Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được cho là vô tiền
khoáng hậu trong lịch sử Hoa kỳ đang đi đến những giai đoạn cuối cùng. Kết quả
khảo sát tỷ lệ ủng hộ cho hai bên Trump-Hillary vẫn đang biến động từng ngày.
Và dù với sự kiện FBI mở lại cuộc điều tra đối với bà Hillary Clinton làm cho tỷ
lệ ủng hộ bà giảm sút và cho dù có một số khảo sát cho rằng bà đang đứng sau
ông Donald Trump, vẫn chưa có gì là chắc chắn cho đến khi có kết quả bầu cử cuối
cùng.
Lời phản biện từ Đảng Cộng Hòa
Tuy nhiên, dù những gì Donald Trump tuyên bố hời hợt và có vẻ
“không lý trí”, thậm chí bị chỉ trích là thiếu hiểu biết về hiến pháp và pháp
luật, đừng quên rằng một đảng Cộng Hòa hùng mạnh vẫn đồng ý đứng sau lưng ông
ta, và ê-kíp hỗ trợ Trump cũng không phải dạng vừa. Đi từ lý luận đến thực tiễn
tuy khó khăn, nhưng việc Trump trở thành tổng thống không phải là bất khả thi.
Vậy, nếu Trump thắng cử trên thực tế, ông ta có thể làm gì? Và làm như thế nào?
Dù Trump có “điên loạn” đến đâu, thì đã có Hiến pháp hạn chế
ông ta. Đó là khẳng định của Thượng nghị sĩ John McCain cũng như thủ lĩnh phe
đa số trong Thượng viện – ông Mitch McConnell. Theo nguyên tắc phân chia quyền
lực trong Hiến pháp Mỹ, Tổng thống chia sẻ quyền lực với Quốc hội và nhánh Tư
pháp. Hệ thống đảng phái, báo chí và truyền thống chính trị Hoa Kỳ cũng đóng
vai trò quan trọng trong việc kiềm chế người đứng đầu nhánh Hành pháp này. Điều
này nhằm đảm bảo cho việc sẽ không có sự lạm quyền nào xảy ra ngay từ lúc một ý
định độc tài được nhen nhóm trong đầu của vị Tổng thống đương nhiệm.
Ứng cử viên Donald Trump vẫn đang bị chỉ trích nặng nề bởi
truyền thông trong và ngoài nước vì lối phát ngôn thiếu cân nhắc và các chính
sách gây tranh cãi. Ảnh minh họa: pinimg.com
Ví dụ, Trump đã từng tuyên bố sẽ bỏ tù bà Hillary với những
bê bối liên quan đến Quỹ Clinton hay scandal bà cựu ngoại trưởng dùng máy chủ
cá nhân trong công việc. Tất nhiên là Trump không hề có quyền này, đây là việc
của Tòa án. Chỉ có Tòa án mới có quyền ra quyết định người nào có tội hay không
có tội, và quy định hình phạt (trong đó có hình phạt tù) đối với bị can.
Tính khả thi của các chính sách do Trump đề xuất không thấp
Trở lại với những lời hứa về các chính sách gây ra nhiều
tranh cãi nhất và được đưa tin nhiều nhất của Trump, gồm có các vấn đề liên
quan tới người nhập cư và an ninh biên giới, đề nghị trục xuất toàn bộ người nhập
cư bất hợp pháp, xây tường dọc biên giới Mexico, việc giao thương với Trung Quốc
và lệnh cấm tạm thời người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Trước hết, ông Trump không thể tự cho phép việc xây bức tường
ngăn cách biên giới Mexico nếu không thể có được sự đồng thuận của các nhà lập
pháp và quyền quyết định chi ngân sách của Quốc Hội. Trump cũng vẫn tiếp tục đối
mặt với khả năng Tối Cao Pháp Viện tuyên bố những chỉ thị hay hành vi hành
chính của mình vi hiến. Nhưng, ông có đầy đủ thẩm quyền ra lệnh cho cơ quan di
trú trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Trump cũng có thể ngăn cản người nhập cư Hồi giáo theo luật
pháp hiện hành của Hoa Kỳ, cho phép cấm những người nước ngoài nhập cư được xác
định là “sẽ gây phương hại nghiêm trọng đến lợi ích của Hoa Kỳ”. Trong quá khứ,
Tổng thống Ronald Reagan đã viện dẫn đạo luật này cùng các quyền hợp hiến của
mình để chặn cơn lũ người di cư từ Haiti đổ bộ lên đất Mỹ vào năm 1981.
Vị Tổng thống được xem là kiểu mẫu của Hoa Kỳ nói chung và Đảng
Cộng Hòa nói riêng – Ronald Reagan. Ảnh: HuffPost
“Tân Tổng thống” Trump có thể đánh thuế các mặt hàng của
Trung Quốc, như ông đã đe dọa? Có thể.
Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống quyền lực thực hiện hành vi
trả đũa một nước khác nếu họ tham gia vào các hoạt động thương mại với Hoa Kỳ một
cách không công bằng, như bán phá giá. Và việc xác định thế nào là thương mại
không công bằng là do Tổng thống và các quan chức thương mại quyết. Như vậy,
Trump có thể kiếm một lý do nào đó và cho rằng Trung Quốc đang tham gia hoạt động
thương mại không công bằng trên đất Mỹ, và đánh thuế các mặt hàng của họ ở mức
cao hơn bình thường. Điều này đã xảy ra vào năm 2002 khi Tổng thống George W.
Bush áp thuế lên thép Trung Quốc và các nước khác, mà theo nhiều nhà quan sát
là vì lý do chính trị, và WTO đã đưa ra một phán quyết không cho phép mức thuế
mà Hoa Kỳ áp lên thép sản xuất từ Trung Quốc. Nhưng nếu Trump ở trong cùng hoàn
cảnh của Tổng thống Bush, thì liệu ông ta có vì giận quá mà rút Hoa Kỳ ra khỏi
WTO hay không?
Một Trump rất giống, và cũng rất khác các Tổng thống tiền
nhiệm
Hồi tháng 5, Trump tuyên bố sẽ bãi bỏ chính sách về môi trường
của Tổng thống Obama, và hoàn toàn có thể làm vậy nếu trở thành Tổng thống. Ông
ta có thể chối bỏ hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, như cựu Tổng thống Bush
đã “thu hồi chữ ký” một hiệp ước thành lập một tòa án hình sự quốc tế vào năm
2002. Trump cũng có thể bóp chết những quy định hiện đang được phát triển và
rút lại những quy định hiện hành về biến đổi khí hậu. Ngay cả khi tòa án ngăn
chặn Trump, ông hoàn toàn có thể khước từ việc thi hành những quy định trên,
tương tự như Tổng thống đương nhiệm Barrack Obama đã từ chối thi hành một vài
điều luật di trú.
Sử dụng quyền lực hành pháp theo cách này, Donald Trump có
thể theo chân những người tiền nhiệm của mình. Tổng thống Bush đã viện dẫn quyền
lực Tổng tư lệnh của Tổng thống để biện minh cho chính sách thẩm vấn, giám sát
và giam giữ của mình sau sự kiện 11/9. Dù ông Obama cố tránh xa những lập luận
hiến định của Bush, chính ông cũng đã sử dụng những luận điểm tương tự để giải
thích pháp luật theo hướng có lợi cho mình. Obama đã dựa vào quyền hạn được Hiến
pháp ghi nhận để biện minh cho việc can thiệp quân sự ở Libya vào năm 2011,
cũng như việc từ chối thi hành những đạo luật di trú được Quốc hội thông qua.
Trump tỏ ra thiếu kiên nhẫn với những người buông lời chỉ
trích mình, và đã ám chỉ rằng ông ta sẽ sử dụng quyền lực liên bang để chống lại
họ. Tất nhiên là Trump không có thẩm quyền để bỏ tù ai đó chỉ vì họ đã chỉ
trích mình. Nhưng ông ta có thể chỉ đạo các cơ quan nhà nước sử dụng quyền hạn
pháp lý rộng lớn để đối phó với các công ty lớn, nơi mà những người điều hành
đã làm phật lòng Trump. Ví dụ như Jeff Bezos, sáng lập viên của Amazon. Trump
đã nói bóng gió rằng ông ta có cách điều tra và chứng minh công ty Amazon đã vi
phạm các điều khoản chống độc quyền.
Trump cũng có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp điều tra những đối thủ
chính trị bằng cách đề nghị các nhân viên tư pháp ưu tiên điều tra những loại tội
phạm nhất định, ví dụ như các hành vi liên quan đến sai phạm về luật tài chính
trong chiến dịch tranh cử. Cựu quan chức như bà Hillary Clinton có thể sẽ bị buộc
tội vi phạm luật bảo mật dành cho quan chức chính phủ. Thậm chí dù các cáo buộc
chả đi đến đâu, chi phí pháp lý dành cho việc bào chữa cũng sẽ rất cao, và gây
thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho những người liên quan.
“Tổng thống Trump” cũng có thể sẽ đàn áp thẳng tay các nhà
báo tường thuật về các vấn đề an ninh quốc gia, khi tăng cường thực thi các điều
luật an ninh quốc gia liên bang hơn người tiền nhiệm. Tổng thống Obama nhận rất
nhiều sự chỉ trích trong việc truy tố những nhân viên chính phủ để lộ bí mật quốc
gia. Thế nhưng, Bộ Tư pháp dưới thời Obama vẫn không đụng đến các nhà báo đã
đăng tải những thông tin bị rò rỉ. Điều này hoàn toàn có thể thay đổi nếu Trump
trở thành tổng thống.
Đó là một số điều mà Trump có thể làm để “biến lời nói thành
hiện thực”. Bằng cách sử dụng quyền lực hành pháp một cách khôn khéo, biết cách
áp dụng pháp luật đúng chỗ, không phải là quá khó để Donald Trump chứng minh rằng
mình không chỉ biết nói suông./.
Nguồn: http://luatkhoa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét