnh thổ Ukraine của Nga nằm trong một kế hoạch đế quốc to lớn nhằm đối đầu với Tây phương. Đó là cuộc cưỡng chiếm lãnh thổ đầu tiên ở châu Âu kể từ thập niên 1930. Nếu mọi người ngoảnh mặt để Nga thực hiện tham vọng này, nó sẽ trở thành một tiền lệ: các nước lớn tha hồ chiếm các nước nhỏ và sáp nhập toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của các nước nhỏ ấy vào nước mình. Chính vì thế, nhiều người, trong đó có Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, so sánh chiêu bài cứu người Nga ở Ukraine khi xâm lăng Crimea của Putin với các luận điệu và hành động của phát xít Đức trong thập niên 1930, hàm ý so sánh Putin với Hitler.

Điều đó cũng có nghĩa bà xem các xung đột tại Ukraine hiện nay có cái gì giống với những cuộc xâm lược mở màn của phát xít Đức thời đệ nhị thế giới. Thượng nghị sĩ John McCain cũng có quan niệm tương tự: ông ví Putin với Hitler và Stalin thời chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Có thể nói, một cách tóm tắt, sự xung đột tại Crimea hiện nay không phải là xung đột giữa Nga và Ukraine mà còn là, chủ yếu còn là, sự xung đột giữa Nga và Tây phương, đứng đầu là Mỹ.

Chưa biết cuộc xung đột này kết thúc như thế nào, nhưng người ta biết rõ ba điểm:Một, nó sẽ kéo dài và thay thế cuộc chiến tranh chống khủng bố kéo dài từ năm 2001 đến nay.

Hai, nó có thể sẽ dẫn đến việc thay đổi bàn cờ chính trị thế giới. Nga có thắng ở Crimea hoặc ngay cả trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine thì họ vẫn thua trên mặt trận quốc tế: Họ hiện nguyên hình như một kẻ hiếu chiến đầy tham vọng, đầy dã tâm và tuyệt đối không thể tin cậy được. Khi hình ảnh ấy càng đậm nét, nỗi sợ hãi của các quốc gia nhỏ chung quanh Nga càng lớn dần; nỗi sợ hãi ấy càng lớn càng thúc đẩy các nước ấy ngả theo Tây phương, mong muốn Tây phương sẽ giúp đỡ và bảo vệ họ trước tham vọng bá quyền của Nga. Peter Beinart, trong một bài báo đăng trên The Atlantic, còn mở rộng sự liên hệ đến Trung Quốc: Trung Quốc càng muốn biểu dương sức mạnh và quấy nhiễu các nước láng giềng càng đẩy họ ngả theo Mỹ, và đó, càng tự cô lập chính mình.

Ba, cũng theo Beinart, nó cũng có thể thay đổi ngôi thứ của các siêu cường quốc. Ở Tây phương, sau các cuộc chiến tranh của Napoleon trong mấy năm đầu thế kỷ 19, thế giới nổi lên năm siêu cường: Anh, Nga, Pháp, Áo và Phổ (Prussia, sau này là Đức); sau đệ nhất thế chiến, ba trong năm siêu cường trên bị mất thanh thế: Nga, Đức và Áo-Hung. Rồi đệ nhị thế chiến bùng nổ và khi kết thúc, vai trò siêu cường của Đức bị mất, của Anh và Pháp cũng giảm sút rất đáng kể. Thế giới chỉ còn hai siêu cường đứng đầu hai phe: Nga và Mỹ. Khi hệ thống cộng sản sụp đổ vào năm 1990, vai trò siêu cường của Nga cũng mất; thế giới chỉ còn một siêu cường: Mỹ.

Tuy nhiên, do quan hệ kinh tế và địa chính trị càng lúc càng chằng chịt, mặc dù Mỹ vẫn mạnh, cực kỳ mạnh, thế giới vẫn có khuynh hướng càng ngày càng đa cực hóa. Chính nước Mỹ cũng trở thành bơ vơ và hoang mang trước thế giới đa cực ấy. Chính những thái độ hung hãn của Nga và của Trung Quốc đã kéo Mỹ trở về với thực tế: Họ vẫn còn đối thủ và vẫn đối diện với rất nhiều nguy cơ.

Cả ba điểm nêu trên đều chỉ là những tiềm năng. Chưa ai biết trong tương lai chúng sẽ phát huy ảnh hưởng như thế nào và đến mức độ nào. Tuy nhiên, dù vậy, chúng cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự kiện Crimea và Ukraine. Điều đó giải thích tại sao giới lãnh đạo các nước trên thế giới lo lắng và tập trung nhiều thì giờ để giải quyết như vậy.

Để biết câu kết luận, chúng ta chỉ có một cách: chờ.

 http://www.voatiengviet.com/content/mot-cuoc-chien-tranh-la-lung-nhung-nghiem-trong/1868198.html

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Một Quốc Gia Tình Nghĩa

Một Quốc Gia Tình Nghĩa

Alan Phan

corruption1
1 March 2014
Trong quan sát của tôi về lịch sử cận đại, tôi không thấy các chánh trị gia xứ nào có thể sánh với các quan chức Việt Nam về chỉ số may mắn. Đất nước chúng ta có thể được Guinness  liệt kê vào bảng kỷ lục về …”tình nghĩa”.

Ông cựu Tổng Thống Ukraine vừa phải thoát thân qua Nga và lúng túng không biết giải thích sao về những tài sản mênh mông khắp xứ, kể cả một dinh thự trên 138 hectares đẹp hơn cung điện của những Nga Hoàng ngày xưa. Ông Khadafi thì không kịp giải thích, còn ông Mubarak thì ở trong tù lâu quá, trí nhớ hơi kém.
Trong khi đó, tôi nhớ khoảng mấy năm về trước, vài quan chức Việt nói những tài sản kếch xù các mạng truyền thông tìm ra là do công sức “buôn thúng bán bưng” của các bà vợ hiền. Không những đầy ắp “tình” mà các vị này còn may mắn là có cả kho núi tiền do “tài” của những bậc phu nhân. Vì nghe chuyện này mà một thằng bạn Việt Kiều của tôi bỏ xứ Thuỵ Sĩ lạnh lẽo về Việt Nam đi khắp nước, cặp kè hơn 30 triệu bà cô không chồng. Sau 10 năm vất vả, vẫn không thấy một bà nào đủ “tài” tháo vát như các bà vợ quan chức.
Tôi nhớ có khuyên là nó đã bỏ sót một bộ phận không nhỏ là…đạo quân bán vé số…khắp thành thị làng quê. Nếu nhắm vào số lượng biết vui hưởng hạnh phúc XHCN cực nhọc này, thì chẳng mấy chốc bạn tôi sẽ thành đại gia…tỷ phú đô la, ăn xài cả chục đời không hết.

Ngoài “tình”, vài quan chức gần đây còn tuỳ thuộc vào “nghĩa”. Chỉ cần 1 người em kết nghĩa là một ông có thể xây xong một dinh thự hơn 16 ngàn mét vuông, trị gia vài chục tỷ đồng. Theo đánh giá của xã hội tình nghĩa này, càng làm lớn thì càng may mắn và càng có nhiều người em “kết nghĩa”. Tôi nghe nói một quan Trung Ương phải có ít nhất là chục ngàn người em kết nghĩa; còn ở các quận xã nghèo nơi “đất cày lên sỏi đá” thì tệ lắm cũng kiếm được vài trăm em kết nghĩa. Một người em dư xây một biệt thự, vài trăm em thì lên thiên đàng mấy hồi.

Do đó, ở đâu không biết, nhưng tại Việt Nam, mỗi ngày trên TV đều có những giải đặc biệt để xem quan chức hay đại gia nào có nhiều “tình” nhất hoặc nhiều “nghĩa” nhất. Đúng là thời Nghiêu Thuấn cũng không sánh bằng.

Vì sự tôn trọng “tình nghĩa” bàng bạc khắp lịch sử, một giáo sư tuyên giáo trung ương phải phẫn nộ mà kết tội bọn đế quốc Mỹ là tội ác của họ “trời không dung, đất không tha”. Chứ tình nghĩa như người anh kết nghĩa Trung Quốc thì em Việt Nam phải nghìn đời nhớ ơn, năm nào cũng sẵn sàng đem khoáng sản, mỏ dầu ngoài khơi, đi kiếm tiền bọn tư bản, nhập siêu đem về tặng anh kết nghĩa. Còn chuyện chiến tranh biên giới năm 1978 chỉ là một hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình.

Cách đây vài tuần tôi ghé ngang Hồng Kông, tình cờ gặp một anh bạn cũ làm cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Sau vài trao đổi về thời tiết và gia đình, tôi hỏi anh về tiến bộ trong đám phán TPP, nhất là với Việt Nam. Anh ta cười, "Sao mày nghiêm túc quá. Hết giờ làm việc rồi, hãy để tao enjoy ly whisky này cho trọn vẹn nghe.” Rồi anh kể chuyện tiếu lâm mà anh nói là có thực, đang được hành lang Bộ Ngoại Giao phổ biến.

Một chính trị gia Mỹ đi công cán ở một quốc gia mới nổi. Cô đơn, ông bắt chuyện và gạ được một phụ nữ địa phương ở quán bar lên phòng mình, sau khi thoả thuận giá cả. Ông hăm hở vào cuộc ngay khi cà hai vừa leo lên giường. Bỗng người phụ nữ la làng,” Bớ làng xóm, coi thằng đế quốc tư bản này đang hiếp tôi nè.” Ông sợ quá, cả thân hình như khô cứng, người chết lặng. Bà ta lại chu chéo,” Tôi la gì kệ tôi, sao ông lại ngừng?”

TPP đành phải đợi vậy.

Alan Phan

 http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/mt-quc-gia-tnh-ngha.html

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Tội bẻ cong luật pháp

Tháng 3 6, 2014
Phạm Thị Hoài

Ngày 18/11/1976, học giả Robert Havemann, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất ở CHDC Đức, người được coi là cha đẻ tinh thần của cuộc cách mạng hòa bình năm 1989, viết một bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư Erich Honecker về việc bạn ông, cũng một nhà bất đồng chính kiến lừng danh, nghệ sĩ Wolf Biermann, bị cấm về nước sau chuyến lưu diễn tại Tây Đức. Havemann từng là bạn tù của Honecker thời Quốc xã, từng viết thư thỉnh cầu Honecker thả một người bất đồng chính kiến khác và được chấp thuận, từng được Honecker che chắn ở một số vụ, và dù đã bị khai trừ khỏi Đảng, cấm giảng dạy, sa thải khỏi trường đại học và Viện Hàn lâm Khoa học, tước mọi chức vụ trong đó có chức đại biểu Quốc hội, ông vẫn coi mình là một người cộng sản.

Bốn ngày sau, 22/11/1976/, tuần tin Spiegel (Tây Đức) đăng bức thư đó. Trong thư, Havemann kêu gọi Honecker cho phép Wolf Biermann được về nước, “trước hết để tránh nhục nhã và thiệt hại cho tất cả chúng ta và uy tín của đất nước ta“, bởi lẽ – nguyên văn: “tất cả những cáo buộc và nghi ngờ rằng Wolf Biermann thù địch với CHDC Đức đều hoàn toàn vô lối. Wolf Biermann đã phê phán, phê phán mạnh mẽ và sắc nhọn. Nhưng những đồng chí ưu tú nhất của chúng ta cũng đã sử dụng vũ khí phê phán mạnh mẽ không khoan nhượng, nhất là khi cần vạch ra những khuyết điểm và nhầm lẫn của chính chúng ta, chẳng phải luôn luôn là như vậy hay sao? Wolf Biermann đã phê phán theo cách đó, phê phán trong tinh thần của người cộng sản. Ai không chịu nổi những lời phê phán ấy là thừa nhận rằng mình không có gì để đáp lại ngoài bạo lực.” Ông phân tích tiếp, với chiến dịch khai trừ Wolf Biermann “các đồng chí đã biến anh ấy thành hình ảnh lí tưởng trong mắt hàng triệu thanh niên Đông Đức. Giờ đây anh ấy là hiện thân của một thứ hi vọng lớn cuối cùng về một chủ nghĩa xã hội mà những thanh niên ấy đã thôi không còn mơ ước.”

Bốn ngày sau, 26/11/1976, Tòa án huyện Fürstenwalde ra lệnh quản thúc Havemann tại gia, vì tội “hoạt động đe dọa đến an ninh và trật tự công cộng“. Nơi ở và toàn bộ gia đình ông bị 200 nhân viên An ninh Quốc gia (Stasi) thay nhau canh gác suốt ngày đêm. Ông bị cấm liên lạc với phóng viên, nhân viên ngoại giao nước ngoài và 70 công dân Đông Đức “có vấn đề” khác. Năm 1979, tòa ra tiếp lệnh khám nhà, tịch thu nhiều tài liệu và đồ đạc, phạt ông một khoản tiền lớn, 10.000 Mark Đông Đức, với tội danh vi phạm Luật Ngoại tệ, vì ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm ở nước ngoài. Đơn kháng án của ông bị bác. Luật sư của ông bị tước quyền hành nghề. Ba năm sau, 1982, Havemann qua đời.

So với ước chừng tổng cộng 250.000 tù nhân chính trị trong vòng 40 năm ở CHDC Đức, những người thậm chí bị tống giam chỉ vì buông một lời nói kháy chính quyền hay Anh Cả Liên Xô, ông Havemann, “kẻ thù số 1 của nhà nước”, với ba năm quản thúc và một khoản tiền phạt có thể coi là còn được luật pháp của đất nước chuyên chính vô sản này nương nhẹ. Song gần hai mươi năm sau khi ông qua đời, 7 thẩm phán và công tố viên của nhà nước Đông Đức đã tham gia vào hai vụ án kết tội ông, đến lượt họ, lại phải ra tòa vì tội Rechtsbeugung: lợi dụng luật pháp, cưỡng đoạt luật pháp, lũng đoạn luật pháp, tha hóa luật pháp, nắn bóp và co giãn luật pháp… để cản trở công lí, nói nôm na là bẻ cong luật pháp.

Một trong những điểm then chốt trong hiệp thương thống nhất giữa hai nhà nước Đức sau Chiến tranh Lạnh là nguyên tắc hòa giải. Không được dùng luật pháp của Tây Đức để phán xử thực tiễn xã hội Đông Đức. Chỉ có thể dùng chính luật pháp của Đông Đức để khôi phục công lí cho những gì đã diễn ra tại đó. Thực tế áp dụng nguyên tắc hòa giải này, sau một phần tư thế kỉ, là một quá trình vô cùng gian nan, đầy tranh cãi, với những câu hỏi còn lại không thể trả lời, những nguyện vọng không thể đáp ứng, những vấn đề khó lòng giải quyết thỏa đáng. Song nó tránh cho nước Đức thống nhất, sau gần nửa thế kỉ chia cắt dân tộc, cảnh hận thù và chia rẽ của “bên thắng cuộc” và kẻ bại trận.

Vụ án xử 7 cán bộ của ngành tư pháp Đông Đức nói trên cho thấy sự phức tạp ấy và là một bài học đáng nghiền ngẫm về tư pháp chính trị. Nó kéo dài gần ba năm, từ 1997 đến 2000. Đầu tiên, Tòa án Tiểu bang Frankfurt/Oder xử cho cả 7 bị cáo trắng án, Viện Công tố kháng nghị. Tiếp theo, Tòa án Tối cao Liên bang ra quyết định hủy bản án, chuyển vụ án về một tòa án tiểu bang khác để xét xử lại. Cuối cùng, Tòa án Tiểu bang Neuruppin, sau 26 phiên tòa, đã kết án 2 trong số 7 người nói trên về tội bẻ cong luật pháp, kết hợp với tội tước đoạt tự do của người khác, liên quan tới lệnh quản thúc Havemann.
Theo kết luận của tòa, hai cán bộ tư pháp của nhà nước Đông Đức này đã biết rõ rằng việc truy tố nhà bất đồng chính kiến Havemann không phải là để thực thi một công lí trên cơ sở xác định sự thật bằng những công cụ của luật pháp, mà trước hết và chủ yếu là để vô hiệu hóa hay triệt tiêu một đối thủ chính trị. Họ đã tham dự với đầy đủ ý thức vào một kịch bản soạn sẵn, được thỏa thuận trước với những cơ quan và cá nhân đứng ngoài ngoài hệ thống tư pháp, với bản án đã định trước ngay từ đầu. Với những bản án bỏ túi và phiên tòa trình diễn đó, họ đã vi phạm chính luật pháp của Đông Đức, nơi nguyên tắc “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cũng được long trọng ghi trên mặt giấy.
*
Khi nhận lệnh quản thúc, ông Havemann tuyên bố: “Tôi đâu có ý định rời khỏi CHDC Đức, vì mỗi bước đi ở đây là một bước ta có thể chứng kiến chế độ đã và đang đánh mất toàn bộ uy tín, chỉ cần vài sự kiện và cú huých từ bên ngoài là đủ để vứt Bộ Chính trị vào sọt rác.” Mười ba năm sau, Bộ Chính trị Đảng SED quả nhiên biến mất. Cựu Tổng Bí thư Honecker cùng vợ tháo chạy khỏi đất nước, trốn vào Đại sứ quán Chile tại Moskva xin tị nạn chính trị.

Nước Đức mất gần 2 thập niên để giải quyết di sản của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Đông Đức. 374 vụ bẻ cong luật pháp với 618 bị cáo được đưa ra xét xử, trong đó 5 người bị phạt tiền, 176 người bị kết án tù, trong đó có 63 thẩm phán, 56 công tố viên, 5 thẩm phán và công tố viên thuộc tòa án quân sự và 41 nhân viên tư pháp khác. 8 trong số này chịu án tù từ 5 đến 10 năm.

Thật khó hình dung, mười, hai mươi năm, ba mươi năm hay năm mươi năm nữa chúng ta sẽ làm gì với di sản của nền tư pháp Việt Nam hiện tại. Những thẩm phán, đại diện Viện Kiểm sát và các nhân viên tư pháp tham gia các vụ xét xử những người bất đồng chính kiến, mới hôm kia là blogger Trương Duy Nhất, bằng những bản án bỏ túi rồi sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Chúng ta hay tự an ủi rằng họ sẽ phải đứng trước tòa án của lương tâm và tòa án của lịch sử. Song lương tâm thường phán quyết có lợi cho chủ của nó. Còn đợi lịch sử xếp xong lịch xét xử thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết từ lâu.
© 2014 pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=4032

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Tra tấn bằng điện và ớt

Theo Pháp Luật online, bà Trên, mẹ của Huỳnh Thế Anh, cho rằng con trai mình bị công an đánh đập dã man.Theo Pháp Luật online, bà Trên, mẹ của Huỳnh Thế Anh, cho rằng con trai mình bị công an đánh đập dã man.

Theo báo Pháp Luật online giữa tháng 2/2014, ngày 7/2 tại quận Bến Lức, tỉnh Long An, đã xảy ra một vụ vi phạm luật pháp rất kỳ quái: một số nhân viên công an thuộc đơn vị Cảnh sát 113 dùng gậy cứng, xích sắt, roi, đánh đập một thanh niên 24 tuổi đang cùng bạn ngồi uống nước trong một quán nhỏ. Sau khi dùng điện tra tấn, nhóm 4 nhân viên cảnh sát này đã dùng ớt cay sát vào mắt và vào hạ bộ của anh thanh niên, làm anh này gần như phát điên, la hét rồi ngất lịm đi.

Phóng viên Mai Long của báo Pháp luật về tận nơi để tìm hiểu, chụp ảnh và viết bài về vụ việc này, đã gặp anh thanh niên Huỳnh Thế Anh vừa ở bệnh viện được đưa về nhà, mình mẩy thâm tím, mất ăn mất ngủ liền 2 ngày. Nhà báo này cũng gặp bà mẹ anh Huỳnh Thế Anh là bà Trần Thị Trên, 56 tuổi, trong tình trạng ốm yếu, hoang mang trước cảnh con trai đang thất nghiệp, lại bị 4 nhân viên cảnh sát hành hung tàn bạo một cách vô cớ.

Chuyện xảy ra có thể tóm tắt như sau. Một cuộc va chạm xảy ra giữa một xe tải và một xe gắn máy, trở thành một cuộc chửi bới nhau ồn ào một hồi tại một phố nhỏ giữa thanh niên địa phương và người lái xe. Tan cuộc cãi vã một tốp Cảnh sát 113 mới đến. Nhóm thanh niên tản đi, chỉ còn anh Huỳnh Thế Anh ngồi lại trong quán, tự nghĩ rằng mình không có liên quan gì đến vụ ồn ào vừa qua. Thế rồi anh bị trói tay, giải đến trụ sở công an xã Hữu Thạnh gần đó và tại đây 4 nhân viên cảnh sát mặc sắc phục đóng kín cửa, hỏi cung anh một cách tàn bạo, thay phiên nhau đấm đá, đánh anh bằng gậy, xích sắt, và gí điện gí vào các đầu ngón tay, ngón chân anh, mặc cho anh la hét, ngất lịm đi nhiều lần. Họ không cho anh ăn uống, còn lấy ớt bột loại cực cay xát vào mắt anh cho sưng vù lên rồi đè anh xát ớt cay vào hạ bộ của anh cho đến khi anh bất tỉnh.

Đêm đó, họ giải anh lên công an huyện Bến Lức tiếp tục hành hạ tra tấn anh. Hôm sau, bố mẹ anh phải lên nhận anh, đưa vào bệnh viện để khám và được chữa trị khẩn cấp rồi họ cho về nhà vì không còn chỗ.

Khi gia đình hỏi, cơ quan công an huyện kết luận rằng anh Anh ‘’được trở về gia đình, không có tội lỗi gì ‘’, nhưng không hề giải thích vì sao anh lại ở trong tình trạng thê thảm như vậy. Họ cố tình bênh che, xí xóa vụ phạm pháp ‘’tra tấn một cách tàn bạo độc ác một công dân lương thiện ‘’, gây ra bởi 4 nhân viên cảnh sát thuộc đơn vị Cảnh sát 113 , là đơn vị cảnh sát đặc biệt, có nhiệm vụ thường trực can thiệp khẩn cấp, 24/24 giờ, qua số điện thoại 113, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ an toàn cho mọi công dân có nguy cơ bị bức hại.

Gia đình anh Anh đã gửi đơn khiếu nại gần một tháng nay nhưng không thấy một hồi âm nào. Bài báo của báo Pháp luật cũng rơi vào câm lặng.

Vụ khủng bố, tra tấn công dân một cách độc ác bởi những nhân viên cảnh sát mặc sắc phục này không thể coi là việc nhỏ, lặt vặt, không đáng kể do không có ai chết, để bị chìm vào im lặng, vào sự vô cảm của nhân dân ta và của toàn thế giới văn minh.

Không thể lờ đi, cho qua được!

Bởi vì Việt Nam vừa được vào Hội Đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bởi vì chính phủ VN vừa cam kết sẽ thực thi và thúc đẩy nhân quyền với công dân nước mình với toàn thế giới. Hơn nữa, bởi vì Việt Nam cũng đã tuyên bố tham gia Công ước chống tra tấn dưới mọi hình thức.

Vậy mà một đơn vị của Cảnh sát 113 trực thuộc Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm trong Bộ Công An đã bất chấp luật pháp, bất chấp nghĩa vụ bảo vệ công dân trong cơn khẩn cấp, đã ngang nhiên tùy hứng đánh đập tra tấn một công dân như dưới thời trung cổ.

Vậy mà cả Bộ Công an, cả Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm với hơn 30 viên tướng vẫn bất động, vô cảm, coi là chuyện không đáng kể. Cả gần 500 đại biểu Quốc hội, kể cả đoàn đại biểu của tỉnh Long An, cũng im hơi lặng tiếng.

Cám ơn báo mạng Dân Làm BáoDiễn Đàn Chân trời mới đã đưa bài báo và ảnh của nhà báo Mai Long viết về hoạn nạn của anh Huỳnh Thế Anh phổ biến rộng. Bố và mẹ anh đang bị các bệnh hiểm nghèo, bản thân anh đang thất nghiệp không có chỗ dựa, nay bị ê ẩm toàn thân, lưng bị nhức, hạ bộ bị sưng tấy, rất cần được hỗ trợ . Anh vẫn ghi nhớ lời hăm dọa của một nhân viên cảnh sát: «Tao đánh cho mày mang tật cả đời '’.

Rất mong Xã hội Dân sự đang lớn lên trong xã hội Việt Nam cũng như các nhà báo, blogger tự do sẽ không bỏ qua vụ ‘tra tấn độc ác bằng điện và bằng ớt cực cay» rất kỳ quái này, phổ biến rộng rãi ra thế giới, cho các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế bài viết kèm theo ảnh của nhà báo Mai Long, hỗ trợ mạnh mẽ cho anh Huỳnh Thế Anh và bà Trần Thị Trên ở Long An, cảnh tỉnh một nhà nước bệnh hoạn, bảo vệ cuộc sống của những công dân lương thiện nhưng thấp cổ bé miệng trước một bộ máy công an đã hoàn toàn hư đốn này.
 
http://www.voatiengviet.com/content/tra-tan-bang-dien-va-ot/1865969.html

Chiến tranh lạnh, bộ mới, tác giả Putin



Ngô Nhân Dụng

Trước khi ông Yanukovych, cựu tổng thống Ukraine tuyên bố ngưng thảo luận hiệp ước thương mại với Cộng Ðồng Châu Âu (EU), đại diện của EU là cựu ngoại trưởng Cộng Hòa Tiệp, Stefan Füle, đã tới thuyết phục ông ta thêm một lần nữa. Trong cuộc thảo luận diễn ra ở dinh tổng thống Ukraine, ông Füle sốt ruột vì các thông dịch viên tiếng Tiệp và tiếng Ukraine chậm chạp quá. Ông đề nghị nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga mà cả hai người đều thông thạo.

Cuộc gặp gỡ không đưa tới đâu, nhưng đối với ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, thì điều có ý nghĩa tiếng trong cuộc thương thuyết bất thành là tiếng Nga được dùng làm ngôn ngữ chính. Cả hai nước Ukraine và Cộng Hòa Tiệp trước đây đều nằm trong một khối, cả hai đều theo lệnh một người Nga, các lãnh tụ thay phiên nhau ngồi ở điện Kremlin! Ông Putin đang ngồi ở chỗ các Sa hoàng và các ông Stalin, Brehznev trước đây đã ngồi. Từ khi lên nắm quyền tới nay, Putin tìm cách nhắc nhở cho dân Nga, và thế giới chung quanh, phải nhớ Nga từng đóng vai bá chủ cả một đế quốc, các nước chư hầu kéo dài suốt từ Âu sang Á Châu.

Ðối với thế giới bên ngoài, nhất là đối với dân chúng Mỹ, cuộc Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Ông Vladimir Putin không nghĩ như vậy. Ðối với thế giới, chiến tranh lạnh là một cuộc cạnh tranh giữa hai khối tư bản và cộng sản. Nhưng đối với ông Putin và đa số dân Nga bây giờ, đó chính là một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc, Nga và Mỹ, Mỹ được các nước Tây Âu hỗ trợ. Ông Putin từng nói rằng vụ sập đổ của Liên Bang Xô Viết là tai họa lớn nhất trong thế kỷ 20. Ðối với dân Nga, biến cố đó giúp họ xóa bỏ chế độ cộng sản kìm hãm không cho đất nước phát triển và tiến bộ. Nhưng đối với người lãnh đạo trong điện Kremlin, đó là một tai họa. Vì khi một đế quốc tan rã mất luôn quyền chi phối các nước chung quanh để làm giầu cho những nhà quý tộc của mẫu quốc hưởng. Cho nên ông Putin và giới quý tộc mới ở Nga muốn quay ngược chiều lịch sử, cố vớt vát, làm sống lại những ngày huy hoàng cũ, dù không cần biết được lợi bao nhiêu so với phí tổn phải chịu.

Ông Putin đã “tổ chức” một cuộc chiến tranh lạnh mới, từng bước một. Trong thời gian đó, các chính phủ Mỹ và Tây Âu vẫn hành động với giả thiết là chiến tranh lạnh đã chấm dứt rồi. Nghĩ rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt, cả thế giới đã chấp nhận hệ thống kinh tế tư bản, và nhiều quốc gia cùng chạy đua trên đường dân chủ hóa, cho nên dân chúng các nước Mỹ và Âu Châu nhìn các cuộc tranh chấp trên thế giới hoàn toàn theo tiêu chuẩn lợi hại về kinh tế. Mỗi hành động đều phải xét xem sau cùng ai sẽ được lợi gì trong thị trường cạnh tranh. Nếu đầu tư vào Iraq mà không có lợi, thì rút vốn về. Nếu mình không có lợi ích hơn dù ai thắng, ai bại trong cuộc nội chiến ở Syria, thì không nên bỏ quá nhiều vốn liếng chính trị cũng như tiền bạc, vũ khí vào đó. Với niềm tin tưởng kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, không thể tránh được, mà cuối cùng loài người ở đâu cũng biết chế độ dân chủ tự do sẽ mang lại kinh tế phồn thịnh hơn cả, các chính phủ Mỹ và Âu Châu vẫn coi nước Nga của ông Putin là một “đối tác” cần có mặt trong những hội nghị G-8 hay G-20, những diễn đàn lo chuyện trao đổi kinh tế. Ngoài ra, lâu lâu nhờ ông ta làm môi giới trong các cuộc mặc cả với Iran, với Syria, vân vân.

Nhưng ông Putin đã soạn sẵn một kịch bản riêng. Bất cứ hành động nào của chính phủ Nga cũng nhắm vào mục đích giành lại ảnh hưởng của thời đế quốc Nga hoàng cũng như thời Liên Xô; nay đã mất. Putin dính đến chuyện Bắc Hàn, cũng vì muốn bảo đảm chính phủ Nga có một ghế ngồi bên cạnh Trung Quốc, Nhật và Mỹ khi bàn chuyện an ninh vùng Ðông Bắc Châu Á. Viện trợ vũ khí cho Syria và bênh vực bạo chúa Assad cũng vì muốn chứng tỏ đế quốc Nga chưa bị đẩy hoàn toàn ra khỏi vùng Trung Ðông. Nhưng màn chính trong kịch bản của Putin diễn ra ở các nước “Cộng Hòa” cũ thuộc Liên Bang Xô Viết, và một số nước Ðông Âu. Hậu quả là Putin tái lập một tình trạng chiến tranh lạnh, theo lối mới.

Ðế quốc Nga tan đã gây mất mát rất nhiều, chỉ vì chế độ cộng sản tham nhũng và bất lực hơn cả thời Nga hoàng. Về mặt tâm lý, Putin và giới quý tộc Nga, gồm các cựu sĩ quan công an KGB và các đại gia mới, thấy họ muốn “rửa nhục.” Thử tưởng tượng, trong hầu hết thế kỷ 20, Âu Châu vẫn chia làm hai phe. Một bên là khối NATO, với Mỹ, Anh, Pháp, cho tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bên kia là khối Warzava, liên minh quân sự giữa Liên Xô và các nước Ðông Âu. Bây giờ, khối Warzava đã tan biến không còn một vết tích. Trong khi đó khối NATO không những vẫn sống mà còn tìm cách bành trướng. Các nước cộng sản cũ ở Ðông Âu chạy đua nhau xin gia nhập NATO, ai cũng biết mục đích là để được bảo vệ, không còn sợ Nga xâm lăng nữa. Ngay cả những nước vùng biển Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia, trước nằm trong Liên Xô, với số kiều dân và người gốc Nga đông đúc, cũng xin vào NATO. Khối NATO đã can thiệp vào các cuộc nội chiến trong Liên Bang Nam Tư cũ, làm cho Serbia, một nước anh em của Nga phải chịu thua nhục nhã. NATO còn can thiệp cả đến những xứ Châu Phi như tại Libya, và đang toan tính ở Syria. Ðối với ông Putin, bất cứ khi nào NATO thắng một ván cờ là ông ta thấy nước Nga bị mất mặt. Ông phải thực hiện những kịch bản mà ông soạn cho các nước thuộc Liên Xô cũ, kéo họ trở lại trong vùng ảnh hưởng. Nếu ba nước Lithuania, Estonia và Latvia mà không được Nato bảo vệ, thì chắc ông Putin cũng đã nhòm ngó rồi.

Sáu năm trước, Putin đã cắt được hai vùng Abkhazia và South Ossetia ra khỏi nước Georgia, quê hương của ông Stalin. Ðầu mối của cuộc xâm lăng này cũng là việc Georgia thảo luận việc tham gia NATO. Năm nay, Putin vừa dụ dỗ, vừa dọa nạt, khiến Cựu Tổng Thống Ukraine Viktor Yanukovych cắt đứt liên lạc với Âu Châu. Ðể bù lại, Nga hứa viện trợ 15 tỷ đô la cứu vãn cảnh ngân sách khiếm hụt vì nền kinh tế mà chính ông ta, gia đình và các đại gia của ông ta làm cho suy sụp. Sau khi ông Yanukovych nắm quyền mấy năm, người con trai của ông đã trở thành tỷ phú Mỹ kim! Yanukovych đã thấy một tấm gương trước đó. Trong Tháng Chín, chính phủ Armenia, một nước cũng thuộc Liên Xô cũ, đã bãi bỏ một cuộc thương nghị thương mại với Châu Âu, rồi ký một hiệp ước quan thuế với Nga, cũng có giá trị như một hiệp ước tự do mậu dịch. Ông Putin rõ ràng có kế hoạch lôi các nước đàn em cũ bỏ EU để “trở về” với Nga. Còn các nước Mỹ và Âu Châu vẫn giả thiết rằng cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Họ chỉ nhìn vào các cuộc cạnh tranh kinh tế thay vì tranh giành ảnh hưởng địa lý chính trị giữa các cường quốc. Vì vậy, cả thế giới vô tình để ra một khoảng trống cho ông Putin thực hiện kịch bản của mình.

Nhưng hành động sau cùng của ông Putin có thể sẽ thay đổi thái độ của không riêng gì các chính phủ Mỹ và Tây Âu mà cả thế giới bên ngoài, cũng như các lân bang của Nga. Ðưa sáu ngàn quân Nga vào bán đảo Crimea, mặc quân phục nhưng không có phù hiệu quốc gia, ông Putin đã xâm lăng, chiếm cứ một vùng thuộc nước láng giềng, với mục đích rõ ràng là xúi vùng đó ly khai khỏi Ukraine. Ðây là một hành động thách thức đối với các nước Châu Âu và Mỹ. Một hình thức tuyên chiến với Ukraine, và đe dọa các quốc gia khác trong vùng.
Lý do mà ông Putin đưa ra để lấy cớ chiếm Crimea, là bảo vệ những người gốc Nga (chiếm 55% trong dân số hơn hai triệu người). Dân Âu Châu còn nhớ, năm 1938 Hitler cũng nêu ra đúng luận điệu như vậy khi đánh chiếm vùng Sudetenland thuộc nước Tiệp Khắc: Tấn công để bảo vệ người dân gốc Ðức tại đó. Các nước Châu Âu sau cùng đã phản đối Hitler, và cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai bắt đầu.

Liệu biến cố ở Crimea năm nay có gây nên một cuộc chiến tranh lớn khác hay không? Chắc không, nhưng tất cả tùy thuộc những hành động trong các ngày sắp tới của ông Putin. Ông có thúc đẩy cho vùng Crimea tuyên bố độc lập, rồi xin nhập trở lại vào nước Nga hay không? Hay ông chịu dừng lại để cho chính quyền Crimea chỉ đòi thêm quyền tự trị đối với Ukraine? Vùng Crimea vẫn thuộc ảnh hưởng Nga từ ba thế kỷ trước, và mới được “tặng” cho Ukraine năm 1954; nhưng trong hiệp ước năm 1994 chính phủ Nga đã xác nhận tôn trọng lãnh thổ Ukraine toàn vẹn. Nếu Crimea ly khai, sau cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng này, thì chính phủ Ukraine ở Kiev sẽ làm gì? Tinh thần ái quốc của dân Ukraine không thua kém ai. Họ còn nhớ chính họ là nạn nhân của Liên Xô, đặc biệt khi ông Stalin dùng nước họ làm thí nghiệm chương trình tập thể hóa nông nghiệp vào những năm 1930-34, khiến hàng chục triệu người chết đói. Dân Ukraine có chịu nhục để cho nước láng giềng cướp đất hay không? Nếu ông Putin cho Crimea ly khai, liệu chính phủ mới ở Ukraine có kêu gọi khối NATO giúp đỡ hay không?

Cho tới này các chính phủ Châu Âu đều tỏ ra họ vẫn tin rằng ông Putin không thúc đẩy tới một cuộc chiến tranh với cả nước Ukraine. Chính phủ Mỹ nói cứng rắn hơn các chính phủ Châu Âu, nhưng khả năng hành động vẫn bị hạn chế, ngoài các món viện trợ kinh tế cấp thời. Trước hết, dân chúng Mỹ không thấy nước họ có quyền lợi nào bị ảnh hưởng vì biến cố ở Crimea và Ukraine (Chỉ có cổ phần của công ty Pepsi Cola bị xuống giá nặng, vì nhãn nước ngọt này bán sang Nga rất nhiều). Hải Quân Mỹ vốn không có mặt trong vùng Hắc Hải, mà cũng không có lợi gì nếu đi vào vùng đó. Cho nên, vũ khí duy nhất mà chính phủ Mỹ có thể dùng để “trừng phạt” ông Putin là kinh tế. Thị trường chứng khoán ở Nga đã xuống 10% vì cơn khủng hoảng. Giá trị đồng Rúp của Nga cũng xuống như vậy.

Nhưng việc phong tỏa kinh tế Nga sẽ không thành công, như đã có ảnh hưởng đối với Iran chẳng hạn. Vì nước Nga tự túc được nhiều thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu và nguyên liệu. Cuộc khủng hoảng ở Crimea, đang làm Nga được lợi, vì giá dầu, khí tăng lên, là những thứ xuất cảng nhiều nhất của Nga. Ðồng Rúp xuống giá có thể giúp hàng hóa của Nga dễ xuất cảng hơn. Cho nên, nếu ông Putin nhất quyết cắt vùng Crimea ra khỏi nước Ukraine, chính phủ Mỹ chỉ có thể “trừng phạt” ông ta bằng cách phong tỏa tài sản của nhóm lãnh đạo và các đại gia Nga. Nếu các ngân hàng Mỹ được lệnh không được làm ăn với bất cứ công ty hay ngân hàng nào của Nga, thì việc xuất cảng của Nga sẽ bị ngưng trệ. Trước đây, biện pháp này đã chứng tỏ có hiệu lực đối với giới lãnh đạo Nga một vài lần; trong những vụ nho nhỏ. Lần này, muốn có hiệu quả cần kêu gọi Châu Âu cùng hành động.
Mỹ rất khó thuyết phục các nước Châu Âu phong tỏa kinh tế Nga. Nước Pháp sắp giao hai mẫu hạm Mistral cho Nga, một thương vụ gần hai tỷ Mỹ kim, khiến chính phủ Pháp khó chống lại Nga. Nước Ðức đang xuất cảng những món rất đắt tiền sang Nga, họ cũng dè dặt. Các nước Châu Âu và Nga tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế. Gần 10% thương mại quốc tế của các nước châu Âu là mua bán với Nga; hơn 90% với các nước khác. Nhưng 41% nền ngoại thương của Nga tùy thuộc vào quan hệ với Châu Âu. Nga cần đến những khách hàng này, nếu ông Putin không quan tâm thì các nhà tư bản mới ở Nga cũng quan tâm. Giá cổ phần của công ty dầu khí Gazprom đã tụt giảm 14% trong ngày Thứ Hai, vì viễn tượng xung đột Nga, Châu Âu.

Một phần ba số khí đốt dùng ở Châu Âu nhập cảng từ Nga, với các ống dẫn khí đi qua lãnh thổ Ukraine. Nga không thể quyết định ngưng cung cấp khí đốt, vì đó là một nguồn ngoại tệ không thể thiếu được. Trái lại, họ cần phải bảo vệ lòng tín nhiệm của khách hàng, nếu không dân Châu Âu sẽ đi tìm các nguồn cung cấp đáng tin cậy lâu dài hơn. Liên hệ kinh tế có thể là một đòn ẩy để các nước Châu Âu can thiệp với Nga trong vụ Ukraine.
Vì sau cùng, cả Mỹ lẫn các nước Anh, Pháp, Ðức phải công nhận một cuộc chiến tranh lạnh đang bắt đầu, do ông Putin khởi động. Giao thiệp giữa Tây phương và Nga không còn như trước đây năm, mười năm nữa. Mỹ đã tuyên bố “chuyển trục” từ Châu Âu và Ðại Tây Dương sang Á Châu và Thái Bình Dương. Nhưng biến cố ở Ukraine nhắc nhở chính quyền Mỹ và dân Mỹ biết rằng ở nước Nga vẫn có nhiều người muốn bành trướng ảnh hưởng của một đế quốc cũ, bất chấp các quy tắc ngoại giao của thế giới văn minh. Người Mỹ cũng như dân Châu Âu phải chấp nhận cuộc chạy đua trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài ở Châu Âu trong mươi năm tới, đó là tính lúc đó ông Putin đã mãn hai nhiệm kỳ tổng thống.

Khi cuộc chiến tranh lạnh trước mở màn, một người có ảnh hưởng lớn đến chiến lược của chính phủ Mỹ trong cuộc đương đầu với khối Nga Xô là Ðại Sứ George Kennan. Năm 1947, nước Mỹ đang lo nhiều nước Tây Âu biến thành cộng sản, quân Nga có thể xâm lăng sang Châu Âu, Trung Cộng đang lên chân ở nước Tàu, vân vân, thì ông George Kennan đã đề nghị một chiến lược gọi là “ngăn chặn” (containment), thay vì tấn công. Ông tin rằng nước Mỹ không cần đánh, chỉ cần ngăn chặn không cho Nga bành trướng, thì về lâu về dài chính đế quốc Nga sẽ sụp đổ. Chiến lược này đã được các chính phủ Mỹ áp dụng suốt thời Chiến Tranh Lạnh, và cuối cùng ông Kennan đã tiên đoán đúng. Trong cuộc chiến tranh lạnh mới, nước Mỹ đang cần có một ông George Kennan khác, mặc dù so với Stalin thì Putin chỉ là một cán bộ KGB trung cấp mà thôi!

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=183864&zoneid=7#.Uxk4S8oUpZw