Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Đường cao tốc và đường... đu dây


 Từ Kế Tường


                                       Ảnh minh họa.


  Trên diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện truyền thông từ mấy năm trước đã dấy lên hai luồng dư luận ủng hộ và phản bác dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà trị giá đầu tư ban đầu của nó lên đến 90 tỉ USD chưa tính đến việc phát sinh sau này, và thực tế đến thời điểm hiện nay đã lên đến số tiền khủng khiếp.



Phía ủng hộ tất nhiên đã đưa ra những luận điểm để thuyết phục tính khả thi và lợi ích của dự án: Phát triển giao thông đường sắt hiện đại, rút ngắn thời gian đi lại giữa Bắc - Nam chỉ còn 5 giờ, tầm nhìn chiến lược hàng chục năm cho phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích xã hội, số nợ vay lớn nhưng đầu tư hiệu quả có khả năng trả và tất nhiên đây là niềm tự hào của Việt Nam tiến ra thế giới…



Phía không ủng hộ tất nhiên cũng đưa ra những luận cứ khoa học lẫn thực tiễn để phản bác dự án ngốn cả trăm tỉ đô la này: chưa cần thiết phải có tàu cao tốc Bắc - Nam, ai sẽ thường xuyên đi trên tàu cao tốc, giá vé không hề rẻ mà còn gần bằng giá vé máy bay. Dự án sẽ không mang lại hiệu quả, do đó sẽ không có khả năng hoàn vốn và trả nợ vay thế giới, nợ sẽ kéo dài tới đời… con, đời cháu, chắt chúng ta. Nhiều nước phát triển, giàu có đứng hàng đầu thế giới vẫn không đầu tư tàu cao tốc…



Tranh luận, phản biện để tìm ra một “quyết sách” đúng đắn là trách nhiệm của Quốc hội đại diện cho trên 90 triệu dân. Ủng hộ hay không ủng hộ dự án có nguồn kinh phí khổng lồ này, cũng đồng nghĩa với số nợ vay khổng lồ mà mỗi người dân phải gánh thêm trên lưng nhiều thế hệ. Nhưng rồi dự án vẫn được tiến hành và nguồn vốn luôn đội lên qua nhiều giai đoạn, kèm theo nhiều hệ lụy về tai nạn chết người do sự tắc trách của Ban Quản lý công trình.



Trong khi đó, cũng những ngày tháng này, trên sông Poko tỉnh Kon Tum liên tiếp thông tin đưa ra trên báo chí làm chúng ta nhói lòng: Không chỉ có một làng “đu dây” mà tới ba làng “đu dây”. Tức là, người dân sống ở ba làng dọc sông, trong đó tất nhiên có trẻ em đi học, muốn qua bên kia sông phải dùng một phương tiện như trong phim “Tarzan - Cậu bé rừng xanh” chiếu cách đây nhiều thập niên: đu dây. Tất nhiên, ngày xưa “cậu bé rừng xanh” dùng một loại rễ gió dài lòng thòng từ thân cây cổ thụ trong rừng để di chuyển. Bây giờ, người dân ba làng dọc sông Poko dùng sợi cáp căng qua sông đu bằng ròng rọc, hình ảnh cũng chẳng khác gì trong phim Tarzan, do không có cầu.



                                             Ảnh minh họa

Báo chí đưa tin, đăng bài kèm hình ảnh người dân dọc sông Poko đu dây qua sông, trong đó có trẻ em vừa đu dây vừa cõng cặp đi học, chính quyền địa phương cũng đã kêu vì cầu treo qua sông Poko đã bị lũ cuốn trôi, địa phương không có kinh phí để làm cầu treo lại. Thế nhưng, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải bảo không nghe báo cáo nên không biết có chuyện này.



Vài ba cây cầu treo, thậm chí chắc chắn hơn, bền vững hơn trong mùa lũ là cầu bê tông cho người dân dọc sông Poko đi lại, trẻ em tới trường không phải hồi hộp, đầy sự may rủi, ảnh hưởng tới tính mạng như bây giờ là “chuyện nhỏ” đối với ngành Giao thông vận tải, và chuyện càng nhỏ hơn nữa là sự quan tâm tới phương tiện đi lại của người dân ở những vùng xa xôi, còn nhiều khó khăn, cụ thể ở đây là người dân ba làng dọc sông Poko hàng ngày phải qua sông bằng cách “đu dây”. Và không chỉ có Poko mà nhiều nơi khác ở Tây Nguyên, trẻ em đi học, cô giáo đi dạy, người dân qua sông đến giờ vẫn phải đu dây, hoặc ngồi trong túi ny lông “nín thở” qua sông vì không có cầu.



Chúng ta lo chuyện lớn, tầm nhìn… xuyên thế kỷ hay chiến lược 50 năm, một dự án ngốn cả trăm tỉ USD với hình ảnh chiếc tàu cao tốc sang trọng phóng như bay chỉ trong 5 giờ là nối liền Bắc - Nam cũng là cần thiết, nhưng cần thiết nhất bây giờ là chuyện nhỏ hơn, trong tầm tay, kinh phí không bao nhiêu, khỏi vay nợ thế giới là… ba cây cầu treo hay nhiều hơn nữa cho người dân dọc sông Poko và nhiều nơi khác ở Tây Nguyên hàng ngày khỏi phải “đu dây” qua sông, đánh đu tính mạng của mình với dòng sông nước chảy xiết vẫn là chuyện ưu tiên phải làm và làm ngay vì nó là thực tiễn, là sự quan tâm tới đời sống người dân ngay trước mắt trước khi bàn và thực hiện những chuyện xa vời. Đặc biệt là những dự án vay thêm nợ cả trăm tỉ đô la, ngàn tỉ đô la.




Từ Kế Tường



(Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét