Nguyễn-Xuân Nghĩa
Những kỳ quái của một cuộc tranh cử bất thường
Nói về Hoa Kỳ, sự phân cực về quan điểm chính trị đã có từ
lâu, khiến lập trường của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ngày càng tách biệt và
tìm ra điểm dung hòa là điều khó. Lần này, với dân số hơn 320 triệu, dân Mỹ đề
cử hai ứng cử viên có chung một nét là bị đa số nghi ngờ (tính tới cuối Tháng
Mười, Hillary Clinton bị gần 60% và Donald Trump bị hơn 60%) trong khi hơn 63%
dân Mỹ cho là quốc gia đang chệch hướng.
Ai đã đề cử họ? Ðấy là thiểu số tích cực nhất của hai đảng
trong vòng sơ bộ kéo dài suốt năm – khoảng 18% dân số, chia đều cho cả hai. Vì
là thiểu số đầy nhiệt tình đã vận động ngay từ đầu, họ có lập trường bên kia gọi
là cực đoan.
Không lên tới các cuộc bầu cử năm 1800 hay 1824 khi bùn nhơ
được báo chí đôi bên ném cho nhau, có lẽ phải nghĩ tới cuộc bầu cử tổng thống
năm 1860, trước khi Hoa Kỳ bị Nội Chiến thì người ta mới thấy được tình trạng
phân cực đáng ngại đó. Nó vượt xa hai cuộc bầu cử năm 1952 hay 1968 là khi Hoa
Kỳ đang ở trong thời chiến (Cao Ly và Việt Nam).
Hai chính đảng lớn đề cử hai nhân vật có hành trang lạ, được
truyền thông và các bình luận gia chất thêm nhiều tội. Một người là tỷ phú trốn
thuế, chạy cờ cho Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và nói khỏi cần nghĩ vì chỉ
nghĩ về mình, lại còn khoe mẽ về tình nhờ có tiền. Người kia, vì lý do chưa hề
giải thích, có hệ thống điện toán riêng mà bất chấp nhu cầu bảo mật khi thi
hành công vụ là tổng trưởng Ngoại Giao và còn có quyền lợi mắc mứu với sáng viện
Clinton Foundation của gia đình.
Những tỳ vết hay tai tiếng đó được đôi bên phanh phui tiết lộ
có chọn lọc nhằm mục tiêu chính trị là gây ấn tượng xấu cho đối thủ, làm như nước
Mỹ hết người.
Thế rồi, như chưa đủ kỳ lạ, cuối tuần qua, giám đốc cơ quan
điều tra liên bang là James Comey thông báo cho giới lãnh đạo Quốc Hội rằng FBI
tìm thấy trong máy điện toán của cựu Dân Biểu Anthony Weiner đang bị điều tra về
tội sách nhiễu tình dục trẻ vị thành niên nhiều điện thư có thể liên quan đến
bà Hillary Clinton và công vụ. Sở dĩ liên hệ vì ông Weiner có bà vợ đang ly
thân là Huma Abedin, cố vấn thân tín của bà Clinton và hai vợ chồng vẫn liên lạc
với nhau qua máy điện toán cá nhân của họ. Hai ngày sau, người ta biết khối điện
thư ấy lên tới 650 ngàn và FBI xin được trát tòa để mở cuộc điều tra khác,
không về cựu Dân Biểu Weiner mà về những gì có thể liên quan tới Huma Abedin và
bà Clinton.
Quyết định của ông Comey lập tức đưa cuộc tranh cử tổng thống
vào khủng hoảng, một tuần trước ngày bầu cử. Người ta chưa thể hiểu được lý do
của quyết định này.
Từ Tháng Bảy khi điều tra việc bà Clinton sử dụng hệ thống
điện toán riêng và xóa hết 30 ngàn điện thư trước khi mãn nhiệm ngoại trưởng,
FBI có thể lập thủ tục pháp lý – xin công tố viện – truy tố bà về một khinh tội
(dùng điện toán riêng) và hai trọng tội (tạo cơ hội cho ngoại bang xâm nhập, và
xóa điện thư để phi tang). Nhiều viên chức quân và dân sự đã bị truy tố vì tội
nhẹ hơn vậy. Nhưng khi đó, ngày 7 Tháng Bảy, giám đốc FBI chỉ công khai phê
bình bà Clinton là “cực kỳ bất cẩn” nhưng không đề nghị truy tố trước Ðại Bồi
Thẩm Ðoàn. Lần đó, ông Comey được đảng Dân Chủ nức lời ca ngợi. Phải chăng, ông
muốn cử tri có phán quyết bằng lá phiếu thay vì gây ra khủng hoảng chính trị giữa
mùa bầu cử?
Bây giờ vì sao ông lại quyết định khác khiến cả hai đảng và
giới luật gia đều đả kích? Cho tới nay, chúng ta chỉ có thể nêu ra vài giả thuyết
về hành động này.
Từ xưa, Jim Comey là vị thẩm phán cứng đầu đã từng lấy nhiều
quyết định táo bạo mà bất chấp quan điểm chính trị của cả hai chính quyền Dân Chủ
và Cộng Hòa. Lần này, có thể là ông vừa thấy ra nhiều điều thể nào cũng bị
phanh phui khiến bà Clinton không đủ tư cách pháp lý làm tổng thống Hoa Kỳ.
Nếu điều ấy xảy ra sau khi bà thắng cử tổng thống thì sẽ bị
Tòa Ðại Hình điều tra, bị Quốc Hội Khóa 115 đàn hặc hay truất phế và chính quyền
Mỹ bị tê liệt trong nhiều năm. Ông Comey muốn tránh mang tiếng là để hụt chuyện
tày trời như vậy mà nên mới đảo ngược quyết định và những gì sẽ được công khai
hóa cho thấy ông là có công tâm.
Giả thuyết thứ hai, có thể là Comey đoán trước rằng khối điện
thư này không ảnh hưởng gì tới Clinton nhưng ông muốn kéo Quốc Hội Khóa 114 vào
cuộc khi đi ngược quan điểm của thượng cấp là bà tổng trưởng và thứ trưởng, một
nhân vật thân tín bên phía Clinton, mà báo cho dân biểu nghị sĩ của các ủy ban
hữu trách trong Quốc Hội rằng cơ quan FBI sẽ xin điều tra. Trách nhiệm đúng sai
hai bên cùng gánh!
Sau này, lịch sử và công lý sẽ phán xét quyết định kỳ lạ của
giám đốc FBI nhưng trước mắt, tổng trưởng Tư Pháp sẽ không cho phép lập ra Ðại
Bồi Thẩm Ðoàn để thụ lý hồ sơ rắc rối này. Bà Loretta Lynch có thẩm quyền đó vì
được Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm theo “sở kiến của tổng thống Hoa Kỳ trong
thời gian tại chức” (người viết xin dịch “the pleasure of the President of the
United States” ra sở kiến cho lịch sự!) Và vì theo Hiến Pháp, chỉ có một Ðại Bồi
Thẩm Ðoàn mới có thẩm quyền truy tố, bà Clinton sẽ không bị truy tố trước ngày
bầu cử.
Có lẽ vì vậy mà sáng Thứ Hai 31, Tòa Bạch Cung lên tiếng qua
tùy viên báo chí Josh Earnest, rằng “Tổng thống không tin là Giám Ðốc Comey muốn
chi phối kết quả một cuộc bầu cử.”
Nhưng đấy là cái nhân của khủng hoảng vì nếu Clinton không bị
truy tố mà đắc cử, Tổng thống thứ 45 chẳng có tuần trăng mật hay trăm ngày dễ
thở với Quốc Hội. Trận chiến pháp lý bùng nổ sẽ đưa Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ
vào vòng ách tắc kéo dài nhiều năm.
Bà Clinton còn hy vọng đó vì đối thủ là ông Trump vẫn giữ
thói tật quá lời khi tuyên bố không chứng cớ, rằng trong khối điện thư vừa được
phát giác có ba chục ngàn điện thư đã bị xóa của Hillary Clinton. Quần chúng ủng
hộ ông rất vui với tai họa mới của đối thủ – họ thường đông gấp đôi và triệt để
gấp bốn thành phần đầy nhiệt tình trong các cuộc vận động của bà Clinton –
nhưng chưa chắc là khối cử tri lưỡng lự tại một số tiểu bang “xôi đậu” đã đổi ý
mà dồn phiếu cho ông Trump. Dù vậy, việc kiểm phiếu sẽ báo hiệu nhiều ngày nghẹt
thở.
Chuyện kỳ quái của cuộc tranh cử năm nay là hai ứng cử viên
tổng thống có điểm tương đồng: cả hai đều không biết xấu hổ và có một lời xin lỗi
vì nghĩ là họ nằm ngoài vòng phán xét của quần chúng, công lý hay quy phạm xã hội.
Khác biệt nếu có là ông Trump xấc xược trong sự trâng tráo, bà Clinton lại kín
đáo trong sự xấc xược. Cả hai đều bất xứng vì sự nông cạn trái chiều khi chỉ
nhìn vào sự nghiệp của họ. (Người viết tôn trọng lời đả kích do các độc giả đầy
nhiệt tình từ cả hai phía sẽ tung ra khi dám đồng hóa thần tượng của họ với đối
thủ ma quỷ ở bên kia chiến hào!).
Nhưng cho dù bất cứ ai thắng cử lần này, chính trường Hoa Kỳ
vẫn bị khủng hoảng. Với báo chí thì đây là cơ hội bằng vàng trong nghiệp vụ tường
thuật và bình luận. Với các quốc gia lỡ trông cậy vào Hoa Kỳ thì đây là ác mộng.
Tuy nhiên về dài thì nền Cộng Hòa của Mỹ vẫn tồn tại và nói
đi nói lại thì tới 99,99% vẫn chọn nơi này làm quê hương!
Như thông lệ, với mọi nhược điểm, ứng cử viên nào cũng vẽ ra
nhiều chương trình hành động vô bổ vì sẽ bị thực tế và các nước khác phủ nhận
hay thách đố. Khi đắc cử, tổng thống tân cử sẽ đối diện với thực tế đó. Lần
này, thực tế sẽ ụp xuống rất sớm và cử tri mua hớ có quyền nghĩ lại kỳ tới, vào
năm 2020. Khi đó, ta sẽ bình tiếp về sự nổi loạn của thành phần trung lưu. Những
gì vừa xảy ra mới chỉ là cuộc tổng tập dượt!
Nhân tiện, cũng xin nhắc lại về kinh tế, là trong mùa thông
báo kết quả doanh lợi của tam cá nguyệt vừa qua, các thị trường đều e ngại nạn
sụt giá cổ phiếu và chu kỳ suy trầm kinh tế sắp tới. Nhưng vì sao đồng Mỹ kim vẫn
lên giá so với các ngoại tệ khác? Ðứng giữa vũng bùn, ta thấy bên kia sông chưa
là ánh mặt trời!
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét