Athena chuyển ngữ
Liệu Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với những hậu
quả chính trị của sự đổi mới về kinh tế?
Vào năm 1986, tại đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI,
các nhà lãnh đạo của nước này quyết định đã đến lúc phải thay đổi. Mười năm đã
trôi qua kể từ khi Đảng Cộng sản thống nhất đất nước dưới sự cai trị của mình,
tính chính danh của đảng này, vốn dựa vào chiến thắng quân sự, đã bắt đầu mai một.
Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự kiểm soát chặt chẽ kiểu xã hội chủ nghĩa đẩy
người dân lâm vào cảnh thiếu thốn sản phẩm nông và công nghiệp. Cách duy nhất để
giải quyết vấn đề là cải cách thị trường, hay còn gọi là “Đổi Mới”.
Ba mươi năm trôi qua, Việt Nam đã thay đổi cả về kinh tế lẫn
xã hội, nhưng nền chính trị của nước này vẫn cứ mãi ì ạch. Đảng Cộng sản vẫn
duy trì thế độc tài quyền lực, bởi rất ít người phản đối điều này bởi hai
nguyên do chính. Thứ nhất, Đảng Cộng sản đã thành công trong việc kiểm soát môi
trường chính trị, ngăn cản tất cả các lực lượng chính trị khác tham gia chính
trường. Thứ hai, nhưng không kém phần quan trọng, là Đảng Cộng sản đã cố gắng
chuyển đổi tính chính danh từ chiến thắng quân sự sang cái gọi là “chính danh dựa
trên thành tích kinh tế.”
Nhờ việc cải cách theo hướng ”đổi mới”, Việt Nam đã tăng trưởng
chóng mặt, thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Giá nhân
công thấp, lực lượng lao động được đào tạo, mở cửa với nguồn vốn nước ngoài, chủ
động tham gia các hiệp định tự dọ thương mại; chính những điều này đã đưa các
doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam. Dòng tiền đổ vào Viêt Nam đã làm giảm tỉ lệ
đói nghèo, tiêu chuẩn sống và tuổi thọ được tăng lên.
Đảng Cộng sản Việt Nam nắm trong tay toàn bộ những thành
công của cuộc cải cách này. Chính tại các kỳ Đại hội Đảng và các phiên họp, các
quyết định quan trọng được đưa ra; các lãnh đạo Đảng là người thiết kế và thực
hiện cải cách thị trường; và Đảng Cộng sản không hề ngần ngại trong việc quảng
bá hình ảnh mình nắm vai trò chính trong cải cách kinh tế. Và do đó người dân
có lý do rõ ràng hơn để ủng hộ Đảng Cộng sản: một hình mẫu kinh tế bền vững và
thành công, chứ không phải là vì họ đã đánh thắng miền Nam Việt Nam.
Sau 30 năm với hai cuộc khủng hoảng tài chính, hiện Việt Nam
đang đứng trên bờ vực của quá trình chuyển đổi còn khó khăn hơn gấp bội. Duy
trì và thúc đẩy đà phát triển kinh tế giờ không chỉ là mang về nhiều vốn đầu tư
nước ngoài, tín dụng và hỗ trợ phát triển. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung
bình, Việt Nam cần phải tái cơ cấu nền kinh tế, tăng tỉ trọng ngành công nghệ
cao, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh
nghiệp tư nhân tại địa phương, giải quyết các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả,
và cải thiện đáng kể thể chế chính trị.
Dường như Đảng Cộng sản nhận ra công việc khó nhọc trước mắt,
như được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, cũng như trong bản báo cáo ”Việt
Nam năm 2035” được đồng thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và Bộ thương mại và đầu
tư Việt Nam. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn sơ đẳng trong việc tái cơ cấu nền kinh
tế đã được tiến hành trong 30 năm qua và dường như sẽ còn tiếp tục trong ít nhất
30 năm tới nữa. Sự thay đổi về mặt kinh tế đã hình thành nên các tầng lớp xã hội
mới và các nhóm lợi ích, hiện đang khá là kín tiếng và khá giả, nhưng chắc chắn
sẽ đòi hỏi tham gia chính trị trong tương lai vì muốn bảo toàn vị trí của họ.
Lấy ví dụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát triển bùng nổ
trong suốt vài thập niên qua. Việc thừa nhận hoàn toàn các doanh nghiệp tư nhân
đã mở ra tiềm năng về chủ nghĩa tư bản Việt Nam với khoảng 500 ngàn doanh nghiệp,
97 phần trăm trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này sử
dụng khoảng một nửa lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt
Nam hãy còn nghi ngờ về vị trí của nhóm doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp vừa
và nhỏ nhìn chung rất cần tiếp cận các khoản tín dụng, ít quan liêu hơn, được bảo
đảm về quyền sở hữu, từ đó họ sẽ tìm kiếm đại diện chính trị thích hợp.
Một nhóm khác mà Đảng Cộng sản phải để ý chính là tầng lớp
trung lưu thành thị. Số lượng người thuộc tầng lớp này sẽ tăng từ 12 triệu người
vào năm 2012 lên 33 triệu người vào năm 2020, chiếm khoảng 50 phần trăm lượng
tiêu thụ của cả nước. Nhóm này sẽ đóng vai trò thiết yếu nếu Việt Nam định xây
dựng một nền kinh tế mới dựa vào các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị
cao và nếu nước này có ý định trở thành một “quốc gia khởi nghiệp”. Nhóm người
trung lưu này với ý thức cao về công bằng xã hội sẽ thúc đẩy các chiến dịch đặc
biệt qua mạng xã hội, đóng vai trò như bộ khuếch tán các bất bình – từ công
nhân đình công cho đến thảm họa môi trường. Hơn nữa, qua quan điểm của tầng lớp
trung lưu – và đặc biệt là lớp thanh niên – thế giới sẽ thấy được mọi diễn biến
bên trong Việt Nam. Đó là lý do vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quan tâm đến
việc đưa các nguyện vọng của nhóm này vào tiến trình chính trị.
Đây chỉ là hai ví dụ về các tầng lớp mới nổi lên trong khung
cảnh xã hội của Việt Nam sau những cải cách kinh tế, nhưng những hệ lụy tăng
trưởng khác có thể sẽ yêu cầu sự thay đổi về chính trị. Một nền kinh tế bùng nổ
đã làm nảy sinh tất cả việc mất cân bằng thường thấy của sự phát triển quá
nhanh chóng: tham nhũng trên diện rộng, bất bình đẳng trong thu nhập và sự chênh
lệch ngày càng lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, cũng như phần lớn người
Kinh và các dân tộc thiểu số. Trong chính trị, số lượng người miền Bắc vẫn nhiều
hơn trong nội bộ Đảng và cơ quan quản lý cũng như điều hành các tập đoàn mang
danh ’nhà nước’.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy
thoái môi trường, nạn phá rừng, xâm nhập mặn, và các tác nhân gây ra như vấn đề
ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội và các sự cố cá chết hàng
loạt trong năm nay. Người dân địa phương đã chứng minh rằng họ sẵn sàng phản đối
vì lợi ích vì môi trường của họ, bởi nó không chỉ là vấn đề về chất lượng cuộc
sống, mà còn là sự sống còn về kinh tế của các cộng đồng dân cư lớn ven biển.
Tất cả những chuyện này đều có thể trở thành vấn đề cho tầng
lớp lãnh đạo bởi nền báo chí và mạng xã hội tương đối cởi mở. Không giống như
Trung Quốc, chính phủ Việt Nam không cấm cửa Facebook và các mạng xã hội quốc tế
khác để dùng mạng xã hội trong nước dễ kiểm soát hơn. Hệ quả là các tin tức
chính trị xã hội được đưa lên mạng tức thì, mà Đảng Cộng Sản chẳng làm gì được.
Đất nước ngày càng trở nên minh bạch, với hàng triệu du khách đến mỗi năm, các
nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến đến tính ổn định và quản lý trong nước, các
tổ chức phi chính phủ ở địa phương và thế giới theo dõi sát sao từng bước đi của
chính phủ Việt Nam.
Điều này không có nghĩ là Đảng Cộng sản Việt Nam không hề cảnh
giác với những mối nguy mà cải cách kinh tế gây ảnh hưởng đến vị trí của nó.
Ngược lại, đảng này đã học được cách thích nghi trong suốt ba thập kỷ qua, uốn
nắn cách tiếp cận của họ trong vấn đề ý thức hệ và chính sách. Vì một lẽ, Đảng
Cộng sản Việt Nam từ lâu đã không còn là đảng của tầng lớp công nhân và nông
dân nữa, mà nó đại diện cho “toàn bộ người dân Việt Nam,” bao gồm cả những tầng
lớp xã hội khác.
Hơn nữa, các học giả đã nhận thấy rằng “tư tưởng Hồ Chí
Minh” đã bắt đầu chiếm được vị trí trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản và
đẩy lui chủ nghĩa Marx – Lenin. Điều kỳ lạ là không ai biết chính xác “tư tưởng
Hồ Chí Minh” là cái gì, ngoại trừ việc “là một vận dụng của chủ nghĩa xã hội
vào hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.” Người ta có thể dễ dàng thấy một loạt các
chính sách được đặt dưới các khẩu hiệu kiểu kiểu như vậy.
Dường như bản thân các quan chức Việt Nam đang ngày càng
quan tâm đến chính trị thực sự. Trong hàng ngũ lãnh đạo chính phủ, có thể thấy
động lực rõ ràng để họ tự khẳng định mình là người điều hành hay nhà kỹ trị, chứ
không đơn thuần chỉ là người đại diện của Đảng trong Nhà nước. Và cùng với sự
gia tăng của mạng xã hội, các nhà lãnh đạo ở cấp trung ương và cấp tỉnh đang học
theo chính trị kiểu phương Tây, ví dụ như cho phép giám sát và thực hiện mấy hoạt
động đánh bóng tên tuổi kiểu đi tắm biển để chứng minh biển sạch mặc dù xảy ra
thảm họa môi trường ngay gần đó.
Tất nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản vẫn là sự
độc tài về quyền lực của họ, Khi xã hội Việt Nam phát triển, thì nền tảng xã hội
và các đảng viên trong Đảng Cộng sản cũng phát triển theo. Trong 30 năm cải
cách kinh tế toàn diện hơn, điều cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam, Đảng
Cộng sản Việt Nam sẽ nhận ra mình đang sinh hoạt trong một môi trường hoàn toàn
khác. Liệu Đảng này sẽ trở thành lực lượng chính trị kiểu khác với sự độc tài
quyền lực? Hay nó sẽ thừa nhận sự cạnh tranh giữa phe phái trong đảng như một lựa
chọn thay thế cho một hệ thống đa đảng? Hay nó sẽ quyết liệt ngăn chặn những cải
cách mà chỉ cần một bước nữa thôi là sẽ xóa bỏ hoàn toàn thế độc tài quyền lực
của đảng?
Viễn cảnh nào cũng có thể xảy ra, nhưng Đảng Cộng sản sẽ phải
thay đổi cùng với nền kinh tế của Việt Nam hoặc sẽ bị gạt ra ngoài lề.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét