Công nhân tại một xưởng may mặc ở tỉnh Bắc Giang ngày
21/10/2015.
Sau khi hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương
TPP được coi là ‘chết lâm sàng’ khi tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ
sẽ rút lui, một chuyên gia cho rằng Mỹ nên theo đuổi các hiệp định song phương
với các đối tác trong khu vực này.
Luật sư Sesto Vecchi của hãng luật quốc tế Russin &
Vecchi trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington DC nói Mỹ nên tập
trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam với các điều khoản
đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP.
Ông Vecchi, với hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật ở Việt
Nam cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét
trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác
với các nước trong khu vực để thay thế TPP.
TPP là một trong 3 hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất
mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến tranh. Hiệp định này xóa bỏ
18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và do đó sẽ làm tăng lượng
hàng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, theo bài viết của ông Vecchi trên tờ
báo chính trị chuyên đưa tin tức về Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.
Theo lập luận của luật sư hàng đầu của hãng luật có trụ sở
chính ở Washington và nhiều văn phòng trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường
phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất
khẩu từ Mỹ sang Việt Nam có mức tăng 24%/năm với tổng doanh thu lên tới 7.1 tỷ
đô la và với các các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng
trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Hơn thế nữa, Mỹ là thị
trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Luật sư Vecchi đã trả lời câu hỏi về việc tại sao chính phủ
Việt Nam đồng ý với các điều kiện nghiêm ngặt trong TPP về các tiêu chuẩn cao
hơn về lao động và chi phí lớn hơn về môi trường và cho phép một dòng chảy hàng
hóa và dịch vụ của Mỹ vào Việt Nam? Đó là vì Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều hơn
các mặt hàng quần áo và giày dép vào thị trường Mỹ tiềm năng.
Việt Nam xuất khẩu gần 16 tỷ đô la hàng may mặc và giày dép
vào Mỹ năm 2015 với các nhãn hàng nổi tiếng của Mỹ như Nike, Ralph Lauren và
Calvin Klein. Mặc dù phải chịu mức phí lớn hơn do tiêu chuẩn về môi trường và
lao động cao hơn, như các điều kiện của TPP đã được thương thảo giữa Việt Nam
và Mỹ, nhưng các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những lợi ích lớn khi được hưởng
thuế suất thấp hơn vào Mỹ và gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Trường Thủy của Viện Nghiên Cứu
Biển Đông cho rằng với một hiệp định thương mại song phương, Việt Nam sẽ không
có nhiều lợi ích như Mỹ. Trên trang Twitter của mình, ông Thủy viết khi phản ứng
về nhận định của luật sư Vecchi rằng: “Một TPP song phương sẽ làm thay đổi quan
hệ thương mại Mỹ theo hướng là chỉ có lợi cho người Mỹ.”
Còn trong bài viết của mình, luật sư Vecchi nói một hiệp định
thương mại song phương sẽ làm thay đổi mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ theo hướng
sẽ có lợi cho cả 2 bên nhưng cũng có những cái bị thiệt thòi. Theo phân tích của
ông, công nhân Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng nghìn việc
làm với mức lương cao sẽ được tạo ra nhờ vào việc xuất khẩu của Mỹ sang Việt
Nam trong tương lai và Việt Nam sẽ có được những tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho
môi trường và người lao động trong nước. Còn người bị thiệt thòi nhất, theo ông
Vecchi là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì họ sẽ mất đi thị phần và công việc
do sự cạnh tranh tăng cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nước Mỹ, nhiều người dân và các chính trị
gia phản đối các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả TPP, bởi họ cho rằng
các hiệp định này lấy đi công ăn việc làm của họ. Bà Hillary Clinton, khi tranh
cử tổng thống đã thay đổi quan điểm trước đây của bà từng ủng hộ TPP vì muốn
giành các lá phiếu từ cử tri. Theo The Hill ghi nhận, Tổng thống Barack Obama
cũng đã ngừng tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội đối với TPP trong thời gian cuối
nhiệm kỳ trước khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump lên nhậm chức.
Còn theo ông Vecchi, một hiệp định TPP song phương sẽ làm mối
quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc hơn. Còn nếu không có TPP, tín nhiệm của Mỹ ở Việt Nam
và khu vực sẽ dần mờ nhạt trong sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét