Lương Bằng – Bạch Hân
Bình Thuận: Trước khi cắt 1.000 ha biển làm nhiệt điện, hãy
nghĩ tới môi trường
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Bình Thuận đang có 5
dự án nhiệt điện tập trung tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Nhiều dự án nhiệt
điện ở đây làm nổi lên nhiều nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nơi tập
trung các nhà máy nhiệt điện lại rất gần khu bảo tồn biển. Chọn nhiệt điện hay
biển là thách thức mà Bình Thuận cũng như nhiều bộ ngành đang phải cân nhắc để
đưa ra quyết định.
Nỗi lo nhiệt điện
Bình Thuận đang nổi lên là địa phương thu hút nhiều dự án
công nghiệp, nhất là nhiệt điện. Trong đó, đáng kể nhất là Trung tâm Điện lực
Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Trung tâm điện lực này hiện có tới 5 nhà máy nhiệt điện đã và
đang trong quá trình xây dựng là nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 3 và 4 và 4 mở rộng.
Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại
đang triển khai xây dựng.
Sự có mặt của hàng loạt dự án nhiệt điện với tổng vốn lên đến
hàng tỷ USD đang dấy lên những nỗi lo về: Ô nhiễm môi trường!
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng cũng
là những dự án bị Bộ Công Thương liệt vào danh sách các dự án, nhà máy có nguy
cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo
vệ môi trường.
Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải yêu cầu
Tổng cục Năng lượng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt
Nam tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộ Trung tâm Điện
lực Vĩnh Tân trong năm 2017 cũng như các trung tâm điện lực lớn khác.
Thực tế, trong 2016, khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động
đã phát sinh bụi, xỉ than… ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân, gây
xáo trộn đời sống và làm phức tạp tình hình mất an ninh trật tự ở khu vực này.
Còn với nhiệt điện Vĩnh Tân 1, trong quá trình xây dựng, chủ
đầu tư Trung Quốc của dự án này xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét luồng
hàng hải xuống biển. Đáng nói là, vị trí đổ thải lại quá gần Khu bảo tồn biển
Hòn Cau - một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam. Đề xuất này đã gây xôn
xao dư luận với nhiều lo ngại về tác động môi trường biển.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng nhấn mạnh, đây là vùng biển
“nhạy cảm”, là ngôi nhà chung của nhiều loài thủy sinh có giá trị, cần hết sức
thận trọng. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng phòng sinh thái biển (Viện Hải dương học)
cho rằng: Đổ một lượng lớn chất thải xuống vùng ven bờ giàu nguồn lợi sinh vật
đáy, chưa tính đến độc tính của nguồn thải thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khu
hệ sinh vật đáy do bị chôn vùi.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau - Ảnh: Huỳnh Quang Huy
“Nhường” biển cho nhiệt điện?
Khi Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân xuất hiện, nhiều hạng mục
công trình phục vụ các dự án ở đây như cảng chuyên dùng, xây dựng khu lấn biển…
đã “ăn vào” phần diện tích biển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
UBND tỉnh Bình Thuận trong văn bản gửi Bộ NN&PTNT hồi
tháng 9.2016 thừa nhận các dự án của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp
Vĩnh Tân nằm chồng lấn lên diện tích biển của Khu bảo tồn tới hơn 1.000 ha. Vì
thế, Bình Thuận đã xin Bộ NN&PTNT cho giảm hơn 1.000 ha diện tích Khu bảo tồn
biển Hòn Cau trên tổng số 12.500 ha của khu bảo tồn biển này để phục vụ nhiệt
điện.
Trả lời lại đề nghị này, Bộ NN&PTNT cho rằng: Khu bảo tồn
biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình
(rạn san hô và thảm cỏ biển), có giá trị đa dạng sinh học cao. Đây là nơi sinh
sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh
thái quan trọng (các loài cá, sao biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm
hùm…).
Điều đáng nói, Bộ NN&PTNT cho biết: Quyết định phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, thành phần liên quan đến dự
án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân được UBND tỉnh Bình
Thuận gửi Bộ NN&PTNT không đề cập đến tác động của các dự án này. Trong khi
việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô
nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật
khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm
hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.
Do đó, Bộ NN&PTNT không đồng ý với chủ trương điều chỉnh
giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận
báo cáo Bộ Tài Nguyên Môi trường xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự
án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Và Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ quan điểm rằng, nếu kết quả
tính toán có tác động tới Hòn Cau, đề nghị điều chỉnh phạm vi và quy mô của dự
án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, cảng tổng hợp Vĩnh Tân để đảm bảo hài hòa giữa
lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ nguồn lợi thủy
sản và môi trường biển tại khu vực biển Hòn Cau.
Bộ NN&PTNT đã chọn biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường
cũng như UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thế nào là điều nhiều người trông đợi
khi thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy dự án”, “không phát triển kinh tế
bằng mọi giá” đã được nhiều lãnh đạo cấp cao phát đi.
Theo Vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét