Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Tôi sợ cái gọi là... vì nhân dân

Định An


             
Bộ Y Tế đã xóa bỏ thành công chế độ nhân dân 2 người nằm một giường: Nay 3 người nằm một giường và vẫn còn chỗ dưới gầm giường!


Tôi sợ, sợ cái mỹ từ vì nhân dân lắm. Thời bây giờ, cán bộ mở miệng ra là nói vì nước, vì dân, nhưng việc làm thì lại vì tư lợi cá nhân, gia đình, dòng họ, nhóm lợi ích... Lý luận thì lúc nào cũng hay, cũng đúng: nào là do dân, vì dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cán bộ là công bộc, đầy tớ, là phục vụ... nhưng thực tiễn lại khác hoàn toàn, không cho dân nói, làm gì dân cũng không hay, nhưng hậu quả thì dân gánh chịu. Cán bộ, người liêm khiết như lá mùa thu, còn những kẻ thì lạm quyền, tham nhũng thì đông như quân nguyên. Từ thực tế này, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ - Đại biểu Quốc hội, cay đắng nói rằng, những “công bộc” này “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phiên bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 12 (28/1/2016), với lời hứa rằng: "... xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm". Tôi nghi ngờ điều ấy. Bởi lẽ, mấy chục năm qua các vị ấy nói cũng nhiều, hứa cũng không ít, nhưng thực tế là "ngôn hành bất nhất".

Nghe rất hay, cái gì cũng là của dân, ruộng đất sở hữu toàn dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, tòa án nhân dân, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân... Nhưng thực tế dân chẳng có gì, ngay mảnh đất đang sinh sống của mình, họ cũng không có quyền sở hữu, có thể vào một ngày đẹp trời, họ sẽ biến thành dân oan mất đất.

Cai trị nào không là cai trị, bóc lột nào không là bóc lột. Thời thực dân, Phong kiến dân phải chịu trăm thứ thuế đã đành, nay nước độc lập thuế phi cả ngàn. Nông dân, một con gà phải gánh chịu 14 loại thuế phí, doanh nghiệp làm được10 đồng, thuế 4 đồng. Thanh Hóa với "mùa sưu thế hãi hùng", Hà Tĩnh, nông dân khóc "vì sưu cao thuế nặng"... Ngẫm câu nói lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "nước độ lập mà nhân dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa", thật chua chát.

Ông trưởng thôn thu lại tiền cứu trợ bão lụt, nói vì công bằng người dân. Một Sở có 46 công chức, 44 người làm lãnh đạo, ông Giám đốc sở cũng giải thích, là vì dân. Thật chẳng hiểu các ông vì dân cái gì?. Đúng là chỉ biết cười ra nước mắt.

Tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, mọi cấp mọi ngành, từ cấp thôn cho đến Trung ương. Nhưng hơn một triệu người kê khai tài sản (cán bộ, đảng viên) lại không phát hiện ra người vi phạm dù đã xác minh hơn 400 trường hợp. Hài ước quá.

Trước kia làm thất thoát vài tỉ là kinh rồi, nay thất thoát ngàn tỉ coi như không có gì. Chỗ này dự án, chỗ kia quy hoạch, đất đai của dân thu hồi đền bù giá dưới đất, bán lại giá trên trời. Những nhà máy ngàn tỉ bỏ hoang, những công trình tiền tỉ mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Trách nhiệm với tiền thuế của dân ai phải chịu? Nói về nạn tham nhũng, bà Nguyễn Thị Doan, lúc còn đương chức Phó Chủ tịch nước, đã chua xót phát biểu trong một kỳ họp Quốc hội: “Tôi càng đi càng thấy buồn. Người ta ăn của dân không chừa thứ gì!”.

Nước nghèo, nợ nần, dân đói khổ, nhưng chổ này xây tượng đài, quảng trường ngàn tỉ, chổ kia xây cổng chào hoành tráng trăm tỉ. Những cái đó có vì nhân dân không? nếu không thì hoành tráng để làm gì?

Dân trộm con gà, cướp ổ bánh mì vì đói bị truy tố trách nhiệm hình sự, cán bộ tham ô tiền tỉ chỉ bị kiển trách. Dân lỡ tay làm sứt tí da cán bộ lãnh vài năm tù, cán bộ đánh dân bầm dập chỉ bị kiểm điểm. Lập án oan, đẩy người dân lương thiện vào chốn lao tù lại được thăng chức, khi bị phát hiện oan sai, cái mặt cứ nhơn nhơn, nói tại này tại kia, tiền đền bù lại cũng lấy từ ngân sách, chẳng ai bị truy tố về trách nhiệm. Vậy công bằng ở đâu? vì dân cái gì?

Nhìn vào thực trạng của đất nước, trì trệ, lạc hậu, nhìn đâu cũng thấy bất công, bạo lực, bệnh tật, tham nhũng... Cán bộ nhiều người hết sức giàu có, mua đất, xây nhà, đi xe sang, con du học nước ngoài, trong khi vô số người dân sống lầm than, cơ cực. Mới đây tại Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã thẳng thắn nói “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?". Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, "Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?". Đất nước, người tài giỏi ra đi, kẻ có chức có quyền đục khoét rồi cũng ra đi, còn ai vì dân?

Còn nhiều chuyện lắm, kể biết khi nào cho hết. Nghĩ rằng, khinh dân, coi thường dân, quay lưng lại với nhân dân luôn là sai lầm của mọi chính quyền, mà cái giá phải trả là rất đắt. Lịch sử đã để lại nhiều bài học quý giá, nhà Trần công lao ba lần chống Nguyên mông hiển hách, nhà Lê đánh đuổi quân độ hộ, nhà Nguyễn công lao mở cỏi, thống nhất sơn hà. Nhưng khi chính quyền không còn thuận với lòng dân, quay lưng lại với dân, bóc lột dân, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, từ đó dẫn đến suy yếu và sụp đổ.

Các triều đại phong kiến, thời thịnh suy khác nhau nhưng cùng có chung những dấu hiệu sụp đổ, đó là: Sự thoái hóa của giai cấp thống trị, Đời sống nhân dân cơ cực, các loại thuế phí tăng cao, Thiên tai, đói kém liên miên – Nạn lưu vong phổ biến, Sự lấn lướt của cương hào, ác bá ở địa phương, Mất lòng tin và sự bất mãn của nhân dân, Sự chiếm đoạt ruộng đất (Nguồn nghiencuulichsu. com). Xét tình hình đất nước hiện nay có đúng vậy?

Thương thay vận nước, phận dân. Xin được trích dẫn mấy câu thơ của Nguyễn Phi Khanh để phản ánh cuộc sống thực tại của nhân dân.

Đạo huề thiên lí xích như thiêu
Điền dã hưu ta ý bất liêu
…Lại tư võng cổ hồn đa kiệt.
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu…

(nghĩa là: Ruộng lúa ngàn dặm đỏ như cháy, Đồng quê than vãn trông vào đâu, Lưới chài quan lại còn vơ vét, Máu thịt nhân dân cạn nửa rồi…)


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét