Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 30/10 đã ban hành Nghị
quyết 04 của Trung ương Đảng. Nghị quyết do ông Nguyễn Phú Trọng ký nêu ra các
dấu hiệu về việc đảng đang biến chất, và xác định các biện pháp để chỉnh đốn đảng. Toàn văn nghị quyết được đăng trên nhiều báo Việt Nam, chỉ
ra 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những thuật ngữ Đảng Cộng
sản Việt Nam thường dùng để nói về việc nhiều đảng viên không còn tin tưởng vào
chủ nghĩa cộng sản và mong muốn áp dụng một hệ thống chính trị khác.
Cụ thể, Nghị quyết 4 viết rằng “một bộ phận không nhỏ đảng
viên” trong những năm gần đây “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh … đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’ … đòi thực hiện thể chế ‘tam
quyền phân lập’, phát triển ‘xã hội dân sự’.
Về suy thoái đạo đức, lối sống, nghị quyết chỉ ra các vấn đề
trong các đảng viên như cá nhân chủ nghĩa, tranh chức, tranh quyền, lạm quyền,
tham ô, tham nhũng, không trung thực; quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm với
nhân dân; lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn có những đảng viên
đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn
giáo bất hợp pháp, hoặc dính líu vào các tệ nạn xã hội khác.
Để xử lý các vấn đề kể trên, nghị quyết xác định 4 nhóm giải
pháp bao gồm: công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế
chính sách; kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc, và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Sau khi được công bố, nghị quyết đã thu hút sự quan tâm lớn
của đảng viên và nhân dân. Luật sư Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức ở Việt
Nam, nói nghị quyết cho thấy Đảng Cộng sản đã nhận thấy nguy cơ về sự tồn vong
của đảng. Tuy nhiên, vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng sẽ gặp
nhiều khó khăn khi tự giải quyết các vấn đề:
“Chống tham nhũng, chống suy thoái bắt đầu đặt ra từ Đại hội
lần thứ 8, bây giờ đã chuyển sang năm thứ 26 rồi. Nhưng câu chuyện nó không giảm
mà ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Bệnh tham nhũng, suy thoái đã nhập
vào tạng phủ con người rồi. Bóc ra để mà chống cái chuyện đó là một chuyện
không đơn giản một chút nào. Với tư cách là một người trong đội ngũ của Đảng Cộng
sản, tôi cho rằng việc triển khai nghị quyết này cũng không đơn giản. Cái cơ thể
mà mình tự mổ xẻ, tự xử lý rõ ràng là không đơn giản. Theo tinh thần nghị quyết,
tự mổ xẻ, tự phê phán, tự làm chính trị tư tưởng, thì rõ ràng tôi cho là giải
pháp sẽ không đáng bao nhiêu”.
Luật sư Thuận bổ sung thêm rằng riêng trong việc chống tham
nhũng ở Việt Nam, khi nhà chức trách cần truy tố, khởi tố những người là đảng
viên, họ vướng một rào cản là Chỉ thị 15 do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ban hành
năm 2007.
Theo chỉ thị, cơ quan bảo vệ pháp luật nếu muốn truy tố một
đảng viên phải báo cáo cho đơn vị đảng đang quản lý đảng viên đó biết. Đơn vị
đó phải kỷ luật đảng viên như khai trừ đảng hoặc cảnh cáo rồi cơ quan bảo vệ
pháp luật mới có thể truy tố, khởi tố vụ án. Ông Trần Quốc Thuận khẳng định “muốn
xử một đảng viên mà có cương vị thì cũng không đơn giản một chút nào”.
Năm 2015, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an
TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại một hội nghị về phòng chống tham nhũng rằng công
an thành phố “cũng phải chấp hành Chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành
vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng
viên”.
Với thực tế là Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề
lớn, kể cả đặt ra sự tồn vong của đảng, song cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Trần Quốc Thuận cho rằng ở thời điểm này ông chưa thấy có lực lượng nào có thể
thay thế ngay đảng này. Ông nói:
“Nhìn tất cả các lực lượng chính trị-xã hội thì chưa thấy lực
lượng nào thay thế ngay Đảng Cộng sản được. Cho nên kỳ này, Đảng Cộng sản tự chỉ
bệnh, tự chữa bệnh cho mình. Còn tự chữa bệnh cho mình không được, có thể là tự
diễn biến, tự chuyển hóa thành một tổ chức nào đó mà nó không còn được như cũ.
Chứ còn nói lực lượng nào đứng ra thay thế thì đến bây giờ tôi nhìn thấy ở Việt
Nam, kể cả lực lượng nước ngoài về thì cũng chưa đủ sức, chưa có lực lượng nào
có thể thay thế được”.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân quan tâm và bình luận về
Nghị quyết 04. Một số người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lo sợ sự
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì đó có thể chính là “tự đổi mới”, “tự sáng tạo”
để đối phó với những thách thức mới hoặc tận dụng những cơ hội mới đặt ra cho đất
nước.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét