Ngô Nhân Dụng
Nước Mỹ rất khó hiểu. Trong tám năm qua, thế giới hai lần
kinh ngạc trước kết quả bầu tổng thống ở Mỹ. Trước thế kỷ này, khó tưởng tượng
một người da đen làm tổng thống Mỹ. Ấy thế mà năm 2008 ông Barack Obama đắc cử.
Trước ngày 8 Tháng Mười Một năm nay, ít người ở Châu Mỹ, Châu Âu hay Châu Á tin
ông Donald Trump sẽ đắc cử. Ngày hôm sau, ông Trump đã chuẩn bị vào Tòa Bạch Ốc.
Những bất ngờ (không đổ máu) như vậy chỉ xẩy ra trong chế độ
dân chủ. Vì 150 triệu cử tri quyết định cho ai làm tổng thống, bằng từng lá phiếu
của họ. Chính những con người vô danh này tạo bất ngờ.
Trước khi ông Obama đắc cử, dân Mỹ vẫn mang tiếng là kỳ thị
người da đen, một tâm lý khó xóa bỏ dù luật lệ vẫn bảo vệ công bằng. Phải nói,
nước nào cũng có những người nuôi đầu óc kỳ thị, rất đông. Thử hỏi một người Việt
Nam trung bình nghĩ gì về người Việt gốc Hoa hay gốc Khmer? Ngay cả khi lý trí
đã quyết định không kỳ thị chủng tộc, người ta vẫn chứa trong đầu óc một chút tị
hiềm. Dù các đạo luật bảo vệ dân quyền đã được áp dụng từ hơn 50 năm, vẫn khó
xóa sạch óc kỳ thị trong đầu nhiều người Mỹ. Sau khi ông Trump thắng, nhiều người
Mỹ da trắng đã xuất hiện bầy tỏ tinh thần kỳ thị một cách công khai, không cần
dè dặt. Những nhóm KKK và Da Trắng Trên Hết (White Supremacy) mới rầm rộ ăn mừng
ông Trump lên ngôi tổng thống. Trên Facebook, một viên chức ở tiểu bang West
Virginia gọi bà Michelle Obama là “con khỉ đột đi giầy cao gót,” tác giả câu đó
đã bị cách chức. Nhưng sư thật là từ bẩy tám năm nay nhiều người Mỹ da trắng đã
ví ông, bà Obama với khỉ đột – và truyền tai nhau trên các mạng xã hội. Trong một
xã hội có những người như vậy mà ông Obama vẫn đắc cử, hai nhiệm kỳ liên tiếp!
Người ngoại quốc phải thấy nước Mỹ rất khó hiểu!
Trường hợp ông Trump cũng khó hiểu, theo một cách khác. Đây
lại là vấn đề đạo đức cá nhân chứ không phải chuyện mầu da. Thông thường, dân Mỹ
rất sùng đạo. Những người ghét ngoại tình, chống phá thai, chống hôn nhân đồng
tính, vân vân, mang thái độ rất quyết liệt. Trên vấn đề phá thai, ông Trump coi
đó là việc của các tiểu bang. Ông vẫn hứa sẽ đề cử những thẩm phán muốn cấm phá
thai, để lật ngược phán quyết cũ của Tối Cao Pháp Viện coi phá thai là một quyền
của phụ nữ. Nhưng về chuyện hôn nhân đồng tính, ông lại nói rằng Tối Cao Pháp
Viện đã xử rồi, khỏi cần bàn nữa. Năm 2000 hoặc 2004, ông George W. Bush mà nói
năng lơ lửng như vậy thì chắc đã bị nhiều cử tri Cộng Hòa bỏ rơi!
Xưa nay trong các cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ người ta vẫn
soi mói đời tư từng ứng cử viên, đặc biệt về đạo đức. Năm 1987, Nghị Sĩ
Colorado Gary Hart dẫn đầu tất cả các ứng cử viên đảng Dân Chủ; khi có tin đồn
về chuyện ngoại tình ông đã thách các nhà báo đi tìm chứng cớ. Có tờ báo đã kể
rành rành vụ dan díu của ông với một bà tên Donna, Một tuần sau, ông Hart rút lui,
không bao giờ tranh cử nữa. Thế mà năm nay, một người đã bị mươi phụ nữ tố cáo
lạm dụng sàm sỡ, một người đã ly dị mấy lần, bà vợ chót đã từng chụp hình khỏa
thân, ông ta vẫn đắc cử.
Bầu cử tổng thống mà cũng đầy những chuyện bất ngờ, nước Mỹ
khó hiểu thật!
Có lẽ nguyên nhân đầu tiên là khi người ta để cho dân chúng
tự do bỏ phiếu, là chắc sẽ có những chuyện bất ngờ; không vụ này thì vụ khác.
Chỉ chế độ dân chủ mới sản xuất ra những vụ bất ngờ như vậy. Các đảng độc tài
chuyên chế thường sắp xếp trong nội bộ, quyết định ai sẽ làm chức vụ nào. Họ
không thể chấp nhận để cho bọn dân đen “chưa giác ngộ quyền lợi” bỏ phiếu gây
ra chuyện bất ngờ!
Phương pháp nghiên cứu dư luận cử tri, hoặc sở thích của người
tiêu thụ, dù khoa học tới mấy cũng không đọc hết được tình ý con người! Các
công ty thăm dò dân ý cũng sống bằng nghề nghiên cứu thị trường, họ muốn đoán
trúng 100%, chứ không ai muốn “nghiên cứu giả” để bị mang tiếng, sẽ mất khách.
Nhưng không một công ty nào đoán trước được máy iPhone (và các sản phẩm mô phỏng
nó) sẽ thay đổi lối sống hàng ngày của hàng tỷ con người, trước khi ông Steve
Jobs đánh cá nó sẽ thành công! Thời 40 năm trước, máy Walkman cũng là một sản
phẩm thành công bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Hỏi các bạn trẻ 30 tuổi bây giờ
chắc họ chẳng biết Walkman là cái mô tê nào, cũng không ai nhớ nó đã chết từ
lúc nào. Nhưng trước đây 40 năm Walkman đã tràn ngập khắp địa cầu giống như các
smart phone ngày nay!
Lá phiếu của người hàng trăm triệu cử tri cũng “bất trắc” giống
như đồng tiền của khách tiêu thụ. Bất trắc, uncertain, là một từ kinh tế chuyên
môn, hiểu theo nghĩa là khó đoán trước, không đẹp, không xấu. Hai ông Obama và
Trump là những iPhone và Walkman trong thế giới chính trị.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét