Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump (trái)
dành cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ tại Tòa soạn báo New York
Times hôm 23/11/2016.
Việt Nam có thể có các động thái tiếp xúc sớm với tân chính
quyền Mỹ vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hoàn thiện bộ máy
nhân sự và chính sách đối nội, đối ngoại của nội các sẽ nhậm chức vào ngày 20
tháng Giêng tới đây, các học giả và nhà quan sát bình luận với Bàn tròn thứ
Năm.
Trao đổi với tọa đàm của BBC Việt ngữ từ Hà Nội hôm
24/11/2016, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu
Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói:
"Việt Nam vừa rồi có thấy để cho ông Phạm Quang Vinh, Đại
sứ Việt Nam ở Washington D.C. nói vài câu, cũng có thể người ta sẽ cử nhóm này,
nhóm kia đi, tiếp xúc với Mỹ, người nọ, người kia, cái đó không thể khẳng định
được ở đây, thế nhưng có một điều chắc chắn mà tôi hiểu là người ta (Việt Nam)
cũng chủ động.
"Và về lâu dài, trong thực hành mà nói, chính sách,
quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, bất kể ai làm gì, thời gian tới cũng không thay đổi
nhiều đâu, hai bên cùng cố gắng để phát triển nó tốt hơn."
Khi được hỏi nếu diễn ra các chuyến 'tiếp xúc' đó, đâu sẽ là
những nội dung chính yếu mà phía Việt Nam cũng như hai bên sẽ quan tâm thảo luận,
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói tiếp:
"Nếu mà có cái gì đó như thế, người ta sẽ thăm dò nhau,
người ta sẽ muốn hai bên cùng khẳng định là không có thay đổi lớn gì trong
chính sách đối ngoại, trong thực hành đối ngoại giữa hai bên.
"Đồng thời các vấn đề cùng quan tâm như là nếu TPP (Hiệp
định Đối tác Thái Bình Dương) rút, chuyện ấy để tính sau, nhưng còn các hợp tác
chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, làm sao thúc đẩy cho nó có
màu sắc chiến lược nhiều hơn, trong đó có các đối thoại về chính trị, an ninh,
quân sự và nhân quyền, bốn thứ đó," người đồng thời là Chủ tịch Think Tank
Viet Know nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Gặp ai, ai tiếp, tiếp thế nào?
PGS. TS. Jonathan London từ Đại học Leiden, Hà
Lan nói ông sẽ 'bất ngờ' nếu ông Trump và bộ máy nhân sự đang chuyển giao quyền
lực của ông sẽ gặp phái đoàn Việt Nam vào thời điểm hiện nay.
Từ Đại học Leiden, Hà Lan, nhà nghiên cứu và bình luận thời
sự, chính trị, PGS. TS Jonathan London, tiếp theo ý kiến của Tiến sỹ Hợp, trả lời
câu hỏi của BBC về việc nếu có các chuyến tiếp xúc đó, thì phía Việt Nam sẽ gặp
ai, về phía bộ máy đang chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, thì ai tiếp
và tiếp thế nào, ông nói:
"Thực ra tôi sẽ hơi bất ngờ nếu ông Trump và đoàn của
ông Trump gặp phía Việt Nam về việc này."
Và ông Jonathan London giải thích:
"Bởi vì tôi nghĩ hiện nay ông Trump vẫn đang quyết định
những người sẽ làm trong chính phủ của mình và chưa phù hợp để nói về Việt Nam.
Tôi nghĩ là ông Trump vẫn trong một giai đoạn mà chẳng biết làm gì, chỉ đang lo
về vấn đề chọn ai.
"Và tôi muốn nói một điều là đối với châu Á, rất có khả
năng ông Trump sẽ có một động thái mạnh, không nên giả định là ông Trump sẽ rút
khỏi châu Á đâu. Bởi vì những người (nhân sự) của ông Trump đang nghe, đặc biệt
những vấn đề quân sự, nhiều người, nhiều tên (tuổi) rất muốn có một vai trò mạnh
của Mỹ trên chính trường quốc tế.
"Và chúng ta phải biết một điều là hiện nay ông Trump
đang làm chính trị của Mỹ và toàn chính trị thế giới thành một chương trình
truyền hình thực tế, bởi vì yếu tố đặc trưng, quan trọng nhất của ông Trump là
gì?
"Đó là tạo ra một sự không chắc chắn và điều đó có thể
được xem là một thế mạnh, nhưng cũng có thể được xem là một rủi ro lớn cho thế
giới. Ông thực sự là một nhân vật rất lạ và chúng ta phải chờ xem là ông có động
thái thế nào.
"Tôi hy vọng là người dân Việt Nam, người dân Mỹ và người
dân các nước khác muốn có một trật tự quốc tế ổn định, hòa bình, bền vững, sẽ kết
hợp cùng nhau để có (một nền) chính trị xác đáng với kỳ vọng của đại đa số người
khác nhau," PGS. TS. Jonathan London nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét