Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Ông Trump với truyền thông chính thống Mỹ

Quốc Phương BBC


   
 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (thứ hai, trái sang) trao đổi với Ban biên tập và các phóng viên, biên tập viên tờ New York Times hôm 22/11 tại New York, Mỹ. 


Ngày thứ Ba tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump đã dành cho tờ báo Mỹ, The New York Times (NYT), một cuộc gặp gỡ, trao đổi và trả lời phỏng vấn kéo dài gần một tiếng đồng hồ ở trụ sở tòa báo tại New York, với nhiều phần hỏi đáp được cho là khá thẳng thắn.

Đây là lần thứ ba ông Trump đưa ra các tuyên bố trên truyền thông sau khi thắng cử với các thông điệp được cho là mang khá nhiều thông tin qua chính lời của Tổng thống đắc cử về chiến dịch tranh cử và các chính sách, dự định chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền sắp nhậm chức, bên cạnh các kênh truyền thông mà ông vẫn sử dụng từ trước.

Mở đầu cuộc phỏng vấn diễn ra tại chính trụ sở tờ New York Times, người sắp chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45 vào ngày 20 tháng Giêng tới đây thẳng thắng nói với ban chủ sự tờ báo:

"Tôi nghĩ rằng tôi đã bị đối xử khá thô bạo. Rõ ràng là tôi đã và đang bị đối xử cực kỳ không công bằng ở một ý nghĩa nào đó, thực sự như vậy."

Nhưng ngay trước đó, ông cũng nói:

"Tôi cảm ơn về cuộc gặp gỡ và tôi có một sự tôn trọng lớn đối với The New York Times. Rất tôn trọng. Điều đó rất đặc biệt, luôn luôn rất đặc biệt."

Trong cuộc trao đổi và trả lời phỏng vấn đồng thời với nhiều thành viên ban biên tập của tờ báo trên rất nhiều nội dung khác nhau, ông Trump có lúc chia sẻ cảm nhận của ông về tính khó khăn của kỳ bầu cử.

Khi được hỏi liệu ông có ý định cân nhắc các hành động pháp lý đối với đối thủ tranh cử thuộc đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton hay không trên các hồ sơ liên quan sử dụng thư điện tử công vụ của bà và quỹ Clinton, ông Trump nói:

"Tôi muốn hướng tới phía trước, tôi không muốn lui lại phía sau và tôi không muốn làm tổn thương gia đình Clinton. Tôi thực sự không muốn.

"Bà ấy đã trải qua rất nhiều điều, đã chịu đựng rất lớn về nhiều cách thức. Và tôi sẽ không tìm cách làm tổn thương gì họ cả. Chiến dịch tranh cử rất ác liệt."

'Bán được nhiều báo'

 Ông Donald Trump trả lời nhiều câu hỏi của tờ New York Times về tranh cử và chính sách hậu bầu cử của ông và chính quyền sắp nhậm chức.

Và Tổng thống tân cử của Mỹ cũng không quên liên hệ tính chất cạnh tranh 'ác liệt' của cuộc bầu cử với khả năng 'bán báo' của truyền thông Mỹ, ông nói:

"Người ta nói đó là kỳ bầu cử sơ bộ và cuộc tranh cử ác liệt nhất. Tôi nghĩ, tóm lại, đó chắc chắn là ác liệt nhất, có lẽ thế.

"Và tôi đoán là các bạn cũng bán được nhiều báo," ông Trump nói.

Tại cuộc trao đổi hôm 22/11/2016, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ cũng đề cập, trả lời nhiều câu hỏi trên nhiều vấn đề khác nhau, từ vận động bầu cử, biến đổi khí hậu, nhân sự cho tân chính phủ, kể cả trường hợp là người nhà của ông, xung đột ở Syria, vụ việc về emails của bà Hilary Clinton và quỹ Clinton, phong trào 'cánh hữu', tới xung đột lợi ích v.v...

Nhiều báo Mỹ sau ba sự kiện trên, bên cạnh các thông điệp khác trên truyền thông xã hội của vị Tổng thống tân cử Mỹ, hậu bầu cử, cho rằng ông Trump đã có động thái 'làm lành' với truyền thông chính thống, đồng thời ông cũng cho thấy khả năng và khuynh hướng sử dụng thay thế truyền thông chính thống và truyền thông xã hội.

Bên cạnh đó, cũng theo nhiều báo Mỹ, ông Trump dường như đã cho thấy tín hiệu vị Tổng thống mới của nước Mỹ cũng biết được vai trò của truyền thông chính thống, mà không phải hoàn toàn 'quay lưng lại', hay 'thù địch' với báo chí 'dòng chính'.

Cách thức trả lời truyền thông của ông Trump, bằng việc tới tận trụ sở tòa soạn của New York Times, tờ báo mà một số nhà quan sát cho rằng trong thời gian ông Trump tranh cử cũng có thể đã có một số bài vở đưa tin được cho là chưa hoàn toàn 'thuận lợi' cho ông, cho thấy đó là việc 'vào tận hang hùm' của ông.

Hiện chưa rõ, ông Trump sẽ còn có bao nhiêu phương cách để ứng xử với truyền thông nữa, ngoài chuyện người ta cho rằng ông đã có những động thái 'vô tiền, khoáng hậu' khi sử dụng mạng xã hội để đưa ra cả những thông điệp chính sách quan trọng như sẽ làm gì trong trăm ngày đầu cầm quyền, hay kêu gọi nước Mỹ hậu bầu cử 'hãy đoàn kết lại' nhân kỳ Lễ Tạ ơn, thay vì sử dụng các kênh chính thức hơn.

Dự đoán quan hệ

Ông còn tỏ ra 'lạ hơn' khi không ngại sử dụng Twitter để bình luận thẳng những người chỉ trích mình hay chỉ trích những người trong ê-kíp nhân sự đang được hình thành ngày một rõ rằng hơn của ông, như là vụ ông chỉ trích cách thức một số nghệ sỹ ở nhà hát kịch tại New York hành xử mới đây qua thông điệp cuối vở diễn Hamilton gửi tới trực tiếp Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence của ông là 'không thích hợp' và gợi ý họ nên 'xin lỗi'.

Mới đây, trong một trao đổi dành cho BBC Việt ngữ, một nhà nghiên cứu và giảng dạy về truyền thông và báo chí từ Đại học Bournemouth, Anh quốc, PGS. TS. Nguyễn Đức An, đưa ra bình luận với BBC, dự đoán về cách thức ứng xử và quan hệ, tương tác giữa ông Trump với truyền thông ở Mỹ, cả truyền thống và phi truyền thống.

Nhà nghiên cứu này nói:

"Tôi nghĩ rằng báo chí Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng làm công việc của báo chí và quan hệ sẽ rất căng thẳng, bởi vì bản thân giữa ông Trump và báo chí chính thống lâu nay đã là một mối quan hệ rất căng thẳng rồi.

"Nhưng báo chí Mỹ sẽ là một phần trong cả hệ thống chính trị và văn hóa của Mỹ, để mà giữ ông Trump lại, chứ không phải là ông Trump muốn làm gì thì làm, kiểu như khi ông phát biểu khi đi tranh cử.

"Nó không đơn giản như thế, cùng với hệ thống của lưỡng viện, Thượng viện và Hạ viện bên Mỹ, rồi các hệ thống truyền thông, các hệ thống xã hội dân sự cùng phối hợp với nhau để giữ chân ông Trump lại, chứ không đơn giản.

"Chưa kể những thế lực khác, kể cả các thế lực về kinh tế, chính trị ảnh hưởng, tôi nghĩ báo chí vẫn (có vai trò), bởi vì báo chí mà thoát khỏi vai trò đó thì gần như không còn nghĩa lý tồn tại gì nữa. Tại sao phải đọc báo trên tờ Washington, nếu như không còn những bài điều tra, hay những tin bài phân tích như lâu nay vẫn thấy?" PGS. TS. Nguyễn Đức An nói với BBC.

Và có lẽ chuyến thăm và trả lời phỏng vấn tại tòa soạn New York Times hôm 22/11 vừa qua với tờ báo Mỹ phần nào cho thấy ông Trump, dù được cho là con người có cá tính và phong cách khá 'đặc biệt' thế nào, cũng ít nhiều hiểu được vị thế, sức mạnh (mà có thể cả điểm yếu) của báo chí chính ngạch, trong tổng thể truyền thông - báo chí, một thiết chế quan trọng của nền văn minh dân chủ đương đại ở xã hội Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét