Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Vì sao Việt Nam khăng khăng làm thép?

Khánh An-VOA

Công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam, 14/6/2016.


Bất chấp sự phản đối gay gắt từ công chúng, chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định Việt Nam thiếu thép và cần những dự án đầu tư thép khổng lồ. Thái độ quyết liệt của giới hữu trách khiến công luận đặt ra nghi vấn về lý do đằng sau của việc chấp thuận các dự án này, bao gồm cả vấn đề lợi ích nhóm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nói với VOA:

“Có thể đây là lợi ích nhóm. Một số các nhà đầu tư đã bằng cách này hay cách khác vận động sau hậu trường ở địa phương, ở tỉnh, ở cấp nào đấy… Vì vậy mà mặc dù người dân, các chuyên gia đều lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ, nhưng những dự án đó hiện nay vẫn được chấp nhận. Tôi rất lo ngại rằng quá trình triển khai sẽ gặp phải sự phản kháng của người dân và đến khi sản xuất thì ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn nhất nhiều”.

Thắc mắc của công luận cũng đã được Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền của Phú Yên nêu lên trong phiên họp của Quốc họp hôm 15/11. Trong khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, bà Hiền đã hỏi thẳng rằng liệu có hay không lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án, cụ thể ở đây là dự án thép Cà Ná 10 tỷ đôla ở Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen; và liệu việc cứ tiếp tục tiến hành bổ sung vào quy hoạch dự án, bất chấp những phản biện mang tính khoa học, tâm huyết của các chuyên gia, thì có phải là hành vi dẫn đến tội ác hay không?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Hiền, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 3 tỷ đôla sắt thép và dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, mức thiếu hụt sẽ là 20 triệu tấn và điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu cao và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Nhưng theo cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, chính quyền Việt Nam hiện vẫn duy trì não trạng công nghiệp hóa theo mô hình cũ của thập niên 1930 cho rằng muốn công nghiệp hóa thì phải có thép. Vì vậy nên Việt Nam từ những năm 1960 đã bắt đầu đầu tư vào khu gang thép Thái Nguyên và tiếp tục quá trình này cho tới nay. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng với mô hình công nghiệp hóa hiện đại thì cần phải có những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu hóa cho phép Việt Nam có thể mua bất kỳ loại thép nào trên thị trường, kể cả thép cao cấp phục vụ cho mục tiêu quốc phòng, nên lý do cho rằng Việt Nam phải tự sản xuất thép là không chính đáng.

Về lý do nhà đầu tư đổ vào đầu tư thép tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho biết có 3 lý do chủ yếu. Ông nói:

“Các nhà sản xuất thép đầu tư vào thép Việt Nam để được lợi từ nguồn điện [giá] thấp đó. Ví dụ như một nhà máy thép của Trung Quốc ở Thái Bình, riêng nhà máy thép đó đã tiêu thụ bằng số điện của cả tỉnh Thái Bình cộng lại, chứng tỏ nhu cầu sử dụng điện của các nhà máy thép là rất lớn”.

Lý do thứ hai, theo TS. Lê Đăng Doanh, là các doanh nghiệp nước ngoài muốn tận dụng giá nhân công rẻ tại Việt Nam.

Ông nói thêm:

“Điều thứ 3 nữa là một số tỉnh muốn thu hút đầu tư nước ngoài để đạt được việc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của mình nên đã lặng lẽ giảm bớt những yêu cầu về môi trường. Đấy là điều hết sức nguy hiểm”.

Chuyên gia của Việt Nam cho rằng trong tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc và nước này đang bù lỗ để xuất khẩu thép ra các nước, các nhà đầu tư sản xuất thép tại Việt Nam hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho ngành thép như giá đất, thuế má… để họ có thể cạnh tranh được với thép của Trung Quốc.

TS. Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu ý đến tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc giả danh Việt Nam để đầu tư vào ngành công nghiệp nặng này:

“Có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mượn danh về Việt Nam. Gần đây có một dự án thép khổng lồ của một ông đầu tư ở Việt Nam, đến khi nhìn kỹ vào thì đấy là các nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau. Và ông ấy không lý giải được là nguồn vốn to lớn ấy ông sẽ huy động từ đâu. Đấy là điều rất đáng suy nghĩ, có thể nói là đáng lo ngại, cho thị trường thép của Việt Nam”.
Tội phạm hủy hoại môi trường sẽ bị trừng trị?
0:02:04
0:00:00 /0:02:04
Đường dẫn trực tiếp

Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền hôm 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lặp lại cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Việt Nam sẽ “không đánh đổi môi trường để lấy dự án” và khẳng định “không có lợi ích nhóm” trong việc phê chuẩn các dự án đầu tư.

Giới chức Bộ Công thương cam kết không chỉ dự án thép Cà Ná, mà cả các dự án thép khác như của Dung Quất, cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng về nguyên tắc bảo vệ môi trường sau khi rút ra bài học từ dự án thép Formosa, tập đoàn đã xả thải gây ô nhiễm ở khu vực biển miền Trung trong suốt nhiều tháng qua.

Hôm 21/11, VietnamNet trích bài viết của PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết “Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%”.

TS. Đinh Đức Trường cảnh báo: “Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét