DL - Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 11 hàng năm là đảng viên
trên cả nước đem về địa phương nơi mình cư trú “Phiếu nhận xét đảng viên”. Được
biết đây là nội dung yêu cầu của Quy định số 76 do Bộ Chính Trị ban hành (15/6/2000)
nhằm tiếp nhận thông tin đánh giá đảng viên tại nơi ở để phân loại nhận xét đảng
viên cuối năm ở mỗi đơn vị công tác.
Qui trình của phiếu nhận xét này như sau: đảng viên đem phiếu
về đưa cho Bí thư chi bộ khu phố tiếp nhận, đánh giá theo những nội dung được
soạn thảo sẵn bao gồm nhiều câu hỏi đại loại như Đảng viên và thân nhân có tham
gia sinh hoạt tổ dân phố hay không? Mối quan hệ của đảng viên và thân nhân đối
với nhân dân nơi cư trú như thế nào? Đạo đức, lối sống của đảng viên thể hiện ở
nơi cư trú? Việc chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước của người đảng viên ở
địa phương ra sao? Những vấn đề cần lưu ý (nếu có) đối với đảng viên đó? Bí thư
khu phố ký tên sau đó chuyển lên cho Bí thư đảng ủy phường ký thêm lần nữa và
đóng dấu bỏ vào bao thư dán kín gửi trả lại đảng viên đem về nộp cho đơn vị.
Nhìn bề ngoài, việc nhận xét đánh giá đảng viên tại địa
phương như là một quy trình khép kín vậy. Tuy nhiên việc làm này đang ngày càng
trở nên là trò cười cho người dân và cho chính những người đảng viên ở địa
phương. Bởi lẽ nếu việc nhận xét này được làm đúng nguyên tắc, là việc làm thường
xuyên (hàng tháng) và được Đảng CSVN thực hiện nghiêm túc thì đất nước này đã
khá hơn.
Không cần nói đâu xa, ngay chính địa phương của bạn. Nếu bạn
hay gia đình có tham gia họp tổ dân phố (không cần thường xuyên) sẽ nhận ra
ngay đối tượng là các đảng viên nói trên có bao nhiêu người tham gia hội họp. Gần
100% là không ai tham dự vì họ (đảng viên) dành hết thời gian cho nơi công tác.
Địa phương chỉ là nơi cuối cùng của họ (đảng viên) trở về nhà sau một ngày làm
việc “nặng nhọc” hoặc lúc nghỉ việc về hưu.
“Tinh thần” (từ của đảng thường dùng để tóm tắt nội dung các
chỉ thị, nội quy, quy định) của quy định số 76 chẳng qua lừa phỉnh nhân dân mà
thôi, làm dân nhầm tưởng đảng viên luôn có mối quan hệ gần gũi với hàng xóm,
láng giềng; có một sự gắn bó chặt chẽ chứ không phải “xa rời quần chúng”. Thực
tế thì hoàn toàn ngược lại, đảng viên chỉ tập trung lo “kinh tài”, đối nội, đối
ngoại cho bản thân, cho gia đình, cho người thân nên thời gian đâu mà họp với
hành tổ dân phố. Có chăng, họ (đảng viên) bỏ ra ít tiền để được xem như hoàn
thành tốt nhiệm vụ đóng góp cho địa phương đối với các hoạt động xã hội. Tiền
này thay cho lá phiếu điểm danh những buổi vắng mặt và cho mục đích khác.
Đảng viên đã không tham dự họp tổ dân phố thì làm sao đánh
giá được nội dung thứ nhất của phiếu nhận xét. Đồng nghĩa với nội dung thứ hai,
ba, tư và năm sẽ bị bỏ trống vì ngay mặt mũi người đảng viên đó méo tròn thế
nào, dân địa phương cũng chẳng rõ. Ngay cả người làm bí thư khu phố nhiều lắm
chỉ biết tên của vị cán hộ đảng viên qua danh sách của phường đưa xuống chứ
cũng chẳng biết “đồng nghiệp đảng” với mình làm ở cơ quan nào, doanh nghiệp to
hay nhỏ hay đã đi nước ngoài du lịch từ bao giờ...
Thế mà tuyệt nhiên không có tờ phiếu nhận xét nào bị bỏ trống.
Tất cả các khoản mục đều được “viết” tốt cho đảng viên như: tham gia họp đầy đủ,
quan hệ tốt với quần chúng xung quanh, có lối sống giản dị và nhân ái, chấp
hành chủ trương của đảng và không có vấn đề gì cần lưu ý. Riêng với những địa
phương nào có đảng viên cấp cao cư ngụ, trợ lý của cán bộ đó hoặc bản thân người
đó viết sẵn hết nội dung vào phiếu và chuyển xuống địa phương đóng dấu rồi gửi
trở lại đơn vị theo đường công văn. Hiện cách làm này rất được ưa chuộng, vừa
nhanh, vừa gọn và hạn chế được sai sót do một số bí thư khu phố cao tuổi mắt
kém lại viết không đúng “tinh thần” của quy định 76.
Chính vì cái kiểu nhận xét nặng tính hình thức trên mà xảy
ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Dám chắc từ khi ban hành quy định đến nay,
không có lấy một đảng viên nào vi phạm một trong năm nội dung của phiếu nhận
xét đến nỗi phải bị khiển trách (mức thấp nhất) trong đảng. Như trường hợp của
Trịnh Xuân Thanh có hộ khẩu ở Hà Nội mà công tác lại ở tận Hậu Giang. Có thể vì
là người thuộc diện Bộ Chính Trị quản lý nên được miễn họp tổ dân phố (?),
chính quyền địa phương cũng không đủ thẩm quyền “trông trẻ” giúp đảng nên khi
cơ quan điều tra phát lệnh truy nã thì cả nước chứ không riêng gì khu phố ngỡ
ngàng việc đối tượng đang ở nơi xa lắm!
Trường hợp thứ hai là nguyên tổng thanh tra chính phủ Trần
Văn Truyền với câu nói bất hủ: “Tôi lao động đến thối cả móng tay”. Ông này được
chính phủ giao trọng trách cao cả nên tất nhiên không có thời gian họp tổ dân
phố, bà con láng giềng có thể cảm thông. Vì là người đứng đầu ngành thanh tra
đương nhiên việc chấp hành chủ trương, chính sách của đảng sẽ được đưa lên hàng
đầu. Đặc thù của lĩnh vực thanh tra nên người dân tin ông luôn có chuẩn mực đạo
đức cách mạng, có lối sống tiết kiệm. Mỗi năm ông đều báo cáo công khai tài sản,
đều được địa phương nhận xét đánh giá vào phiếu như một vị quan thanh liêm.
Nhưng cuối cùng, Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận “ông Truyền thiếu trung thực,
vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu”. Lỗi
không chỉ riêng ông, mà lỗi của cả hệ thống chính trị.
Còn rất nhiều trường hợp vi phạm khác nữa phạm vi bài viết
không kể ra do báo chí đã đăng. Họ (đảng viên) lợi dụng dân để “dối” đảng và lợi
dụng đảng để “gạt” dân. Đảng CS với thành phần lãnh đạo ưu tú, có lý luận không
lẽ không nhìn thấy vấn đề này. Hay tất cả đều giống nhau, một tay che mắt nhau,
tay kia che mắt dân để cùng nhau tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Một lần nữa, quy định 76 cũng như bao nghị quyết, chỉ thị
khác ban hành ra đều là công cụ giúp đảng “phê” và “tự phê”. Đảng là lãnh đạo,
là bề trên nên bí thư khu phố hơn cả quyền tổ trưởng tổ dân phố. Đảng viên tự
nhận xét cho nhau thì rất dễ “thối cả móng tay”.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét