Nhàn Đàm
Nhập khẩu 40 tỉ USD từ Trung Quốc 10 tháng đầu năm: Đừng nói
Việt Nam không cần TPP
Ngoài yếu tố tăng
cường xuất khẩu và thúc đẩy cải cách kinh tế, TPP đặc biệt có lợi cho Việt Nam
trong vấn đề đa dạng hóa hàng nhập khẩu, khi những số liệu thống kê 10 tháng đầu
năm 2016 đang chỉ ra một thực tế: Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào hàng
nhập khẩu từ Trung Quốc.
Câu chuyện vai trò và tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác
thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam trong tương lai vẫn đang là
một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong nền kinh tế, kể cả khi cánh cửa
để hiệp định này có hiệu lực đang rất hẹp do kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Có
thể nhận thấy một điều, đó là trong thời gian qua TPP được nhắc tới chủ yếu
trên khía cạnh chỉ là một phần của chính sách tổng thể về hội nhập của kinh tế
Việt Nam, nếu thiếu cũng không quá nghiêm trọng. Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta còn nhiều hiệp định kinh tế khác, đảm bảo
quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP thì
chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”. Xét trên khía cạnh hội nhập
và xuất khẩu, điều đó đúng. Nhưng xét trên khía cạnh nhập khẩu, thì cần phải
xem lại, nhất là khi những số liệu thống kê nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2016
đang chỉ ra một thực tế: Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ
Trung Quốc.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, tính đến hết
tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt khoảng 140,6 tỉ USD; trong
đó Trung Quốc là nước có lượng hàng xuất khẩu vào Việt Nam lớn nhất, đạt giá trị
lên tới 40,24 tỉ USD (theo CafeF). So với cùng kỳ 2015, kim ngạch nhập khẩu
hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc giảm khoảng 1,4%, tương đương 576 triệu
USD. Gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia dẫn
đầu danh sách các nước xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam đạt giá trị lớn nhất năm
thứ 6 liên tiếp kể từ thời điểm năm 2011, khi mà quốc gia hiện xếp thứ 2 là Hàn
Quốc chỉ mới đạt mức kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam là 26 tỉ USD mà thôi.
Điều này chỉ ra một thực tế khá đáng buồn, đó là Việt Nam vẫn
đang phụ thuộc rất nặng nề vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với cường độ lớn
và đang có xu hướng tăng dần. Tính đến hết năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc đã
chiếm tới 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. So với cùng kỳ 2015 thì
10 tháng đầu năm 2016 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 1,4% nhưng đó
là một con số rất khiêm tốn và đã được dự báo từ trước trong bối cảnh tăng trưởng
kinh tế Việt Nam sụt giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cũng giảm theo. Nói cách
khác, con số 576 triệu USD ít hơn so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2015 là một
điều tất yếu chứ không phải vì nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu của Việt
Nam để giảm tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ.
Đó là chưa kể, cũng chưa có gì đảm bảo kim ngạch nhập khẩu từ
Trung Quốc của Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu
từ Trung Quốc năm 2015 của Việt Nam đạt khoảng 49,3 tỉ USD (theo Vneconomy), và
chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016 đã đạt khoảng 40,24 tỉ USD. Trong 2 tháng cuối
năm, khi nhu cầu hàng hóa tăng cao đột biến, không có gì đảm bảo con số nhập khẩu
từ Trung Quốc sẽ không thể đạt mức hơn 9 tỉ USD để san bằng với mức của năm
2015.
Điều này nhắc nhở chúng ta nhớ lại một vấn đề quan trọng, đó
là một trong những tác dụng của TPP đối với kinh tế Việt Nam là giảm mức độ phụ
thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đúng là ngoài TPP Việt Nam còn rất
nhiều các hiệp định thương mại (FTA) khác để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu và mức
độ hội nhập, như EVFTA hay FTA với EAEC; nhưng về khía cạnh giúp giảm phụ thuộc
vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì gần như chỉ có TPP mà thôi.
Nội dung của TPP quy định rõ về vấn đề quy tắc xuất xứ, thậm
chí từ nguyên liệu thô (điển hình là quy tắc xuất xứ về sợi trong ngành dệt
may) để đảm bảo các nước thành viên phải nhập khẩu từ các nước trong hiệp định
nếu như muốn được ưu đãi về thuế quan. Điều này sẽ giúp Việt Nam hạn chế đáng kể
tình trạng nhập khẩu từ Trung Quốc, mà một phần lớn là nguyên liệu thô. Hiệp định
thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) cũng không quy định chặt chẽ về xuất xứ
đến mức độ đó, chẳng hạn như trong ngành dệt may chỉ cần xác định xuất xứ từ vải
mà thôi.
Với những lợi thế rất lớn của hàng hóa Trung Quốc như giá cả
thấp, khoảng cách địa lý gần dẫn đến chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu lớn của nền
kinh tế Việt Nam về nguyên liệu và linh kiện thiết bị (kim ngạch nhập khẩu máy
móc thiết bị Trung Quốc đạt 7,35 tỉ USD, điện thoại và linh kiện 4,9 tỉ USD…)
thì rõ ràng Việt Nam rất khó có thể đạt được mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhập
khẩu từ nước láng giềng nếu không có các quy định ràng buộc chặt chẽ về quy tắc
xuất xứ như của TPP. Trừ phi Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm thiểu
các ngành sản xuất có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện thiết bị từ
Trung Quốc vốn đang là các ngành thế mạnh hiện nay như dệt may, lắp ráp… mà điều
này thì rõ ràng là không thể xảy ra trong tương lai gần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét