Hùng Tâm
Những tính toán nan giải của tổng thống Philippines
Người Mỹ nào không thích ứng cử viên Donald Trump đều có sẵn
một nhân vật để so sánh, là Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines. Duterte
cũng ăn nói sỗ sàng, chửi thề văng tục chẳng kiêng dè. Đã vậy, ông còn mạt sát
Tổng Thống Barack Obama và đòi xét lại chiến lược liên minh với Hoa Kỳ để có
chính sách đối ngoại độc lập hơn. Nhưng đấy là ấn tượng do báo chí mau lẹ tường
thuật, chứ sự tính toán của tổng thống Philippines mới đáng chú ý sau khi nhậm
chức được năm tháng và vừa hoàn tất chuyến công du Đông Á.
Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về hiện tượng
Rodrigo Duterte.
Người hùng Digong
Sinh năm 1945 từ một gia đình khá giả, Rodrigo Duterte tốt
nghiệp chính trị học và luật học vào các năm 1968, 1972 rồi làm luật sư, biện
lý trước khi trở thành thị trưởng của thành phố Davao của đảo Mindanao qua nhiều
giai đoạn, tổng cộng là 22 năm. Ông Duterte còn được người dân gọi tên theo tiếng
Tagalog là Digong và nổi tiếng với thành tích trừ gian dẹp loạn qua nhiều biện
pháp cứng rắn, đặc biệt là diệt trừ nạn ma túy, vì vậy mà bị quốc tế phê bình
là không tôn trọng nhân quyền. Đắc cử tổng thống, thứ 11 của Philippines, từ
Tháng Năm vừa qua, Duterte được lòng người dân chính là nhờ thành tích an ninh
đó. Gần đây, khi bị Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc kết án, ông dọa rút khỏi
tổ chức quốc tế này!
Chúng ta cần thấy ra sự thật từ nội tình Philippines.
Cuộc khảo sát ý dân của cơ quan nghiên cứu Pulse Asia
Research vào Tháng Bảy vừa qua cho biết Duterte được 91% dân chúng tin tưởng, tỉ
lệ kỷ lục cho một viên chức công quyền Philippines. Chi tiết thứ hai, tới 10%
dân Philippines mắc bệnh ghiền loại “ma túy đá” cực độc (Methamphetamine hay
Crystal meth) so với 0.2% dân Mỹ theo cuộc khảo sát năm 2012. Vì vậy, người dân
hai nước có cái nhìn khác biệt về cùng một tệ nạn xã hội và riêng với quần
chúng của ông, việc Duterte ủng hộ việc ám sát những kẻ buôn lậu ma túy (ngoài
thủ tục công lý thông thường) không là một nhược điểm.
Ngược lại, theo cuộc khảo sát mới nhất của đại học Chapman tại
California mối lo sợ số một, của hơn 60% dân Mỹ, là nạn tham nhũng của viên chức
công quyền, còn cao hơn nỗi sợ về nạn khủng bố (41%). Với những gì đang được chứng
kiến về việc FBI điều tra lại Tổng Thống Bill Clinton khi ân xá một doanh gia
tham nhũng đã từng yểm trợ ông về tài chánh và nhất là vụ sử dụng điện thư của ứng
cử viên Hillary Clinton cho thấy một ưu tiên khác của nước Mỹ, nơi mà cả hai ứng
cử viên tổng thống đều bị 60% dân chúng cho là không đáng tin.
Cũng chính là việc bị truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế đả kích
lại khiến ông được người dân khen là có tinh thần độc lập và chẳng sợ ngoại
bang! Nhiều người Philippines coi Digong là anh hùng.
Philippines trong quan hệ quốc tế
Năm tháng sau khi lên cầm quyền, Duterte gây chú ý vì chuyến
thăm viếng hai nước đối nghịch là Trung Quốc rồi Nhật Bản vào cuối Tháng Mười.
Tại Bắc Kinh, ông cải thiện mối bang giao với Trung Quốc, lờ
hẳn phán quyết hồi Tháng Bảy của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về cuộc tranh chấp
chủ quyền biển đảo giữa hai nước và ký kết hàng loạt hợp đồng trị giá tới $24 tỷ.
Sau buổi tiếp xúc, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc còn tuyên bố rằng quan
hệ giữa hai nước là “huynh đệ máu huyết.”
Sau đó, Duterte chính thức thăm viếng Nhật Bản, tránh không
nhai kẹo cao su khi diện kiến Nhật Hoàng và cũng ký kết nhiều văn kiện hợp tác
kinh tế trị giá bạc tỷ, kể cả một ngân khoản tín dụng $400 triệu để phát triển
nông nghiệp và hạ tầng vận chuyển trong tỉnh Mindanao của Philippines. Hai quốc
gia còn tăng cường hợp tác về quân sự nhằm bảo vệ lãnh thổ của Philippines.
Thế giới đều biết tới mâu thuẫn Hoa-Nhật và để ý đến việc Tổng
Thống Duterte đang muốn bang giao tốt đẹp với cả hai cường quốc trong khu vực.
Đây là việc không dễ.
Thật ra, nếu quan hệ Phi-Hoa đang có vẻ cải thiện, trái hẳn
với chủ trương của vị tổng thống tiền nhiệm là ông Benigno Aquino III, thì cũng
chẳng là điều lạ. Mọi thế hệ lãnh đạo Philippines đều có nhu cầu bảo vệ quyền lợi
an ninh và kinh tế của một nước nhỏ, bên trong có nhiều vấn đề, ở giữa hai cường
quốc Đông Á là Nhật Bản ở rất gần và Trung Quốc ở xa hơn một chút mà ngày càng
có thái độ bành trướng ngang ngược hơn. Dung hòa quan điểm với cả hai,
Philippines hy vọng có thêm phương tiện kinh tế cải thiện hạ tầng, khai thác
tài nguyên nội địa và nhất là ổn định được tình hình quá bất ổn ở bên trong, với
nạn khủng bố và nổi loạn của lực lượng Hồi giáo lẫn các lãnh chúa cát cứ đòi ly
khai trong một quốc gia quần đảo.
Thời Benigno Aquino, Phi đã tăng cường hợp tác kinh tế với cả
hai thị trường Hoa-Nhật, ngày nay, Duterte muốn nâng lên một cấp độ khác.
Khi Bắc Kinh ra mặt bành trướng và đe dọa quyền lợi của
Philippines thì từ mấy năm trước, lãnh đạo Manila tìm cách hợp tác với Hoa Kỳ,
và hụt nhiều cơ hội kinh tế với Trung Quốc trong khi lại tùy thuộc nhiều hơn
vào một đối sách khó tin cậy của Chính Quyền Obama vì Trung Quốc là bạn hàng của
doanh gia Mỹ. Ngày nay, Duterte hy vọng tranh thủ thêm quyền lợi kinh tế mà khỏi
mất chủ quyền nên vừa thêm gắn bó với Nhật vừa củng cố quyền lực của mình. Việc
ông mạnh tay bảo vệ an ninh trật tự chống lại quốc nạn ma túy nhắm vào mục tiêu
đó. Khi bị Hoa Kỳ trách cứ, ông có phản ứng “chống Mỹ” rất ồn ào táo bạo, với kết
quả là càng được lòng dân!
Dĩ nhiên là Tập Cận Bình cũng khai thác cơ hội để gây ly
gián trong quan hệ giữa Manila với Washington, nhưng không thể tin rằng
Philippines của Duterte sẽ sớm bỏ Mỹ theo Tầu.
Bắc Kinh đã cướp trắng bãi đá cạn Scarborough Shoal vào năm
2012 khi Manila nghiêng về Mỹ mà Hoa Kỳ cũng chẳng có thái độ bảo vệ mạnh hơn.
Sau khi dung hòa quan điểm với Bắc Kinh và tránh nhắc tới phán quyết của Tòa Án
Quốc Tế, Duterte tuyên bố ngay sau khi rời Trung Quốc là ngư phủ Philippines sẽ
trở lại vùng bãi cạn này “trong vài ngày tới.” Tuy nhiên, chẳng ai tin, kể cả
Duterte, rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng chủ quyền của Philippines. Phong cách phát
biểu sống sượng của tổng thống Philippines về Hoa Kỳ chỉ là một cách ngã giá.
Hoa Kỳ và Philippines đã có Hiệp Ước Tương Tác Quân Sự
(Mutual Defense Treaty) ký kết từ năm 1951 và Quốc Hội hai nước đều không muốn
tu chính hay hủy bỏ văn kiện này. Đã vậy, Tháng Ba năm 2014, hai quốc gia ký
thêm Thỏa Ước Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng (EDCA, Enhanced Defense Cooperation
Agreement) cho phép Hoa Kỳ triển khai việc đưa lực lượng quy ước vào năm căn cứ
quân sự của Philippines. Khi ồn ào đả kích Mỹ và còn đòi xét lại quan hệ chiến
lược với Hoa Kỳ, Duterte đang nói thách, có thể là để đòi hỏi nhiều điều kiện
có lợi hơn trong khuôn khổ EDCA.
Chỉ vì thực tế là cả hai nước vẫn cần nhau và Duterte rất sợ
khi để lãnh đạo Mỹ nắm dao đằng chuôi và lại đổi ý sau mỗi kỳ bầu cử. Thí dụ
khó quên là đầu Tháng Mười vừa qua, khi Hoa Kỳ hăm dọa không bán một số võ khí
cho Philippines vì thái độ không tôn trọng nhân quyền của chính quyền Manila,
Duterte lập tức phát biểu rằng Phi sẽ mua võ khí của Nga hay của Trung Quốc!
Chẳng ai tin là Philippines sẽ mua võ khí của Nga, nhưng với
Trung Quốc thì khác: kinh tế Philippines nhập cảng tới 16% từ Trung Quốc và bán
11% tổng số xuất cảng qua Tầu. Nếu Duterte chỉ nhắm vào quyền lợi kinh tế thì sẽ
bị Bắc Kinh thôn tính nên phải đi hàng hai, tìm sự yểm trợ về an ninh từ Nhật Bản
ở gần và từ một siêu cường ở cách Philippines tới 10 ngàn cây số. Siêu cường
này còn là bạn hàng số một và thị trường xuất cảng lớn nhất của Philippines.
Lối phát biểu sống sượng của ông Duterte cần được nhìn từ bối
cảnh éo le đó.
Quan hệ Mỹ-Philippines
Chúng ta biết là từ 1898 cho tới 1946, Philippines từng là một
thuộc địa của Hoa Kỳ.
Người dân Philippines luôn luôn có thiện cảm với nước Mỹ,
nhưng lãnh đạo xứ này không thể quên Hoa Kỳ từng là một đế quốc và sau là một đồng
minh có thái độ kẻ cả, nhiều khi hành xử như quan thầy ưa thích dạy bảo. Mọi nước
đồng minh của Mỹ, từ Âu sang Á, đều thấy đặc tính nhuốm mùi “phụ quyền” của nước
Mỹ, ưa đòi làm cha thiên hạ, nên đều biết tự chuẩn bị.
Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên
Bang Xô Viết năm 1991 – và Trung Cộng chưa lên hàng cường quốc – cả Philippines
lẫn Nhật Bản đều thấy Hoa Kỳ thay đổi đối sách. Nhật Bản trôi vào suy thoái
kinh tế một phần cũng vì đối sách đó. Philippines thì lập tức yêu cầu Mỹ rút
quân khỏi hai căn cứ hải quân và không quân Subic Bay và Clark Fields.
Tự ái quốc gia được vuốt ve cho tới khi an ninh của
Philippines lại thành vấn đề vì sự xuất hiện đáng ngại của Trung Quốc. Nhưng dù
chẳng muốn lệ thuộc vào Hoa Kỳ, Duterte cũng hiểu rằng nước Mỹ và các đồng minh
Đông Á khác mới có khả năng ngăn ngừa Bắc Kinh hoàn toàn khống chế vùng biển
Đông Nam Á. Ưu tiên của ông là ồn ào quạt Mỹ để được lòng dân ở nhà, nhưng chẳng
vì vậy mà lại trở thành chư hầu của Bắc Kinh.
Rủi ro của ông, ở nhà, là bị các phần tử “thân Mỹ” làm khó,
hoặc thậm chí đảo chánh. Chuyện này không dễ xảy ra vì từ 30 năm qua,
Philippines đã củng cố dần nền dân chủ và chẳng ai muốn có lại một chế độ độc
tài quân phiệt như đã thấy vào thời lãnh tụ Ferdinand Marcos, từ 1965 tới 1986.
Kết luận ở đây là gì?
Rodrigo Duterte có dáng vẻ khật khùng, nhưng chẳng là người
điên. Ông chỉ nói lớn những gì các lãnh tụ khác thầm nghĩ trong lòng.
Ông đang cần dẹp êm sự hỗn loạn bên trong và tìm cách ngăn
ngừa mối nguy Trung Quốc ở bên ngoài mà lại bị kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Rút kinh nghiệm quốc tế, ông cũng hiểu rằng quá tin vào Mỹ thì có ngày mất quyền
hoặc mất mạng.
Bài toán ấy cũng đủ khiến cho nhiều người tử tế phải chửi thề!
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét