Thiện Tùng
6 – Những biểu hiện tiêu cực trong thể chế độc tài Đảng trị
Mọi trì trệ người ta đều đổ do cơ chế. Vậy cơ chế hiện nay
là gì? từ đâu ra? nếu bất lợi sao còn giữ mãi nó?…
Cơ chế là một thiết chế do giai cấp đang thống trị đặt ra nhằm
giữ thế thượng phong cho giai cấp ấy. Như mọi người ít nhất một lần nghe đến,
cơ chế chính trị bao trùm ở VN hiện nay là đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân
làm chủ. Nó ra đời cùng thời với thể chế chính trị độc tôn, toàn trị của Đảng
CSVN. Người ta cố giữ nó với bất cứ giá nào là vì lợi thế, lợi ích của Đảng, của
phe nhóm người ta, đó là điều dễ hiểu. Còn có chấp nhận nó hay không đó là việc
của cộng đồng dân tộc.
Để giữ thế độc tôn, toàn trị, từ Lập pháp, Hành pháp, Tư
pháp, các bộ ở Trung ương đến lãnh đạo các địa phương đều do Đảng CSVN cơ cấu đảng
viên của mình ra ứng cử, theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu”. Từ đó, họ có làm bậy
dân cũng không có quyền bãi miễn. Cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành… đều là
đảng viên. Họ ngồi vào ghế quan do đảng, họ được thăng quan tiến chức do đảng…
Họ chỉ sợ đảng cấp trên của họ. Đối với cấp dưới và dân, họ như những ông vua
con, tha hồ mà tác oai tác quái. Đảng là trừu tượng, như một cơ thể; đảng viên
là cụ thể, như những tế bào. Đảng bảo vệ đảng viên là bảo vệ tế bào của bản
thân mình, đó là điều dễ hiểu. Đảng giết đảng viên khác nào tự sát. Rõ mối liên
hệ chung riêng ấy, đảng viên mới dám làm những điểu mà người ngoài đảng không hề
dám. Người ta đánh giá đảng qua đảng viên, đảng viên tốt thì đảng mới tốt và
ngược lại.
Nói con số tròn, dân số Việt Nam hiện nay gần 90 triệu,
trong đó có khoảng non 4 triệu đảng viên. Những vụ tham nhũng, tiêu cực được
phát hiện, vụ nào cũng có ít nhất bốn phần năm (4/5) can phạm là đảng viên – một
tỷ lệ hư hỏng trong đảng đang cầm quyền đã báo động đỏ. Tế bào (đảng viên) hư
nhiều như vậy, cơ thể (đảng) nếu không vào nhà thương nhờ danh y dùng thuốc đặc
trị, tử vong là cầm chắc?.
Tại sao lúc đầu dùng cụm từ chống tiêu cực, nhưng ít lâu sau
thay nó bằng cụm từ chống tham nhũng? Có lẽ Trung ương Đảng thấy vi khuẩn đã
thâm nhập vào não bộ. Tham thì có thể bất cứ ai, còn nhũng phải người có quyền.
Chống tham nhũng là chống người có quyền mà tham. Người không quyền mà bảo chống
người có quyền ai mà dám!. Thật khôi hài: “Lãnh đạo mà ở dơ rồi bảo người bị
lãnh đạo tắm, vị bụng người ta tắm cho rồi đạp người ta…” Hơn nữa, những người
làm bậy ấy do đảng cơ cấu họ vào ghế quan, họ là tế bào của đảng, tốt hơn hết để
đảng tự xử cho tròn trách nhiệm với dân. Nếu không tự xử được, hãy dẹp qua một
bên, đừng chàng ràng ở đó chướng mắt, khiến cho người đời thêm tâm và khẩu đều
không phục.
Tôi về nông thôn dự giỗ, một lão nông vốn quen biết hồi còn
chiến tranh, ông xề lại gần tôi nói: “Hồi đó tao đánh giá tụi bây tốt là sai…”
Tôi đáp lại: “Hồi đó ông đánh giá chúng tôi tốt là đúng, giờ đây ông xem chúng
tôi vẫn tốt như xưa là sai.” Ông vỗ vai tôi mấy cái, nói: “Sám hối như thế còn
có thể chơi được”.
Trong tiệc cưới ở nhà hàng, hai người khách ngồi gần nhau, một
người chỉ người mới vào cửa nói:“Thằng đó tuy đảng viên nhưng nó tốt” – Vậy là
sao?.
Trong chiến tranh, vào đảng là vào đội tiên phong chiến đấu,
ngày nay vào đảng như
vào dân Tây. Được thẻ đảng là được ghế quan. Thẻ đảng có giá
trị hơn bằng Đại học, có bằng Đại học đôi khi thất nghiệp, có thẻ đảng thì chắc
ăn như bắp. Do vậy, kẻ thất đức, bất tài bằng mọi cách luồn lách để được vào đảng,
được đảng cơ cấu làm quan. Hễ quan thì có quyền, hễ có quyền thì có lợi: Ngoài
việc ăn trên ngồi trước, ít nhất cũng có lương khá; có phương tiện công đi lại;
được ưu đãi trong trị bịnh; con cái được ưu tiên trong học hành và làm việc; có
chế độ tiếp khách; chữ ký bán rất có giá trị; làm quấy nếu bị phát hiện có đảng
binh, xử lý nội bộ; lộ liễu quá không thể che được phải ra tòa thì được tòa xử
theo chỉ thị của đảng; kẹt lắm phải vào tù thì ở tù cha và sẽ được tha vào kỳ
ân xá gần nhất v.v… Càng về sau, cán bộ đảng viên chất lượng càng kém, dễ tha
hóa biến chất. Từ thực tế đó, dân gian mai mỉa:
“Đảng là mẹ, Bác là cha
Từ khi Bác mất, Đảng ta tái chồng
Sanh ra một lũ con đông
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”.[1]
Ở Việt Nam, từ cán bộ dùng ám chỉ cho các hạng quan chức nói
chung, cửa quan là cửa quyền. Cũng ở VN, xưa nay đều rêu rao “Cán bộ là đày tớ
nhân dân”, nhưng thực chất thì hoàn toàn ngược lại “Dân là đày tớ cho cán bộ”.
Vì vậy mới có chuyện mua quan bán chức lan tràn, cán bộ là đích đến của mọi
tham vọng. Việc mua quan bán chức nhìn vào chóng mặt. Quan chức mà không biết
làm gì (chủ trương) và chẳng biết làm thế nào (thực hiện). Họ giỏi nói phét,
tham nhũng, nhậu, tán gái…Cả nước nói chung, đặc biệt ở Sài Gòn và Hà Nội nói
riêng, phần đông cán bộ cao cấp đều có mướn “Osin”, gọi hoa mỹ là “người giúp
việc”, nói trắng ra là người “đày tớ” không hơn không kém. Vậy, nói một cách
chính xác: Người giúp việc là đày tớ thật, còn người thuê người giúp việc (cán
bộ) là đày tớ giả.
Nếu cán bộ thực sự là đày tớ nhân dân thì ít ai chịu làm bán
bộ. Làm cán bộ ở VN thời nay sướng chưa từng thấy. Tôi mô tả cái sướng của họ bằng
bài thơ “Sống, chết như Ông”:
Làm việc như Ông (bà) sướng bậc tiên:
Việc gì cũng có trợ lý riêng
Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm
Trần thế khác gì chốn non tiên?.
Tiếp khách kiểu Ông sướng quá tay:
Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài
Kê chung phiếu đỏ đưa Ông ký
Công quỹ phải nào của riêng ai?
Nằm viện như Ông sướng bậc cha:
Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca
Ông sai Ông khiển như đày tớ
Lựng bựng coi chừng Ông thải ra.
Đám táng của Ông lớn quá trời:
Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi
Tiễn đưa Ông đến nơi an nghỉ
Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi.
Đâu chỉ thế, còn chôn trước chôn sau, mả lớn mả nhỏ theo tôn
ty trật tự Phong kiến. Trường, đường không đủ cho ngài chia nhau đặt tê để “lưu
danh” cho muôn đời sau!
Người ta biến ê kíp thành cánh hẩu (nhóm lợi ích). Hễ hẩu
thì hảo (gôm vào), hễ bất hẩu thì bất hảo (thải ra). Tội phạm cộng với quyền lực
thành băng nhóm ma-phi-a: Mầy ăn, tao ăn, nó ăn = chúng ta cùng ăn. Phải rạch
ròi: Cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng, cái nào kiếng thì kiếng. Phải giữ
kín cho nhau, thực thi luật giang hồ “Mi không đánh ta, ta không đánh mi”, ngăn
ngừa lây lan “bịt khẩu” là thượng sách. Bọn cơ hội, tham nhũng thường dùng thủ
thuật “Tạo rồi biến cái nhược của người thành cái lợi thế cho mình”…
Đã là đảng thì tất phải có đảng trưởng (đầu đảng). Đảng trưởng
là nhân vật tối thượng, có nhiều lợi quyền nhất. Trong một quốc gia, nếu độc đảng
toàn trị, Đảng trưởng như một ông vua, đảng viên là quần thần, còn lại là đám
thảo dân. Đảng CSVN hiện nay là đứa con lai tạp chủng, giống cha nhiều hơn giống
mẹ, cha là ông Phong (Phong kiến), mẹ là bà Tư (Tư bản), đang hưởng di sản cha
mẹ mà không thừa nhận cha mẹ. Đứa con lai nầy rất xảo trá, khó nhận dạng – nó
nhưng không phải là nó: Phong kiến thì chỉ có 1 vua, còn nó thì nhiều vua (vua
tập thể), vua ở từng cấp từ cao đến thấp – vua của vua. Nói một đàng làm một nẻo,
theo kiểu “treo đầu Dê bán thịt chó”. Làm kinh tế thị trường còn định hướng
XHCN. Nó núp dưới dạng thể chế Dân chủ cho hợp thời, đưa ra luật pháp có đủ “đầu
đuôi thủ vĩ ”, nhưng hành xử thực chất là “Quân xử thần tử, thần bất tử bất
trung”.
Đã là đảng thì sớm muộn gì cũng sẽ chia phái. Phái nầy đấu
đá với phái kia để tranh quyền đạt lợi. Nếu có liên minh các phái với nhau, đó
cũng là sự liên minh ma quỷ: khi hạ gục đối phương rồi thì quay lại thanh toán
với trong phái để giành quyền làm đảng trưởng. Trong thể chế Độc tài Toàn trị,
giới cầm quyền như một đàn Khỉ, con khỉ đực nào mạnh nhứt thời nó nhăn d…tất cả
những con khỉ đực khác để độc chiếm…., giống như vua chúa ngày xưa, thiến tất cả
đàn ông phục vụ nội cung. Cuộc đấu đá tranh giành ngôi thứ dưới thể chế Độc tài
không bao giờ kết thúc, xã hộ luôn bất an, không loại trừ nội chiến.
Muốn chấm dứt việc đấu đá tranh giành quyền lực nầy chỉ có
con đường duy nhất là thực hiện Dân chủ Đa nguyên, thiết lập Nhà nước Dân chù
Pháp quyền, bằng cách: để cho dân chọn người đứng ra quản lý xã hội, phúc quyết
Hiến pháp và các luật cơ bản…
Bọn tham nhũng chống chế ghê gớm đối với bất cứ ai chống lại
chúng. Cũng dễ hiểu, nếu để bị bóc vỏ thì mất hết, nếu không mất mạng thì mất
quyền, mất cả những gì mà họ dày công vung vén, và mất uy tín đối với xã hội.
Chúng rất sợ báo chí phanh phui việc làm sai trái của chúng, nếu để đổ bể ra chết
chùm hoặc ít nhất cũng “đội quần” trước công chúng. Làm động tác giả chi cho
hao hơi tốn sức, không cần sắm ra Ban nầy, Bộ nọ chi cho hao tài tốn của, chỉ cần
ông TổngTrọng, Chủ Sang, Thủ Dũng… bật đèn cho truyền thông đại chúng đưa ra
công khai những việc tiêu cực, tham nhũng trong xã hội thì sẽ hạn chế đến mức
thấp nhứt những tệ nạn nầy. Tham nhũng cũng được đôn lên, cũng được hạ cánh an
toàn thì dại gì mà không hốt của khi có điều kiện?.
Ai cũng thấy, cũng nói tham nhũng trở thành quốc nạn. Vì lý
do nầy nọ, không diệt được chúng từ trong trứng nước, giờ đây nó sinh con đẻ
cháu đầy đàng, cày cắm khắp mỗi cấp, mỗi ngành, mọi nơi, phần lớn họ là đảng
viên (tế bào) nên được đảng (cơ thể) bảo vệ. Chỉ còn mỗi cách, đảng chấp nhận
đau đớn làm cuộc “đại phẫu thuật” mới may ra sống sót với hình hài dị dạng.
Việt Nam đang trong thực trạng tiền và quyền cấu kết với
nhau: Tiền nhờ Quyền giúp đỡ, che chắn trong làm ăn; Quyền nhờ Tiền xây cơ lập
nghiệp, biến đổi thành phần từ Vô sản thành thành Tư sản. Họ đã và đang cấu kết
với nhau, xem tiền là tất cả:
Tiền là Tiên là Phật
– là sức bật tuổi trẻ
– là sức khỏe ông già
– là cái đà danh vọng
– là cái lộng che thân
– là cán cân công lý
– là tình đồng chí
– hết ý cuộc đời…
Dưới cái cơ chế của tiền và quyền quấn quít với nhau, các
quan chức cơ cấu con cháu họ vào, bất cần nó có đức tài hay không. Họ cơ cấu
theo huyết thống (theo dòng máu), cha truyền con nối “Con vua thì được làm vua,
con sải ở chùa thì quét lá đa”, họ cố lờ đi vế sau: “Đến khi binh lửa can qua,
con vua thất thế phải ra quét chùa”.
Quan chức thích kết thông gia với nhau: Con anh dâu tôi, con
tôi rễ anh, chúng ta có trách nhiệm lo cho chúng có cuộc sống đàng hoàng, có vị
thế xã hội xứng đáng. Người ta thường nói “nhứt thân, nhì thế”. Họ quen thân
nhau và đều có thế, chơi trò: “Anh nhận con tôi, tôi nhận con anh; anh chiếu cố
con tôi, tôi chiếu cố con anh; anh đuổi con tôi, tôi đuổi con anh”.
“Chủ nghĩa lý lịch theo kiểu cha truyền con nối, ngoài cản
trở việc kén chọn nhân tài, nó còn là nguồn gốc của nạn tham nhũng, tiêu cực xã
hội. Thử lấy người đương nhiệm làm trung tâm để xét xem: Có khi nào họ mạnh tay
đánh vào sai trái của hậu duệ?. Có khi nào họ mạnh dạn truy cứu lỗi lầm của người
tiền nhiệm? – Tiền nhiệm, đương nhiệm và hậu duệ cùng dòng tộc với nhau họ nở
nào?. Đã thế thì họ yên tâm “quậy”, quậy cũng được “đôn”, cũng được “hạ cánh an
toàn” thì dại gì. Vậy, “Chủ nghĩa lý lịch” không những là tội đồ, mà còn là tôi
đầu – nơi khởi nguồn tội lỗi.
Có người hỏi tôi:
“Vì sao con em cán bộ học dở, không có cấp bằng học vị, kém
tài đức mà được trọng dụng, còn không ít con em dân thường có cấp bằng học vị,
có đức độ mà nhà nước không trọng dụng?”
Tôi trả lời:
“Vô duyên, sao không tìm Đảng và Nhà nước hỏi mà hỏi tôi?!.
Còn về đức độ thế nào thì tôi không rõ, nhìn vào danh sách ứng cử, người nào
cũng có cấp băng học vị, một số không ít, nếu không bằng thật học giả, thì cũng
bằng chính trị. Nhưng mà anh ơi, thời bấy giờ, kẻ có thân thế thì:
Bằng có người lo
Chức to có người bầu
Đi đâu có xe chở
Nói dở có người nghe
Đe có người sợ
Làm dở có người khen
Hèn có người giấu
Nhậu có người bao
Đau có người bóp
Họp có người ghi
Chi có người bù
Tù có người chạy… “.
Trong buổi trà đàm, một người bạn hỏi tôi:
– “Theo anh có độc quyền yêu nước không?”.
Một câu hỏi hóc búa thật, đắn đo một hồi rồi một chữ cũng
thi, hai chữ cũng thi, tôi nói: – Suy cho cùng chẳng có đâu, yêu nước phải vì
dân, xả thân không vụ lợi. Thời nay chẳng mấy ai chịu làm như thế, giành quyền
yêu nước thì có thật:. Họ nhân danh gì có thể nhân danh, lợi dụng gì có thể lợi
dụngtheo kiểu ăn mày dĩ vãng. Đến mức, hết năm nầy sang năm nọ, người ta đem Hồ
Chí Minh ra “thế chấp” thì không còn gì để nói. Họ cho mình là người yêu nước
hơn cả, và là con cháu Cụ Hồ, thử đụng đến họ khắc biết, sẽ bị chụp cho cái mũ
“thế lực thù địch”, tù mụt gông.
Người ngồi cạnh xía vô: Giao thông, Giáo dục, Y tế ngày một
tệ, theo anh đến bao giờ mới có thể cải thiện?
– Khi nào trên 3 cùng với dưới.
– Nghĩa là sao?
– Hiện tại cấp trên dùng phương tiện riêng đi lại, đi đến
đâu có cảnh sát mở đường. Phần lớn con các vị cấp cao cho đi học ở nước ngoài.
Trong nước các vị có nhà thương riêng, nếu bịnh nặng ra nước ngoài trị. Vậy thì
ngày nào lãnh đạo cấp trên chưa: cùng đi, cùng học, cùng trị bịnh chung với dưới
thì ngày đó Giao thông, Giáo dục, Y tế còn trì trệ.
Kê khai tài sản, kiểm tra thu nhập trong cán bộ là một chủ
trương lớn của Đảng CSVN, nhưng thực tế nó không mang lại kết quả mà đem lại hậu
quả là thêm mất lòng tin trong nhân dân. Thử hỏi, kê khai mà không công khai
thì người ngoại cuộc biết đâu mà có ý kiến?!. Nếu để người trong diện phải kê
khai giám sát lẫn nhau thì chặng lẽ lươn chê lịch,[2] thôi thì “Mi không đánh
ta, ta không đánh mi” thì huề cả làng? Chủ trương ấy chắc có lẽ cốt để giải nhiệt,
làm thiệt chết chùm làm sao? Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo quận, huyện, tỉnh,
thành và trung ương nói chung, những ngành kinh tế Hải quan, Công an, Tài
chính, Thuế vụ, Sổ số… nói riêng, hầu như tuyệt đại đa số họ đã là đại gia. Tài
sản ngầm của họ cỡ nào khó mà biết được, chớ nhà cửa, cơ ngơi làm ăn của họ sờ
sờ ra đó còn giấu được ai. Muốn biết cơ ngơi, cơ sở làm ăn của họ cụ thể thế
nào vào mạng Internet gõ “CLB NOKIA.Wordpress.com” (Câu lạc bộ Nó Kìa) thì rõ họ
là những ai.
Có người thắc mắc: Họ tham nhũng giàu quá rồi sao mà vẫn tiếp
tục tham nhũng? Tôi nói: Họ giàu như thế không quá đâu, thử ước tính các khoản
cần chi của họ:
Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại
Chi cho đi lại cao sang
Chi cho ăn uống như ông Hoàng
Chi boa cho những cô nàng bồ nhí
Chi cho cô cậu Tí đi học nước ngoài
Chi cho Ngài trị bịnh ngoại quốc
Chi cho xây cất từ đường
Chi cho sắm sẵn hàng rương, nhà mộ
Chi cho hối lộ lúc lâm nguy…..
Tính lại suy đi biết bao là đủ?
Đôi lời nhắn nhủ:
Hãy tận thu cho đủ để có mà chi.
Hiện nay, người tốt, người xấu rất khó phân biệt. Hiện tượng
và bản chất những kẻ xấu không đồng nhất vói nhau, họ lớn tiếng hô hào chống
tham nhũng, nhưng họ lại là chúa chổm tham nhũng không chừng. Hãy xem họ làm, đừng
tin họ nói. Nhìn chung có vẻ phức tạp như vậy, nhưng chung quy chỉ có 3 nhóm
người:
– Nhóm thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh, họ chỉ sợ lẽ phải
chớ không sợ bạo lực cường quyền. Đó là những chính nhân quân tử, đáng nể trọng.
– Nhóm thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, họ
sợ bạo lực cường quyền hơn sợ lẽ phải. Đó là những người cơ hội xu thời, nhu
nhược, theo đốm ăn tàn[3]…, đáng chê trách.
– Nhóm bất chấp phải trái, ỷ thế cậy quyền…, họ không sợ lẽ
phải, chỉ biết dựa và dùng bạo lực cường quyền để mưu danh đoạt lợi… Đó là những
kẻ không nhân cách (không có tính người) hoặc cho điểm an ủi là “tiểu nhân”
đáng khinh bỉ.
7 – Đất đai đang là điểm nóng gây nhiều tranh cãi
Người ta trụ được nhờ có đất. Mất đất là mất chỗ trụ để ở và
mưu sinh khi còn sống, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết.
Đảng CS VN đưa ra luật đất đai với nội dung “Công hữu toàn bộ
đất”, tạo ra sự bất an thường trực đối với bất cứ người dân ở nông thôn cũng
như thành thị.
An sao được, đất ở, đất canh tác từ lâu thuộc sở hữu của mỗi
hộ, giờ đây luật đất đai tước đi quyền sở hữu tư nhân, chỉ cho họ quyền sử dụng
có thời hạn và phải nộp thuế.
Người ta tự dự thảo luật đất đai rồi đưa ra Quốc hội cũng của
người ta thông qua thành luật. Đã là luật được Quốc hội thông qua, có ăn gan Trời
hay uống hàng xâu mật Gấu cũng không dám thỏ thẻ, mặc cho số phận đẩy đưa!.
Cái gì đến đã đến, khi nắm quyền đất trong tay, dưới sự lãnh
đạo của Đảng CSVN, chính quyền các cấp thấy chỗ nào đất tốt, tiện lợi khoanh những
vùng quy hoạch, chẳng cần tham khảo ý kiến người dân tại chỗ. Biết rằng, muốn
phát triển đất nước phải xây dựng, muốn xây dựng phải có đất, nhưng xây dựng ở
đâu, với quy mô nào, giải quyết việc sinh sống của người tại chỗ ra sao… nên
đưa ra bàn bạc với dân sở tại, ít nhất cũng làm cho họ mát dạ trước khi nhìn sản
vật, mồ mả người thân… vốn có từ lâu bị ủi phá tan hoang.
Quy hoạch làm ngay thì áp tới đền bù, giải tỏa. Nhà nước đã
là chủ đất, đền bù chỉ tính giá trị sản vật hiện có trên mặt đất. Nhà nước nói
giá nào người bị giải tỏa phải chấp nhận giá đó và lập tức di đi, nếu không thì
bị cưỡng chế.
Để những hộ bị giải tỏa trắng có nơi cất nhà ở, nhà nước lại
quy hoạch ở một nơi nào đó, cũng bằng cách giải tỏa đền bù để lấy đất lập ra
khu tái định cư cho số bị giải tỏa trước. Từ gây bất ổn ở nơi nầy dẫn đến gây bất
ổn ở nơi khác, làm mất an cư của người dân.
Để khỏi đền bù nhiều khi giải tỏa, áng chừng những việc sẽ
làm, nhà nước phóng tay lập những dự án rồi chọn vùng quy hoạch treo. Những hộ
lọt trong khu vực treo nầy không được sang nhượng đất, không được xây dựng mới,
không được trồng cây lâu năm, không được chôn người chết…., chỉ được “tản cư”
càng sớm càng tốt xương cốt người thân đã chôn ở đây ra khỏi khu vực. Người sống
hãy ở đó chờ, nếu có mọc râu thì cạo, nếu chết tự do tìm chỗ trước mắt chưa quy
hoạch mà chôn hay đem đi đốt tùy ý.
Quy hoạch xây dựng những công trình công cộng mới, nhà nước
có định giá thấp đôi chút, dân có thể chấp nhận, coi như góp chút phần nhỏ của
mình cho công ích. Còn quy hoạch để rồi cho tư nhân xây dựng gì đó, lẽ ra để cho
tư nhân ấy thương lượng giá trực tiếp với người bị giải tỏa, đàng nầy, nhà nước
cử người đứng ra làm cò, định giá đền bù thì thấp, cho tư nhân thuê lại thì
cao, vôi ra số tiền không nhỏ tha hồ mà nhậu. Cần đất cho công trình 1, quy hoạch
giải tỏa bằng 2 chẳng hạn, số đất vôi ra thành đắt địa rồi chia nhau xơi.. Đủ
cách, xúm nhau ăn trên đầu trên cổ ông nội cha người ta, dân không buồn mới là
lạ?.
Thương thay cho dân nghèo thành thị bị giải tỏa trắng, họ vốn
sống bằng nghề mua bán, lao động dịch vụ, nhà như ổ chuột, bồi thường sản vật
trên mặt đất có là bao. Đến vùng tái định cư, không hành nghề cũ được, thất
nghiệp, với số tiền ít ỏi vừa được đền bù, mua đất cất cái nhà tạm bợ đủ che nắng
che mưa. Họ phải sống sao đây, chẳng lẽ đợi tối rủ nhau ngữa mặt lên trời hứng
sương mà sống! ?.
Từ những bất hợp lý, bất công như đã nói, người dân khiếu nại,
tố cáo, biểu tình về nhà đất ngày một tăng là lẽ đương nhiên. Tiên Lãng, Văn
Giang, Vụ Bản, Thủ Thiêm, Cái Răng. w… là những vụ người dân đấu tranh giữ đất
gay gắt và quyết liệt nhứt. Nếu ở Tiên Lãng người dân chống cưỡng chế bằng bạo
lục với vũ khi thô sơ tự tạo, thì ở Cái Răng người dân chống cưỡng chế bằng bất
lực: gia đình có 3 người, 1 nam uống thuốc độc đang sống dở chết dở, 2 nữ tự tuột
áo quần trần truồng không còn mảnh vải che thân, đứng dang tay ngăn chặn lực lượng
cưỡng chế giữa thanh thiên bạch nhựt, trước bàn dân thiên hạ, thử hỏi còn cảnh
đau xót nào hơn?!. Họ bị đàn áp chỉ vì “ cái tội giữ đất cha ông để lại cho nhu
cầu mưu sinh”. Lột tả vụ cưỡng chế tàn bạo nầy, Bà Lê Hiền Đức đặt câu hỏi
không cần lời đáp rất sắc “cưỡng chế hay cưỡng dâm?”.
Đã là kinh tế thị trường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, tức là mọi
người tự lo cuộc sống cho mình. Cớ sao đảng CSVN chủ trương làm kinh tế thị trường
mà không công nhận quyền sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu về đất đai, thử hỏi người
dân tự sống bằng cách nào?!.
Người dân, đặc biệt là nông dân, không thể sống thiếu đất. Họ
dám thay phiên nhau đổ máu để bảo vệ đất nước để làm gì chẳng lẽ đảng CSVN
không biết?!
Lai lịch người viết bài “CHẠY”
Tôi đã kể khá nhiều sự đời, có lẽ đã đến lúc người đọc muốn
biết gã viết bài CHẠY nầy là ai, ở đâu, đang làm gì…?.
Thưa rằng: Tôi Đào Văn Tùng, bút danh Thiện Tùng, sinh năm
1939 ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; đang ngụ tại __ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền
Giang; Điện thoại: ___ (viet-studies xin phép tác giả không đăng những thông
tin này)
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, huyện Thạnh Phú của tỉnh
Bến Tre gần như Pháp không thể chiếm đóng, là nơi nghỉ, nhận và luyện quân của
Vệ Quốc Đoàn. Mỗi năm, Pháp mở vài cuộc ruồng bố vào đây. Chúng đi đến đâu giết
sạch, đốt sạch, phá sạch. Khiến cho người dân ở đây rạch ròi: địch vàta, Việt
Minh và Việt Gian.
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, học trường làng, thầy giáo Phạm Hữu
Hỷ rót vào tai chúng tôi những án văn lay động lòng người. Chẳng hạn:
“…Đã đứng dậy bao lần thất bại
Trong căm hờn trong uất hận vô biên
Ngày lại ngày như suối chảy triền miên
Chuông đã đánh, âm thanh vang khởi nghĩa
Nguồn u uất vùng lên trong nghĩa địa
trong nấm mồ Tổ quốc rêu xanh
trong bao nhiêu xương máu của dân lành
trong nước mắt mồ hôi nhân loại…”.
Đâu chỉ thế, hàng ngay chúng tôi còn ngân nga những bài hát
gợi cảm gợi suy. Chẳng hạn:
“ Làm sao khắp chúng dân được tự do?
Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo?
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình?
Bao nhiêu năm đói rách và lầm than!
Bao nhiêu lần cạn nước mắt, đẫm máu xương!
Đứng lên đều, tung gông cùm giam đời sống!
Cùng nhau ra sức đấu tranh, cùng nhau quyết xây đời mới.
Nào nề tan nát thân mình, nào nề cực khổ gian lao
Ôi, muôn dân khóc than
Ôi, muôn dân nát lòng
Ôi, muôn dân căm hờn vì đời bất công
Vùng lên đem hết máu xương, vùng lên quyết tranh cưộc sống
Tự do hạnh phúc kia rồi
Hòa bình no ấm đang chờ đón ta”.
Phải nói, xin cám ơn những ai đó hướng cho tuổi trẻ chúng
tôi sớm vào con đường yêu nước, thương dân, ngưỡng mộ các bậc tiền nhân yêu
nươc thương nòi. Giáo dục yêu nước thương dân cho chúng tôi như thế đã đủ độ,
chỉ có điều tuổi tác còn quá nhỏ, chúng tôi phải nán đợi chờ.
Pháp vẫn không chiếm đóng huyện Thạnh Phú, chúng chỉ cho máy
bay thường xuyên dội bom vào những chỗ đông người. Khi 12 tuổi, tôi thoát ly
gia đình, rày đây mai đó, theo làm tạp vụ cho cán bộ Việt Minh làm cuộc “Cách mạng
Dân tộc Dân chủ”. Phần lớn cán bộ tôi theo phục vụ là những người có học, họ
mang theo bên mình tài liệu chính trị, còn tôi thì mang theo sách giáo khoa.
Khi rảnh họ kềm cặp cho tôi học văn hóa, ấn định mỗi năm lên 1 lớp. Đến mùa
thi, các anh móc với cơ sở đưa tôi ra thành thi cử đàng hoàng – Bao năm liền,
tôi chẳng những thi đậu mà còn đậu hạng ưu, có 2 năm được cấp học bổng.
Năm 1954, sau khi ký kết hiệp định Genève, người ta lớn tuổi,
có nhiều công cán được đi tập kết ra Bắc, còn tôi ở lại với số cán bộ năm vùng.
Công việc hàng ngày của tôi, nếu không chạy thư thì “hái rau bắt ốc”, cơm nước
để cán bộ rảnh lo việc lớn.
Cuối năm 1955, Mỹ thay Pháp, Ngô Đình Diệm thay Bảo Đại
thông qua cái gọi là “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại.
Bắt đầu từ 1956, Ngô Đình Diệm vừa củng cố bộ máy cai trị, vừa
đôn quân, bắt lính chuẩn bị Bắc tiến.
Đầu năm 1957, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh Lao (Đoàn
Thanh niên Lao động), ngoài chuyện chạy vặt, cán bộ còn phân công cho tôi vận động
nhân dân biểu tình đòi hiệp thương thông nhứt đất nước theo tinh thần hiệp định
Genève 1954.
Anh em ông Ngô Đình Diệm làm cuộc chiến tranh đơn phương
chông các phe phái đối lập như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và đưa ra luật
10/59 truy sát những người kháng chiến cũ. Diệm bắt giết và cầm tù nhiều cán bộ
Cách mạng.
Cuối năm 1959, tôi xin và được chấp nhận cho vào Đảng Lao động
Việt Nam (ĐLĐVN) để đủ tư cách bổ khuyết vào một trong những chỗ đảng viên bị
giết hoặc bị bắt.
Không còn nhịn được nữa, miền Nam VN làm cuộc Đồng khởi. Năm
1960, tôi tham gia phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre. Cuộc chiến tranh ở Nam
VN từ đơn phương thành song phương.
Đầu năm 1961, chị Nguyễn thị Định (Ba Định), Bí thư Tỉnh ủy
Bến Tre, rút tôi và Hòa thượng Thích Thiện Hào cùng chị về khu Trung Nam Bộ
(Khu 8 cũ). Trên đường đi, Hòa thượng Thích Thiện Hào nói vui với tôi:
– Để đừng lộn Tùng nầy với Tùng khác, ta đặt cho mi tên Thiện
Tùng có chịu hay không?.
– Nghe sặc mùi Phật! ” – tôi đáp.
– Vậy chớ có ý nghĩa lắm – thiện mới tùng – Ông Hào lý giải.
Đó là chuyện vui qua đường, nhưng khi tham gia viết báo, viết
văn, tôi hoài cổ, nhớ Hòa thượng Thích Thiện Hào, lấy bút danh Thiện Tùng. Từ
đó dường như tôi mắc lời thề “quyết không tùng ác”
Từ năm 1961 – 1975, tôi công tác ở Ban Tuyên Huấn (BTH) khu
Trung Nam Bộ (Khu 8 cũ) với những chức việc:
– Trưởng Văn phòng (1961 – 1962).
– Trưởng đơn vị Điện đài Minh ngữ (1963 – 1964).
– Trở lại làm Trưởng Văn phòng (1965).
– Khi sư 9 Mỹ vào Mỹ Tho, tôi được BTH Khu phân công phụ
trách Đội TuyênTuyền Xung Phong (Đội T2XP) đến hoạt động ở tỉnh Mỹ Tho (1966 –
1968).
– Ngày 8/3/1968, tôi bị trọng thương, trị thương hết năm
1968.
– Năm 1969 – 1970, tôi được BTH Khu phân công làm cán bộ
công tác phong trào ở địa bàn tỉnh Mỹ Tho.
– Năm 1971, khi Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mở rộng chiến
tranh sang Campuchia, tôi được BTH Khu phân công theo Trung đoàn 3 mở chiến dịch
Nam Cao Lãnh nhằm khống chế không cho quân Mỹ và VNCH dùng Lộ 30 và Sông Tiền
sang Campuchia.
– Cuối năm 1971 đến tháng 6/1972, tôi được điều sang tham
gia chiến dịch Bắc Mỹ An nhằm mở đường tiếp vận Hậu cần cho các tỉnh Gò Công, Mỹ
Tho, Bến Tre và đưa quân trở lại chiến trường trọng điểm Mỹ Tho.
– Sau khi kết thúc chiến dịch Bắc Mỹ An, tháng 7/1972, tôi
được BTH Khu phân công theo đỡ đầu cho Trung đoàn 24 xuống tỉnh Gò Công – vùng
trọng điểm bình định của Mỹ và VNCH, nhằm tạo thế lực mới nơi đây trước khi ký
kết hiệp định Paris.
– Tháng 5/1973, BTH Khu rút tôi về phân công phụ trách trường
Tuyên Huấn Khu ở Vùng 4 Kiến Tường (ở Đồng Tháp Mười).
– Cuối năm 1974, tôi nhận lịnh đi học trường Nguyễn Ái Quốc.
Khi đến địa phận tỉnh Tây Ninh, tôi bị sốt rét phải vào trạm xá điều trị, trể
chuyến không đi được.
– Trưa 30/4/1975, tôi chủ trương và cùng 3 anh em khácchuyển
hàng tiếp quản do Trung ương Cục cấp cho Khu Trung Nam Bộ đến bắc Bến Sỏi, thuê
chiếc xe chở khoảng 4 tấn hàng được cấp nầy theo sau bộ đội ra thị xã Tây Ninh,
đi Sài Gòn rồi về đến Mỹ Tho vào lúc l8giờ 30/4/1975.
– Cuối năm 1975, khi giải thể Khu, nhập Tỉnh, tôi được biệt
phái đến Gò Công làm trưởng BTH. Đầu năm 1980, tôi được điều động về làm phó
trưởng BTH tỉnh Tiền Giang, phụ trách 2 phòng Tuyên truyền và Báo Cáo viên.
Ngoài được đi học lấy bằng đỏ trường Nguyễn Ái Quốc, tôi còn
được tỉnh nâng lương 4 lần trong 6 năm (1980 – 1986). Nếu không có việc gì
riêng, các cuộc họp cấp cao của tỉnh, các anh chị đều gọi tôi dự. Phải nói, tôi
là một trong những người được tỉnh trọng dụng và ưu ái.
Năm 1986, khi 47 tuổi, tôi đi giám định Y khoa rồi lấy cớ
thương tật từ nhiệm. Ông Lê văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy, ông Phan Lương Trực, Tỉnh
đội trưởng tỉnh Tiền Giang gọi tôi đến khuyên: Ráng làm thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Tôi nói: Bộ Thương binh và Xã hội cho phép tỷ lệ thương tật 61% trở lên có quyền
nghỉ theo ý muốn, tôi tỷ lệ thương tật 71%, tôi được quyền nghỉ, cho là lịch sự,
không cho tôi cũng nghỉ. Tôi nhất quyết như thế, hai anh không vui, nhưng đành
vậy. Thú thật, nếu làm việc gì đó không phải làm Tuyên Huấn thì tôi có thể ráng
thêm, làm Tuyên Huấn thời giờ phải ăn theo nó theo, chẳng khác thằng chuyên môn
lừa đảo chính trị.
Có lần tôi bị phân công làm diễn giả, thuyết về Nam Kỳ Khởi
Nghĩa cho hơn 300 cử tọa gồm những trưởng phó đầu ngành tỉnh, huyện. Phần lớn đầu
họ đã bạc, tuổi đời, tuổi Đảng của họ ít ai thấp hơn tôi. Thế mà tôi nói, họ cố
cặm cụi ghi. Giờ giải lao, các anh chị tụ tập quanh tôi chuyện trò vui vẻ. Tôi ứng
khẩu: “Có khi nào các anh chị thấy mình như tín đồ ngoan đạo không?”. Anh Bảy
Điện, giám đốc sở Bưu Điện trừng mắt hỏi vặn tôi: “Chú mầy nói thế là ý gì?”.
Tôi cười đáp: “Tôi sinh năm 1939, Nam kỳ Khởi nghĩa năm 1940, tôi có biết Ất
Giáp gì về khởi nghĩa ấy đâu, chẳng qua dựa vào sách mà nói. Thế mà, tôi nói
các anh chị cặm cụi ghi, đúng là “múa rìu qua mắt thợ” thật xấu hổ?!”. Anh Điện
ký nhẹ vào đầu tôi rồi xúm nhau cười.
Trước khi rời nhiệm sở, tôi gọi anh Đoàn văn Bảy, trưởng Văn
phòng BTH tỉnh Tiền Giang giao tài liệu, súng ngắn rồi tự bỏ nhiệm sở. Có lẽ
thương tình, các anh lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan Xã hội và Thương binh lập sổ
hưu cho tôi sau đó.
Năm 1991, tôi trả thẻ Đảng, viết kèm theo mấy dòng: “Năm
1959 tôi xin vào Đảng Lao Động VN làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Tôi không
hề xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là lý do tôi trả thẻ Đảng”. Thẻ Đảng và
mấy dòng thư tôi cho vào bao gởi gián tiếp cho Phường Ủy.
Mấy tháng sau khi tôi trả thẻ Đảng, Phường mở Đại hội Đảng bộ
Phường, có anh Huỳnh văn Niềm, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Tiền Giang dự. Phường 2 lần
cử người mời tôi dự nhưng tôi từ chối. Sau Đại hội Đảng bộ Phường, chị Trần thị
Thắng, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho gặp trực tiếp tôi, chị nói: “Ông Ba Niềm bảo tôi
nói với anh nhận lại thẻ Đảng…”. Tôi trả lời: “Cám ơn các anh chị quan tâm đến
tôi, nhưng tôi đã quyết không thể thay đổi”. Khoảng nửa tháng sau, Ban Tổ chức
Thành ủy ra quyết định xóa Đảng tịch tôi. Mấy ngày sau, tỉnh cấp cho tôi 2 sổ
khám chữa bịnh: một của Ban Bảo Vệ Sức Khỏe tỉnh Tiền Giang, một của bịnh viện
Thống Nhứt thuộc Trung ương đóng tại Sài Gòn.. Đến nay (2010), khi cần tôi đến
2 nơi ấy khám chữa bịnh.
Tôi kể về tôi đã quá nhiều, nói nhiều như thế không phải để
khoe khoang gì về mình, mà để nói rằng: Vì đại nghĩa tôi dấn thân không màng
gian lao nguy hiểm. Tôi yêu nước chớ không yêu CNXH. Không yêu “ly dị” là chuyện
bình thường. Tôi mặn mấy câu thơ của Phùng Quán:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dầu ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dầu ai ngon ngọt nuôn chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Tiền Giang, 10/10/2010
Thiện Tùng
[1] Chuyện truyền thuyết: Thạch Sanh và Lý Thông là hai anh
em kết nghĩa. Thạch Sanh tử tế, Lý Thông gian manh
[2] Con Lươn và con Lịch cả 2 đều là loại da trơn và đều có
nhớt.
[3] Ám chỉ loài động vật không khả năng săn mồi, chỉ mò theo
đốm lửa khi thợ săn nướng thịt để ăn những thứ người ta chê bỏ lại.
Nguồn: https://www.danluan.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét