Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Thiên tai nhân họa là lỗi của Vua

Điền Phương Thảo


Việc xả lũ vào ban đêm là rất nguy hiểm do nước lũ về quá nhanh, người dân không kịp phòng tránh, thế nhưng bỏ ngoài tai những lời ca thán của người dân, vào cuối tháng 10 vừa qua, nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn tiếp tục bất ngờ xả lũ lần thứ hai với lưu lượng nước 800 m3/giây, trong khi tại những nơi chịu trận lũ hồi trung tuần tháng 10 mặt đất vẫn còn sánh bùn lầy lội, tổn hại của trận lũ trước còn chưa kịp khắc phục.Trong vòng nửa tháng, người dân chịu hai lần xả lũ.

                              14956521_1791995677706866_8544211347966486859_n

Muốn không tái phạm lỗi lầm, điều cần thiết là phải nhận ra lỗi lầm và sám hối. Chuyện kể rằng, các vị vua ngày xưa tin rằng khi trời giáng họa là do chính sách dân sinh không hợp lòng trời, nên mỗi khi đất nước có thiên tai, các bậc thiên tử tự trách rằng mình đã làm gì sai khiến Thượng Đế giáng họa xuống dân lành.

Sau đó họ lập đàn cầu nguyện, ăn chay hãm mình, thậm chí còn công bố chiếu thư trách tội mình, khiêm tốn nhận và sám hối lỗi lầm trước muôn họ.

Sử sách viết rằng vào đầu năm Giáp Thân (1824), sau khi tổ chức tế đàn Nam Giao, vua Minh Mạng định tổ chức yến tiệc, ban thưởng cho trăm quan nhưng thấy trời nắng quá nên vua bãi bỏ dự định đó. Ngài nói với quan Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận rằng: “Nắng hạn hầu muốn làm tai, cần phải lo sợ, sửa mình xét việc, há dám dối trời mà vui với tai họa vậy sao?”

Kinh Thánh Cựu Ước cũng kể lại câu chuyện vua Davit phạm tội chiếm vợ người khác, Thiên Chúa nổi giận và giáng ôn dịch xuống Isael khiến 70.000 người trong dân đã chết. Vua Davit đã thưa với Thiên Chúa: “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con đã có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè lên con và nhà cha con” (2 Samuel 24,15).

Đập thủy điện xả nước là yếu tố nhân tai trong tai họa lũ lụt. Thế nhưng, đại diện của nhà máy thủy điện Hố Hô cho rằng việc xã lũ bất ngờ với lưu lượng nước 1800 m3/giây là “ đúng quy trình” và Tổng Cục phó Năng lượng Đỗ Đức Quân thì cho rằng “chấp nhận được. Bởi nếu không làm vậy sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn hồ đập”.

Vậy ra việc bảo vệ sinh mạng người dân không quan trọng bằng sự “an toàn hồ đập” hay sao?

Rõ ràng, trong vòng nửa tháng miền Trung hứng chịu hai lần lũ lụt là do thiên tai lẫn nhân tai. Thế nhưng những người có trách nhiệm trực tiếp chẳng những không biết nhận lỗi lầm mà còn có những phát ngôn tỏ ý coi rẻ sinh mạng người dân. Do vậy người dân chỉ còn biết trông nhờ vào sự đùm bọc, thương xót của những tấm lòng vàng.

Được biết, cùng với các đoàn cứu trợ của cả nước đang hướng về miền Trung, một số linh mục dòng Chúa Cứu Thế không chỉ hiện diện với các nạn nhân lũ lụt khi cơn lũ còn chưa rút hẳn, nhưng còn thực hiện kế hoạch giúp đỡ nước sạch hậu lũ cho người dân. Các linh mục và các tình nguyện viên đã có mặt tại hiện trường rốn lũ để động viên, an ủi những mảnh đời rét mướt nơi đây .

Dù vậy vẫn rất mong có ngày nhà cầm quyền nhìn thấy sự nổi giận của thiên nhiên trên dãi đất Việt này mà biết hồi tâm chuyển ý. Cho dù quan niệm “thiên tai nhân họa là cảnh báo của thiên tượng” mang tính duy tâm đi nữa thì ở góc độ nào đó, việc vua chúa phải chịu trách nhiệm về thiên tai cũng có tính biện chứng nhất định. Nếu lãnh đạo đất nước thực sự quan tâm đến an sinh của người dân thì ắt sẽ có những đường lối, chính sách giúp giảm bớt thiên tai thảm họa. Ví như nếu chính quyền đương thời không ủng hộ việc phá rừng, xây đập thủy điện tràn lan thì chắc chắn người dân không phải chịu những trận lũ kinh hoàng như hiện nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét