Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Quyền lực ngày càng tăng của Tập Cận Bình

BBC


                         Chủ tịch Ttung Quốc Tập Cận Bình 


Phóng viên BBC Stephen McDonell cho biết suốt bốn ngày tại thủ đô Trung Quốc, cuộc họp chính trị quan trọng đã diễn ra giữa hàng trăm thành viên Trung ương Đảng. Các cuộc họp kiểu này thường diễn ra một lần trong năm, để Đảng Cộng sản ra quyết sách mà sau đó đẩy sang cho Quốc hội phê chuẩn.

Tại Hội nghị Trung ương lần này, có tuyên bố các đảng viên cần đoàn kết xung quanh Trung ương Đảng "với Đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân".

Câu chữ này đã tuôn chảy từ miệng các quan chức như lời kinh tôn giáo. Họ có mặt tại họp báo giải thích các quyết định của hội nghị, mô tả các quan niệm phù hợp với "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" để củng cố uy thế của Đảng "có hạt nhân là Tập Cận Bình".

Điều làm giới quan sát Trung Quốc lo ngại là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang trở thành nhân vật bất khả xâm phạm, một hiện tượng gần đây không có.

Ví dụ thời Hồ Cẩm Đào là khác. Mặc dù ông ấy cũng là chủ tịch nước, chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng sự lãnh đạo của ông nằm trong trách nhiệm tập thể. Ta có thể hình dung nhiều quan điểm đa dạng trong Thường trực Bộ Chính trị, khi đó có chín người.

Nhưng nay thì không.

Từ 1949, ví dụ lãnh đạo tuyệt đối nhất là Mao Trạch Đông.

Khi chính sách tai hại, Đại nhảy vọt, của ông Mao làm hàng triệu người đói đến chết, Bộ trưởng quốc phòng Bành Đức Hoài chất vấn. Thế là người anh hùng của cách mạng bị thanh trừng.

Dĩ nhiên Trung Quốc hôm nay không giống 1959 nhưng sự tập trung quyền lực vào một người "hạt nhân", không thể bị phê phán, làm nhiều nhà phân tích lo lắng.

Ít ỏi thông tin đưa ra về các quyết định của Hội nghị Trung ương này chủ yếu liên quan chống tham nhũng.

Dường như Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã điều tra 1.018.000 viên chức. Trong số này, 1.010.000 bị trừng phạt. Thật lợi hại.

Chúng ta được bảo rằng các quy định của Đảng về hành vi đảng viên sẽ nghiêm khắc hơn nhiều.

Cần có điều này để loại bỏ gian lận bầu cử, bán chức, mặc cả với tổ chức để được thăng tiến.

Với viên chức chính phủ, nay họ bị cấm "yêu cầu chức vị, danh dự, đối xử đặc biệt".

Các đảng viên này cũng không được phép bất tuân quyết định của tổ chức đảng.

Nghe nói Chủ tịch Tập Cận Bình rất được lòng dân: họ gọi ông là "Bác Tập".

Những người dân bình thường thấy quan chức tham nhũng bị trừng phạt và reo mừng.

Nhưng cũng có quan điểm rằng quá nhiều viên chức tham ô, nên Bác Tập có thể chỉ dùng chiến dịch có chọn lọc để loại bỏ đối thủ và củng cố địa vị.

Đây không phải là quan điểm được nghe từ người dân. Với họ, có cần quan tâm loại quan chức nào bị trừng phạt? Ít ra thì một số tay quan chức đã bị loại bỏ.

Nhưng cuộc thanh trừng tham nhũng rộng khắp đến mức nó tạo ra một giả thiết tranh cãi.

Nếu Tập Cận Bình và người của ông trừng phạt hơn một triệu viên chức, vốn có bạn bè và gia đình, thế ông đã tạo ra bao nhiêu kẻ thù đang chờ thời cơ?

Liệu có nguy hiểm nếu Chủ tịch Tập từ bỏ quyền lực? Ông có tìm ra cơ chế kéo dài nhiệm kỳ? Hay ông cần một người ủng hộ kiểu Medvedev của Nga để chọn người kế vị?

Chúng ta sẽ không có câu trả lời cho đến khi nhiệm kỳ hai của ông kết thúc sáu năm nữa.


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét