Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Mỹ rút TPP, Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao?



 Chân Trời Mới Media phỏng vấn ông Lý Thái Hùng

          Hiệp định TPP đã được ký tại New Zealand hôm 4-2. Ảnh: DPA
                                Ký kết TPP tháng 2/2016


Uyên Nguyễn (CTM Media): Còn khoảng 2 tháng mới tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhưng ông Trump đã bắt đầu trình bày về kế hoạch 100 ngày kể từ ngày 20 tháng 1 năm 2017 khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc. Trong kế hoạch 100 ngày, ông Trump tuyên bố là sẽ rút khỏi cuộc đàm phán gia nhập Hiệp Ước Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Obama đã dành 7 năm để theo đuổi việc thành lập khối kinh tế này với 11 quốc gia trong vùng, gồm Nhật Bản, Úc Châu, Tân Gia Ba, Việt Nam, Tân Tây Lan, Mã Lai, Brunei, Canada, Mexico, Peru và Chile.

Tuyên bố của ông Trump đã gây rất nhiều thất vọng cho các quốc gia liên hệ. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố tại Argentina rằng không có Hoa Kỳ, TPP coi như vô nghĩa. Trong khi đó, nhà cầm quyền CSVN rất kỳ vọng vào TPP để mở rộng xuất khẩu và gia tăng đầu tư, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ. Để tìm hiểu vấn đề này, xin mời quý vị thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.

Uyên Nguyễn: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Hiệp định TPP đã được đại diện 12 quốc gia ký thông qua vào đầu tháng 2 năm 2016. Các quốc gia liên hệ có gần 2 năm để quốc hội phê chuẩn cũng như cải tổ một số luật lệ phù hợp với các quy định của TPP, và sẽ bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2018. Điều này cho thấy là tuy TPP còn đến hơn 1 năm mới có hiệu lực, nhưng theo ông thì việc Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP sẽ có làm đổ vỡ hiệp định này hay không?

Lý Thái Hùng: Tuy đại diện của 12 quốc gia đã ký thông qua Hiệp định TPP vào tháng 2 năm nay, nhưng Hiệp định chỉ trở thành chính thức sau khi Quốc hội hay Nghị viện của 12 quốc gia này biểu quyết thông qua.

Hiện nay chỉ có Nghị viện Nhật đã thông qua nhờ nỗ lực của Thủ tướng Abe; những nước còn lại đang trong vòng chuẩn bị, nhất là chờ quyết định bên Quốc hội Mỹ. Qua sự kiện ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều lên những quốc gia đang bị phe đối lập chống đối như Tân Tây Lan, Úc Châu, Peru, Chile.

Tiến trình thông qua ở Quốc hội các nước tốn nhiều thời gian, nên 12 quốc gia mới dành đến 2 năm để mỗi nước tự chuẩn bị và TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi nghị viện thứ 12 trong số các nước thành viên thông qua.

Trường hợp không đủ tất cả 12 nước thông qua trong thời hạn 2 năm kể từ ngày ký vào tháng 2 năm 2016, Hiệp định vẫn có hiệu lực trong vòng 20 ngày kể từ khi hết hạn 2 năm nếu có 6 quốc gia thông qua, với ít nhất chiếm 85% tổng số GDP của 12 nước thành viên.

Trường hợp nói trên chỉ xảy ra khi có cả Nhật và Hoa Kỳ cùng tham gia vì Hoa Kỳ và Nhật Bản đã chiếm 80% tổng số GDP của 12 nước thành viên, trong đó, Hoa Kỳ chiếm 62% và Nhật Bản chiếm 18%.

Nếu dựa theo những nguyên tắc nói trên, Hiệp định TPP có tồn tại hay không nhiều phần nằm ở sự tham gia của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nay ông Trump tuyên bố không tiếp tục đàm phán TPP cho thấy là tương lai của Hiệp định TPP rất tăm tối. Điều này đã phản ảnh đúng như câu nói của Thủ Tướng Nhật Abe tại buổi họp báo ở thủ đô Buenos Aires, Argentina vào ngày 21 tháng 11: “TPP sẽ vô nghĩa nếu không có Mỹ.”

Uyên Nguyễn: Dư luận chung cho rằng việc ông Trump rút ra khỏi TPP đã cho thấy là chính sách xoay trục về Á Châu của Tổng thống Obama chấm dứt và ông Trump muốn bỏ ngỏ Á Châu cho Trung Cộng. Ông nhận định ra sao về các quan tâm này.

Lý Thái Hùng: Mặc dù Hiệp định TPP được coi là xương sống quan trọng cho chính sách xoay trục về Á Châu của chính quyền Obama đưa ra từ năm 2011, tuy nhiên hiện còn rất sớm để có thể kết luận rằng Hoa Kỳ dưới triều đại của ông Trump sẽ bỏ ngỏ Á Châu cho Trung Cộng.

Thứ nhất, ông Trump nói riêng và Hoa Kỳ nói chung không thể một sớm một chiều quay lưng đối với Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan - là những đồng minh cật ruột của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, và nhất là trong tương lai, cho nhu cầu phát triển ngoại thương của Hoa Kỳ tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Thứ hai, tuy ông Trump muốn mang hãng xưởng, nhà máy trở về lại Hoa Kỳ để giải quyết công ăn việc làm cho những người đã bỏ phiếu cho ông, nhưng sự thịnh vượng của Hoa Kỳ không chỉ từ các nhà máy công nghiệp hay tơ sợi mà chính là các ngành về dịch vụ, ngoại thương, kỹ thuật cao và cung cấp nhiên liệu chiếm một tỷ lệ lớn trong trao đổi với các quốc gia Á Châu hiện nay.

Thứ ba, Biển Đông là yết hầu quan trọng cho chiến lược an ninh của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Tuy rút lui khỏi TPP nhưng ông Trump lại chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Việc gia tăng này chỉ mang ý nghĩa khi ông Trump và những người cố vấn của ông coi việc ngăn chặn làn sóng bành trướng của Bắc Kinh là then chốt.

Nói tóm lại, hiện còn quá sớm để nắm vững các chính sách của ông Trump vì chính ông Trump cũng chưa biết phải làm gì một cách cụ thể khi chưa ở vị trí đứng đầu cường quốc số 1, với nhiều áp lực khác nhau.

Uyên Nguyễn : Trong các quốc gia tham gia vào TPP, CSVN là nước hưởng lợi nhiều nhất, với dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 31,5%. Nay Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP sẽ làm thiệt hại cho CSVN như thế nào thưa ông?

Lý Thái Hùng: Nhờ giá nhân công rẻ và chi phí dịch vụ thấp nên đã thúc đẩy đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng, do đó mà trong nhiều năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng gấp đôi bao gồm quần áo, giày dép, máy móc công nghệ và thiết bị.

Đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay là Hoa Kỳ (chiếm 18%), Nhật Bản (11%), Trung Quốc (11%), Nam Hàn (5%), Mã Lai (4%), Úc Châu 3% vân, vân…

Nếu TPP chính thức hiệu lực vào năm 2018, các nước thành viên như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Mã Lai, Úc Châu gỡ bỏ hàng rào thuế quan thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dễ dàng tiêu thụ hơn, và đó là lý do mà nhà cầm quyền CSVN hy vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 31,5%.

Nay Hoa Kỳ không tham gia TPP, dẫn đến hệ quả là Hiệp định TPP có nhiều xác xuất bị đông lạnh hoặc phải thay đổi cấu trúc, đàm phán lại từ đầu. Điều này không chỉ gây bất lợi cho Việt Nam về mặt xuất khẩu mà nền kinh tế có thể gặp nhiều khó khăn khi không còn yếu tố TPP để gia tăng đầu tư FDI, buộc phải lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng “không còn TPP” cũng có tác động xấu về tâm lý quần chúng và đảng viên, cán bộ các cấp.

Uyên Nguyễn: Một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều nhất trong tiến trình CSVN tham gia vào TPP là việc chấp nhận sự hiện hữu của những công đoàn độc lập. Nay Hoa Kỳ rút khỏi TPP, thì viễn cảnh hình thành những công đoàn độc lập sẽ ra sao, thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trong suốt thời gian vận động sự hình thành TPP của Tổng Thống Obama từ cuối năm 2013, lưỡng đảng và các nghiệp đoàn lao động lớn ở Hoa Kỳ đã tạo áp lực để các quốc gia độc tài như Việt Nam phải đáp ứng điều kiện chấp nhận sự hiện hữu của công đoàn độc lập, cải thiện luật lao động và tôn trọng những quyền căn bản của nhân công như quyền đình công, quyền biểu tình để tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của mình và chống lại sự bóc lột của giới chủ nhân.

Điều kiện ràng buộc về quyền lao động không chỉ là những ký kết hứa hẹn suông, mà còn kèm theo những biện pháp chế tài rõ rệt đối với quốc gia vi phạm. Do đó, nếu TPP được thực hiện và CSVN là một thành viên, thì sự hình thành và hoạt động của các công đoàn độc lập sẽ giúp tăng cường sức mạnh của xã hội dân sự và đưa đến những điều luật cần thiết như luật biểu tình, tự do lập hội...

Do đó, khi Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP thì khối này không chỉ giảm sút về sức mạnh kinh tế do mất đi một thành viên cường quốc, mà còn làm suy giảm cả những ảnh hưởng chính trị trong vùng và việc hình thành những công đoàn độc lập tách rời các công đoàn nhà nước chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Uyên Nguyễn: Mục đích của TPP là để tăng cường thương mại và đầu tư giữa 12 nước đối tác, nhưng nếu nhìn trên phương diện đấu tranh thì theo ông, việc TPP tan vỡ sẽ có lợi hay có hại cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam?

Lý Thái Hùng: Tuy công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam, dựa trên chính quyết tâm của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhưng bối cảnh chính trị của thế giới và đặc biệt của các cường quốc như Trung Cộng và Hoa Kỳ, ít nhiều ảnh hưởng đến nỗ lực chấm dứt độc tài tại Việt Nam.

Hoa Kỳ dưới triều đại ông Trump đang có những thay đổi qua những gì ông chủ trương như rút lui khỏi TPP, tiến hành chính sách bảo vệ mậu dịch, tập trung vào nước Mỹ; cụ thể là giảm thuế, lo công ăn việc làm cho giới lao động. Điều này cho thấy là những thay đổi này sẽ dẫn đất nước Hoa Kỳ đi vào những khúc quanh mới, thay vì góp phần bảo vệ an ninh và phát triển cho cộng đồng thế giới, ông Trump quay về với chính sách “Hoa Kỳ trên hết”.

Nói cách khác là đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ từng dựa trên những chân vạc như duy trì an ninh, bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ, cổ võ giá trị dân chủ nhân quyền tại các khu vực có thể không được quan tâm hay thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời ông Trump do chủ trương tập trung làm cho nước Mỹ mạnh lên.

Điều này có thể ảnh hưởng đến vấn đề “thoát Trung” của người Việt khó khăn hơn khi hoàn cảnh mới buộc CSVN phải dính chặt với Bắc Kinh vì chắc chắn nền kinh tế Việt Nam đã khó khăn sẽ khó khăn hơn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ suy giảm dưới chủ trương phong tỏa mậu dịch của ông Trump.

Nhưng nếu nhìn trên mặt tích cực, sự kiện CSVN không còn cái phao TPP để bám víu trong chính sách ngoại giao đu dây, sẽ khiến nội bộ CSVN bắt đầu công khai đặt lại vấn đề hiệp ước Thành Đô, chủ quyền biển đảo đối với Trung Cộng. Đây là những tử huyệt có thể dẫn đến sự bùng vỡ bên trong chế độ trước tình trạng đấu đá ngày một mạnh mẽ giữa phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.

Do đó, hơn bao giờ hết, người Việt quan tâm đến vận mạng dân tộc thấy rõ là phương châm “lấy sức mình làm chính” sẽ là yếu tố quyết định trong công cuộc đấu tranh hiện nay.

Uyên Nguyễn: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét