Phạm Trần (Danlambao)
Chiến thắng Tổng thống Mỹ của Donald Trump đã giúp cho Nga-Tầu xích
lại gần nhau hơn, nhưng Việt Nam cũng khó mà được sống yên trong gọng
kìm Trump-Nga-Tầu.
Lý do vì ông Trump đã nói sẽ rút khỏi TPP, là một trong những hành động
của 100 ngày đầu tiên sau khi nhận chức ngày 20/01/2017. Quyết định này
được chính ông Trump thu hình rồi phổ biến trên mạng báo cá nhân tối Thứ
Hai, 21/11/2016. Ông Trump có thể làm được việc này bằng một quyết định
hành chính mà không phải qua Quốc hội.
Lời tuyên bố của Donald Trump, tất nhiên đã khiến cả Nga và Trung Quốc
mở cờ trong bụng vì trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch
Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình đã thảo luận tại Peru ngày 19/11/2016,
bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC,
Asia-Pacific Ecenomic Conference), về việc hợp tác để thành lập “một khu vực mậu dịch tự do ở Á Châu và Thái Bình Dương” thay thế TPP.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama, không nhắc đến ý định rút khỏi TPP của ông Trump, nhưng đã tuyên bố tại Peru rằng “nếu Mỹ ngừng thúc đẩy TPP, thì điều đó sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Hãng tin chuyên về tài chính và kinh tế Bloomberg viết từ Peru rằng: "Lãnh
đạo một số quốc gia khác tham dự APEC cho biết họ có thể sẽ tìm cách
điều chỉnh TPP để khiến thỏa thuận này trở nên hấp dẫn hơn đối với Tổng
thống đắc cử của Mỹ, hoặc tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này mà không có
Mỹ."
Ông Donald Trump khi tuyên bố sẽ bỏ TPP đã nói ông muốn thương thảo
“song phương” với các nước để đạt được thỏa hiệp thương mại tốt hơn và
công bằng cho nước Mỹ. Điều này cho thấy chính phủ Donald Trump đã nhất
quyết từ giã TPP như để xóa đi dấu vết lịch sử sau 8 năm cầm quyền của
Tổng thống Obama.
Nhưng Donald Trump không cho biết thương thuyết song phương cái gì, bao giờ và với nước nào?
Cả Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lẫn Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
đều bầy tỏ quan ngại đối với quyết định của ông Trump. Ông Turnbull nói
TPP "là một chiến lược quan trọng đối với Mỹ." Còn Thủ tướng Nhật thì
cũng chán nản không ít khi bảo rằng "TPP sẽ không có ý nghĩa gì nếu vắng
mặt Mỹ".
Tại cuộc họp báo ở Á Căn Đình (Argentina), sau hội nghị APEC, Thủ tướng Abe nói: "Hiệp định này (TPP) không thể đàm phán lại. Vì "việc này sẽ phá vỡ thế cân bằng nền tảng về lợi ích"
Vậy quyết định bỏ TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đưa đến hậu quả chính trị và kinh tế ra sao?
Hậu quả bỏ TPP
Trước hết, có nhiều người lầm tưởng TPP chỉ là một Hiệp định thuần túy
kinh tế giữa 12 nước gồm Úc, Brunei, Gia Nã Đại (Canada), Chí Lợi
(Chile), Nhật (Japan), Mã Lai Á (Malaysia), Mexico, Tân Gia Ba
(Singapore), Tân Tây Lan (New Zealand), Peru, USA (Mỹ) và Việt Nam. Thật
ra TPP là một Thỏa hiệp mang tầm vóc chiến lược an ninh và quốc phòng
phản ảnh qua chính sách xoay trục quân sự từ Âu sang Á của Hoa Kỳ, sau
ngày Tổng thống Dân chủ Barack Obama đắc cử năm 2008.
Vì vậy nó mới có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái
Bình Dương ( Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi
tắt là TPP).
Tuy không nói ra nhưng các chuyên gia quân sự, quốc phòng chiến lược và
kinh tế toàn cầu đều đồng ý, nếu được thi hành, TPP sẽ giúp cho tuyến
phòng vệ của Mỹ và các nước đồng minh bền vững hơn trước đe dọa bành
trướng quân sự và kinh tế mỗi ngày một lan rộng trong khu vực của Trung
Quốc.
TPP và biển đông
Bằng chứng là Mỹ luôn luôn cảnh giác Trung Hoa về các hoạt động gây bất
ổn định của họ trên Biển Đông từ mấy năm qua. Nghiêm trọng nhất là việc
Bắc Kinh đã biến dạng để xây dựng các bãi đá thành đảo mà họ chiếm của
Việt Nam ở Trường Sa để cho quân đồn trú và tầu Hải quân qua lại.
Trung Quốc nói họ có quyền tự do hành động trên các bãi đá và vùng nước
chung quanh ở Biển Đông vì đó là chủ quyền lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, sự tiếm nhận của Bắc Kinh đã bị Tòa án trọng tài thường trực
của Liên Hiệp Quốc "Permanent Court of Arbitration, PCA)” phủ nhận. Tòa
này phán ngày 12/07/2016 rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”
Tòa quyết định như vậy trong vụ án Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa
Quốc tế để yêu cầu phủ nhận quyền chủ quyền của Bắc Kinh tự vẽ trong
hình lưỡi bò (hay còn gọi là Đường 9 Đoạn) đối với các vùng đảo và bãi
đá ở Biển Đông mà Phi, Việt Nam, Trung Hoa, Mã Lai Á, Đài Loan, Brunei
cùng tranh chấp trong vùng Trường Sa.
Trong thông cáo phổ biến, Tòa cũng nói: "Dù trong lịch sử, những
người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc, cũng như từ các nước khác
đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào
cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm
soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây."
Dù thất bại nhưng Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và xây dựng các đảo nhân
tạo để làm bàn đạp quân sự khi cần. Đó đó, nếu còn TPP thì đối trọng
kinh tế có trị giá 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối
40% tổng sản lượng của Thế giới, TPP sẽ là một khối kinh tế hùng mạnh và
có khả năng ngăn chặn các hành động quá khích của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nguy cho Việt Nam
Rất tiếc TPP sẽ không có cơ may sống lại dưới chính quyền Trump như một
khối Kinh tế thống nhất có lợi cho cả Mỹ lẫn 11 nước thành viên. Nếu một
Hiệp ước kinh tế mới do Nga và Trung Quốc sáng lập và được các nước
Châu Á và Thái Bình Dương tham gia như họ đã làm, sau 7 năm thượng
thuyết vất vả của TPP, thì chính nước Mỹ sẽ bị khối kinh tế này bao vây
chứ không phải Nga hay Tầu.
Chính sách “xoay trục quân sự thời Tổng thống Obama”, tất nhiên sẽ bị
ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là lâm nguy ở Á Châu và Thái
Bình Dương khi 2 nước Nga-Hoa liên kết với nhau ở khu vực.
Đối với Việt Nam thì mất TPP là mất cả thế đứng kinh tế và chính trị
trong khu vực và trên thế giới. Về kinh tế, Việt Nam không còn cơ may
thoát khỏi kìm kẹp của Trung Quốc. Nếu bị thêm nước Nga đè đầu nữa thì
hòn đá tảng ngàn cân Nga-Trung sẽ nặng thêm hàng triệu cân nữa, vì ngay
bây giờ, Việt Nam đã nằm gọn trong đống vũ khí, tầu ngầm và máy bay
chiến đấu của thỏa hiệp quốc phòng Việt-Nga.
Riêng về áp lực Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông thì một tài liệu
xuất hiện trên báo VNEXPRESS (trong nước) ngày 10/6/2015 đã liệt kê 7
Bãi đá mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam ở Trường Sa đã được biến thành
đảo cho nhu cầu Quân sự như sau:
1) Bãi đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị
Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ
quyền với bãi đá này.
Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục.
2) Đá Chữ Thập nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cũng bị
Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Hoạt động cải tạo đất tại đây bắt đầu
từ tháng 8/2014. Phần đất rộng dành cho xây dựng được hoàn thành vào
tháng 1/2015 và Trung Quốc đang xây một đường băng ước tính dài 3.110m
và một cơ sở cảng biển.
(chú thích của Phạm Trần: Chữ Thập chỉ cách Đà Nẵng 400 cây số)
3) Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa,
bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ
năm 2003.
4) Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, sau đó Bắc
Kinh xây dựng nhiều công trình kiên cố để quân lính đồn trú tại đây.
Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng quy mô lớn từ hè 2014.
5) Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng
7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đến đầu năm
2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu
cảng và một đơn vị đồn trú.
(chú thích của Phạm Trần: Đá Gạc Ma, đang tiếp tục được mở mang, nằm
trên đường tiếp tế cho quân Việt Nam, tính từ Khánh Hòa. Nếu bị chặn,
liệu lương thực có đến được lực lượng đồn trú ở Trường Sa?)
6) Đá Vành Khăn nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, là một rạn san hô
hình bầu dục, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995. Bãi đá bị cải tạo quy mô
lớn dọc theo rìa phía tây kể từ đầu năm 2015.
7) Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường Sa, dài
khoảng 6,5 km, rộng 3,7 km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988
Như vậy thì Việt Nam đã bị mất biển đảo chưa hay khi nào quân Tầu vào đến tận Hà Nội thì mới chịu thua?
Vì những hoạt động trái phép của Trung Quốc đe dọa an ninh lưu thông ở
Biển Đông mà Tổng thống Obama, từ năm 2008, đã chuyển phần lớn lực lượng
Quân sự và Hải quân của Mỹ sang Châu Á và Thái Bình Dương để bảo vệ an
ninh lưu thông cho tầu bè đi lại trên vùng biển quan trọng này.
Lý do ông Obama quyết định ưu tiên bảo vệ vùng biển này vì nó chiếm tới
70% bề mặt của địa cầu, và 50% mặt đại dương. Mỗi năm có gần 42,000
chiếc tầu hàng hóa lưu thông qua Biển Nam Hải (Biển Đông).
Đường biển chiến lược quan trọng này nối liền 3 khu vực từ Đông bắc Châu
Á với Đông Nam Á và Trung Đông. Hàng hóa trao đổi giữa các nước trong
vùng Á Châu Thái Bình Dương được ước tính lên tới 1.5 tỷ tấn, chiếm 1/3
tổng toàn cầu. (Tài liệu của Asia Pacific Center for Security Studies,
Honolulu, Hawaii)
Như vậy, liệu chính quyền Donald Trump có thấy được lợi hại khi giết TPP
đối với Việt Nam, hay cứ để cho nước này tự do nhào lộn trong cơn lốc
Trump-Nga-Trung? -/-
(11/2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét