Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump. (Hình:
Getty Images)
Chỉ còn vài ngày nữa người dân Mỹ sẽ quyết định ai sẽ là vị
tổng thống thứ 45 của mình.
Theo đa số các cuộc thăm dò ý kiến thì bà Hillary Clinton dẫn
điểm. Tuy nhiên, sự kiện giám đốc FBI James Comey tuyên bố mở lại điều tra vụ sử
dụng email khi bà Clinton còn làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 10 có
khả năng thay đổi tình thế vào giờ phút cuối. Và thật sự là đang có ảnh hưởng
tiêu cực như vậy lên tiến trình tranh cử của bà.
Cũng có vài cuộc thăm dò ý kiến cho rằng ông Donald Trump có
cơ hội thắng cử mỏng manh. Ông Trump bác bỏ lập luận rằng phía ông hết hy vọng.
Ông đổ lỗi cho các cơ quan thăm dò ý kiến và truyền thông chính mạch là đã
thiên vị đảng Dân chủ và gian lận kết quả để gây bất lợi cho ông. Ông còn tuyên
bố là chưa chắc ông sẽ công nhận kết quả nếu bà Clinton thắng cử.
Dù ông Trump có thắng hay không, cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016
này sẽ thay đổi bộ mặt chính trị của nước Mỹ, và thế giới, một cách sâu xa.
Sự kiện ông Trump lọt được vào danh sách các ứng cử viên của
Đảng Cộng Hòa và rồi thắng tất cả để ra tranh cử với bà Clinton vẫn còn là một
thắc mắc lớn đối với giới nghiên cứu và bình luận chính trị tại Mỹ, và nhiều
nơi trên thế giới.
Giới khoa học chính trị gọi Donald Trump là biểu hiện của chủ
nghĩa dân túy hay đại chúng (populism).
Bài viết này nhằm tìm hiểu về chủ nghĩa dân túy: Một số định
nghĩa; chủ nghĩa dân túy tại Hoa Kỳ; tại Âu Châu; tại châu Mỹ La tin; ông
Trump; chủ nghĩa phát xít; bài học cho nhân loại. Bài viết tham khảo số mới nhất
của Foreign Affairs (FA), là tạp chí uy tín và giá trị hàng đầu thế giới về các
vấn đề ngoại giao.
Chủ nghĩa dân túy là gì?
Theo O’Neil thì điểm căn bản của chủ nghĩa dân túy là sự thu
hút đối với những ai bị gạt bên lề xã hội. Do đó các nhà dân túy cho rằng họ đại
diện cho đa số bị quên lãng, và khinh thường và lên án thành phần thiểu số quyền
lực không xứng đáng (FA, trang 32).
Theo Mudde thì chủ nghĩa dân túy là ý thức hệ nhằm phân biệt
xã hội thành hai khối đồng nhất nhưng thù nghịch nhau: “người dân tinh khiết”
và “giới ưu tú hủ bại” (FA, trang 25/26). Vào tháng 4 năm nay trên tạp chí The
Wall Street Journal, ông Trump viết: “Trong từng vấn đề lớn đang ảnh hưởng lên
đất nước này, người dân thì đúng và giới ưu tú cầm quyền thì sai.”
Theo Zakaria thì tất cả xu hướng theo chủ nghĩa dân túy đều
có điểm chung là nghi ngờ và căm ghét thành phần ưu tú, chính trị dòng chính,
và các định chế kiên cố (FA, trang 9).
Còn Kazin thì cho rằng các nhà dân túy được khen là đã góp
phần bảo vệ các giá trị và nhu cầu của đa số quần chúng làm việc siêng năng; và
bị chê là những người mị dân chỉ muốn tranh thủ sự ủng hộ đối với thành phần ít
học và ngây thơ bằng cách gióng lên các ước nguyện hay quan điểm phân biệt của
họ hơn là sử dụng những lý luận thích hợp (FA, trang 18).
Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau, tựu chung chủ nghĩa dân
túy được xem là tư tưởng hay phong trào chính trị nhằm đề cao sức mạnh và quyền
hạn của người dân để kiểm soát quyền hạn của chính quyền, và lên án sự cai trị
của một thiểu số giàu có và thành phần ưu tú quyền lực.
Dân túy trong lịch sử Hoa Kỳ
Theo giáo sư sử học Michael Kazin thì có hai truyền thống
dân túy thường cạnh tranh nhau tại Hoa Kỳ (FA, trang 17). Thành phần thứ nhất:
theo chủ nghĩa quốc gia công dân (civic nationalism); không phân biệt sắc tộc
hay tôn giáo; đề cao quyền bình đẳng giữa mọi công dân có quyền sống, tự do và
mưu cầu hạnh phúc; và tính hợp pháp của chính quyền dân chủ đến từ sự đồng thuận
của người dân. Thành phần này lên án giới ưu tú tập đoàn và cánh tay dài của họ
trong chính quyền đã phản bội quyền lợi chung của người dân, chủ lực của quốc
gia.
Ngược dòng lịch sử Hoa Kỳ, ngoài hai chính đảng Dân Chủ và Cộng
Hòa, đảng thứ ba được hình thành vào thập niên 1890 với tên gọi Đảng Dân Túy
hay Nhân Dân (the Populist, or People’s Party) nhằm cải cách một hệ thống chính
trị đang nắm chặt quyền lực đồng tiền, kỹ nghệ và tài chánh lúc đó (FA, trang
18). Đảng Dân túy nổi lên được vài năm, nhưng sau thất bại cuộc bầu cử năm
1896, đảng này đã trở nên tê liệt hoàn toàn.
Trong cuộc bầu cử kỳ này, ông Bernie Sanders, ứng cử viên đảng
Dân Chủ, được xem là hiện thân của xu hướng này. Ông tự gọi mình là người theo
xã hội chủ nghĩa (giống các nước Bắc Âu chứ không phải thứ xã hội chủ nghĩa trước
khi trở thành cộng sản), tiền phong của “cuộc cách mạng chính trị,” lên án giai
cấp tỷ phú đã phản bội sự hứa hẹn của nền dân chủ Hoa Kỳ, và đưa ra yêu sách là
15 đô la một giờ lương tối thiểu, dịch vụ y tế cho mọi người, và đề nghị các cải
tổ kinh tế cấp tiến khác.
Xu hướng dân túy thứ hai cũng lên án giới ưu tú trong các đại
công ty và chính quyền đã coi thường quyền lợi kinh tế và quyền tự do chính trị
của người dân thường. Nhưng “người dân” mà thành phần thứ hai nhắm đến hẹp hơn
thành phần thứ nhất: theo lịch sử Hoa Kỳ thì họ là người da trắng, gốc Âu Châu,
nghĩa là có cùng dòng máu, màu da. Xu hướng này được gọi là chủ nghĩa quốc gia
chủng tộc (racial nationalism).
Cùng thời điểm với xu hướng quốc gia công dân, xu hướng quốc
gia chủng tộc cũng thành hình. Họ vận động Quốc Hội cấm nhập cư người Trung Hoa
và Nhật vào Hoa Kỳ để khỏi cạnh tranh việc làm với người Mỹ da trắng. Năm 1882,
họ thành công vận động Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật đầu tiên cấm người
mang quốc tịch Trung Hoa vào Mỹ, Đạo Luật Loại Trừ Người Trung Hoa (Chinese
Exclusion Act). Hai thập niên sau, họ lại vận động Quốc Hội cấm nhập cư người
Nhật. Lần này, tương tự như quan điểm của ông Trump đối với người đạo Hồi, những
người lao động da trắng cho rằng người Nhật làm tình báo cho Nhật Hoàng để chuẩn
bị gây chiến với Mỹ, và họ xảo quyệt như con cáo và ác độc như con hyena khác
máu (FA, trang 20).
Vào thập niên 1920, xu hướng này đã trồi lên, trụt xuống và
để lại dấu ấn đen tối trên nền chính trị của Hoa Kỳ. Đó là Klu Klux Klan, ác mộng
của người Mỹ da đen, mặc dầu nửa thế kỷ trước, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đã
chấm dứt mọi hoạt động của tiền thân KKK. Lần này, họ huy động gần năm triệu
thành viên vào giữa thập niên 1920, và các liên minh chính trị của họ đã áp lực
lên Quốc Hội giới hạn tối đa số người di dân đến từ Đông Âu và Nam Âu, chỉ được
vài trăm người mỗi quốc gia vào năm 1924. Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ xóa bỏ hệ thống kỳ
thị ra mặt này năm 1965 (FA, trang 20).
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 2 tháng 11
năm 2016
Dân túy tại Âu Châu
Hiện nay chủ nghĩa dân túy đã phát triển đều và mạnh ở khắp
Âu Châu.
Theo nghiên cứu của Ronald Inglehart and Pippa Norris của đại
học Harvard, vào thập niên 1960, các đảng dân túy cánh hữu đã chiếm được gấp
hai số phiếu ủng hộ tại các nước Âu Châu, và cánh tả được gấp năm lần. Vào thập
niên thứ hai của thế kỷ này, số ghế cho các đảng cánh hữu tăng 13.7 phần trăm
và 11.5 cho cánh tả (FA, trang 10). Hiện nay, các nhà dân túy chiếm số ghế Quốc
Hội cao nhất tại sáu quốc gia: Hy Lạp, Hung Gia Lợi, Ý, Ba lan, Slovakia và Thụy
Sĩ. Các đảng dân túy chiếm tỉ lệ đa số phiếu bầu qua các cuộc bầu cử quốc gia gần
đây. Tại Hung Gia Lợi, đảng cầm quyền và cả đảng đối lập đều là dân túy (FA,
trang 26).
Có bốn nguyên do chính tác động đến nền chính trị tại Âu
Châu (cũng như Hoa Kỳ) trong những thập niên qua.
Thứ nhất, kinh tế trì trệ là mẫu số chung của tất cả các quốc
gia này từ thập niên 1970. Tuy áp dụng nhiều chính sách kinh tế khác nhau để
kích thích phát triển, nền kinh tế của tất cả các nước Tây phương tuy cũng có
lúc tăng, nhưng phần lớn là giảm. Lý do? Dân số. Tuy mức độ khác nhau, tỉ lệ
sinh sản gia giảm ở mọi nơi, do đó gia đình ngày càng nhỏ đi, tỉ lệ nhân công
tham gia vào lực lượng lao động ít hơn, trong khi tỉ lệ người về hưu ngày càng
gia tăng (FA, trang 11).
Thứ hai, sự phát triển chậm kèm theo những thách thức do
toàn cầu hóa mang lại đã đưa đến những ảnh hưởng mới. Kỹ nghệ sản xuất phần lớn
được đưa sang các quốc gia chậm hay đang phát triển, và hàng hóa được chuyển
ngược lại. Theo nguyên lý chung của kinh tế thị trường thì sự gia tăng trao đổi
mậu dịch toàn cầu sẽ hữu ích. Tuy nhiên lợi ích không phải cho tất cả mọi người,
mà chủ yếu cho các đại công ty lớn hoặc liên quốc. Những người lao động thiếu
tay nghề mất việc nhưng lại không có khả năng để tìm việc mới.
Thứ ba, cuộc cách mạng thông tin đã thay đổi mọi mặt đời sống,
từ kinh tế đến quan hệ giữa con người trong thế giới toàn cầu, nhất là qua truyền
thông xã hội như facebook. Ngày nay, hầu như ai cũng có thể cập nhật thông tin
tràn lan khắp nơi. Có nhiều thông tin nhưng chưa hẳn giúp cho người ta hiểu rõ
vấn đề bởi thông tin nhiễu cũng tràn lan. Đọc mà không có tinh thần phê phán để
biết chọn lọc, phân tích và đối chiếu thì dễ dàng làm cho người ta hoang mang
không kém. Người ta dễ dàng trở thành những gì người ta đọc là vậy.
Thứ tư, ngày nay thử thách nhức nhối nhất của mọi quốc gia
Tây phương là chính sách tài chánh và tiền tệ. Khi lực lượng tham gia lao động
càng giảm, và khi chi phí cho chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất
nghiệp hay hưu trí càng tăng, số nợ của chính phủ cũng gia tăng đáng kể. Nợ
càng tăng thì càng thắt lưng buột bụng ở các mặt khác của xã hội.
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, hầu như mọi nơi bị
tràn ngập hàng hóa, dịch vụ, thông tin, ý tưởng, nghệ thuật, thực phẩm… Zakaria
nhận định rằng người Tây phương sẵn sàng chấp nhận những thứ đó, nhưng sự tràn
ngập người ngoại quốc ngay trước mặt họ hàng ngày làm cho họ cảm thấy bất an,
nhất là khi thiếu hiểu biết về văn hóa cách sống của người ngoại quốc. Cũng cần
biết rằng năm 2015 có đến 250 triệu người di dân thế giới và 65 triệu người bị
di tản trên toàn cầu. Âu Châu nhận 76 triệu người nhập cư và, với các cuộc khủng
bố xảy ra vài năm nay, đây là nơi có những lo âu lớn nhất hiện nay.
Nói chung vấn đề di dân và di tản toàn cầu là một thách thức
của nhân loại hiện nay. Thêm vào đó, tốc độ thay đổi của xã hội và con người
trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa đã quá nhanh để người dân cảm thấy an
tâm. Vì thế nhiều người cảm thấy khá bất an và bất trắc trước toàn cảnh này.
Mời độc giả xem video: Thủ tướng Cambodia ủng hộ ông Donald
Trump làm tổng thống Mỹ
Đứng trước tất cả các thử thách này – dân số, toàn cầu hóa,
kỹ thuật, ngân sách – các chính trị gia và chính phủ không có nhiều chọn lựa,
và giải pháp của họ luôn là những khó khăn, phải tính toán (FA, trang 12). Người
dân ở trong trường hợp này thường bất mãn vì những quyết định của chính phủ chậm
chạp, thiếu hiệu quả và quyết đoán.
Khi nhiều người dân bất mãn một thời gian dài mà không có những
giải pháp chính trị thích hợp, sự chịu đựng của họ có giới hạn.
Tại Âu Châu, sau Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, các đảng chính
trị lớn, từ tả đến hữu, hầu như xích gần lại gần trung đạo hơn, áp dụng các
chính sách kinh tế và văn hóa mang tính trung dung và thực tiễn thay vì theo
các ý thức hệ như trước. Người dân không thể phân biệt chỗ đứng của giới ưu tú
chính trị nữa, dù tả hay hữu (FA, trang 27). Người dân nói chung không còn thấy
người đại diện cho họ có thực quyền gì nữa: quyền lực của quốc gia bây giờ chuyển
sang quyền lực siêu quốc gia, tức Liên Hiệp Âu Châu (EU) và cơ quan tiền tệ
IMF; từ những người được bầu chọn một cách dân chủ sang những người không cần bầu
chọn như giám đốc ngân hàng trung ương và các quan tòa. Ngay cả các vấn đề hệ
trọng như kiểm soát biên giới hay chính sách tiền tệ không còn là trách nhiệm
riêng biệt của chính phủ quốc gia đó (FA, trang 27/28).
Kết quả là một khoảng trống chính trị quá tốt để chủ nghĩa
dân túy trỗi lên.
Kể từ năm 2015, các vụ khủng bố tại Pháp và nhiều thành phố
khác tại Âu Châu, và chính sách chấp nhận quá nhiều người nhập cư, đã là nguyên
do cho các nhà dân túy, nhất là phía cánh hữu, phát triển vũ bão tại đây (FA,
trang 25).
Nói chung, cấu trúc thay đổi sâu sắc trong xã hội Âu Châu đã
dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hiện nay. Nhiều đảng dân túy bây giờ
trở thành quá mạnh, mạnh hơn cả đảng dòng chính, cho nên xoay chuyển tình thế
không phải là điều dễ dàng.
Dân túy tại Châu Mỹ Latin
Khác với Âu Châu và Hoa Kỳ, chủ nghĩa dân túy nở rộ ở Châu Mỹ
Latin vào thập niên 1930 và kéo dài mãi cho đến gần đây. Trong tám thập niên
đó, các lãnh tụ Mỹ Latin lợi dụng sức mạnh của người dân, từng được xem là bị gạt
bên lề, bằng cách lên án thành trì quyền lực và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp
hơn cho những ai theo mình (FA, trang 31).
Những người như Hugo Chávez, trong 14 năm cầm quyền tại
Venezuela, đã: viết lại hiến pháp để có lợi cho mình; củng cố quyền lực của
hành pháp với giá trả của lập pháp; làm yếu đi Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia; đưa những
người thân cận vào Tòa Án Tối Cao; chính trị hóa các cơ quan hành chánh chính
quyền; phá nát ngành truyền thông tự do mà một thời hoạt động hiệu quả bằng
cách tướt bằng phát thanh và phát hình của họ và ép các cơ quan báo chí thân
thiện với cánh đối lập bán lại cho những người ủng hộ chính quyền của ông (FA,
trang 34).
Điều oái oăm là những nhà dân túy ở đây trước khi lên cầm
quyền thì đều hứa hẹn chống tham nhũng, nhưng khi nắm quyền hành trong tay thì
vơ vét hàng chục triệu đô la Mỹ trong tay như tổng thống Otto Pérez Molina của
Guatemala. Những kẻ khác trong hệ thống công quyền đã đánh cắp hàng triệu đô la
từ công quỹ. Tuy nhiên nhờ một số cải tổ luật gần đây để đề cao tính minh bạch
và trách nhiệm giải trình, như tại Ba Tây và Mễ Tây Cơ, nên người dân mới khám
phá ra sự tham nhũng đục khoét đất nước của họ bấy lâu nay. Các bộ luật mới ra
đời đòi hỏi giới công quyền phải kê khai tài chánh của mình, mở rộng các tạp
thu công cộng cho các nhà đấu thầu tranh nhau, và cung cấp sự truy cập các tài
liệu của chính phủ tốt hơn. Nhờ các nhà báo gan dạ lấy được các thông tin này,
và nhờ mạng truyền thông xã hội, mà hàng triệu người dân Mỹ La tin biết về các
cuộc sống và biệt thự xa hoa, và các trương mục tài chánh ở ngoài nước của viên
chức chính quyền (FA, trang 36).
Giờ đây người dân biết cái hệ thống nào đã bóc lột họ bấy
lâu nay.
O’Neil nhận xét rằng lịch sử đã cho thấy chủ nghĩa dân túy tại
châu Mỹ Latin gây chia rẽ xã hội, làm kinh tế yếu đi và phá hoại nền dân chủ đại
diện. Mặc dầu các nhà dân túy lấy chính nghĩa từ sự ủng hộ của người dân nhưng
họ lại muốn kiểm soát từ trên xuống. Họ xây dựng các phong trào quần chúng to lớn
để gia tăng quyền lực cho cá nhân họ, không nhất thiết là để thay đổi hệ thống.
Họ tập trung quyền lực trong vòng đai nhỏ cận kề. Họ tỏ vẻ cổ võ người dân tham
gia chính trị và mở rộng không gian dân sự, nhưng thực tế họ tránh né và, vì thế,
làm yếu đi các định chế chính trị quan trọng, kể cả các đảng phái, tư pháp và
truyền thông. Họ muốn sử dụng nghị định hành chánh hơn và gạt bên lề giới lập
pháp. Họ cũng sẵn sàng sử dụng bạo lực để dập tắt tiếng nói đối lập (FA, trang
32/33).
Trump: dân túy mị dân?
Trong bài phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Phát Triển
Toàn Cầu ngày 20 tháng 7 năm nay tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Barrack Obama
ghi nhận những thách thức lớn lao của nhân loại hiện nay: mối đe dọa khủng bố;
một trật tự thế giới bị chi phối bởi bao biến sự; cái cảm giác toàn cầu hóa bỏ
rơi nhiều người và hố ngăn cách giàu nghèo trong cùng một nước gia tăng. Tuy
nhiên, ngoài các thử thách lớn lao trên, ông cũng khẳng định chưa có thời đại
nào trong lịch sử nhân loại được hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ nhất như bây
giờ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan như Tổng
Thống Obama.
Nhà thơ Ấn Độ nổi tiếng Rabindranath Tagore từng diễn tả thế
sự của năm 1916, trung điểm của thế chiến thứ nhất, “một bầu không khí độc dày
đặc của sự nghi ngờ và sự tham lam và hoảng loạn rộng khắp thế giới” (FA, trang
47).
100 năm sau, có người bảo thế giới ngày nay cũng tương tự
như thế giới của đầu thế kỷ 20 mà nhà thơ Tagore nhận xét.
Trong thời đại này, những hình ảnh khủng bố man rợ và đầy
kinh dị đã đi vào nhà mọi người, trên truyền hình, máy tính, điện thoại di động
v.v… Nỗi lo âu sợ hãi đã lấn át lý trí. Hậu quả là các nhà dân túy và thành phần
cực đoan khai thác để tấn công vào các cuộc tranh luận mà không sử dụng bằng chứng
lý lẽ làm cơ sở, do đó làm cho các lý thuyết âm mưu (conspiracy theories) dễ
dàng được chấp nhận và các lời nói dối thẳng thừng được lây lan và đạt được sự
tin tưởng rộng (FA, trang 49).
Chủ nghĩa dân túy, như đã trình bày trên, có mặt ở Mỹ từ cuối
thế kỷ 19. Nếu không có Trump thì có lẽ nhiều người, trong lẫn ngoài Mỹ, không
nghĩ rằng nó đã hiện hữu bấy lâu nay.
Mặc dầu người Mỹ nói chung tự hào về tinh thần lạc quan và
tính phóng khoáng của mình, thế nhưng người dân ở đâu cũng có những niềm lo âu
và sợ hãi, vì cuộc sống ở đâu cũng có cái khó cái nguy, nhất là trong thời đại
toàn cầu hóa này.
Theo nghiên cứu của đại học Harvard thì kinh tế không còn là
yếu tố quyết định chính trị nữa. Quan điểm về các vấn đề xã hội, chẳng hạn như
hôn nhân đồng tính, hay các vấn đề hoàn toàn không liên quan đến kinh tế như sắc
tộc, môi trường v.v… lại trở thành yếu tố quyết định hơn để bầu chọn đảng chính
trị. Nhưng điều đáng nói là sự chuyển hướng quan điểm này xảy ra ở tất cả các
quốc gia Tây phương, từ Âu Châu đến Bắc Mỹ, tuy các điều kiện kinh tế xã hội và
chính trị có khác nhau (FA, trang 11).
Trong cuộc nghiên cứu gần đây, 65% người Mỹ trắng (chiếm hai
phần năm dân số Mỹ), cho rằng họ sẵn sàng bỏ phiếu cho một đảng chính trị có
chính sách “ngăn chận mức di dân lớn, tạo công ăn việc làm của người Mỹ cho người
Mỹ, duy trì các giá trị Thiên Chúa giáo của Mỹ, và ngăn ngừa sự đe dọa của đạo
Hồi.” Cũng cần nên biết rằng tỉ lệ ủng hộ cho đảng Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp
cũng bằng như vậy, và tỉ lệ ủng hộ cho nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu
(Brexit) chỉ hơn khoảng 10%.
Ông Trump thành công cho đến nay là vì ông hiểu được rằng
nhiều người theo đảng Cộng Hòa không quan tâm đến các giáo điều của đảng như
trước nữa, từ tự do trao đổi mậu dịch, thuế thấp, giảm quy định (deregulation)
cho đến cải tổ tiêu chuẩn được hưởng trợ giúp từ chính phủ; nhưng họ lại phản ứng
tích cực hơn đối với các vấn đề như nghi ngại văn hóa và tinh thần quốc gia
(FA, trang 14).
Ông Trump, và thế lực của ông, biết khai thác các yếu tố
trên. Không chỉ ông, mà thật ra người mị dân của tất cả các loại, từ Tổng thống
Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đến lãnh tụ
cánh hữu của Pháp Marine Le Pen, đến Tổng thống Phi Luật tân Rodrigo Duterte,
đã khai thác các hồ chứa sôi sục sự bất mãn của người dân (FA, trang 18).
Ông Trump đã nêu đích danh: người Mexico đã mang tội phạm,
ma túy và nạn hiếp dâm vào một quốc gia hòa bình tôn trọng pháp luật; và người
di dân theo đạo Hồi đã ủng hộ những kẻ chỉ biết tin vào thánh chiến mà không hề
có lý luận hay tôn trọng sự sống gì cả.
Phát Xít và dân túy
Nhìn cung cách hành xử của ông Trump, có người đặt vấn đề
ông Trump có phải là một nhà phát xít không?
Theo Berman thì chủ nghĩa phát xít, giống như các phong trào
cánh hữu khác, cũng xuất phát từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thời kỳ toàn cầu
hóa mãnh liệt (FA, trang 39). Chủ nghĩa tư bản lúc đó đã tái định hình xã hội
Âu Châu, phá hủy các cộng đồng và nghề nghiệp truyền thống và các quy tắc văn
hóa. Đó cũng là thời điểm mở đầu cho các cuộc di dân lớn: người thôn quê lên
thành thị sống và làm việc; người nước nghèo tìm đến nước giàu để mong cuộc sống
tốt hơn. Tất cả những biến đổi này đã gây nên phẫn nộ cho nhiều người, nhưng
các đảng chính trị lớn chưa có tầm nhìn và chính sách đối phó, do đó để khuynh
hướng như phát xít chiếm vào không gian chính trị trống đó.
Như tất cả đều biết, những gì tiếp theo là chiến tranh thế
giới thứ hai, và còn lại là lịch sử.
Ông Trump nhiều lần lên tiếng khen ngợi Tổng Thống Nga
Vladimi Putin, và luôn chê bai Tổng Thống Barrack Obama. Ông Trump luôn phủ nhận
mọi thành quả của chính quyền Obama tám năm qua và lên án gây gắt những ai bênh
vực hay khác quan điểm với ông. Bà Marine Le Pen, lãnh tụ của đảng Mặt Trận Quốc
Gia của Pháp, tuyên bố muốn tiến gần quan hệ với Nga vì Pháp và Nga cũng có một
lịch sử chung và tình thông giao văn hóa mạnh mẽ (FA, trang 6).
Berman biện luận rằng các nhà dân túy cánh hữu thời nay như
Trump hay Le Pen có một số điểm chung với các nhà phát xít thời giữa hai thế
chiến. Họ đều lên án các nhà lãnh đạo dân chủ đương nhiệm là vô hiệu quả, ù lì
và yếu ớt. Họ hứa hẹn sẽ phục vụ quốc gia, bảo vệ nó từ kẻ thù, và khôi phục mục
tiêu cho những ai cảm thấy bị tổn thương từ các lực nằm ngoài khả năng kiểm
soát của họ. Họ cũng hứa hẹn sẵn sàng đứng lên bảo vệ “nhân dân” (FA, trang
43).
Tuy có điểm tương đồng, nhưng Berman cho rằng chủ nghĩa phát
xít và chủ nghĩa dân túy khác nhau: chủ nghĩa dân túy là triệu chứng của nền
dân chủ đang có vấn đề; còn chủ nghĩa phát xít và các phong trào cách mạng khác
là hậu quả của nền dân chủ đang khủng hoảng. Cho nên Berman kết luận rằng bài học
cho nhân loại từ thời kỳ giữa hai thế chiến là thay vì đối phó trực tiếp với xu
hướng dân túy, Tây phương nên tập trung quan tâm đến các vấn đề thách thức nền
dân chủ hiện nay, cụ thể là làm sao các chính trị gia, đảng phái và các định chế
dân chủ hiện nay đáp ứng được nhu cầu cần thiết của mọi công dân (FA, trang
44).
Bài học cho nhân loại về những thứ mị dân
Thế giới ngày nay thay đổi nhiều, nhưng ở mức độ nào đó
không hẳn là sự tiến bộ về nhận thức của nhân loại mà chỉ là sự lập lại, có khi
lại là những lỗi lầm rất lớn.
Ở mọi thời đại, các xu hướng và phong trào chính trị luôn
tìm cách khai thác tình thế và tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Nhưng không
có thời điểm nào dễ tranh thủ và dễ khai thác hơn là lúc tình huống làm cho nhiều
người cảm thấy bất an và bất mãn với những bất công và bất xứng đang xảy ra
chung quanh mình.
Chủ nghĩa dân chủ xã hội (social democracy) và dân chủ phóng
khoáng (liberal democracy) đã thành công về mặt chính trị và kinh tế, đem tự do
dân chủ và nhân quyền đến nhiều dân tộc trên thế giới, giải phóng họ từ các chế
độ độc tài toàn trị, phát xít, cộng sản và dân túy mị dân. Nhưng trên hành
trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa với những kỹ thuật khoa học phát triển và kỹ
nghệ thông tin vượt bực, nhiều quốc gia dân tộc và sắc tộc đã bị bỏ rơi đàng
sau. Hơn nữa, những vấn đề tồn động và bất công từ các tính toán của bàn cờ
chính trị thế giới trong thế kỷ qua không biến đi; ngày nay nó trở lại tính sổ
với nhân loại.
Mishra lập luận rằng những cái xấu xa hiểm độc thể hiện ngày
hôm nay bắt nguồn từ các phản ứng riêng biệt đối với những thay đổi xã hội và
kinh tế sâu sắc của thập kỷ gần đây. Trước đây nó đã bị khuất lấp bởi tầm nhìn
lạc quan của toàn cầu hóa mà đã ngự trị sau thời chiến tranh lạnh (FA, trang
48).
Mudde kết luận rằng sự trỗi dậy của xu hướng dân túy, về mặt
thuần khiết, là sự phản ứng dân chủ phi phóng khoáng qua nhiều thập niên của những
chính sách phóng khoáng phi dân chủ (In essence, the populist surge is an
illiberal democratic response to decades of undemocratic liberal policies).
Mudde biện luận các đảng chính trị kiên cố phải xem lại tất cả các vấn đề hệ trọng,
như vấn đề di dân, kinh tế theo xu hướng tân phóng khoáng, hội nhập Âu Châu, để
có những chính sách thống nhất và liên hợp để thu hút người dân, thay vì những
chính sách thiển cận và giản đơn từ phía dân túy (FA, trang 30).
Quả thật ông Trump thiếu kinh nghiệm chính trị và lãnh đạo;
thường xuyên nói bổ bã và bậy bạ; kỳ thị tôn giáo, chủng tộc và phái tính; thiếu
nhân cách; chuyên nói bừa, sướng miệng, mị dân, không có chút giá trị thực tiễn
nào cả. Do đó nhiều người Mỹ hiện nay rất lo lắng cho tương lai của mình và của
nước Mỹ nếu ông Trump thắng cử lần này.
Quả thật có nhiều lý do để lo lắng, nhưng lịch sử Hoa Kỳ và
nền chính trị ở đây nói chung khá an toàn và bảo đảm. Mỹ là quốc gia có nền dân
chủ vững mạnh và lâu đời nhất trên thế giới, luật lệ nghiêm minh, và tổng thống
không có quyền hạn tuyệt đối. Kiểm soát và cân bằng giữa ba ngành tư pháp, hành
pháp và lập pháp rất vững bền và hiệu quả, và truyền thông và các định chế cũng
như các xã hội dân sự là nền móng cột trụ. Lấy thí dụ cụ thể sau đây. Trong thập
niên 1930, nhiều định chế dân chủ tại Âu Châu thất bại trong việc đối phó với
cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression), và các đảng và chính phủ dân chủ Âu
Châu không còn được tín nhiệm nữa. Các nhà phát xít mạnh mẽ lên án dân chủ là
vô hiệu quả, ù lì, yếu ớt và họ hứa hẹn giải pháp tốt hơn (FA, trang 42). Phát
Xít Đức, Ý và Nhật đã nổi lên gây sóng gió vũ bão, gây thiệt hại hàng chục triệu
sinh mạng trong thế chiến thứ hai. Trong khi đó tại Mỹ, các định chế đã vững mạnh
và lâu đời nên rất năng động, và chính phủ Franklin Roosevelt có khả năng và sẵn
sàng giúp cho công dân Mỹ vượt qua thời điểm khó khăn này, khai sinh một nhà nước
an sinh xã hội hiện đại qua Hợp Đồng Mới (the New Deal).
Qua sự kiện bao nhiêu người ủng hộ cho một người như ông
Trump để ông có khả năng thắng cử đủ để cho toàn xã hội Mỹ, nhất là thành phần
trí thức tinh hoa và quyền lực, phải nhận ra rằng nước Mỹ đã và đang có quá nhiều
vấn đề cần xét lại. Cả hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa phải tìm giải đáp
nghiêm chỉnh và thông suốt cho những quan tâm chính đáng của người dân.
Bài học có thể nằm ở nền dân chủ xã hội như Gia Nã Đại hay
Úc, nơi đề cao tính công bằng xã hội và lãnh đạo chính trị không quá bảo thủ
hay cực đoan. Ở những nơi mà chính quyền thiếu khả năng giải thích hay giải quyết
những lo âu chính đáng của người dân, và các con buôn chính trị tiếp tục gây sợ
hãi lên họ, thì chủ nghĩa dân túy ở đó phát triển mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, ở
những quốc gia có lãnh đạo tài giỏi, bản lãnh và thường xuyên tiếp cận chia sẻ
với công chúng, như tại Gia Nã Đại (Canada) chẳng hạn, nơi thu nhận nhiều người
nhập cư và dân tỵ nạn, thì chủ nghĩa dân túy không ảnh hưởng bao nhiêu. Do đó để
đối phó với chủ nghĩa dân túy lan tràn khắp nơi, giải pháp tối ưu là tài năng
lãnh đạo sáng suốt, bởi vì khuyến khích lòng tốt của con người để phục vụ xã hội
thì vẫn tốt hơn, nhất là trên đường dài, thay vì kích động lòng dạ xấu của họ
(FA, trang 15).
Bài học tiếp theo nằm ở kinh nghiệm của châu Mỹ Latin.
O’Neil cho rằng nếu những người mị dân lên nắm quyền, nhất là các quốc gia nhiều
quyền lực và ảnh hưởng như Âu Châu và Hoa Kỳ, thì hệ quả sẽ thảm khốc hơn cho
toàn thế giới (FA, trang 37/38). Ngay cả khi họ không còn nắm quyền nữa, những
di sản độc hại của họ để lại thì đầy dẫy, điển hình như sự chia rẽ giữa nhiều
thành phần dân chúng, đến niềm tin của người dân vào các hệ thống công quyền.
Theo O’Neil, bài học quan trọng về chủ nghĩa dân túy từ Châu Mỹ Latin đối với
Tây phương là nên định giá toàn bộ tầm quan trọng của tính kiểm soát và cân bằng
của chính phủ đại diện trước khi cảm nghiệm nó không còn nữa (FA, trang 38).
Cuối cùng, bất kỳ vấn đề nào cũng có hai hay nhiều mặt.
Kazin kết luận rằng ở mặt tốt nhất, chủ nghĩa dân túy cung cấp loại ngôn ngữ để
củng cố nền dân chủ, không phải để gây nguy hiểm. Chính đảng Nhân Dân thập niên
1890 tại Mỹ đã giúp đưa vào nhiều chính sách cải tổ cấp tiến, kể cả thuế khóa
và luật điều hòa tập đoàn, đã giúp cho Hoa Kỳ trở thành một xã hội nhân bản hơn
ở thế kỷ 20. Những kẻ kỳ thị chủng tộc và những tay có thể trở thành chuyên quyền
cũng muốn trục lợi chủ nghĩa này. Nó có thể nguy hiểm nhưng cũng là điều cần
thiết. Sử gia Woodward viết vào năm 1959 để phản hồi thành phần trí thức coi
thường chủ nghĩa dân túy: “Một người phải mong đợi và ngay cả hy vọng rằng sẽ
có những sóng gió tương lai để gây sốc cho những ghế quyền lực được ưu đãi, và
cung cấp các trị liệu chu kỳ mà có vẻ cần thiết cho sự vững mạnh của nền dân chủ
của chúng ta” (FA, trang 24).
Có lẽ cho đến nay chưa có ai gây sốc cho nước Mỹ, và toàn thế
giới, như ông Trump vậy. Nhưng chính ông cũng là cơ hội để nước Mỹ nhìn lại
chính mình một cách toàn diện vậy.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét