Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn: London Council of Foreign Ministers meeting begins,
History.com
Vào ngày này năm 1947, trong bối cảnh mà một tờ báo gọi
là “bầu không khí u ám hoàn toàn”, đại diện của Mỹ, Pháp, Anh, và Liên Xô đã
nhóm họp để thảo luận về số phận của châu Âu thời hậu chiến, với trọng tâm
là tương lai của nước Đức.
Bầu không khí thực sự rất ảm đạm và đến tháng 12, cuộc
họp đã kết thúc trong mâu thuẫn và chống đối lẫn nhau. Vấn đề xác định
tương lai nước Đức – vốn đã bị chia thành nhiều phần khác nhau và bị lực
lượng từ bốn nước chiếm đóng kể từ khi Thế chiến kết thúc vào năm 1945 – là
chìa khóa để hiểu sự thất bại của cuộc họp này.
Phái đoàn Mỹ, đứng đầu là Ngoại trưởng George C. Marshall,
khăng khăng Tây Đức phải tham gia Chương trình Phục hồi châu Âu (European
Recovery Program, ERP). Đây chính là cái gọi là Kế hoạch Marshall, theo đó
Mỹ sẽ bơm hàng tỷ USD vào các nước Tây Âu bị chiến tranh tàn phá trong một nỗ
lực nhằm vực dậy nền kinh tế của họ, cũng như thiết lập một bức tường thành
chống lại bước tiến của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu.
Phía Liên Xô, do Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov đẫu đầu,
đã phản ứng lại bằng cách đề xuất nên để Đức thống nhất sớm hơn và không
để nước này tham gia vào ERP. Họ cũng yêu cầu Đức bồi thường khoản chiến
phí rất lớn. Marshall cùng với Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault, và Ngoại
trưởng Anh Ernest Bevin đã phản đối mọi kế hoạch nhằm làm tê liệt kinh tế
Tây Đức hoặc tách nó khỏi Tây Âu, vì lý do sự hồi phục kinh tế của Đức được
xem là rất cần thiết cho sự phục hồi của tất cả các nước Tây Âu.
Vì cả hai bên đều không sẵn sàng thỏa hiệp nên cuộc đàm
phán đã kết thúc trong thất bại. Một bài báo đã viết về những phút
cuối cùng của cuộc họp. Khi Ngoại trưởng Bevin hỏi rằng “Liệu có bất kỳ đề
nghị nào về thời gian hay địa điểm cho cuộc họp tiếp theo không?”, ông đã
nhận được một “sự im lặng hoàn toàn.”
Thực ra, mặc cho các dự đoán về kết cục ảm đạm của cuộc
họp, nó đã diễn ra đúng như những gì các nhà hoạch định chính sách Mỹ
hy vọng. Họ đã ngăn chặn được những nỗ lực của Liên Xô nhằm đẩy nhanh việc
thống nhất nước Đức, cũng như kiên trì ủng hộ sự tham gia của Tây Đức vào
ERP. Họ còn quyết định ngay từ trước cuộc họp rằng nếu cuộc đàm phán thất bại,
Liên Xô sẽ phải là người có lỗi. Và đó chính là những gì đã xảy ra.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét